Trang chủ PGVN Vài cảm nghĩ về “Phật giáo Nam tông Khmer”

Vài cảm nghĩ về “Phật giáo Nam tông Khmer”

127

Trước hết, cũng xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc Phattuvietnam.net, về những lời đề nghị tôi lưu tâm đến  đề tài Phật giáo Nam tông Khmer, bên cạnh đề tài “Phật giáo Hoa tông”.

Tương tự như bài Cảm nghĩ về “Phật giáo Hoa tông”, dưới đây cũng chỉ là những cảm nghĩ, có tính chất định tính, chủ quan, là những phát biểu ngắn nhìn từ bên ngoài.

Cùng trong một hy vọng (và thực tế đã được đáp ứng) như đối với bài Cảm nghĩ về “Phật giáo Hoa tông”, tôi mong bạn đọc có ý kiến hiệu chính, bổ sung, hoàn thiện. Để cùng với bài viết nêu vấn đề, các ý kiến tham gia sẽ góp phần tạo thành những thông tin toàn diện, đa dạng, nhiều chiều, mang lại cho bạn đọc một cái nhìn tương đối khách quan, trung thực, phản ánh nhiều góc cạnh của vấn đề.

Cũng bắt đầu từ tên gọi, tôi xin đề xuất, thay cụm từ “Phật giáo Nam tông Khmer” bằng cụm từ “Phật giáo người Khmer tại Việt Nam” hay ngắn gọn hơn “Phật giáo Khmer tại Việt Nam”.

Thay đổi như trên, theo suy nghĩ riêng của tôi, là hết sức cần thiết, vì những lý do sau:

– Cụm từ “Phật giáo Nam tông Khmer” không thể hiện được tính chất Phật giáo Việt Nam trong danh xưng này, dù yếu tố trực thuộc Phật giáo Việt Nam là điều luôn cần thiết phải thể hiện.

Từ Nam tông đi với từ Khmer có vẻ thừa vì Phật giáo Khmer đương nhiên là Nam tông (Có lẽ khi gọi “Nam tông Khmer”, người gọi có dụng ý phân biệt với Phật giáo Nam tông của người Kinh).

– Cụm từ “Phật giáo Nam tông Khmer” có thể gây lẫn lộn với Phật giáo Campuchia, vì Khmer từng là quốc hiệu của Campuchia (trong những năm 1970: “Cộng hòa Khmer”), và hiện nay từ Khmer vẫn đi kèm  với nhiều thành tố tạo thành những cụm từ, như văn hóa Khmer, kiến trúc Khmer, ngôn ngữ Khmer…

Do đó, cụm từ “Phật giáo Nam tông Khmer” không xuất hiện trong một ngữ cảnh nào đó nhất định có thể gây ngộ nhận là Phật giáo Campuchia, như cụm từ tiếng Anh “Khmer Buddhist Theravada”.

Cụm từ “Phật giáo Khmer tại Việt Nam” sẽ giúp định danh chính xác hơn. Nó đương nhiên bao gồm yếu tố Nam tông (vì không có tông phái nào khác), thể hiện yếu tố Khmer (dân tộc) và đặc biệt nói lên được nội dung quan trọng là trực thuộc Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo người Khmer tại Việt Nam, có lẽ, ở trong tình trạng khả quan hơn rất nhiều, so với Phật giáo người Hoa tại Việt Nam. Dù rằng, không tránh khỏi một số vấn đề sẽ được ghi nhận dưới đây. Người dân tộc Khmer tại Việt Nam với đạo Phật là tôn giáo truyền thống, có thể là cộng đồng Phật giáo giữ đạo một cách bền vững nhất.

Tới những vùng đông người Khmer sinh sống, sẽ thấy hầu như cả đồng bào Khmer đều theo đạo Phật, và giữ đạo tuyệt đối, không hề thấy có việc cải đạo sang bất kỳ tôn giáo nào khác.

Chùa Khmer, phần lớn đất rộng, kiến trúc đẹp, chư tăng đông đảo, nhiều Phật tử công quả trong chùa, cũng thường thấy lớp dạy học, thời khóa tu tập nghiêm túc, Phật tử rất tôn kính chư tăng, không khí cảm nhận khi bước vào hầu hết những ngôi chùa là trang nghiêm, thanh tịnh, an lạc, thoát tục.

Nhiều chùa Khmer được trùng tu, xây mới nhưng vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống dân tộc Khmer, dù mặt bằng chung về trình độ học vấn của người Phật tử Khmer tại Việt Nam không cao.

