Sáng ngày 05/04/2019 (nhằm ngày 01 tháng 03 năm Kỷ Hợi), 400 quý thiện nam tín nữ Phật tử về chùa Tiêu Dao tham dự khóa tu 1 ngày an lạc.
Nhân dịp này đại chúng được Đại đức: Thích Tâm Tịnh – ủy viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh – Trụ trì chùa Tiêu Dao thuyết giảng với đề tài: “Chánh Tín Và Mê Tín”, Đại đức chia sẻ: Con người ai cũng có niềm tin, nhưng khi gặp trở ngại trong cuộc sống như bệnh tật, cuộc sống gặp nhiều khó khăn hay muốn làm ăn phát đạt giàu có v..v… thường đặt niềm tin vào một cái gì đó. Nếu họ gặp đúng minh Sư, bạn hiền thì sẽ được chỉ dạy đi theo con đường Chánh tín, nhưng nếu họ tham vọng quá cao, lại cộng thêm gặp phải Thầy tà, bạn dữ thì họ lại mù quáng và sẽ được chỉ dạy đi theo con đường Mê tín”.
Như vậy, Chánh tín Chánh theo nghĩa Hán Việt là sự đúng đắn, ngay thẳng, liêm khiết; Tín là niềm tin. Hai từ “chánh” và “tín” ghép lại có thể được hiểu là niềm tin đúng đắn. Trái với từ chánh tín là “mê tín”, là một dạng tin tưởng thiếu cơ sở, mơ hồ, hoang tưởng, thiếu sự nhận định sáng suốt…không đem đến lợi ích cho cuộc sống cá nhân hay xã hội. Trong đạo Phật, chánh tín phải được hình thành trên cơ sở chánh pháp. Những gì đức Phật nói ra, giảng dạy trong kinh điển của Ngài được gọi chánh pháp. Dựa trên kinh điển đó, chư vị Bồ tát Tổ sư diễn đạt bằng sự giác ngộ của mình, mà được nhiều thế hệ hiện tại và về sau chấp nhận, có thêm thắt các ý làm cho nội dung sáng tỏ hơn, nhằm đem lại phương pháp cho người sau tu tập “luận” cũng có thể gọi là chánh pháp. Ngược lại với chánh tín là mê tín, là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa…. một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là một đạo trí tuệ, đạo như thật, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát. Đi ngược lại giáo lý của Phật đều bị xem là mê tín; mê tín là dạng biểu hiện tâm lý yếu đuối, thiếu niềm tin vào bản thân, cầu viện vào một đấng siêu nhiên, thần lực để cầu xin vụ lợi cá nhân mà bản thân không tự nỗ lực. Sự thờ cúng và cầu nguyện vào một đấng siêu nhiên nào đó để được sự lợi lạc về vật chất rõ ràng đã đi rất xa so với bản chất của đạo Phật, một tôn giáo muốn thoát khỏi sự lệ thuộc của vật chất. Sự giúp ích cho các hiện tượng này vô tình đẩy người đó vào bóng đêm của trí tuệ, dẫn đến một lối sống bế tắc và thiếu định hướng tâm thức.
Cuối bài giảng, Đại đức: “mong muốn quý Phật tử đã Quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới, được nghe các quý Giảng pháp trực tiếp hoặc qua nghe qua các băng đĩa v.v… Vậy Phật tử cần phải nhìn nhận kỹ đâu là Mê tín và đâu là Chánh tín. Nếu Chánh tín cần phát huy tăng trưởng, còn nếu là Mê tín thì cần phải cương quyết dẹp bỏ để không ảnh hưởng đến Phật giáo nói chung và cá nhân nói riêng”.
Sau buổi giảng, đại chúng vào tụng Kinh: “Nghi thức Sám Hối – Hồng danh bảo sám”
Một số hình ảnh ghi nhận
CTV