Trong một số ý kiến đăng trên Phattuvietnam.net, có một số ý kiến đi theo hướng xã hội hóa các ngày lễ Phật giáo, trước hết là lễ Phật đản.
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, xã hội hóa Phật đản chẳng hạn, tức là tạo thành một ngày lễ xã hội như lễ Noel, có những mặt trái của nó.
Chẳng hạn, Noel thì thanh niên đổ xô đi chơi bời, nhậu nhẹt, nhảy nhót, đua xe, quan hệ nam nữ phóng túng…
Điều này cũng dễ lý giải, vì xã hội hóa thì phải gắn liền với vui chơi, giải trí.
Không những Noel, mà các dịp lễ diễn tiến theo hướng xã hội hóa cũng rơi vào tình trạng này, chẳng hạn như lễ 1/5 chẳng hạn.
Như vậy, tại sao không đi theo hướng ngược lại, là tôn giáo hóa một ngày lễ xã hội, mà chúng tôi nghĩ ngay đến ngày tết.
Đây là một cách đưa đạo Phật thâm nhập vào đời sống xã hội, mục tiêu của việc Phật giáo hóa ngày tết.
Thực ra, ngày tết và lễ hội tháng giêng đã có yếu tố Phật giáo.
Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là gia tăng các yếu tố Phật giáo trong ngày tết và lễ hội tháng giêng.
Phật giáo hóa ngày tết và sau đó là lễ hội tháng giêng có thể tiến hành theo 2 hướng hình thức và nội dung.
Tết là dịp mọi người đổ xô lễ chùa, thuận lợi này hết sức cơ bản.
Sẽ có cách đặt vấn đề, tết người đi lễ chùa đông đảo, đã là chuyện bình thường. Có gì đâu cần tôn giáo hóa?
Vấn đề ở đây không nằm ở yếu tố đi chùa, mà nằm ở ý nghĩa của việc đi lễ chùa.
Đó sẽ là quá trình chuyển đổi việc đi lễ chùa ngày tết từ sinh hoạt đầu năm tự nhiên sang việc đi chùa trong sự nhận thức trên nền tảng giáo lý.
Ngày lễ tôn giáo, bên cạnh yêu cầu về mặt nhận thức tôn giáo, còn có yêu cầu về mặt xúc cảm tôn giáo.
Thực hiện được đồng thời cả hai mặt như trên, tức là tác động trên cả 2 mặt lý trí và tình cảm, thì mới có thể xúc tiến được việc Phật giáo hóa ngày tết, và lễ hội tháng giêng sau đó.
Đối tượng tác động của hoạt động này là hoàn thể xã hội.
Lực lượng thực hiện là tăng ni và Phật tử thuần thành.
Phương tiện thực hiện là cơ sở Phật giáo, nghi lễ Phật giáo và truyền thông.
Sau đây, chúng ta đi vào phương án cụ thể:
Chùa đã là một điểm nhấn tự nhiên trong ngày tết.
Vai trò điểm nhấn này vừa có yếu tố tích cực, thuận lợi, vừa có yếu tố tiêu cực.
Tiêu cực là ở chỗ nảy sinh ra tâm lý thụ động, không tận dụng hoàn cảnh để tác động đến xã hội.
Chùa cứ việc mở cửa và cứ thế mà khách vào.
Còn số Phật tử thuần thành tích cực công quả ở chùa hàng ngày thì về vui tết với gia đình.
Vì vậy, chùa là do tác động từ người đi chùa, không phải là từ chùa tác động vào xã hội.
Để Phật giáo hóa ngày tết cần cân bằng tiến trình này, như là quá trình tương tác hai chiều.
Nếu chỉ để cho người đi chùa tạo ra hiệu quả điểm nhấn chùa ngày tết, thì chùa không khác gì đình, đền, miếu, phủ, dinh, từ… Người ta cùng làm một động tác là đốt hương, khấn vái. Chỉ khác là khác hình tượng phía sau cây hương.
Còn quá trình ngược lại mà chúng tôi mong muốn, là hiệu quả điểm nhấn chùa ngày tết được tạo ra từ phía nhà chùa, với các tác động đặc trưng Phật giáo, và chỉ riêng đạo Phật mới có mà thôi.
