Trang chủ Bài nổi bật Niệm tâm từ

Niệm tâm từ

1120

Khi trong tâm mang nhiều sân hận, oán thù và ý muốn tàn hại chính mình và người khác, mình sẽ rất đau khổ. Mình thường đỗ lỗi cho người khác, nhất là những người thân yêu, nghĩ rằng mình là nạn nhân. Mình thấy cường độ của khổ đau trong mình ngày càng tăng lên, nhưng mình không biết chính mình là nhân tố lớn nhất làm tăng nỗi khổ đau đó. Một vòng luẩn quẩn của khổ đau – trách móc – thù oán – khổ đau liên tục lặp lại mà chính mình cũng không hiểu tại sao. Mình nhận ra mọi người trên cuộc đời này cũng giống như mình, cũng có khổ đau và oán trách như mình và cũng nghĩ người khác làm mình khổ. Khổ đau cứ thế tăng trưởng và tràn ngập kiếp sống. Thương yêu, tha thứ, thông cảm, chia sẻ… ngày càng trở nên xa lạ, thay vào đó là hoài nghi, ganh tỵ, oán ghét và ác tâm cứ thay nhau làm kiếp sống mình và người vốn đau thương lại thêm đau thương và khổ lụy.

a. Ngồi Yên

Khi một người ngồi được yên và thành thật được với chính mình, người ấy khám phá ra rằng mọi chúng sinh, bao gồm con người, khổ đau hay hạnh phúc là do chính họ. Không có một ai hay một quyền năng ngoại giới nào đủ khả năng làm cho họ khổ đau hay hạnh phúc được. Chính hành động, lời nói và ý nghĩ của họ mới có đủ quyền năng. Họ là tác nhân mà cũng là nạn nhân của chính họ. Những biểu hiện của họ qua hành động, lời nói và ý nghĩ đều là kết quả của những gì họ đã hành động, nói năng và suy nghĩ trong quá khứ. Họ hôm nay chính là họ hôm qua và họ hôm qua sẽ quyết định họ hôm nay. Họ hiểu được sự thật của quy luật nhân quả và quy luật hấp dẫn.

Ngồi thật yên, nhìn sâu và thành thật hơn nữa, họ hiểu biết thêm là hành động và lời nói đều đi theo tâm ý. Chính những quan điểm, nhận thức, tâm tham, lòng sân mới là nguồn cội đích thực của mọi khổ đau. Tâm ý là cha đẻ của khổ đau hay hạnh phúc trong đời. Họ hiểu được câu nói “Ý (tâm) dẫn đầu các pháp” của Phật Thích Ca và câu “Trách người một, trách ta mười” của người Việt Nam xưa. Họ thấy rõ cần phải làm mới, làm đẹp, làm trong sạch tâm ý của mình, nếu mình muốn có hạnh phúc, bình an, yêu thương, trân quý và phúc lạc trong đời sống.

b. Lời Phật

Đức Phật 2600 năm trước đã nhìn thấy trọn vẹn sự thật này. Ngài cho biết “Nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau; nếu với ý thanh tịnh, nói năng hay hành động, an lạc bước theo sau (Kinh Pháp Cứu – Dhamapada – Hòa thượng Minh Châu dịch).” Ngài còn chia sẻ phương pháp niệm tâm từ cho những ai muốn thanh tịnh tâm ý để có an lạc. Kinh Tâm Từ (Metta Sutta – Thiền sư Nhất Hạnh dịch) đã ghi lại lời Phật như sau:

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông… Và sau đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.

c. Niệm Tâm Từ

Niệm tâm từ (như lời Phật ở trên) là một phương pháp tác ý và hướng dẫn tâm vô cùng hiệu quả để có an lạc cho tự thân và hòa bình cho tha nhân. Thiền sư Mahasi Sayadaw và U Silananda rất chú trọng đến niệm tâm từ. Niệm tâm từ có thể thực hành bất cứ không gian và thời gian nào. Buổi sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ rất được khuyến khích. Một người muốn thực hành niệm tâm từ, có thể theo sự hướng dẫn sau đây:

(1) Ngồi yên, nhắm mắt lại, để hơi thở ra vào tự nhiên, cảm nhận sự sống trong từng tế bào của thân thể và cảm nhận thế giới lặng yên, dịu mát của không gian bên ngoài và nội tĩnh bên trong.

(2) Sau khi cảm thấy thân và tâm dễ chịu, lắng động (vẫn ngồi yên và nhắm mắt), hãy khởi lên những ý niệm hoặc nói thành lời như sau: “Nguyện thân tôi được khỏe mạnh, tâm tôi được an lạc, không có oán trách, phiền muộn, tham lam, ác ý và khổ đau. Nguyện cho những người quanh tôi cũng được khỏe mạnh, an lạc, không có oán trách, phiền muộn, tham lam, ác ý và khổ đau. Nguyện tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh đều được an lành, đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị khổ đau và phiền lụy. Nguyện cho thế giới này được nuôi dưỡng và bao trùm bởi lòng từ ái. Thế giới này từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm chúng sinh không còn vương vấn tâm niệm oán thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, thế giới luôn kết nối với nhau bằng lòng từ ái và ý thức có nhau”.

(3) Khởi ý niệm (hoặc nói thành lời) như trên xong, vẫn ngồi yên, mắt nhắm, cảm nhận sự rung động dễ chịu trong thân và sự thoải mái, an lành trong tâm. Sau đó hít vào một hơi dài bằng mũi và thở ra một hơi dài bằng miệng, mở mắt ra trong ý thức chánh niệm và tâm hoan hỷ.

(4) Tiếp theo là khởi tâm hồi hướng những gì vừa làm được đến cho thế giới hòa bình và muôn loài an vui (để kết thúc): “Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, chúng sinh đều tỉnh thức, Phật pháp được thấm nhuần, thế giới yêu hòa ái, muôn loài thương mến nhau”.

Thích Nhuận Đạt