Đối với chư tăng Khmer, qua một số lần được tiếp xúc, tôi nhận thấy các vị đều có kiến thức Phật học cơ bản vững vàng, Phật tâm kiên cố. Nhiều vị cũng phấn đấu học lên, và trong điều kiện hiện nay, cánh cửa nâng cao trình độ luôn mở rộng.

Đặc biệt, có vị hiện đang tu học ở chùa Chăn – ta – răng – xây, một chùa người Khmer tại TPHCM, qua trang Phattuvietnam.net, cũng biết đến tôi.

Viết về cộng đồng Phật giáo Khmer tại Việt Nam, tôi thấy tự tin hơn, vì được tiếp xúc nhiều, trong đó có những mối quan hệ gắn bó, và trong một thời gian dài.

Một điều đáng ghi nhận là những người Khmer công tác trong chính quyền địa phương đều tự nhận mình là Phật tử, đến chùa lễ Phật thường xuyên, đặc biệt, giữ vai trò tích cực trong việc hộ pháp, ngăn chận các hoạt động cải đạo, mà giờ đây xâm nhập đến vùng nông thôn Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Cái giá cải đạo 4 – 5 triệu đồng đối với người thành phố có thể không đáng vào đâu, nhưng đối với người nông dân Khmer vùng sâu, vùng xa là cả một gia tài. Tuy thế, hoạt động cải đạo thì có, còn người cải đạo thì không!

Hầu như có một sự đồng nhất giữa Phật giáo và truyền thống, phong tục, tập quán người Khmer Nam Bộ. Có thể đặt dấu bằng giữa người Khmer (tại miền Tây Nam Bộ)  và người Phật tử.

Cá biệt, có trường hợp thanh niên Khmer đi làm ở TPHCM bị cải đạo, nhưng khi trở về Trà Vinh lại trở lại là một Phật tử, không hề làm hoen ố cộng đồng Phật giáo tại quê hương. Cải đạo thì đi đâu đó xa xôi mà cải, chứ về làng thì phải về đạo Phật.

Có lẽ, sự thuần khiết đạo Phật trong cộng đồng người Khmer sinh sống ở Tây Nam Bộ có thể được giữ gìn trong nhiều thập kỷ nữa.

Tuy nhiên, cũng không phải là không có lý do mà quý Phật tử bạn đọc trang nhà Phattuvietnam.net lưu ý tôi, người thường viết về mảng hộ pháp, lưu ý đến đề tài này.

Quả thật là có nhiều điểm để chúng ta quan tâm.

Trình độ nói chung của chư tăng Phật giáo Khmer tại Việt Nam có thể là khá, nhưng trình độ Phật học của người Phật tử Khmer, đặc biệt là đối tượng thanh niên, trong đó có một số đã qua thời gian tu tập trong chùa không cao.

Đạo Phật với nhóm đối tượng này, dường như, là chỉ là truyền thống, phong tục hơn là một tôn giáo.

Một trong những con nuôi của tôi là người dân tộc Khmer, quê ở Trà Vinh. Vì vậy, có rất nhiều bạn bè, anh em họ hàng từ quê cháu ở Trà Vinh đến nhà tôi. Khoảng 100 các cháu trên dưới 20 tuổi, đều được tôi tìm cách thẩm định kiến thức Phật học bằng nhiều hình thức, và kết quả là hết sức đáng ngại. Các cháu tin Phật, lễ chùa thường xuyên, nhưng kiến thức giáo lý hầu như không có.

Tình trạng như các cháu sống tại quê mình thì không sợ bị cải đạo, nhưng lên thành phố, thì rất là đáng ngại.

Các cháu không thấy được sự ưu việt của đạo Phật, mà chỉ theo đạo Phật như một tập quán, phong tục.

100/100 trường hợp trắc nghiệm không phải là có thể suy ra cho cả một tập thể có đến nhiều triệu người, nhưng kết quả 100% cũng là điều đáng suy nghĩ.

Cá biệt có em phản ứng tiêu cực, cho là khó hiểu với kiểu cách theo đạo Phật của tôi: mở nghe băng thuyết pháp thường xuyên, ôm một chồng sách Phật học và viết…

Điều đáng ngại là thanh niên Khmer, tất nhiên là Phật tử, lên thành phố tìm việc làm, hầu hết là lao động chân tay và sống trong điều kiện khó khăn, đang là đối tượng cải đạo trọng điểm của các thế lực cải đạo.

Đã có, không phải là hiếm lắm, các trường hợp Phật tử Khmer cải đạo, do hôn nhân, do đổi chác quyền lợi vật chất, do một sự thỏa mãn nào đó về tín ngưỡng sau khi được thuyết phục. Hấu như tất cả số này ở lại TPHCM.

