Nấu xôi gấc không quá cầu kỳ, nhưng để có được những đĩa xôi gấc dậy màu, ngon, ngọt đòi hỏi người nội trợ phải thật khéo léo, nhạy cảm và tinh tế. Và món xôi gấc ngon nhất mà tôi đã từng ăn luôn là món xôi gấc do chính tay mẹ tôi nấu vào những ngày lễ, Tết với tất cả tâm hồn và tình cảm yêu thương mẹ dành tặng cho những người thân yêu nhất của cuộc đời mình.
Trong không khí rộn ràng ngày ba mươi Tết, mẹ không bao giờ quên chọn loại nếp thơm ngon nhất để làm nguyên liệu nấu xôi gấc, dâng lên cúng bàn thờ tiên tổ trong thời khắc giao thừa thiêng liêng.
Mẹ dậy từ sáng sớm, vuốt nếp với nước cho sạch rồi ngâm với nước ấm cho hạt nếp được mềm. Tôi được giao nhiệm vụ ra giàn gấc trước sân nhà hái quả gấc chín ngon nhất đang treo mình lủng lẳng dưới nắng xuân mang vào nhà làm nguyên liệu nấu xôi.
Buổi chiều tối, mẹ vớt nếp ra rổ cho ráo. Tiếp theo mẹ bổ đôi quả gấc, lấy phần ruột gấc cho vào một cái thau nhỏ. Mẹ chế một ít rượu trắng vào thau rồi dùng tay bóp cho rượu và gấc nhuyễn vào nhau. Mẹ bảo, phải dùng rượu thì gấc mới dậy màu, xôi mới đẹp được. Mẹ cẩn thận loại bỏ những mô sợi gấc dài, không tan ra khỏi hỗn hợp.
Sau bữa cơm tối, mẹ cẩn thận, khéo léo trộn phần nạc và hột gấc vào nếp rồi đảo thật đều.
Để xôi thêm đậm đà hương vị, mẹ không quên cho thêm một ít muối vào hỗn hợp nếp trước khi đồ xôi.
Những lần mẹ nấu xôi gấc, tôi thường quanh quẩn bên mẹ, vừa học hỏi cách nấu xôi, vừa giúp mẹ nhen bếp lửa hồng. Mẹ đặt xửng hấp vào nồi cho xôi chín. Trong quá trình đồ xôi, thỉnh thoảng mẹ lại xới nếp lên cho xôi được chín đều.
Khi xôi chín, mẹ cho thêm đường kính trắng, dầu ăn chín với một lượng vừa đủ vào nồi xôi và xới đều lên để tăng vị ngọt và độ bóng cho xôi.
Món xôi gấc thơm ngon được hoàn thành cũng là lúc thời khắc giao thừa đã đến. Mẹ khéo léo đơm xôi ra đĩa dâng lên cúng bàn thờ tiên tổ.
Xôi gấc chín có màu đỏ rất đặc trưng, có vị ngọt của gấc, đường, dẻo thơm của nếp, béo của dầu phụng và tinh dầu gấc. Món ăn dịu nhẹ và thanh tao trong đêm giao thừa trong không khí gia đình đầm ấm đã trở thành nỗi nhớ của những người con xa quê mỗi khi Tết đến xuân về.