Trang chủ Quốc tế Ký Ức nơi đất nước Tháp Vàng

Ký Ức nơi đất nước Tháp Vàng

86

Đó không chỉ là biểu tượng của Phật giáo Myanmar, mà còn là biểu tượng chung của dân tộc Myanmar. Và không ít người mơ ước một ngày nào đó được đến thăm viếng đất nước Tháp Vàng này. Với tôi cũng vậy, thầm mơ ước có ngày sẽ được đặt chân lên đất nước vạn tháp, nơi có nhiều thánh tích và Thánh tăng thông thuộc Tam tạng kinh điển Pàli.


Theo bước chân người đi khất thực


Tôi đến Myanmar vào một ngày bắt đầu mùa mưa, cũng chính là thời gian chuẩn bị cho mùa an cư của chư Tăng theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Ấn tượng đầu tiên làm tôi sửng sốt đó là… chư Tăng quá đông. Đi đâu tôi cũng gặp họ, những tu sĩ mặc chiếc y màu nâu đỏ. Buổi sáng khi mặt trời vừa lên, từ lan can khách sạn, tôi đưa mắt nhìn về bên kia lề đường, nơi có ngôi chùa Ngar Htatt Kyee, chư Tăng trên đường tất bật đi lại. Hỏi thăm một người bạn tu học tại Myanmar thì mới hay rằng chư Tăng ở đây đều phải đi khất thực. Mỗi ngày có hai lần đi khất thực: lúc sáng sớm cho bữa điểm tâm và từ sáng đến gần trưa cho bữa ngọ (bữa chính trong ngày). Vì thế, khi tôi thức dậy lúc trời vừa hửng sáng đã thấy các nhà sư đi khất thực thành từng đoàn. Nhiều nhất vẫn là các chú Sa di, mỗi người một cái bát và một chiếc dù. Cứ thế, họ đi hết nhà này đến nhà khác. Các Phật tử Myanmar thường chuẩn bị cơm và thức ăn từ rất sớm để cúng dường chư Tăng.


Họ đi rất nhanh, thoáng chốc đã mất hút khỏi tầm nhìn của tôi. Điều ấy đã trái với sự suy nghĩ ban đầu của tôi là đi khất thực phải từng bước chậm rãi và khoan thai. Song dù họ đi với những bước chân dài và nhanh, tôi vẫn cảm nhận được sự chánh niệm và bình an trong mỗi bước chân ấy. Và còn một điều nữa, có lẽ họ phải đi khất thực trên những đoạn đường khá xa nên không có nhiều thời gian. Ngôi chùa Naga Laingu, nơi quy tụ trên một ngàn vị Sa di, buổi sáng sau giờ điểm tâm, đoạn đường trước mặt chùa như một bầy ong vỡ tổ. Một ngàn vị Sa di tỏa đi khất thực trong cả thủ đô Yangon. Điều làm tôi ấn tượng và không khỏi buồn cười mỗi khi bắt gặp là hình ảnh những vị Tăng, có thể là Sa di hoặc Tỳ kheo, ngồi trên… nóc xe buýt. Người bạn tôi giải thích: “Chư Tăng bên này đi xe không phải trả tiền, nên phải ‘leo’ lên nóc xe khi xe hết chỗ; còn đối với những vị Tỳ kheo thì cực chẳng đã phải ngồi trên đó để khỏi… đụng phụ nữ, phạm giới Tăng tàn”. Tôi hiểu, song không thể nào nhịn cười được, nhất là mỗi khi xe thắng đỗ lại các trạm xe buýt, tất cả đều nhào về phía trước vì ở đây xe chạy với tốc độ khá nhanh. Phương tiện vận chuyển công cộng tại thủ đô Yangon đa số là xe buýt hoặc taxi, không có xe gắn máy. Xe buýt thì lúc nào cũng chật cứng người; kẻ đu người đứng, nên việc leo lên nóc xe là điều không thể tránh khỏi.


