Trang chủ Đời sống Tâm linh Sự thật những đứa trẻ "đầu thai" ở bản Cọi: Liệu có...

Sự thật những đứa trẻ "đầu thai" ở bản Cọi: Liệu có phải là ngộ nhận?

85

Có hay không một mối quan hệ thần giao?

Trong phần đăng ở số báo trước, có một chi tiết, đó là khi nghe tin lạ về thằng bé người Mường ấy, anh Tân đã bật ngay dậy và đòi đi tìm con. Về sau, khi đã trở nên thân tình, anh Tân mới tâm sự với tôi rằng khi "thằng cò" nhà anh mất (người trong vùng thường hay gọi các bé trai một cách yêu thương như thế), anh đã đi "chạy vạy" nhiều nơi. Anh Tân kể đã từng chầu chực hơn 10 ngày trời ở nhà bà Thi "Mán" ở dưới Hòa Bình vì nghe đồn "có khả năng ngoại cảm" để mong "gặp lại" con.

"Trong 10 ngày ăn nghỉ ngay tại đó, chính mắt tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp những người vào đó đã rất hả hê vì gặp được đúng người nhà họ. Tuy nhiên, đến trường hợp của tôi, thì lại không phải", anh Tân nhớ lại. Tôi hỏi tại sao, anh Tân bảo "khi gọi đến tên nhà tôi, tôi tiến lại gần để nghe cho rõ. Đúng lúc có vẻ như "hồn nhập" thì tôi thấy bà Thi dùng tay phải đập con muỗi đậu vào tay trái đánh "bốp" một tiếng. Thế là tôi không tin nữa!".

Và anh Tân bảo, hôm đó, bà Thi "Mán" nói cũng không đúng về chuyện nhà anh, mặc dù "gọi được hay không cũng tùy người, tùy lúc", anh Tân vớt vát.

Nguyễn Phú Tân và cậu con nuôi Bùi Lạc Bình – Nguyễn Phú Quyết Tiến.

Một trường hợp mà anh Tân có vẻ rất chú ý, đó là gặp "thầy" Duy ở Yên Thủy, trước cổng Nông trường 29. "Sau khi nghe xong, thầy nhắm mắt một lúc và rồi lấy một tờ giấy, vẽ sơ đồ lên mộ thằng cò nhà tôi. Thầy đưa cho tôi xem và hỏi: Đúng không? Tôi bảo: Đúng! Rồi "thầy" lại hỏi: Có phải mộ nó ngày càng tròn, bên trên không có cỏ mọc có phải không? Tôi ngạc nhiên trả lời: Đúng! Thế rồi thấy thầy trầm ngâm một lúc và phán: Tôi nghi mộ này đang "phát", hoặc thằng này nó về rồi đấy. Anh đừng xây bịt kín mà chỉ quây ven chân thôi".

Như đã nói, trong khuôn khổ của báo chí, chúng tôi không có ý định chứng minh điều gì, và thực tế là với phương tiện của báo chí thì cũng không thể làm được điều gì tại Lạc Sơn, Hòa Bình trong hoàn cảnh ấy. Mong muốn duy nhất là làm sao ghi lại được những gì tai nghe, mắt thấy để biết đâu, có một ngày nào đó, khoa học sẽ chứng minh được nó có thật hay không có thật.

Trở lại trường hợp của cậu bé Bình – Tiến. Khi anh chị Tân – Thuận ngỏ ý muốn mời tôi ở lại dùng bữa tối với gia đình, tôi đã nhận lời ngay. Đó sẽ là một dịp tốt để tôi có thể tiếp cận gần gũi hơn với những điều đã được nghe. May mắn thế nào, đúng hôm đó người bác ruột của cậu bé, tức là anh trai của anh Hoan là Bùi Văn Tuấn lại sang chơi nhà.

