Bưu ảnh: Một phương thức truyền thông đại chúng
Bưu ảnh, bưu thiếp, postcard, carte posstale, thường được hiểu là những tấm ảnh, với khổ thông dụng là A6 (cũng gọi 10x15cm) dùng để viết văn bản và gửi như gửi thư không có phong bì.
Trong chức năng như vậy, bưu ảnh không phải là một dạng truyền thông đại chúng, mà là truyền thông liên cá nhân.
Tuy nhiên, bưu ảnh đã có bước phát triển trong việc quảng bá, để trở thành một phương thức truyền thông đại chúng trong nửa sau thế kỷ XX.
Bưu ảnh là một tấm ảnh được in sẵn, được cá nhân, công ty, nhà xuất bản, tổ chức xã hội phát hành phục vụ cho chức năng như trên.
Vì là một bức ảnh được ấn hành với số lượng lớn phổ biến rộng rãi, nên việc nó trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng là một điều tất yếu.
Nội dung truyền thông trước hết nằm ở bức ảnh, chụp gì, chụp ra sao…
Ngoài ra, nội dung thông tin phía sau bức ảnh được in sẵn cũng có thể đóng vai trò nội dung truyền thông.
Bưu thiếp thường được bưu điện nhận gửi với chi phí thấp hơn so với thư tín có bao thư (đây là tập quán quốc tế), nên bưu thiếp trong truyền thông đóng vai trò như là một loại tờ rơi gởi qua bưu điện.
Vì vậy, có những bưu ảnh quảng cáo, bưu ảnh vận động tranh cử…
Bưu thiếp còn được dùng như một vật kỷ niệm du lịch mang màu sắc tư tưởng (tùy vào nội dung ảnh và nội dung văn bản ghi chú phía sau), là một đối tượng sưu tập (bộ môn sưu tập bưu thiếp gọi là Deltiology).
Bưu thiếp cũng có thể được xuất bản thành bộ, như một dạng sách ảnh rời. Trong trường hợp này, bưu ảnh đã trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng tác động trực quan như sách ảnh, nhất là khi bộ bưu ảnh nhắm vào một mục tiêu truyền thông nào đó.
Một số tôn giáo từ trước đến nay vẫn sử dụng khá rộng rãi bưu thiếp.
Trong đạo Thiên Chúa, bưu thiếp có ảnh, tượng chúa, nhà thờ, tượng thánh được gởi đến chúc mừng Noel, được bán như vật kỷ niệm cho du khách đến thăm các ngôi nhà thờ đẹp.
Đối với du khách nước ngoài đến Sài Gòn, bưu ảnh giới thiệu nhà thờ Đức Bà với nhiều góc cạnh được bày bán khắp nơi, chiếm một tỷ lệ rất cao trong bưu ảnh thắng cảnh thành phố, có khi là một xấp băng ảnh nối liền nhau.
Trong cách phát hành này bưu ảnh các chùa Phật giáo thường ít hơn.
Ảnh bức tượng Phật ngọc được chùa Hoằng Pháp phát hành rộng rãi trong đợt chiêm bái Phật ngọc tại Việt Nam là một dạng bưu ảnh dành cho truyền thông. Người có bưu ảnh có thể lưu trữ trong bộ sưu tập bưu ảnh trưng bày như một vật kỷ niệm chuyến đi chùa chiêm bái Phật ngọc, hoặc gởi tặng bạn bè như một món quà tinh thần.
Khai thác bưu ảnh trong truyền thông Phật giáo
Hiện nay, bưu ảnh trong truyền thông đại chúng dùng như một dạng tờ rơi thư tín ít còn được sử dụng trước sự phát triển của internet.
Tuy nhiên, những ứng dụng khác của bưu ảnh vẫn còn rất phổ biến.
Trước hết, Ban Văn hóa Phật giáo, các chùa, các đạo tràng có thể tổ chức thực hiện những bưu ảnh hay bộ bưu ảnh giới thiệu các danh lam cổ tự.
Việc phát hành theo như những bưu ảnh thông thường sẽ có tác dụng giới thiệu đến du khách nước ngoài vẻ đẹp những ngôi chùa Việt, những tượng Phật có giá trị do nghệ sĩ Việt Nam thực hiện, là những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc đặc trưng cho văn hóa truyền thống Việt Nam.
Sưu tập bưu ảnh cũng không còn là một lối chơi được ưa chuộng như xưa, nhưng vẫn có một số người tìm mua những bưu ảnh thể hiện cảnh đẹp nơi mình đã viếng thăm như một kỷ vật. Do đó, các chùa chiền lâu đời có thể tự thực hiện bộ sưu tập bưu ảnh cho riêng chùa mình, với những thông tin về lịch sử, về giá trị kiến trúc và những bảo vật, pháp khí… được tôn trí trong chùa đến khách thập phương.
Bưu ảnh Phật giáo không nên chỉ là hình ảnh, mà giá trị của nó còn nằm ở chỗ thông tin đi kèm. Thí dụ, bưu ảnh Phật ngọc thiết tưởng không nên chỉ là ảnh tượng Phật, mà nên có thông tin về giá trị, quá trình tạo tác pho tượng, những chuyện linh ứng (nếu có)…
Chức năng thư tín ngắn không phong bì của bưu ảnh hiện giờ rất ít được sử dụng đến. Chức năng bưu ảnh ngày nay chỉ là ảnh kỷ niệm in sẵn, vì vậy, phần dành để viết nội dung thư và ghi địa chỉ gửi có thể thay bằng những thông tin mang màu sắc tôn giáo, những Phật ngôn…để tăng hiệu quả truyền thông nội dung cho bưu ảnh.
Bưu ảnh Phật giáo (ảnh chùa chiền, tượng Phật Bồ tát kèm chú thích thông tin) có thể dùng như một dạng tờ rơi, thiệp chúc nhà chùa gửi đến Phật tử, quà tinh thần gửi theo tặng vật từ thiện, cứu trợ.
Bưu ảnh, không có nghĩa chỉ là ảnh chụp, mà còn có thể là tranh vẽ nghệ thuật.
Vì vậy, phát hành các bộ bưu ảnh, là một dạng triển lãm văn hóa nghệ thuật Phật giáo bỏ túi.
Việt Nam không thiếu chùa đẹp, tượng Phật đẹp.
Vì vậy, rất cần những bưu ảnh Phật giáo đẹp.
MT