Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình với Tổ Tư vấn trong bài giải đáp. Tổ Tư vấn đã phân tích bổn phận của một tu sĩ Phật giáo, đã trưng bày những con đường mà người tu sĩ có thể đi và tâm đắc với câu cuối: “Có một số ít chư vị phát tâm đảm đương chức phận trú trì”.
Như thế, chức phận trú trì là một thiên chức khó khăn và cao đẹp. Trú trì là gánh vác vai trò hoằng dương Chánh pháp, lãnh đạo tinh thần của Phật tử địa phương.
Trở lại câu hỏi của Phật tử Nguyên Ánh ở Xuân Lập, Long Khánh, Đồng Nai. Tôi xin trích: “… Thế nhưng mỗi khi gia đình chúng con có hữu sự cầu an, cầu siêu đến chùa thỉnh thầy làm lễ cầu nguyện ĐỀU bị thầy từ chối…”, chính điều này làm tôi băn khoăn! Vì tôi biết thầy Tâm Định rất giỏi khoa nghi, ứng phú đạo tràng. Vậy thầy chỉ đi cúng ở mọi nơi trừ địa phương mình ư? Thật là vô lý…!?
Và đây là tâm sự của thầy Tâm Định, trú trì chùa An Lộc, xã Xuân Lập, Long Khánh, Đồng Nai: “Đôi lúc đã nhận lời đi cúng ở nơi khác, Phật tử đến mời, mình phải từ chối. Phật sự cũng phải đủ duyên mới thành tựu, biết làm sao được! Và tôi cũng có từ chối một vài gia đình vì thái độ của họ. Suốt năm họ không bao giờ đến chùa, khi nhà có ma chay thì đến mời. Tôi nghĩ đó cũng là việc nên làm, vì có thể đây là cơ hội để họ đến với đạo. Nhưng khi tới nhà thì thái độ họ rất cao ngạo, xem vị thầy như “kẻ tụng kinh thuê”, không nghe theo sự sắp xếp của mình (thiết bàn Phật bên xó hè), làm sao tôi có thể đứng đó mà tụng kinh…”.
Như vậy, thứ nhất, chữ “đều từ chối” của Phật tử Nguyên Ánh nêu trong thư là không đúng. Thứ hai, Phật sự cũng đủ duyên mới thành, thầy không thể một lúc phân thân làm Phật sự nhiều nơi được. Thứ ba, từ chối những gia đình có thái độ xem vị thầy đến làm Phật sự như là “làm công” cũng hoàn toàn đúng…
Nhân đây, tôi cũng xin nêu quan điểm của mình: Tôi tán thành ý kiến của Tổ Tư vấn khi cho rằng “tu học” hay “đi cúng” đều là phương tiện, bình đẳng đối với tu sĩ. Thật vậy, Bắc tông Phật giáo lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm kim chỉ nam trong đời sống tu tập. Như vậy, chúng sanh là đối tượng để phụng sự đồng thời chúng sanh là phương tiện để tu tập…
Nhưng độ chúng sanh không có nghĩa là ai bảo làm gì thì ta phải làm theo ý họ. Người tu chỉ phụng sự chúng sanh (cũng là tạo phước cho mình) theo Chánh pháp và từ chối tất cả mọi việc khi thấy việc ấy phi pháp. Ở đây, chỉ nêu trường hợp Phật sự trong ma chay làm điển hình.
Khi còn lưu trú tại TP.HCM để tu học, tôi cũng đã từng đi đám và trong một vài trường hợp phải ngậm ngùi ra về.
Mời thầy đến tụng kinh để cầu nguyện cho cha mẹ nhưng không theo sự chỉ dạy của thầy: quan tài và bàn linh trang trọng ở căn giữa, hoa trái tốt tươi, còn bàn thờ Phật để ngoài hiên, đèn không, hoa héo, khăn bàn nhếch nhác, tượng Phật bụi dơ…
Nương nơi oai lực của Tam bảo để cầu cho cha mẹ siêu độ mà bàn Phật không trang nghiêm, thử hỏi làm sao Phật chứng cho tấm lòng bất kính ấy?
Sự trần thiết chuẩn mực là “Tiền Phật hậu linh” thì hương linh mới nương nhờ uy lực của Tam bảo để siêu sanh. Trừ khi hoàn cảnh chật hẹp không thể thiết trí như thế thì bàn thờ Phật phải sáng rạng, trang nghiêm.
Nói đến điều này, tôi nghĩ hiện nay đã thành tiền lệ về cách trần thiết ở tư gia khi có ma chay, và chúng ta, những tu sĩ có bổn phận chỉ bày cho Phật tử, phân tích cho họ hiểu nghĩa “Thế gian trụ trì Tam bảo” nhằm sửa sai và y pháp, y luật để phụng hành.
Trở lại vấn đề bài báo, tôi hoàn toàn đồng ý với thầy Tâm Định ở chùa An Lộc, Long Khánh, Đồng Nai, từ chối những đám ma chay khi người thân trong gia đình bất kính đối với Tam bảo, xem vị thầy tu như “dịch vụ mai táng” để phục vụ nhu cầu ma chay khi họ cần.
Tóm lại, tôi không đồng ý cách đặt vấn đề của Phật tử Nguyên Ánh vì đạo hữu quên là không phải đối với ai, thầy cũng từ chối. Tôi đồng tình với lối phân tích, giải đáp của Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ. Sau cùng, thân chúc thầy Tâm Định thân tâm thường lạc, chúc Phật tử Nguyên Ánh tăng trưởng công đức để phụng sự đạo pháp, kính chúc Tổ Tư vấn sức khỏe để phụng sự chúng sanh.