Trang chủ Văn học Tùy bút Thuở ấy xuất gia

Thuở ấy xuất gia

Giữ tâm vững chãi trước tám ngọn gió chướng, không để ngoại duyên làm ảnh hưởng, lôi cuốn, xao động. Giữ tâm được vững chãi như thế đi vào đời thì có nghĩa là chúng ta đang tự trau dồi Giới đức và tô thắm thêm cho cuộc đời bằng hương hoa Phật pháp.

367

Năm 11 tuổi, tôi cùng với một người bạn học đến chùa lễ Phật tụng kinh Vu Lan Bồn. Trong lúc tụng, tôi cảïm động lắm với những câu kinh tiếng kệ, đặc biệt là hình ảnh tôn giả Mục kiên Liên xuống ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ. Lúc ấy, ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi là hình ảnh người xuất gia thanh thoát rạng ngời, không vướng bận chút trần ai, và chỉ có bậc xuất gia mới thật sự báo đáp thâm ân cha mẹ một cách rốt ráo. Thế là tôi và bạn tôi đã cùng nhau phát nguyện, sau khi tốt nghiệp tiểu học xong, chúng tôi sẽ xin ba mẹ đi xuất gia. Chúng tôi đã dành dụm tiền quà vặt để thỉnh tượng Phật về thờ, mỗi tối trước khi ngủ đều tụng kinh, niệm Phật và phát nguyện ăn chay. Mỗi tuần chúng tôi đi học Phật pháp và sinh hoạt gia đình Phật tử. Bước đầu học Phật, 2 chúng tôi chỉ được vào bậc “Cánh mềm” của ngành “Oanh vũ” . Tôi vẫn còn nhớ như in 3 điều luật mà các anh chị huynh trưởng ngày ấy đã dạy tôi:

1. Em luôn tưởng nhớ Phật
2. Em hiếu kính cha mẹ và thuận thảo với anh chị em
3. Em thương người và vật
Mỗi sáng sớm trước khi đi học, tôi đều quỳ chấp tay trước bàn Phật và đọc vang 3 điều luật ấy. Sự thành kính của tôi cũng đã cảm hóa chính bản thân gia đình tôi rất nhiều.
Ngày trước chưa biết đến chùa chiền, tôi ngang bướng và ham chơi lắm. Từ ngày biết đi chùa và tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử, Phật pháp đã chuyển hóa tâm tính tôi rõ rệt. Tôi trở nên điềm đạm hơn, không ham chơi nữa. Ngoài giờ học phổ thông, tôi còn đi học thêm Phật pháp ở các nhà anh chị huynh trưởng, tôi ngoan ngoãn hiếu thuận với cha mẹ, anh chị hơn, và không bắt giết côn trùng để vui chơi cùng chúng bạn nữa. Sư chăm chỉ học Phật pháp và luôn đứng đầu trong các cuộc khảo thí kiến thức Phật học, nên tôi đã nhanh chóng được kết nạp vào ngành “Oanh vũ” bậc “Chân cứng”. Dưới sự động viện, khích lệ của các anh chị huynh trưởng, hạt giống bồ đề trong tôi dần được nẩy mầm và được tưới tẩm hằng ngày thêm tươi tốt. Tôi và bạn tôi quyết định xin ba mẹ cho xuất gia.
Gia đình tôi ngày ấy chưa tin hiểu nhiều về Phật pháp, chỉ thờ cúng ông bà. Từ ngày tôi đi chùa và tâm tánh trở ngoan hiền, hiếu thảo hơn, cả gia đình tôi đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Em trai tôi dù không theo tôi đến chùa, nhưng vẫn chăm chỉ lắng nghe và mỗi sáng cùng tôi quỳ trước Phật đọc 3 điều luật của ngành “Oanh vũ”, cậu ấy cũng đã ngoan hơn rất nhiều.