Anh Tuấn sinh năm 1966, có 2 con trai, 1 con gái. Con trai út của anh Tuấn ít tuổi hơn bé Bình – Tiến. "Về bản chơi với em Út không Tiến?", người bác ruột hỏi. Nguyên phong tục người Mường, bất kể là con bác hay con chú, cứ đứa nào nhìn thấy mặt trời trước là anh, là chị. Nghe hỏi, cu Bình – Tiến lắc đầu nguây nguẩy. Nó thực sự không muốn về bản nữa rồi!

Anh Tuấn nhắc lại câu chuyện Bình – Tiến đã dẫn mẹ Ba của nó (anh Hoan là con trai thứ 3 trong gia đình, nên khi nói chuyện, Bình vẫn hay gọi là mẹ Ba) "về nhà" thế nào. Lại có chuyện khi đón Bình – Tiến về nhà, vợ chồng anh chị Tân – Thuận đã làm mấy mâm cơm, mời cả gia đình anh Hoan và những người thân thiết trong bản tham dự gọi là có cái lễ xin cho cháu được qua lại. "Bà cụ nói bà đã biết thằng Bình không phải là người Mường từ lâu rồi. Và bà còn nói bố nó cũng là người ở Mát, dưới chân Cun ấy chứ không phải người ở đây đâu", anh Tân chêm vào. Khi gặp anh Hoan, tôi đã trực tiếp hỏi thẳng anh về việc này, và cả anh cũng xác nhận luôn.

Con tôi là một đứa trẻ bình thường…

Thoạt nhìn thì bề ngoài cậu bé Bùi Lạc Bình – Nguyễn Phú Quyết Tiến không có gì khác những đứa trẻ khác. Cũng liến láu, cũng tinh nghịch lắm. Có lẽ ở cái tuổi nghịch nhiều hơn ăn này, đứa trẻ nào cũng nhăng nhẳng thế. Nhìn diện mạo không thấy có nét nào của anh Tân, chị Thuận cả. Đôi lông mày cong tròn rõ rệt, lại gần như giao nhau. Đặc biệt nhất ở Bình – Tiến có lẽ là cặp lông mi. Thú thực tôi chưa bao giờ thấy cặp lông mi của một đứa bé trai nào dài và bóng đẹp đến thế.

Biết tôi đang chú ý vào cu cậu, cả anh Tân, chị Thuận và bác Tuấn đều cố tình gợi chuyện với Bình – Tiến. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, thì đúng là những hành động, cử chỉ đến cách ăn uống, nói chuyện của cậu hoàn toàn như một đứa trẻ bình thường. Ngoại trừ một số lời đối đáp tôi thấy hơi lạ. "Mời chú uống rượu bằng tiếng Mường đi con", anh Tân gợi ý.

Mặc dù được sự cổ vũ nhiệt tình của bác Tuấn, Bình – Tiến vẫn kiên quyết không chịu nói tiếng Mường. "Nói tiếng Mường để ba đưa con vào trong làng à", cuối cùng, Bình – Tiến cũng phụng phịu. "Con nhà Mường, không về trong làng thì về đâu nữa", chị Thuận bồi tiếp. Chẳng nói chẳng rằng, thằng bé đi vào nhà trong, một lúc sau nói vọng ra: "Mẹ mà nói thế, con đánh chết mẹ bây giờ!".

Từ trái sang: Chị Thuận, cậu bé Bình – Tiến, anh Nguyễn Phú Tân và người bác ruột Bùi Văn Tuấn.

Một đặc điểm nữa trong cách ăn nói của Bình – Tiến, là nó lảng tránh khi bị hỏi đến chuyện trong làng, trong bản Cọi vốn trước đây của nó. Không hiểu vì sao. Còn những câu trả lời khác nó trả lời tôi cứ nửa bí hiểm, nửa ngây ngô, chịu không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Anh Tân bảo hồi đầu mới về, cu cậu nói nhiều về chuyện cũ hơn. Nhưng dần dà chắc nó cũng nguôi ngoai đi?

