Trang chủ Tết Việt Phong tục Vì sao có Tết Nguyên đán?

Vì sao có Tết Nguyên đán?

78

Mốc tính tuổi

Từ cổ con người đã sớm phát hiện ra chu kỳ chuyển động của Trái đất và Mặt trời, Mặt trăng cũng như các vì sao. Người ta đã sớm nhận thấy cây cỏ xung quanh cứ đến một thời kỳ gặp thời tiết lạnh giá, có nơi còn bị băng tuyết phủ kín, thì cỏ cây bị chết. Sau một thời gian thời tiết thay đổi, ấm áp, tuyết tan, cỏ nảy mầm xanh trở lại. Vì vậy cứ mỗi lần tuyết tan, cỏ cây nảy mầm xanh người ta coi là một chu kỳ, và gọi là một tuổi.

Người bao nhiêu tuổi là người nhìn thấy bấy nhiêu lần cỏ xanh. Cũng có vùng người ta lại căn cứ vào hoạt động của chim. Khi trời lạnh chim bay đi, tuyết phủ, quang cảnh buồn, vắng vẻ. Khi trời ấm, tuyết tan, chim bay về quang cảnh lại nhộn nhịp. Người dân lấy mốc chim bay về để tính là một tuổi… Như vậy khái niệm tuổi vốn từ cổ xưa đã gắn liền với quy luật chu kì hoạt động của động thực vật.

a
Sau mỗi chu kì của cỏ cây, chim, cá người ta lại bảo nhau con “Năm” sắp đến đấy


Gọi là "năm mới" vì sao?

Theo dân gian kể lại khi xưa, sau một thời gian băng tuyết lạnh giá phải nhịn đói, khi tuyết tan trời ấm chim muông bay về thì cũng có một con quỷ xuất hiện. Con quỷ này chuyên bắt chim, bắt cá ăn thịt. Nhưng cũng có khi bắt chim cá ăn không đủ con quỷ này lại vào các xóm để bắt cả người. Khi đã no nê thì con quỷ này bay đi và không trở lại nữa. Lần sau khi chim cá về thì lại có một con quỷ khác cùng giống bay đến, ăn xong nó lại bay đi. Giống quỷ này có tên gọi là “Năm”.

Vì vậy cứ sau mỗi chu kì của cỏ cây, chim, cá người ta lại bảo nhau con “Năm” sắp đến đấy, con “Năm mới” sắp đến đấy… để chuẩn bị đề phòng. Lâu dần thành quen và “năm mới” trở thành tên gọi đầu mỗi chu kỳ. Cũng như vậy việc mọi người chúc nhau mỗi khi “năm mới” đến được bình yên, khỏe mạnh, vui vẻ… đều có nguyên nhân gắn với sự xuất hiện của giống quỷ có tên là "Năm" trong chuyện cổ tích này.

“Năm mới” bắt đầu vào lúc nào?

Điều này cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm và cách tính lịch.

Thời cổ chưa có lịch nên thời gian trong năm vẫn theo cách phân chia các tiết khí (các tiết khí lại do người Trung Quốc cổ căn cứ vào chu kỳ quay của sao Mộc để phân chia nên nó không phải theo âm lịch hay dương lịch ngày nay mà chỉ gần trùng với dương lịch mà thôi), do đó việc xác định ngày "Nguyên đán" mở đầu năm mới cũng có những điểm chưa thống nhất.

Thí dụ trong "Kinh thi" phần nói về nhà Chu có câu niên chung vi thập nguyệt, tuế đầu vi thập nhất nguyệt nghĩa là cuối năm là tháng 10 còn đầu năm là tháng 11 nghĩa là "Năm mới" được bắt đầu vào tháng 11. (Có lẽ vì thế mà ở Việt Nam tháng 11 âm lịch được gọi là tháng Một).

Phải đến khi dùng lịch Thái sơ (khoảng năm 104 trước Công nguyên) thì mới chính thức có qui định tháng 12 (tháng Chạp) là tháng cuối năm, tháng Giêng là tháng đầu năm (gọi là tháng Giêng chứ không gọi là tháng Một nữa). Thực tế xác định năm mới từ tháng Giêng có vẻ hợp qui luật thiên nhiên hơn vì lúc này cỏ cây mới nảy mầm, mới khai hoa mở đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số dân tộc thiểu số của Trung Quốc và Việt Nam do không biết hoặc không muốn theo lịch Thái Sơ nên vẫn ăn Tết "năm mới" theo cách tính từ thời Chu nghĩa là vào đầu tháng 11 âm lịch.