Gia đính tôi vốn theo nghề tiểu thương nên các anh chị tôi ngày ấy bận rộn nhiều việc lắm, chỉ kịp đưa tôi đến chùa rồi vội vàng trở về với việc học hành và phụ giúp ba mẹ buôn bán. Nhưng đặc biệt là cứ mỗi khi đến chùa, nghe các đoàn sinh thanh thiếu đọc đến câu :
– Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống
– Phật tử trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật
– Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
Dù không tham gia sinh hoạt trong gia đình Phật tử, nhưng hầu như cả gia đình tôi đều thuộc nằm lòng 3 trong 5 điều luật của ngành “Thiếu”. Dần dần, cả gia đình tôi đã được chuyển hoá và quay về với Phật pháp, phát tâm quy y.
Tuy vậy, lúc xin xuất gia, ba mẹ tôi vẫn cương quyết một mực cấm cản. Song thân tôi cho rằng, xuất gia là việc lớn khó làm, phải chịu nhẫn nại để vượt qua những khó khăn thử thách về vật chất lẫn tinh thần. Ba mẹ tôi dạy, đợi đến khi tôi khôn lớn trưởng thành, lúc ấy ba mẹ không ngăn cấm. Nhưng bây giờ còn nhỏ, chỉ nên chăm lo học hành và trở thành con ngoan trò giỏi là ba mẹ mừng rồi. Ba mẹ lo sợ tôi không đủ sức chịu đựng, sợ vào chùa không biết tự chăm sóc, sợ thiếu thốn mọi mặt. Nên ngày ấy, ba mẹ tôi rất nóng giận mỗi khi tôi mở miệng nói lên ý muốn xuất gia. Và thật sự, ba mẹ tôi đã tỏ ra lo lắm mỗi khi nghĩ đến viễn cảnh tôi trở thành một tu sỹ. Vì ngày ấy, gia đình tôi, ai cũng nghĩ rằng người tu sỹ rất đáng kính nhưng cũng rất đáng tội nghiệp, phải từ bỏ song thân, sống đời đơn độc, tương chao đạm bạc.
Thế rồi vào một ngày, người bạn thân cùng lớp đã từng khơi dậy hạt giống bồ đề trong tôi ngày nào đã mắc phải cơn bạo bệnh nên đột tử. Lời hẹn ước cùng nhau xuất gia đối với cô bạn ấy cũng đã không còn cơ hội để thực hiện nữa rồi. Tôi buồn và thương tiếc bạn ấy vô cùng. Mãi đến tận bây giờ tôi cũng không lí giải được những giấc mộng của tôi ngày ấy, là do bạn tôi hiển linh bởi một lời hứa chưa thực hiện được, hay do tôi quá thương nhớ bạn mà trở nên như thế. Kể từ ngày bạn tôi mất, bên tai tôi cứ văng vẳng lời nhắc nhở của bạy ấy : “phải nhanh chóng xuất gia”. Mỗi khi đêm về, tôi lại mơ thấy bạn ấy hiện về bảo tôi nhanh chóng thực hiện lời hứa. Và tôi cũng bắt đầu phát bệnh đau ốm thất thường. Tôi đem những chuyện này kể cho ba mẹ nghe, gia đình tôi lúc ấy rất hoang mang lo sợ, bảo rằng có lẽ linh hồn của cô bạn tôi về báo mộng. Nên bất đắc dĩ, ba mẹ đành đưa tôi vào chùa gửi gấm. Với tâm niệm: dưới sự che chở của chư Phật – Bồ Tát và chư Tăng – ni, bệnh tình của tôi sẽ thuyên giảm và tôi sẽ trở lại như xưa.
