Áo dài khăn đóng nam giới trước năm 1975 được giới Phật tử sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các dịp lễ tết.
Trên pháp tòa chùa Xá Lợi, trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, thường thấy các vị cư sĩ mặc áo dài khăn đóng, thường là màu xanh dương, đăng đàn thuyết pháp, hành lễ.
Mãi tới gần đây, một số cư sĩ cao tuổi hội viên Hội Phật học Nam Việt cũ vẫn mặc áo dài khăn đóng trong các khóa lễ Phật đản, phong thái rất uy nghi, trang trọng.
Điều đáng tiếc là ngày nay, tại TPHCM chiếc áo dài khăn đóng dành cho nam giới hầu như không còn được thấy nữa, kể cả ở các cụ ông cao tuổi và trong ngày tết.
Dịp Hội nghị Apec được tổ chức tại Hà Nội, chúng ta vui mừng được thấy các nhà lãnh đạo quốc tế dự họp mặc áo dài truyền thống Việt Nam dành cho nam giới (nhưng không đội khăn đóng).
Tuy đó là một dấu ấn phục hồi y phục truyền thống dân tộc dành cho nam giới, thế nhưng, đó chỉ là một điểm nhấn hình thức. Việc phục hồi đã không mở rộng ở cấp độ rộng rãi hơn, ngoại trừ một số lễ nghi đặc biệt như Giỗ Tổ Hùng Vương Mùng 10 Tháng 3.
Nhưng điều lạ, là xem hình ảnh các chùa Việt ở Mỹ, Canada, lại có thể thấy hình ảnh người cư sĩ mặc quốc phục đi chùa lễ Phật, kể cả mặc khi di chuyển ngoài đường, lái xe hơi, điều hầu như không thể đối với áo tràng lam.
Thế thì, tại sao giới cư sĩ Phật giáo Việt Nam trong nước lại không thể đi đầu trong việc phục hồi áo dài khăn đóng truyền thống của dân tộc, trước hết là ở các cụ ông cao tuổi và những bé trai ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Áo dài khăn đóng dành cho nam giới, ngoài vẻ trang nghiêm như áo tràng lam, còn đậm đà bản sắc dân tộc và thể hiện sự trang trọng đặc biệt trong ngày lễ tết.
Một điểm thuận lợi nữa là, như đã nói, nếu như áo tràng lam chỉ có thể mặc trong chùa, thì áo dài khăn đóng có thể mặc đi lại trên đường phố.
Tuy nhiên, việc phục hồi vẫn còn khó khăn. Nếu không đẩy nhanh được tiến độ, áo dài khăn đóng nam giới, y phục cổ truyền ngày lễ của dân tộc dần dần chỉ còn trên mặt báo, chương trình video và giới hạn trong khuôn khổ đạo Cao Đài (thường mặc áo dài trắng).
Việc đẩy mạnh phục hồi dạng y phục truyền thống dân tộc này có thể bắt đầu từ việc lễ chùa ngày tết.
Các vị cư sĩ nam giới giữ nhiệm vụ tri khách ngày tết có thể mặc áo dài khăn đóng trước hết ở chùa.
Áo dài khăn đóng nam giới đánh dấu sự khác biệt của ngày tết, ngày lễ trong chùa so với ngày thường và đó là một nét nhấn cho sự gắn bó giữa Phật giáo Việt Nam và truyền thống dân tộc.
Nếu tiến trình phục hồi thuận lợi, từ các ngôi chùa, ngôi đình, áo dài khăn đóng trở nên quen mắt hơn, xuất hiện nhiều hơn sẽ là một bước tiến trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
MT