Tình cảnh xã hội Ấn độ vào thời ấy như thế nào, và buổi bình minh nước ấy cách nay mấy ngàn năm ra sao? Ấn độ, một xã hội đa thần, nhiều giai cấp, con người không sao tránh khỏi những họa hoạn từ giai cấp thống trị đang nắm quyền hành trong xã hội. Chán nản cuộc sống, con người bước vào sự tuyệt vọng, sự mất niềm tin, sự chán nản cùng tột vì không có lối thoát nào khác hơn. Người lìa thành thị vào rừng thâm, kẻ khác lại ép xác khổ hạnh, người người không ngớt bàn tán về nguyên nhân của sự khủng hoảng tinh thần, nhưng rốt cuộc không ai đi đến đâu. Con người xoay quanh mọi hướng như tế lễ, cầu khẩn nơi thần linh nhưng không thay đổi được gì, cảnh tang thương vẫn bao trùm lên khắp xứ sở Ấn độ.
Tại cung tời Đâu Suất, đức Bồ-tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế, chư thiên và phạm thiên trong 10 ngàn thế giới câu hội cung thỉnh Bồ- tát giáng phàm để tế độ chúng sanh. Khi thấy đầy đủ nhân duyên, vào một ngày trăng tròn tháng tư âm lịch (tháng Visakka), năm 624BC, tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành Ca-tỳ-la-vệ (kapilavatthu), xứ Nepal ngày nay, bậc Bồ-tát đại sĩ đã giáng phàm. Đây là bước ngoặc quan trọng cho loài người hướng về ánh sáng và hạnh phúc
Sự “đản sanh”, “giáng phàm”, “giáng sanh”, “giáng đản”, “đản nhật”, v.v… đều mang ý nghĩa là ngày mà các bậc Phật, Thánh xuất hiện sẽ mang đến sự an vui vĩnh hằng cho nhân thế.
Trong bộ Buddhavamsa có ghi: Theo thông lệ của chư Phật, mỗi vị Bồ-tát khi đản sanh phải quán sát 5 điều kiện:
1. Thời kỳ (Kàla): Tuổi thọ chúng sanh thời này không quá 1000 tuổi mà cũng không kém 100 tuổi. Lý do là, nếu sống lâu thì con người đâm ra dãi đãi, bất chấp tội phước; còn như yểu số thì con người chỉ lo mưu cầu danh lợi, thỏa mãn vật chất, không đủ thời gian tu niệm. Do đó, Ngài xuất hiện ở thời kỳ này và tồn tại đến 80 tuổi rồi vào Niết-bàn.
2. Quốc độ (Desa): Ngài chọn Trung Ấn Độ, ở đấy không quá giàu mà cũng không quá nghèo, sự bất công và sự phủ phàng lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống. Hơn nữa, có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn luôn là mối đe dọa con người, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.
3. Dòng dõi (Kula): Ngài chọn hoàng tộc Sakya. Vì trong 30 tục lệ của chư Phật, tất cả các vị Chánh đẳng giác kiếp cuối không được tái sanh trong dòng dõi thấp hèn, vì nếu tái sanh vào đó thì sẽ bất lợi cho việc hoằng pháp độ đời. Còn như giáng phàm trong giòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ khế lý khế cơ, do đó sẽ có kết quả tốt.
4. Châu (Padìpa): Loài người đang sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ: Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc cu lô châu và Nam thiệm bộ châu. Ngài chọn Nam thiệm bộ châu vì ở châu này loài người không văn minh kiêu kỳ mà cũng không quá lạc hậu đần độn. Nhờ vậy khi gặp Phật, họ dễ dàng lãnh hội giáo lý, tu hành mau đắc đạo.
5. Cha mẹ (Màtara): Đức Phật là thầy của tam giới nên Ngài phải chọn người có đại duyên, đại nguyện với Ngài trong vô lượng kiếp. Vua Suddhodana và chánh hậu Mahamayadevi, nhị vị này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều ngàn kiếp nên Ngài chọn hai vị này làm quyến thuộc. Chính vì hạnh nguyện Ba-la-mật mà Ngài xuất hiện nơi đời, khai mở, và hướng dẫn đời sống tâm linh cho bao triệu nhân sinh trên trái đất. Từ đó, tên tuổi của thành Ca-tỳ-la-vệ và khu vườn Lâm-tỳ-ni, xứ Nepal ngày nay đã được khắc sâu mãi mãi vào tâm thức nhân loại do sự giáng phàm của bậc Bồ-tát vĩ đại mà sau này là Phật Thích-ca Mâu-ni.
Cũng ngày ấy trên hai ngàn năm trước
Khắp vòm trời nhẹ thoảng một mùi hương,
Hoa không riêng mà chung cả mười phương
Đã nở với tình thương nhân loại.