Theo quan sát của tôi, thằng bé thực sự quấn quýt với bố mẹ nuôi (anh Tân, chị Thuận đã làm thủ tục xin nhận Bùi Lạc Bình làm con nuôi, và đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến), đặc biệt là với anh Tân. Kể cả những lúc anh Tân nhắc nhở những chuyện trẻ con như nói phải có thưa gửi, phải dạ vâng… như người xuôi, thằng bé cũng nem nép nghe theo.

Người ta con đàn cháu đống đã đành…

Sau khi đồng ý cho Bình – Tiến sang ở với vợ chồng anh chị Tân – Thuận, nhà cửa trống trải, cả anh Hoan và chị Dự đều bỏ đi làm ăn xa cả. May thế nào, hôm ấy cả hai vợ chồng lại cùng về bản. Với sự giúp đỡ của Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh, chúng tôi đến thăm vợ chồng Hoan – Dự. Hai vợ chồng đều sinh năm 1971, tuổi Tân Hợi. Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh cũng là người trong họ với anh Hoan, hôm nay nhân hai vợ chồng có nhà nên đi luôn cùng tôi để thu tiền lãi ngân hàng.

"Đẻ ra được đứa con như thế, rồi nó lại về theo người ta mất, tôi cũng buồn lắm cơ", anh Hoan tâm sự "nhưng cũng không thể ngăn nó được. Ở bên này nó đau ốm suốt. Tôi hỏi liệu anh chị có kế hoạch sinh đứa con tiếp theo chưa? Anh Hoan bảo chắc rồi cũng phải sinh thêm, thế này mãi chịu sao nổi. Nhưng bây giờ thì chưa có tiền, phải cố "cời" thêm ít nữa…

Đang cuộc nói chuyện thì chị Dự đi đâu đó về. Người mẹ tội nghiệp ngồi kể chuyện mà mắt cứ rơm rớm lệ. Đẻ con ra, nuôi lớn rồi nó lại theo về nhà người khác. Không khóc sao được. Chị Dự bảo nhà người ta con đàn, con đống, mất một đứa còn chấp nhận được. Đằng này, hai vợ chồng lấy nhau đến 6 năm trời mới có được một mụn con, thế mà…

Rồi chị Dự kể ngày xưa ở nhà, thằng bé nó ngoan thế nào, mẹ dặn đi học (đi đến trường mầm non chi Cọi) đi đường bên phải, nó đi đứng như thế ra sao… rồi cả chuyện mẹ bận việc nhà, lấy cho nó cái ghế, bảo nó ngồi im là nó ngồi im cả buổi cho mẹ làm, không quấy khóc…

Chị Bùi Thị Dự bên tấm ảnh cậu con trai Bùi Lạc Bình khi vừa tròn 3 tháng tuổi.

Tôi hỏi hồi thằng Cò còn ở nhà, chị có đánh con không? Người đàn bà bẽn lẽn: “Có!”. Tôi lại hỏi vì sao khi nghe thằng bé nói thế, và nó đã dẫn chị ra tận nhà ngoài ấy, vậy mà cũng phải mãi sau chị mới cho nó về bên kia? Chị Dự bảo chị có cho nó về đâu, là do bố mẹ nuôi của nó (anh Tân – chị Thuận) tự tìm đến đấy chứ. "Hồi đó nó nói thế thì mình biết thế. Nhà mình ở trong bản, lại nghèo, chẳng quen biết gì, tự dưng ra nhà người ta nhận nọ nhận kia, biết đâu người ta lại nghĩ khác, lại tưởng mình vụ lợi, ham tiền ham bạc gì…".

