Trang chủ Đời sống Tâm sự Đổ nghiệp

Đổ nghiệp

130

Tôi vô cùng hoang mang, không biết trong việc tu học có gì sai sót để xảy ra bại sự khảo đảo” không? Những gì đang xảy ra cho tôi có phải là đổ nghiệp” để trả tội trước đây mình đã làm không? Xin quý Báo cho tôi biết phải làm gì vào lúc này?


CHIA SẺ


Trừ những bậc Thánh, còn lại không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân, gia đình trong tương lai. Nhưng chắc chắn, những gì đã, đang và sẽ đến với mình đều do nghiệp lực của mình đã gây tạo và nhất là những nghiệp mới; nghiệp được tạo ra ngay chính trong cuộc đời này.


Chuyện của bạn, về bản thân (biệt nghiệp), có thể nói bạn là một Phật tử tốt, biết tu học và phụng sự tha nhân. Tuy nhiên, về hoàn cảnh gia đình (cộng nghiệp), thẳng thắn mà nói, bạn cũng chịu phần lớn trách nhiệm trước thực trạng bi đát của gia đình. Bởi mỗi thành viên trong gia đình đều dự phần vào thành công hay thất bại của chính gia đình ấy.


Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng sự tu học và phụng sự của bạn như đã trình bày là hoàn toàn đúng Chánh pháp. Do đó, bạn cần chấm dứt những băn khoăn, lo nghĩ về các sai sót có thể xảy ra trong pháp tu. Mặt khác, tu học là một tiến trình chuyển hóa tâm, từ xấu ác thành thánh thiện và như thế, giả sử có sơ suất đi nữa thì không tiến bộ nhanh, không chiến thắng phiền não thôi chứ hoàn toàn không để lại bất cứ hậu quả nào theo kiểu bị bề trên trừng phạt hay “bại sự khảo đảo” cả.


Về vấn đề “đổ nghiệp”, theo Phật giáo, nghiệp vận hành theo nguyên lý nhân-duyên-quả, những nghiệp nhân được tạo ra, tương tác cùng với các duyên, đến lúc chín muồi sẽ trổ quả. Phật đã dạy rằng: không một ai có thể ngăn chặn được nghiệp trổ quả khi đã chín muồi. Do vậy, trên lộ trình tu học, nếu lực tu hay phước đức do mình tạo ra không đủ mạnh để tương tác, chuyển hóa nghiệp nhân thì nghiệp quả xấu xảy ra là chuyện bình thường. Nhưng không vì thế mà cho rằng vì tu nên “đổ nghiệp” hoặc “dồn nghiệp để trả hết trong đời này” như các quan niệm lệch lạc về nghiệp của khá nhiều người hiện nay. Thiết nghĩ, người học Phật có chánh kiến cần chú trọng đến vấn đề chuyển hóa nghiệp nhân xấu ác trong hiện tại, còn nghiệp quả đến từ nghiệp nhân quá khứ tốt hay xấu cũng tùy duyên đón nhận.


Trở lại hiện trạng gia đình bạn, chúng tôi nghĩ rằng sự tu tập của bạn hoàn toàn đơn độc, gần như không ảnh hưởng hoặc tác động tích cực đến các thành viên khác trong gia đình. Bạn hãy tự vấn lòng để nhận ra mình có phần chểnh mảng, thiếu quan tâm và tinh thần xây dựng đối với gia đình, nhất là những rạn vỡ trong gia đình trước đó, nếu có? Việc mỗi người tự đi tìm niềm vui cho mình, bạn chọn con đường giác, còn những người khác thì chọn lối mê và kết quả là thực trạng bi đát đã xảy ra. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bạn quá rời rạc, gia đình không phải là điểm tựa tin cậy cho mọi người. Dẫu bạn biết tu học, phụng sự chúng sanh nhưng lại không chuyển hóa, thức tỉnh được chồng và con cái, đây là điều bạn cần phải nhìn lại để khắc phục.


Trước hoàn cảnh thực tế của gia đình, việc đầu tiên, bạn cần nỗ lực hơn nữa công phu niệm Phật của mình để giữ tâm định tĩnh và cầu Phật lực gia hộ cho bạn luôn sáng suốt. Kế đến, bạn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Hãy mở rộng tấm lòng, lắng nghe nhau để hiểu và chia sẻ những khó khăn của nhau là điều cần yếu để cứu vãn gia đình lúc này. Bạn  cần can đảm để nhận lỗi và phải thể hiện được điều ấy: “Em có lỗi với anh, những gì xảy ra cho anh và con là do lỗi của em”, “Mẹ có lỗi với các con, những gì xảy ra cho các con và bố là do lỗi của mẹ”. Chúng tôi tin rằng, sự mầu nhiệm sẽ xảy ra khi người chồng say xỉn và hai đứa con nghiện ngập, cờ bạc được nghe những lời ấy từ chính bạn. Họ đang cần được hiểu và được thương yêu, nên sự trải lòng của bạn sẽ là nhịp cầu kết nối lại truyền thông trong gia đình.


Hẳn gia đình bạn từ lâu đã tắc nghẽn sự truyền thông, nên phải thiết lập lại. Những nỗi khổ, các khó khăn của chồng và con bạn hoặc ngay cả chính bạn cần được sẻ chia trong tinh thần tha thứ, yêu thương, bao dung và cởi mở. Cho đến khi nào sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau được tái lập, gia đình trở nên đầm ấm, thực sự là điểm tựa an toàn, vững chắc cho mọi người thì mới có thể cứu vãn sự đổ nát của gia đình. Tất cả mọi sai lầm, tật xấu đều có thể khắc phục khi con người có được niềm tin, có điểm tựa vững vàng. Bạn hãy là điểm tựa cho gia đình!


Hy vọng rằng những gợi ý của chúng tôi sẽ trợ duyên thêm cho bạn, có đủ sáng suốt, nghị lực và niềm tin để vun đắp, xây dựng lại gia đình hạnh phúc, an vui.