(Vân Hà)
Ngài chào đời giống như bao nhiêu hài nhi khác nhưng có điều khác thường là thân thể không bị hoen ố mà còn rực rỡ như ánh binh minh. Điểm đặc biệt là khi Ngài Đản sanh, lúc đó thế giới sáng rực trong hào quang và thơm ngát mưa hoa của các vị thiên vương đến cung hạ Ngài, mây trời kết ngũ sắc cúng dường, hoa đàm bừng nở, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi tu di dường như cúi đầu để tiếp đón bậc thầy của nhân thiên, ba ngàn thế giới vang động theo sáu cách (Phương Đông vọt lên phương Tây lặn xuống, phương Tây vọt lên phương Đông lặn xuống, phương Nam vọt lên phương Bắc lặn xuống, phương Bắc vọt lên phương Nam lặn xuống, bốn bên vọt lên chính giữa lặn xuống, chính giữa vọt lên bốn bên lặn xuống). Sau khi Đản sanh, Ngài mở mắt hướng về phía Đông, thấy vô số chư thiên cúng dường hoa cho Ngài. Ngài bèn quay mặt hướng Bắc, ung dung bước đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, ứng khẩu:
Aggohamámi lokámim
Settho ettho anuttaro
Ayaca antimà jàti
Natthidàni punabbhavo.
Dịch nghĩa:
Đây là kiếp chót của ta
Duyên sanh không, không còn nữa
Trên trời và dưới đất
Ta là bậc chí tôn.
Trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên sự kiện hy hữu đã xảy ra, một tin mừng thật sự đã đến với loài người, vì đúng như tên gọi của bậc giáng trần, thái tử Tất-đạt-đa (siddatha) có nghĩa là “vạn sự cát tường”, thái tử sẽ là người mang lại an lạc cho toàn thể chúng sanh đang quằn quại trong vòng luân hồi sanh tử.
Đứng về mặt ngôn từ, quan điểm của Phật giáo Theraveda không dùng từ “Phật Đản sanh” mà dùng từ “Bồ-tát Đản sanh”, vì Phật giáo Theraveda cho rằng, nếu nói Phật Đản sanh thì có người sẽ hiểu Phật đã thành đạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này chỉ là thị hiện lại; nhưng nếu đã là Phật rồi lại Đản sanh thì tại sao đến năm 35 tuổi Ngài còn phải chiến thắng ma vương và thành đạo dưới cội Bồ-đề? Còn quan điểm của Phật giáo Đại thừa, sở dĩ có sự xuất hiện của một vị Phật không phải là biến cố ngẫu nhiên mà chính là kết quả được thành tựu từ bao nhiêu tâm nguyện nung nấu ở quá khứ. Trước khi hóa thân làm thái tử, Ngài sống đời sang trọng sung sướng với vợ đẹp con thơ, rồi thức tỉnh cắt đứt những ràng buộc ân ái để sống kiếp khổ hạnh không nhà của người xuất gia, và sau cùng chứng đạo. Phật Thích-ca trong tiền kiếp đã là vị Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp không hề mỏi mệt. Những việc Bồ tát đã làm chỉ vì một nguyên nhân sâu xa, một “đại sự nhân duyên” như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, đã mô tả: “Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.” (Chư Phật Thế Tôn, dục linh chúng sanh khai Phật tri kiến sử đắc thanh tịnh cố, xuất hiện ư thế. Dục linh chúng sanh nhập tri kiến đạo cố, xuất hiện ư thế). Sự xuất hiện của thái tử Tất-đạt-đa là “nội bí ngoại hiện”. Tất cả những điều ấy nhằm chỉ bày “tri kiến Phật” nơi mỗi con người. Tri kiến Phật chính là cứu cánh rốt ráo của tất cả những nỗ lực của hàng Phật tử, dầu thuộc tại gia hay xuất gia. Tri kiến ấy là kết quả đạt được trong quá trình thực hành Bồ-tát đạo của đức Phật Thích-ca Mâu-ni và cả những chư Phật trong quá khứ. Tri kiến ấy là một cái nhìn thật sâu, thật sáng vào bản thể của nhân sinh quan và vũ trụ quan, mà danh từ Phật học gọi là “như thật tri kiến”. Người nào đạt được một cái nhìn như thế đối với vũ trụ và con người thì người đó đã thực hiện được lý tưởng giải thoát. Người ấy tuyệt đối chẳng còn bị chi phối bởi những biến cố tâm lý, vật lý hay hoàn cảnh xã hội nào.