Đợi cho cơn xúc động của người mẹ đau khổ qua đi, tôi hỏi thẳng: Thế cho thằng cò về bên đấy, anh chị có đòi hỏi gì không? Chị Dự lắc đầu: “Không!”. Rồi chị Dự bảo tối nay chị lại ra thăm nó. Nhớ con quá…

Hé mở một phần những kỳ bí

Ở bên trên, chúng tôi có nói đến trường hợp "thầy" Duy "phán" về mộ của cậu bé Nguyễn Phú Tiến. Riêng về hiện tượng mộ "phát" này, xin nói luôn là có. Đó là hiện tượng mộ chôn đắp hình dài, và rồi cứ càng ngày càng phình to sang hai bên, dần trông như hình tròn. Bên trên mộ không có cỏ, trơ toàn đất. Tuy nhiên, đây chẳng phải là một hiện tượng kỳ bí hay thần thánh gì. Chẳng qua chỉ là vì một lý do nào đó, hoặc chẳng vì lý do gì mà chỉ là ngẫu nhiên, người chết đã được chôn đúng chỗ có nguồn nước ở bên dưới nên mối, kiến tìm đến làm tổ ngay trên mộ. Khối đất đùn càng ngày càng to ra và chẳng có thứ thực vật nào, kể cả cỏ dại, mọc được trên đám mối đùn ấy. Lẽ dĩ nhiên là xung quanh đó dân gian tha hồ mà đồn thổi thêu dệt.

Khi tôi đặt câu hỏi, liệu việc nhận cu Bình – Tiến còn có khúc mắc gì bên trong hay không, anh Tân hiểu ngay. Anh biết xung quanh cũng có nhiều người tỏ ý hoài nghi về chuyện này. Có người nói rằng có thể do vợ chồng anh gặp khó khăn về đường con cái, nên đón cu Bình – Tiến về nuôi và dựng lên câu chuyện mang màu sắc bí hiểm.

"Bản thân gia đình chúng tôi cũng không hề có ý muốn khẳng định điều gì", anh Tân nói. "Tôi chỉ muốn mọi người biết một điều rằng thằng bé Bình – Tiến hiện giờ đang ở với chúng tôi, và nó là một đứa trẻ hết sức bình thường". Rồi anh Tân nói không giấu nổi xúc động: "Con tôi đã chết rồi. Cháu chết còn trẻ quá…”.

Lại nói sau khi đón Bình – Tiến về, anh Tân đã bỏ rất nhiều thời gian để theo dõi, tìm hiểu thằng bé. Anh Tân kể có lần cùng một người họ hàng nữa đi mua vật liệu xây dựng, không may bị ngã xe. Khi gọi điện về nhà, chị Thuận cứ gặng hỏi lên hỏi xuống rằng có đúng bị ngã xe hay không, anh Tân lấy làm lạ, bèn hỏi lại. Thì ra lúc chiều đi đón cu Bình – Tiến, tự dưng thằng bé nói "mẹ ơi, con biết rồi nhé, bố bị ngã xe đấy!" như là có thần giao cách cảm vậy?

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, tuy không thừa nhận, nhưng cũng chưa một ai bác bỏ hoàn toàn được hiện tượng "thần giao cách cảm" bởi trên thực tế vẫn có những trường hợp xảy ra một cách kỳ lạ. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, thì thần giao cách cảm là hiện tượng truyền ý nghĩ, cảm xúc qua khoảng cách không gian dựa vào các giác quan cảm xúc, chứ không dựa vào các phương tiện kỹ thuật.

Hiện tượng kỳ lạ này đang được nghiên cứu, chưa khẳng định rõ ràng về bản chất vật lý, cơ chế của sự mã hóa các thông tin, các phương sách, sự giải mã và ảnh hưởng của nó đến các quá trình sinh lý thần kinh và các quá trình tâm lý như thế nào. Và người ta cũng thống kê được rằng, đa phần các trường hợp được cho là thần giao cách cảm" đều xảy ra giữa những người thân thích với nhau như vợ – chồng hoặc là những người có mối quan hệ huyết thống như bố, mẹ, anh, chị em. Vậy nếu như câu chuyện về việc Bình – Tiến biết anh Tân bị ngã xe ở cách đó gần 60 cây số là có thật, thì có thể giải thích thế nào về mối quan hệ này?