Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Vai trò của Trụ trì với công tác Hướng dẫn Phật tử

Vai trò của Trụ trì với công tác Hướng dẫn Phật tử

141

Tầm quan trọng của vấn đề

Đức Phật ra đời là để “Hoằng pháp, độ sinh” trong suốt 49 năm kể từ ngày thành đạo đến ngày nhập niết bàn. Đức Phật chỉ làm một việc duy nhất đó là: “Hoằng pháp, độ sinh” đem giáo lý của ngài đi vào cuộc sống, ích lợi cho cuộc đời.

Khi Đức Phật còn tại thế, ngài nói với các Thầy Tỷ khiêu: “Này các Thầy! các Thầy hãy đi các nơi để truyền bá Chính pháp của Như Lai, các Thầy không được đi nhiều người một hướng, một nơi, một ngả, mà hãy chia ra mỗi người đi mỗi hướng khác nhau”.

Điều đó chúng ta có thể nhận thấy Đức Phật muốn gửi thông điệp đến các đệ tử của Ngài, hãy đem giáo lý của Ngài mà truyền bá rộng khắp để đem lại lợi ích cho chúng sinh, đó là nhiệm vụ chính.

Tiếp nối sự nghiệp “Hoằng pháp, độ sinh” của Đức Phật mà lớp lớp các đệ tử Ngài trải qua bao thế hệ đã không từ mọi gian lao, khó nhọc, kể cả tính mạng để đem “Giáo pháp” của Đức Như Lai truyền bá khắp năm châu để “độ sinh”.

Từ nhận thức này chúng ta thấy: Công tác hướng dẫn Phật tử không chỉ là nhiệm vụ của Ban Hướng dẫn Phật tử mà của mọi đệ tử Phật xuất gia và tại gia phải có trách nhiệm, bổn phận để làm một công việc truyền bá Chính pháp, phổ độ quần sinh, làm cho ánh sáng của đạo Phật lan tỏa khắp nơi đúng như câu mà Chư Tổ thường nói: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” hay “Người đi trước, rước người đi sau”

Thực trạng

Những thành quả đã đạt được: Do lịch sử để lại, Phật giáo miền bắc cả một thời kỳ dài trầm lắng, khoảng 10 năm gần đây phong trào học Phật, tu Phật của tín đồ Phật giáo miền bắc mới bắt đầu sôi động. Điển hình như phong trào tu học pháp môn “Bổn môn Kinh Pháp hoa” của Hòa thượng Thích Trí Quảng, “Thiền Trúc Lâm” của Hòa thượng Thích Thanh Từ và gần đây là “Pháp môn niệm Phật” của Thượng tọa Chân Tính và “Thiền nhạc” của Thầy Chân Quang.

Về phía Giáo hội, những năm gần đây Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử TW và một số các tỉnh thành, đã tổ chức các hội thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử; Hội trại “Phật giáo với tuổi trẻ”, hội trại “họp bạn Khuông Việt”, ….  để thu hút thanh thiếu niên tu học.

Ngoài ra tại các cơ sở tự viện cũng lần lượt ra mắt “Gia đình Phật tử”, “Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử” giành cho giới trẻ. Tại các chùa cũng tổ chức các đạo tràng tu bát quan trai, các khóa tụng kinh Dược sư thất châu, khóa tu một ngày an lạc, Phật thất, Thiền thất, các lớp học giáo lý cho cư sỹ Phật tử, …

Tóm lại: Trong những năm gần đây phong trào tu học Phật pháp của tín đồ Phật tử miền bắc đã bắt đầu sôi động, những pháp hội hàng ngàn người đã không còn là hiếm ở miền bắc, những gương mặt trẻ thơ đi lễ chùa, đi học giáo lý đã trở thành phổ biến ở miền bắc, không còn ám ảnh về bức ảnh chụp lớp giáo lý Hà Nội ngày nào trên trang web “Phật tử Việt Nam” do nhà báo Uyên Viễn chụp với chú thích “Mầm non Phật giáo” là những cụ già 70, 80 tuổi.