Nhưng có lẽ tôi có duyên với Phật pháp sâu dày. Được vào chùa, tôi như cá được nước, hết bệnh ngay và cảm thấy thích hợp, vui vẻ với nếp sống thiền môn. Đã nhiều lần ba mẹ bắt tôi phải về nhà học hành, cho đến khi khôn lớn rồi tính tiếp, nhưng tôi nhất quyết không theo. Chỉ đáng tiếc là khi mới xuất gia, tôi sống trong một am thất nhỏ, thiếu tăng thân và cũng không có ni chúng để nương theo giới đức tu học. Suốt ngày phải gánh nước tưới rau, bán đồ chay, tương nhang. Chính vì môi trường tu tập ở đấy không phù hợp, mà mỗi khi đến thăm, thấy tôi như thế, ba mẹ rất đau lòng xót dạ , nên họ đã dứt khoát bắt tôi trở về nhà.
Về với gia đình không bao lâu, tôi lại như ngày trước, lại đổ bệnh và lại mộng mị, cứ mơ thấy bạn tôi hiện về, không nguôi thúc dục tôi xuất gia. Thế là một lần nữa tôi lại được vào chùa. Nhưng lần này tôi được đến xuất gia ở một ngôi chùa Tăng trên núi, chính nơi nay đã thay đổi con người tôi hoàn toàn. Nếp sống an bần lạc đạo và phong thái thanh thoát tự tại của chư Tăng nơi này đã un đúc tâm bồ đề trong tôi ngày thêm vững chãi. Mà mãi đến bây giờ, mỗi khi gặp chướng chuyên trên bước đường tu tập, cứ nhớ về chốn bình an ngày ấy, tôi có thể lấy lại được sự bình thản thăng bằng trong tâm trí để đối diện và dõng tiến về phía trước.
Cuộc đời cứ như dòng sông trôi mãi không ngừng, sông dù có khúc trong khúc đục, nhưng khi lội qua sông luôn để lại trong ta những lớp phù sa mầu mỡ. Tôi cứ theo năm tháng mà lớn lên, trưởng thành trong nếp sống Đạo. Và phước duyên đã đưa tôi đến thọ giáo làm đệ tử của Thầy tôi là Ni trưởng thượng Huệ hạ Từ ( trụ trì chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận, Tp.HCM). Có thể nói, mãi cho đến bây giờ, dù được đi đến nhiều nơi, thậm chí ra nước ngoài tu học, tôi vẫn luôn kính ngưỡng thầy như đức Bồ tát Quán Thế âm hoá thân vào đời. Thầy tôi không thuyết giảng giáo điều thâm uyên cao vợi, mà bằng chính thân giáo rất thực tế và đời thường của thầy đã trực tiếp cảm hóa được huynh đệ chúng tôi và hàng ngàn Phật tử. Cốt cách và tư tưởng sống Đạo của thầy đã chinh phục được lòng người. Thầy tôi quan niệm Phật pháp đi vào đời bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông. Chính vì thế mà ngay từ những ngày đất nước còn loạn ly cho đến bây giờ, Thầy tôi đã không từ mệt nhọc dấn thân đến các vùng xa xôi hẻo lánh, đem mầm Phật pháp gieo rắc khắp nơi bằng con đường từ thiện, bằng tài thí pháp thí. Nơi nào chúng sanh đau khổ khốn cùng đều có bóng dáng của Thầy dấn thân vào. Ấy vậy mà những thời khóa tu tập của thầy vẫn luôn chừng mực, thậm chí rất nghiêm ngặt. Có những hôm đi công tác Phật sự về rất muộn, chưa kịp nghĩ ngơi cơm nước, Thầy đã cùng với Ni chúng và Phật tử lên chánh điện hành lễ. Những thời công phu, niệm Phật của Thầy luôn dài và nghỉ ngơi sau đại chúng. Thế mới biết ngọn lửa thiêng Đạo Pháp luôn bừng cháy trong tim Thầy không phút giây ngừng tắt. Thầy là hiện thân của Phật pháp, là tấm gương sáng mà mỗi khi tâm bồ đề trong tôi xáo động, tôi luôn tự nhìn ngắm mình trong tấm gương sáng Của thầy để thúc liễm chính mình.
