Trang chủ Diễn đàn Tại sao báo chí, đặc biệt là dư luận lại dậy sóng...

Tại sao báo chí, đặc biệt là dư luận lại dậy sóng và “lên đồng” với vụ việc ở chùa Ba Vàng?

3027

Chủ nhật 17/3, tôi được một người bạn hỏi ý kiến về vụ việc ở chùa Ba Vàng. Thời điểm này, tôi không hề biết về vụ việc này và có xem qua thông tin do người bạn này chuyển là loạt bài phóng sự của báo Lao động. Tôi có nói với người bạn này là chuyện gọi vong là chuyện bình thường, và báo Lao động vừa thiếu hiểu biết, vừa thiếu tâm, đặc biệt là dùng thủ đoạn cắt ghép, xuyên tạc để dựng lên phóng sự có tính giật gân, câu khách.

Thế nhưng, tôi rất ngạc nhiên sự việc lại bị đẩy lên cao trào, dậy sóng, các cơ quan quản lý hăm hở vào cuộc nhanh bất thường, đặc biệt là dư luận, nhất là những người dân không có hiểu biết về Phật pháp lại “rần rần” chửi rủa, phán xét, thậm chí ví sự việc chùa Ba Vàng là tiêu cực, xấu xa đến mức còn độc hại hơn cả ma túy, giết người…

Sự việc bị đẩy lên cao trào có lẽ là do ngay tối hôm đó (?), VTV phát phóng sự về chùa Ba Vàng trong chương trình Thời sự 19h, với sự xuất hiện có tính chất đổ dầu vào lửa của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (!).

Tất nhiên là ngay lập tức tôi phải đặt câu hỏi: báo chí, truyền thông và dư luận tại sao lại “lên đồng” về vụ việc này? Tại sao cơ quản lý lại mau mắn vào cuộc? Rất dễ để tìm ra câu trả lời:

1. Báo Lao động đã đưa ra một lăng kính hết sức xấu xa để mọi người nhìn sự việc ở chùa Ba Vàng. Nào là kiếm trăm tỷ đồng (đây là điều dễ gây phản cảm nhất), nào là tổ chức một cách bí mật, che dấu (xấu xa mới phải che đậy), nào là đe dọa, áp chế tâm lý (oan gia trái chủ), vô cảm (chuyện nhân quả của nữ sinh giao gà, liệt sĩ), nào là tổ chức một cách hoàn hảo, chuyên nghiệp như doanh nghiệp… Tất cả với ý đồ dựng lên một màn kịch lừa đảo chuyên nghiệp, được thực hiện bởi một chùa lớn, bởi những người tu hành lẽ ra phải sống một sống tu hành khắc khổ, chuẩn mực.

Báo Lao động đã vẽ ra một khoảng cách (gap), một hố sâu cực kỳ lớn mà một người tu hành (nói riêng), một chùa, một hoạt động tôn giáo (nói chung) lẽ ra phải có, được kỳ vọng và mong đợi, với một thực tế tệ hại, bất nhân, lừa đảo. Thủ đoạn này trong truyền thông ai cũng có thể nhận ra, nhưng nó liên quan đến tôn giáo mà nhiều người tự nhận là mình theo, có hiểu biết, lại tác động lớn đến cảm xúc con người khiến cho hầu hết dư luận bị cuốn theo, đặc biệt là gây ra những phản ứng cực đoan như chửi bới thậm tệ, phán xét nặng nề.

Thực tế thì báo Lao động đã vô tình hoặc cố ý bịa đặt, dựng đứng nhiều chuyện mà người trong cuộc đã phản bác, không cần phải nói thêm, nhất là chuyện thu tiền nhiều (để dẫn đến con số trăm tỷ đồng).

2. Nhận thức về yếu tố tiền bạc trong hoạt tôn giáo. Nhìn chung, nhận thức về yếu tố tiền bạc trong hoạt động tôn giáo của đa số người dân Việt Nam còn mang nặng yếu tố cảm tính, tôn giáo cứ liên quan đến tiền bạc là xấu, là không chấp nhận được. Tôn giáo là phải bị động ngồi chờ người ta bố thí, cúng dàng, còn phục vụ nhu cầu tôn giáo như một service, một dịch vụ chuyên nghiệp thì không chấp nhận được (!) Tâm lý này là phổ biến tại miền Bắc, nơi nền kinh tế thị trường vẫn còn chưa hoàn thiện, nơi mà chất lượng dịch vụ còn rất thấp, nhất là so với phía Nam.

Sự phản cảm trong việc nhận cúng dàng ở chùa Ba Vàng không đến từ bản chất của sự việc, mà đến từ nhận thức của dư luận. Đây là điều mà những người cúng dàng cho chùa khi thỉnh vong giải nghiệp cảm nhận rõ nhất.

Chính nhận thức phục vụ nhu cầu tôn giáo không được làm như một dịch vụ dẫn tới hiện nay, người dân tiếp cận với hoạt động Phật giáo theo hướng quan hệ cá nhân, thậm chí có khoảng cách giữa người giàu, người nghèo, giữa quan chức, doanh nhân và quần chúng…

3. Hiệu ứng tâm lý của dư luận khi nói về luật nhân quả. Mặc dù nhiều người vẫn hay có câu nói mọi thứ đều có nhân quả, nhưng hiểu luật nhân quả vận hành như thế nào thì rất ít người. Đặc biệt là khi sự việc xấu xảy ra với mình thì rất ít người dám thừa nhận, chịu thừa nhận rằng trong quá khứ, nhất là ở những kiếp trước mình đã từng làm điều xấu xa.

Điều này dẫn đến hai hệ quả, thứ nhất là người ta dễ dàng coi những chuyện mà Phật tử Yến, chùa Ba Vàng đề cập là dọa dẫm, lừa đảo trong khi những điều này là giáo lý Phật giáo căn bản. Hệ quả thứ hai là bằng việc coi sự việc chùa Ba Vàng là xấu, nhẹ thì người ta muốn quên đi luật nhân quả kẻo nó vận vào mình, nặng người ta muốn phủ định luật nhân quả.

Theo tôi đây là nguyên nhân quan trọng nhất nhưng ít người dám thừa nhận hoặc nó xảy ra trong tâm lý để chi phối hành động và phản ứng nên ít người để ý nhất.

4. Những nguyên nhân khác như sự thiếu đoàn kết nội bộ Giáo hội, sự đổ dầu vào lửa của một số vị Tăng cũng góp phần gây bão, nhưng không cần thiết phải bàn thêm. Ngoài ra, dư luận cũng đề cập đến chuyện làm mất uy tín Phật giáo vì một số mục đích cụ thể của báo chí, truyền thông.

Một khi khủng hoảng truyền thông liên quan đến chùa Ba Vàng đi qua, lỗ hổng lớn nhất được phơi bày là quá ít người có hiểu biết Phật pháp, nhất là về luật nhân quả, Phật giáo thiếu đoàn kết và có ít tín đồ thực sự. Nhìn sang sự đoàn kết và chặt chẽ của Công giáo mà đau đớn lòng.