Phật giáo miền bắc đã thực sự chuyển mình thay da đổi thịt

Những điều đáng quan tâm

Trong Phật giáo có câu, đi tu để trở thành 3 Thầy đó là: Thầy tu, Thầy chùa và Thầy cúng; Thầy tu lo tu và hướng dẫn Phật tử tu; Thầy chùa là lo xây dựng chùa chiền, lo đối nội đối ngoại, lo cho mọi người đến nỗi không còn thời gian để tu; Thầy cúng là khi đi tu chỉ lo việc cúng kiếng.

Từ ảnh hưởng của quý Thầy cũng đã hình thành 3 hệ thống Phật tử vì “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là: Phật tử lo tu, Phật tử lo làm Phật sự và Phật tử lo cúng kiếng. Ngoài ra chưa kể đến quý Thầy đồng bóng dẫn đến Phật tử cũng là tín đồ của đạo Mẫu.

Phật giáo có câu: “Tu mà không học như đèn không tỏ
                           Học mà không tu Phật tánh lu mờ

Hay nặng nề hơn: “Tu mà không học là tu mù
                           Học mà không tu là cái đẫy đựng sách

Như vậy việc tu và học là gắn liền với nhau. Nhưng thực trạng trình độ Phật học của tín đồ Phật tử là rất không khả quan. Ngoài một số Phật tử ở các đô thị lớn, trung tâm các tỉnh, gần các Hạ trường an cư thì trình độ Phật học của tín đồ Phật tử còn khả quan, còn lại là rất đáng lo ngại.

Có người đi chùa hàng chục năm nhưng vẫn chưa hiểu cuộc đời Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni, chưa biết nhân quả, nghiệp báo là gì, chưa một lần được nghe giảng pháp, chưa một lần được theo các khóa tu.

Nguyên nhân

Ở Miền Bắc Tăng Ni thường không ở chúng mà hay sống theo phương thức “Nhất Tăng, nhất tự” nên công việc bộn bề mà Tăng Ni Trụ trì không thể kham hết được, dẫn đến việc gì cũng biết nhưng không giỏi việc gì cả và không có thời gian chuyên sâu; Không có thời gian nhiều để tu chứ chưa nói đến hướng dẫn Phật tử tu.

Trình độ Tăng Ni Trụ trì cũng đáng báo động: Có những vị Tăng Ni đi Trụ trì, không có trình độ cơ bản về Phật học, không có khả năng đối nội, đối ngoại. Có những Tăng Ni Trụ trì không biết thuyết giảng Phật pháp, không biết hướng dẫn Phật tử tu học, cá biệt có những vị Tăng Ni Trụ trì hướng dẫn Phật tử vào con đường đồng bóng, bói toán, mê tín dị đoan.

Tăng Ni kiêm nhiệm Trụ trì: Như chúng ta thấy, Tăng Ni Trụ trì đã khó làm tròn trách nhiệm; Vậy mà có những Tăng Ni Trụ trì hàng hai, ba ngôi chùa. Cá biệt có những Tăng Ni kiêm nhiệm hàng chục ngôi chùa. Như vậy, những ngôi chùa kiêm nhiệm Trụ trì thì công tác hướng dẫn Phật tử sẽ ra sao? Không nói chắc ai cũng biết kết cục của nó. Đây là hiện tượng “Tham bát, bỏ mâm”.

Như vậy, vai trò của Trụ trì là đặc biệt quan trọng trong công tác hướng dẫn Phật tử.

Giải pháp

Như chúng ta biết cả nước có hàng chục ngàn Tăng Ni đang đảm trách vai trò Trụ trì tại các cơ sở tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Đại đa số chư vị Trụ trì là những người có trình độ, có đạo hạnh và có thâm niên tu hành, có kinh nghiệm giáo hóa chúng sinh.

Nếu chư vị Trụ trì tại các cơ sở Giáo hội này, đều ý thức được vai trò Trụ trì của mình là “Hoằng pháp, độ sinh” thì tôi tin rằng vấn đề thiếu hụt nhân sự hướng dẫn Phật tử như hiện nay sẽ được tháo gỡ một cách khả quan.