Buổi sáng, đôi lần tôi cũng ra đứng trước tháp thờ Răng Phật Shwedaw, nơi “tập kết” của các chú Sa di chùa Naga Laingu để đón xe tỏa đi các ngả đường khất thực. Tôi hỏi thì được biết mỗi chú có một khu vực riêng, một con đường riêng. Nơi đó có những Phật tử “mối” đặt bát cho các chú. Những vị sư lạ đến đây chưa chắc được đặt bát vì số lượng cơm và thức ăn thí chủ chuẩn bị có hạn, đủ cho số lượng cúng dường các sư thường xuyên lui tới. Với số lượng chư Tăng quá đông nên mật độ đi khất thực trở nên dày đặc. Tại những vùng nông thôn, chư Tăng đi khất thực còn có nhiều thời gian để thí chủ lễ lạy xin giảng pháp; quý sư tụng kinh chúc phúc và giảng bài pháp ngắn cho thí chủ sau khi nhận phẩm vật cúng dường. Tại Yangon, tôi chỉ nghe được câu “Sadhu! Sadhu!” (Lành thay! Lành thay!). Thậm chí, nhiều lúc chưa kịp “Sadhu”, chỉ nhoẻn miệng cười thì người đã mất dạng. Có lẽ những thí chủ cũng thông cảm vì chùa ở quá xa so với nơi đi khất thực nên phải vội vã để kịp thời cơm trưa, sau 12 giờ trưa chư Tăng hoàn toàn không được ăn gì nữa cả. Từng người đến rồi đi, nồi cơm và thức ăn của thí chủ nhanh chóng hết sạch. Giờ đây tôi mới phần nào hiểu câu nói của một chị Phật tử Việt Nam sinh sống tại Myanmar: “Đất nước này ra đường chỉ thấy toàn phụ nữ, đàn ông thì hoặc là đi tu, không thì phải đi lính. Nhất sư nhì binh!”. Chị nói gọn lỏn.


Bài học về sự tôn kính


Yangon, nơi tôi đến đầu tiên là hai ngôi chùa phía trước khách sạn, chùa Chauk Htatt Kyee và Ngar Htatt Kyee. Hai ngôi chùa nằm trên hai khu đất đồi rộng lớn, đối diện nhau bởi đại lộ Shwegondine. Cổng chùa Ngar Htatt Kyee với hai con nghê lớn án ngữ trước mặt tiền. Trời mưa lâm râm. Tôi lần bộ với cây dù trong tay và bộ đồ tu sĩ “không giống ai” giữa xứ sở Phật giáo Nam truyền này. Từ dưới đường đi lên chùa là một đoạn đường dài với nhiều bậc cấp được lót đá granit trắng. Tôi lững thững bước đi, chợt nhận ra rằng hình như mọi người đang nhìn mình với sự chú ý rất lạ. Tôi tự nhủ thầm có lẽ mình là người ngoại quốc, lại ăn vận kiểu Bắc tông “khác người” này nên có lẽ đã gây sự chú ý cho họ. Nhưng không, họ thấy tôi ăn vận lạ chỉ một phần; cái họ để ý là dưới… bàn chân của tôi. Tôi liếc nhìn họ và chợt phát giác mình đã sai lầm khi không quan sát kỹ mọi người trước khi vào chùa. Tôi nhận thấy mọi người đều tháo bỏ dép và cầm trên tay ngay từ bậc cấp đầu tiên nơi cổng chùa. Tôi hơi mắc cỡ và cũng hiểu ra vấn đề, vội cúi xuống tháo đôi dép đang mang trong chân. Tôi thầm cười về bài học này. Người dân Myanmar rất cung kính và trang nghiêm khi bước vào chùa tháp. Họ ăn mặc rất nghiêm túc và ít có thái độ đùa cợt, chạy nhảy ở những nơi tôn nghiêm. Trong khuôn viên chùa không bao giờ được phép mang dép, dù trong chùa có những con đường bằng đất gồ ghề không được lót gạch đá. Tại tháp vàng Shwedagon, tôi cũng thấy mọi người đi chân trần. Ở mỗi nơi chùa tháp đều có những chiếc bàn gửi giày dép và dù. Nếu không muốn gửi thì có thể xin một túi nylon và xách đi, chứ tuyệt đối không được mang giày dép trong khu vực chùa tháp.


Khi tôi đến Rừng thiền Pa Auk, chuyện giày dép cũng làm tôi hết sức cảm động. Hai cha con một người Phật tử vào thăm chư Tăng. Người cha chở đứa con trai trên chiếc xe máy, đứa con trai ngồi phía sau tay cầm hai đôi dép của hai người. Khi ra đến gần cổng rừng thiền mới lấy dép ra mang. Hình ảnh ấy đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh về việc giáo dục đạo đức và văn hóa Phật giáo của họ. Đây tuy là một việc nhỏ nhưng nó lại bày tỏ sự tôn kính của người Phật tử đối với già lam thánh địa. Những người Phật tử bộ hành trong rừng thiền cũng vậy. Khi gặp chư Tăng đều cởi bỏ dép ra đứng trên đất, chắp tay cung kính xá chư Tăng. Một hình ảnh làm tôi nhớ mãi đó là những ngày Phật tử nữ vào cúng dường phẩm vật cho chư Tăng. Nhất là những ngày mưa, khi gặp chư Tăng họ đều xếp dù quỳ xuống; thậm chí nhiều người còn ngồi xẹp xuống đất theo kiểu ngồi của người Thái – Miến, mặc cho trời mưa và đường ngập nước. Có lẽ đây là một nét văn hóa đẹp của người Phật tử Myanmar mà không phải ở đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp.