Trang chủ Diễn đàn Tết: Giải pháp cho vấn đề dán tiền lẻ lên tượng Phật

Tết: Giải pháp cho vấn đề dán tiền lẻ lên tượng Phật

94

Nhưng, điều quan trọng là nó ảnh hưởng không hay đến hình ảnh Phật giáo, khi những việc làm như vậy đến hẹn lại lên được nhắc đi nhắc lại, mà hướng giải quyết thì rất giới hạn.

Năm nay, có lẽ các cơ quan truyền thông Phật giáo nên đề cập đến điều này trước khi nó lại diễn ra, và các cơ quan truyền thông rộng rãi lại phản ánh, than phiền, bình phẩm.

Dưới đây là một số giải pháp đề xuất của chúng tôi:

Quan điểm cơ bản của chúng tôi là trước mắt, các chùa chiền miền Bắc có thể tìm cách “sống chung” với việc dán tiền lẻ lên tượng Phật trong một thời gian, trước khi có thể đi đến việc giải quyết dứt khoát vấn đề này.

Các hình thức dán tiền lẻ lên tượng Phật phải thỏa mãn các yêu cầu:

–    Bảo đảm việc không làm mất trang nghiêm tượng Phật.
–    Dần dần chuyển hóa một thói quen không hay.
–    Khách lễ chùa vẫn có thể thỏa mãn việc dán tiền lẻ cầu phúc theo nguyện vọng của họ.

Các phương thức cụ thể đề xuất như sau:

–    Làm sao chỉ cho phép dán phía dưới chân tượng Phật mà thôi. Cụ thể, làm một bảng dày đặt dưới chân tượng Phật, ghi chú rõ “Tịnh tài xin dán vào đây” và dán một vài tờ tiền mẫu. Trên bảng có băng keo 2 mặt, chỉ cần đặt tiền vào là tiền dính vào bảng. Khi bảng đã dán kín tiền thì lấy đi, thay bảng mới cũng có băng keo 2 mặt (có thể dùng lại nhiều lần).

–    Chúng tôi nghĩ rằng, dù tiền lẻ, tiền chẵn, khi cúng lên Tam bảo, dùng cho Phật sự vẫn là tịnh tài. Chỉ có cách trình bày việc hiến cúng sao cho thích hợp mà thôi.

–    Dần dần chuyển sang một khay hình thức đẹp, tạo vẻ cung kính, cũng để sẵn một vài tờ tiền lẻ để hướng dẫn cũng như ghi chú “Tịnh tài xin đặt vào đây, không nên dán lên tượng Phật”.

–    Nếu 2 phương án trên không hiệu quả, thì bó hẳn dưới chân tượng Phật, tượng Hộ Pháp một vòng giấy cứng hoặc simili màu đỏ. Ghi chú: Cầu an (tịnh tài xin dán vào đây).

–    Mục tiêu của 3 phương án trên là “sống chung với thói quen dán tiền lẻ”, nhưng chỉ cho phép dán (đặt) dưới chân tượng Phật, tượng La Hán, không làm mất sự tôn nghiêm, phạm vào kim thân thánh tượng.

–    Ngoài ra, qua TV, tôi thấy các đài truyền hình chiếu cảnh chùa chiền nước ngoài làm hồ ném tiền lẻ cầu cho ước muốn. Hình thức hồ như vậy có thể đặt bên ngoài chánh điện, dưới chân một tượng Phật. Hồ được chú thích rằng đây là hình thức cầu phúc, cầu nguyện cho ước muốn, đã có ở một số đình chùa châu Á. Quý thiện tín có thể nói lên điều ước muốn, cầu mong nó trở thành hiện thực khi ném đồng xu vào hồ.

–    Nhà chùa tổ chức đổi tiền xu cho thiện tín. Trong hồ có sẵn tiền xu để chỉ dẫn.

Chúng tôi không tán thành việc dán tiền lẻ lên tượng Phật. Những biện pháp đề xuất chỉ là những biện pháp tình thế, sống chung tạm thời, để dần dần tiếp đến giải quyết triệt để vấn đề.

Cúng tiền vào lên tượng Phật thì không sai. Chỉ sai ở chỗ khi hành động đó làm mất trang nghiêm tượng Phật. Vì vậy, trước mắt chỉ cần làm sao di chuyển vị trí dán tiền lẻ, rồi sau đó tìm những hình thức trang trọng hơn.

Cũng có ý kiến là ở Bình Dương, người ta có một số mẫu tượng gốm đồng tử quỳ gối dâng cúng đức Phật. Chi phí tượng gốm không cao, có thể đặt nhiều tượng vây quanh tượng Phật, người muốn dán tiền không thể đến sát tượng Phật để dán lên thân tượng mà chỉ có thể tiền đặt lên tay tượng đồng tử, hoặc dán tiền lên tượng đồng tử, là vẫn thực hiện được tập quán dán tiền (lên tượng đồng tử), không làm mất trang nghiêm tượng Phật, và được hiểu đồng tử có trách nhiệm chuyển tiền cúng lên Phật.

Xin nhắc lại, việc cúng tiền lên tượng Phật, dù tiền chẵn 500.000đ, tiền lẻ 500đ điều đáng quý, đáng trân trọng. Một em bé chỉ có vài ngàn trong túi, nhưng cúng hết lên tượng Phật là quý lắm chứ.

Chỉ có hình thức cúng được tổ chức sao cho thích hợp, trang nghiêm mà thôi. Trên đây chỉ là những đề xuất chuyển đổi nhỏ về hình thức, nhưng có thể, nó sẽ không làm cho vấn đề dán tiền lẻ lên tượng Phật lùm xùm trên báo chí, ảnh hưởng không hay đến đạo Phật chúng ta.

MT