Vì vậy, ở trên, đã có sự phân biệt người Phật tử Khmer sống tại quê hương mình, ở miền Tây Nam Bộ, khác với người Khmer nhập cư TPHCM.

Xa quê, xa chùa, xa cha mẹ, ông bà, chòm xóm, họ hàng…, người Khmer nhập cư ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… dễ cắt rời với Đạo Phật.

Theo tôi, tôi hiểu vấn đề mà quý bạn đọc Phattuvietnam.net lưu ý là ở chỗ này.

Một điều đáng lưu ý nữa là do theo đạo Phật như một truyền thống, phong tục, tập quán, đối tượng Phật tử thanh niên Khmer nhập cư TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ coi Phật giáo Việt Nam của người Kinh là một đạo Phật… khác! Vì vậy, ở các em, các cháu không có sự hội nhập học Phật, tu Phật, dù là gốc của các em, các cháu vẫn là đạo Phật.

Cháu nhà tôi cũng vậy, dù ở với tôi từ năm 15 tuổi, nhà của cha nuôi đầy sách đạo Phật, băng giảng nhà Phật và cháu cũng đi chùa, lễ Phật, tiếp xúc quý tăng ni cùng với cha nuôi, nhưng đạo Phật như đang tồn tại, hoạt động ở TPHCM dường như không phải là đạo Phật của cháu. Cháu cũng chỉ gắn bó với mỗi chùa Chăn – ta – răn – sây, dù cháu ở với tôi suốt thời gian trưởng thành của cháu.

Các bạn họ hàng cùng quê cháu cũng có thái độ tương tự đối với Phật giáo TPHCM, ngay cả với Phật giáo Nam tông người Việt (chùa Kỳ Viên).

Cho nên, dường như Phật tử Khmer tại Việt Nam, nhất là thanh niên bộ phận nhập cư ở TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ… thiếu mất sự tinh tấn, phẩm chất Phật tử, dù rằng có thể có dáng dấp thuần thành nào đó.

Lần theo mạch vấn đề đến đây, quả thật vấn đề là không nhỏ.

Tôi muốn nói thêm là vấn đề như thế không chỉ có ở thanh niên Phật tử Khmer tầng lớp lao động, mà nó ngay cả ở thanh niên Phật tử Khmer là sinh viên đại học, thuộc thành phần ưu tú.

Số sinh viên Khmer ở TPHCM tuy có tỷ lệ thấp so với thanh niên Khmer nhập cư, và so với sinh viên đại học nói chung, nhưng cũng có số lượng đáng kể, cử tuyển theo chính sách dân tộc của nhà nước (có kết quả trung học cao so với mặt bằng chung của học sinh người Khmer, vào đại học không qua thi tuyển sinh).

Nhưng tính chất đạo Phật ở nhóm đối tượng sinh viên Khmer có trình độ học vấn tương đối khá không khác nhiều so với tình trạng thanh niên Phật tử Khmer nhập cư nói chung.

Nói là Phật tử thuần thành cũng không đúng, mà nói không thuần thành cũng không đúng (vì nhiều em đã xuất gia, tu trong một thời gian ngắn).

Chúng tôi mong rằng bài viết này có vai trò là một ý kiến về một số vấn đề đáng ghi nhận đối với cộng đồng Phật giáo người Khmer tại Việt Nam, gửi đến tăng ni Phật tử Việt Nam, để cùng nhau tìm hướng giải quyết.

Bức tường vô hình tồn tại ở người Phật tử Khmer tại Việt Nam, phân chia 2 đạo Phật là có thực.

Ở đây, không phải là vấn đề pháp môn, tông phái, mà là vấn đề giữa một bên là truyền thống, phong tục, tập quán và một bên không phải là truyền thống, phong tục, cho nên trở thành cách biệt.

Bức tường đó cản trở sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, của người Phật tử Khmer nói riêng, đặc biệt là giới trẻ, trong hoạt động học Phật, tu Phật. Nói theo từ Phật giáo, bức tường đó chính là chấp.

Như cháu nhà tôi, chấp rằng ông “lục” (tăng sĩ Phật giáo Khmer) khác với “thầy” (tăng ni ngoài Phật giáo Khmer), rằng “thầy” không phải là “lục”(!).

Cũng có một số nguồn thống kê, xuất phát từ các cơ quan truyền thông nước ngoài, rằng số lượng chư tăng Khmer tại Việt Nam giảm sút. Tin này chưa thể kiểm chứng, nhưng nếu đúng thì quả thật đáng lo ngại, trong bối cảnh dân số người dân tộc Khmer ở Việt Nam gia tăng.

MT