Chính vì thể nhận rốt ráo sự tướng của vạn hữu và nhân sinh như thế nên Ngài tuyên bố rằng: tất cả mọi người bất kể sang hèn, bần tiện hay cao quý, đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật như nhau. Sự chứng ngộ Phật tánh của mỗi người là tùy vào nỗ lực riêng tư của từng cá nhân, chứ không phải ân huệ của một đấng thượng đế hay thần linh nào cả. Lần đầu tiên con người nghe thấy lời xác nhận hùng hồn đến thế, một năng lực tối thượng trong công trình tự giải phóng chính mình.
Từ trước tới nay, chúng sanh đã trầm luân vô tận theo dòng thời gian, trải qua biết bao kiếp sống khác biệt, nhưng họ vẫn nhìn những kiếp sống ấy như một hiện tượng tự nhiên, một định mệnh tất nhiên đã bày sẵn mà con người không cách nào chuyển đổi. Vì thế, sự kiện Đản sanh của đức Từ Phụ đã chiếu soi một làn ánh sáng mới mẻ, như trong kinh Cửu-la-đàn-đầu (kutadanta sutta) đã xưng tụng: “Thật vi diệu thay! Tôn giả Cồ Đàm! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc”.
Sự Đản sanh là bằng chứng cụ thể cho lời quả quyết: mặc dù trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi nhưng con người là một thực thể có khả năng “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” bằng chính nỗ lực tu tập của cá nhân. Đau khổ hay luân hồi sanh tử không phải là định lý tất yếu, một định mệnh nghiệt ngã mà thực ra chỉ là hậu quả của mê mờ vọng tưởng, của vô minh. Hào quang sáng rực trong ngày Đản Sanh là dấu hiệu báo trước một ngày kia Ngài sẽ xóa tan bóng tối vô minh bao trùm tâm thức con người, đưa con người lên địa vị tôn quý tối thượng.
Thời đại đức Phật xuất hiện là thời đại quá suy đồi và hỗn độn cùng cực của xã hội Ấn Độ mà chúng ta có thể thấy qua các kinh điển. Những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các vương quốc lớn nhỏ, sự tranh giành quyền lực trong những người nắm quyền thống trị, chiến tranh đói rét, bệnh tật làm nảy sanh những cảnh cướp bóc để có sự sống còn đã xảy ra khắp xã hội Ấn Độ thời ấy. Sự tranh giành quyền lực đưa đến thảm cảnh con giết cha, em giết anh để đoạt vương vị. Tất cả xã hội Ấn độ là một cơn lốc bạo loạn khổng lồ, thêm vào đó là sự hỗn loạn tinh thần của 62 học thuyết ảnh hưởng lên tâm trí con người.
Bằng nguyện lực, Bồ-tát đã giáng phàm vào một xã hội như thế. Vì hơn ai hết, Ngài thấy rõ ràng, chỉ trong nỗi đau cùng cực con người mới vươn lên bằng chính khả năng của mình, mà sự vươn lên đó chính là sự đứng vụt dậy xác nhận khả năng giải thoát tiềm tàng nơi bản thân mình, xác nhận giá trị tôn quý của mình. Sở dĩ chúng ta không hiểu nên cho rằng chúng ta cách Phật khá xa, nhưng thật ra là rất gần, gần trong gang tấc. Về lĩnh vực tinh thần, Phật có trí tuệ thuần khiết, có đức từ bi rộng lớn, có sức tự tại vô ngại; nhưng về phương diện nhục thể, qua hiện tượng Đản sanh làm người, Ngài cũng giống như chúng ta. Có điều, ý chí Ngài siêu phàm nên đã đạt đến quả vị tối hậu chấm dứt tất cả khổ đau. Điều đó cũng bao hàm ý nghĩa rằng, toàn thể nhân loại đều có khả năng chấm dứt khổ đau thành tựu Phật quả.
Sự giáng phàm của đức Phật là một bước ngoặt để đánh dấu một sự khai sanh mới cho xã hội Ấn Độ nói chung và toàn thể nhân loại nói riêng. Ngài không buộc ai phải quy ngưỡng Ngài, cũng không buộc ai tin Ngài mà chỉ mong mọi người hãy tin, hiểu và thực hành đúng với tâm nguyện của mình thì mới đem lại cho mình sự liễu sanh thoát tử. Có điều, đức Phật đã chiến đấu chống lại những trói buộc của chính mình, chống lại bản ngã nhỏ bé của mình nên Ngài thành tựu như sở nguyện.
Hôm nay, lễ kỷ niệm 2550 năm là để tưởng nhớ về Người, Bậc khai đạo, chỉ đạo và hướng đạo. Một bậc thầy hoàn thiện trong mọi lãnh vực, để mọi người thấy đó cùng quyết tâm bước theo con đường của Phật, đạt được mục đích như Phật thì biểu ngữ Kính Mừng Phật Đản được treo nơi mỗi tự viện từ Bắc chí Nam, mở mang một ý nghĩa cao đẹp đáng được duy trì. Đó mới chính là ý nghĩa “Đản Sanh”.