Chùa phải nắm lấy vai trò chủ động, không chỉ mở cửa đón khách, mà cần tích cực tác động lên khách.
Người Phật tử thuần thành phải gánh lấy gánh nặng, không ăn tết ở nhà, mà lên chùa công quả cao điểm, như những ngày Vu lan, Phật đản.
Về hình thức, chùa cần trang hoàng như ngày lễ Phật giáo, với tất cả mọi phương thức: cờ, đèn, biểu tượng Phật giáo, hoa đăng…
Một trong những đặc trưng của sinh hoạt Phật giáo là hướng về ánh sáng. Do vậy, về hình thức tăng ni Phật tử phải làm sao để các chùa bừng sáng trong dịp tết, tạo thành những điểm nhấn tôn giáo đặc trưng.
Nhưng ánh sáng nhà chùa đương nhiên phải khác với ánh sáng nhà thờ. Nhà thờ Noel thì bừng lên trong ánh sáng nhiều màu, nhấp nháy chớp tắt. Trong khi đó ánh sáng nhà chùa là ánh sáng thuần khiết, huyền ảo.
Cái sáng của nhà chùa mà tĩnh, không động.
Cái sáng nhà chùa cũng không phải sáng trưng, sáng gắt, lóa mắt.
Việc chiếu sáng chùa phải trở thành biểu tượng cho cả khu vực dân cư trong những đêm ngày tết (xin xem thêm bài Chiếu sáng chùa tháp, cùng tác giả).
Các phương tiện truyền thông có thể khai thác cho mục tiêu hoằng pháp đều nên được huy động tận lực.
Bên cạnh cành lộc, nhà chùa có thể tặng thiệp, dĩa hình chúc xuân với nội dung giáo lý, đậm đà chất Phật pháp đến với khách thập phương.
Tính chủ động Phật giáo hóa nằm ở chỗ làm sao để nhà chùa giảm đi tính chất không gian đền thờ và tăng tính chất không gian truyền tải giáo lý.
Thay vì đóng cửa nghỉ tết như thông lệ, thì dịp tết (giao thừa, mùng một…) phải là dịp để các quầy phát hành kinh sách hoạt động đỉnh cao công suất.
Trước nay, một số chùa có thông lệ tổ chức khóa lễ cầu an từ giao thừa. Theo chúng tôi, nên dời khóa lễ cầu an (thường chỉ với một số Phật tử thuần thành tham dự, choán hết chỗ chánh điện) để dành không gian chính điện cho người lễ bái và huy động số Phật tử thuần thành vào hoạt động tri khách và hoằng pháp (tặng thiệp chúc xuân có hình Phật, tặng tờ rơi là sách mỏng Phật ngôn…). Để làm sao, lộc khách mang về không phải là đọt cây, nhành hoa, bó hương, mà là những hình thức truyền thông truyền tải nội dung giáo lý căn bản của đạo Phật.
Trong sân chùa cũng có thể tổ chức studio chụp ảnh ngoài trời, trang trí nhiều màu sắc, với điểm nhấn là Bồ tát Di Lặc, vị Phật của mùa xuân. Việc này làm cho ảnh chụp ngày tết của nhiều người sẽ gắn liền với biểu tượng Phật giáo.
Chùa Hoằng Pháp, trong một vài năm, có tổ chức hoa đăng mừng xuân kéo dài qua ngày rằm tháng giêng, với những lồng đèn lớn đậm chất Phật giáo, như đèn hoa sen, đèn chùa Một Cột, đèn chùa Linh Mụ, đèn Pháp Luân, đèn chữ Vạn… Kết quả là hình ảnh những hoa đăng kích thước lớn đó được nhân lên hàng vạn lần trong các bức ảnh kỷ niệm của Phật tử và khách thập phương.
Bài viết này là một bước chi tiết hóa ý tưởng mà chúng tôi đã nêu trong rải rác nhiều bài trước đây, nên những gì đã trình bày rồi tôi cố tránh không nhắc lại. Quý bạn đọc có thể tham khảo trên trang lưu trữ của tác giả ở Phattuvietnam.net.
MT