Cuộc sống có biết bao điều kì diệu mà nếu chúng ta biết quan sát ngắm nhìn, biết trân trọng nâng niu thì những điều đấy không bao giờ quay mặt với chính mình. Tôi may mắn đến Đài Loan tu học, duyên lành hội ngộ gặp được pháp sư Chứng Nghiêm, được đến tham quan các tổ chức từ thiện của Ngài, đặc biệt là các bệnh viện Từ Tế. Tôi cúi đầu đảnh lễ bái phục và cảm động đến rơi nước mắt, không ngờ trong cuộc đời lại có những con người vĩ đại đến thế, âu chỉ có những bậc chân tu, hoá thân của Bồ tát đi vào đời mới có thể gieo rắc, ươm mầm Phật pháp khắp nơi và dùng lòng vô duyên từ phổ độ chúng sanh khắp chốn như thế. Trãi dài các miền Nam-Trung-Bắc Đài Loan, đâu đâu cũng có bóng dáng của tổ chức Từ Tế, những tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân và trẻ em bất hạnh, viện dưỡng lão, các nơi có người vãng sanh, hoặc những nơi xảy ra ách nạn, các bệnh nhân đau đớn đang quằn quại trong bệnh viện luôn có những chiếc áo xanh lam mang biểu tượng Từ Tế kịp thời xuất hiện kề bên để an ủi và xoa dịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Có đến nơi mới thấy được sự nhiệm mầu trong câu kinh Phật dạy, Bồ Tát Quán thế Âm có nghìn tay nghìn mắt và hóa hiện khắp nơi, hễ nơi nào có tiếng kêu cầu cứu giúp thì Bồ tát liền hiện thân đến ban vui cứu khổ.
Xin mượn những lời phát biểu của Thầy tôi mà tôi rất tâm đắc, luôn mang theo bên mình làm hành trang cuộc sống để thay cho lời kết “tôi thiết nghĩ, người làm công tác từ thiện là người đang gieo hạt giống từ bi vào lòng người, nên cần phải có trí tuệ, biết chọn mảnh đất tốt, chăm bón, vun trồng thì hạt giống ấy mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái. Không nên dừng lại ở chổ ‘chữa cháy’, mà phải định hướng chuyên sâu, sát hợp với thời đại. Có như vậy thì Phật giáo sẽ không tách rời thế gian. Đây là con đường nhập thế sinh động nhất, mới nhất trong việc truyền trao hình ảnh và thông điệp tình thương của đức Phật đến gần với mọi người hơn”.
Xuất gia cũng đã 25 năm rồi, và tôi vẫn còn là một phàm phu, một gã cùng tử đang lần dò theo dấu chân Phật để quay về. Những hỷ – nộ –ái – ố phàm tình vẫn còn đó. Nhưng tôi thiết nghĩ, những lời Phật dạy, những câu Kinh tiếng Kệ phải được bước ra từ trong cuộc đời thật tiễn để thể ngộ chân lý. Mặc dù trong cuộc sống tu hành phải đối diện với biết bao cảnh thuận nghịch, nhưng chúng ta hãy giữ tâm trước sau như nhất, kiên định với lý tưởng, luôn giữ tâm ở trạng thái bình thản trước được – mất, khen-chê, vì “bình thường tâm thị đạo”. Giữ tâm vững chãi trước tám ngọn gió chướng, không để ngoại duyên làm ảnh hưởng, lôi cuốn, xao động. Giữ tâm được vững chãi như thế đi vào đời thì có nghĩa là chúng ta đang tự trau dồi Giới đức và tô thắm thêm cho cuộc đời bằng hương hoa Phật pháp.

(Viết nhân mùa đức Thế Tơn giáng thế, PL: 2563 và
kính mừng đại lễ Vesak lần thứ 3 tại Việt Nam)
Đồng Tỏa