Chư vị Trụ trì tùy theo sức của mình mà “Hoằng pháp, độ sinh” tại cơ sở tự viện. Như vậy, vấn đề nhân sự hướng dẫn Phật tử tại các cơ sở tự, viện gần như được giải quyết.

Ban Hướng dẫn Phật tử TW và các tỉnh thành tập trung đào tạo nhân sự, định hướng quản lý điều hành các vấn đề thuộc ngành Hướng dẫn Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử TW và các tỉnh thành thường xuyên tổ chức tập huấn công tác hướng dẫn Phật tử, tổ chức thí điểm các khóa tu tại các tỉnh, thành, huyện, thị và mời chư tôn đức Trụ trì tham dự, học tập kinh nghiệm. Giúp đỡ các khóa tu cho các tỉnh, các huyện, thị vùng sâu vùng xa còn yếu về công tác hướng dẫn Phật tử.

Một số đề xuất

Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, chúng ta có thể “Hoằng pháp, độ sinh” bằng nhiều cách như: Truyền bá bằng băng từ, sách báo, trên mạng Internet, … và đây cũng là phương tiện phổ biến nhất hiện nay của các tổ chức Phật giáo trên thế giới.Theo tôi: Thuyết giảng và hướng dẫn trực tiếp Phật tử tu tập vẫn là quan trọng và vai trò của Trụ trì đối với vấn đề “Hoằng pháp, độ sinh” là đặc biệt quan trọng. Cho nên để phát huy được vai trò của Trụ trì đối với vấn đề “Hoằng pháp, độ sinh”. Tôi kiến nghị một số ý kiến sau:

– Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử TW và các tỉnh thành:

Đề nghị lập đề án thành lập mô hình mới “Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử” tại các chùa; “Liên đoàn câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử” tại các tỉnh, thành và “Tổng liên đoàn câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử Việt Nam” ở cấp TW trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử TW và đề nghị HĐTS GHPG Việt Nam chấp thuận.

Tránh trường hợp tự phát và vượt rào như hiện nay.

Đối với các tỉnh thành:

Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy Ban Tăng sự TW về bổ nhiệm Trụ trì. Khuyến khích Tăng Ni ở chúng và chỉ bổ nhiệm Trụ trì khi đã khảo hạch Tăng Ni có khả năng về trình độ giao tiếp (đối nội, đối ngoại); Thuyết giảng Phật pháp và hướng dẫn Phật tử. Hạn chế dần việc kiêm nhiệm Trụ trì và dẫn đến bãi bỏ không cho Tăng Ni kiêm nhiệm Trụ trì nhiều chùa. Ngoài ra phải thường xuyên động viên, khen thưởng các chùa quy y được nhiều Phật tử mới; Các chùa quản lý, hướng dẫn Phật tử tốt, ….

Đối với chư vị Trụ trì:

Nhiệm vụ chính của Trụ trì là làm cho mọi người trong cộng đồng hiểu Phật.

Trụ trì phải thu thập được nhiều đạo lý thích hợp để phổ biến đạo lý đưa đến sự nhiệt tâm của tất cả mọi người, tránh giáo lý thụ động cực đoan, một chiều, …

Trụ trì phải tập hợp được, đào tạo được một ít người nòng cốt phụ giúp ban đầu, gồm cả xuất gia lẫn tại gia dạy họ giáo lý và cách làm việc.

Thường xuyên khuyến khích công đức truyền bá đạo lý lẫn nhau trong Tăng Ni, Phật tử.

Tổ chức các buổi hội thảo về công tác tiếp cận với những người chưa biết đạo để giới thiệu đạo Phật, cư sỹ cùng tham dự.

Tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng miễm phí để thu hút lớp trẻ như: vi tính, âm nhạc, y tế căn bản, võ thuật, sinh hoạt dã ngoại…

(*) Tham luận của Đại đức Thích Tâm Đức – Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa  tại Hội thảo HDPT, Hải Phòng, 10/12/ 2010