Trang chủ Diễn đàn Quá nhiều khói hương trong chùa vào dịp tết

Quá nhiều khói hương trong chùa vào dịp tết

72

Trầm hương, khi được đốt một cách vừa phải, sẽ tỏa ra hương thơm dễ chịu. Nhưng đốt hương nhiều quá, bừng bừng như một lò lửa, thì chỉ làm khét khói bao quanh, nhà chùa cũng mất đi vẻ thanh thoát.

Tôi có khảo sát quy trình đốt hương dịp tết, thì thấy như sau. Hương được người bán đứng trước cổng chùa bán từng bó lớn, vừa cầm tay, rất ít tép nhỏ vài mươi cây. Có lẽ bán bó lớn thì người bán mới có lời.

Khách lễ chùa mua một bó nhang to, thì do tâm lý, và theo thói quen, họ muốn thắp cho bằng hết, để dâng trọn lễ vật là bó hương lên đức Phật.

Mỗi người cúng đốt một bó có đến trăm cây, lửa cháy thành ngọn cắm vào bát hương bàn Phật chính điện thì không thể. Nên trong nội thất chùa, họ cắm vào tất cả bát hương có thể. Kết quả là trong chùa dầy đặc khói, vào một lúc là sặc khói.

Sau đó, họ mang ra cắm vào lư hương lớn ngoài sân chùa cho bằng hết. Lư hương này luôn phát hỏa, khói tỏa lên cao đến mấy mét, khiến phải có người túc trực vứt hương vừa mới thắp vào sô nước dập tắt, tạo nên hành động không đẹp mắt lúc nào.

Nhiều chùa phát loa, dán khẩu hiệu chỉ thắp mỗi người 1 cây hương là đủ, nhưng đám đông thường là không chịu nghe, cứ làm sao để thắp hết bó hương mình mua thì mới chịu.

Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ giúp khách lễ chùa thắp hết số hương mình đã mang tới chùa, nhưng không thắp tập trung, và dàn trải ra trên một không gian rộng ngoài trời, thoáng đãng làm cho khói hương tan nhanh.

Đề xuất của tôi là đối với những chùa có vườn, trong dịp tết, có thể tổ chức tôn trí nhiều bàn thờ chư vị bồ tát, thánh tăng trong vườn chùa, với bát cắm hương.

Nhìn về mặt truyền thông, thì có thể xem đây là một cuộc triển lãm định kỳ ảnh tượng chư vị bồ tát, thánh tăng trong không gian vườn chùa vào dịp tết.

Nhưng đây không phải chỉ là triển lãm để xem, mà còn lập bàn thờ tôn kính trong những ngày tết để đáp ứng nhu cầu lễ bái của khách thập phương, cho nên vừa phải bảo đảm mỹ thuật, vừa phải bảo đảm trang nghiêm, có nghi lễ an vị. Đồng thời, cần có bảng giới thiệu chi tiết về danh xưng, hạnh nguyện, hành trạng của chư vị Bồ tát, thánh tăng để khách trên chùa có thêm những hiểu biết về Phật pháp, về hạnh nguyện, công đức của chư Bồ Tát, thánh tăng.

Lập những bàn thờ, theo hình thức kết hợp triển lãm trong vườn chùa như thế, thì khách thập phương vừa có cơ hội để lễ bái, thắp hương theo cách của họ muốn, vừa được giới thiệu, có khái niệm về chư vị bồ tát, thánh tăng trong đạo Phật.

Cuộc triển lãm kết hợp với thờ phượng ảnh tượng chư Bồ tát, thánh tăng trong vườn chùa có thể kết thúc vào cuối mùa lễ hội tháng giêng, và lại tiếp tục vào tết năm sau.

Đây là ý tưởng của người viết nhằm giải quyết vấn đề đốt nhang tập trung trong chánh điện mỗi dịp tết đến, gây nhiều điều bất tiện, vừa tổ chức một hình thức triển lãm kết hợp cúng bái ảnh tượng chư vị Bồ tát, thánh tăng, mở rộng không gian chánh điện chùa bằng vườn chùa, đồng thời thông tin về giáo lý.

Kính mong bạn đọc đóng góp ý kiến.

MT