Những tấm lòng vàng.
Nhận thấy địa bàn P.2, Q.10 có nhiều người nghèo, ông Võ Ngọc Thanh – bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân P.2 và anh Nguyễn Thanh Hồng đã có ý tưởng thành lập quán cơm từ thiện. Anh Nguyễn Thanh Hồng và chị Trần Thị Nga tham gia với tư cách mạnh thường quân.
Không khí nhộn nhịp tại quán – Ảnh: Văn Hải |
Mọi công việc của quán từ đi chợ, nấu ăn đến bưng bê, dọn dẹp đều do những người đã về hưu đảm nhiệm với tinh thần tự nguyện và xem đây là niềm vui tuổi già.
Cô Hồ Thị Hiền – chịu trách nhiệm nấu chính – nói: “Quán mở từ 9-13g từ thứ hai đến thứ bảy, riêng chủ nhật nghỉ. Bình quân một ngày quán nấu 800 đến hơn 1.000 phần cơm. Các món ăn được thay đổi thường xuyên nhưng chủ yếu vẫn là đậu hũ, món xào, dưa leo, món kho… Người ăn tại quán có thể gọi cơm thêm, canh thêm thoải mái, uống trà đá miễn phí…
Cô Diệu Nhàn – chịu trách nhiệm múc canh và sắp thức ăn cho khách – thông tin thêm: “Mỗi ngày quán giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam P.2, Q.10 hơn 100 phiếu ăn miễn phí để phát cho người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật".
Rất nhiều khách tìm đến quán Từ Tâm – Ảnh: Văn Hải |
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thu chi của quán cứ lỗ liên tục thì làm sao duy trì hoạt động suốt thời gian qua, chúng tôi được bà Lê Thị Hồng Hoa – nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam P.2, Q.10 – cho biết: "Trước đây, có năm vị mạnh thường quân chuyên đến các tỉnh lẻ làm từ thiện. Sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam P.2, Q.10 đưa họ đi khảo sát, nhận thấy người dân P.2 thật sự cần giúp đỡ, họ quyết định quay trở lại P.2 làm từ thiện”.
Ông Phạm Thanh Hiền – chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam P.2, Q.10 – thông tin thêm: “Khi mở quán không điện, không nước, không mặt bằng, ông Võ Ngọc Thanh – bí thư kiêm chủ tịch UBND P.2 – đã liên hệ với công ty điện lực lắp đồng hồ điện miễn phí và xin Q.10 cấp mặt bằng".
Bà Hoa nói tiếp: “Quán cơm nhận được sự ủng hộ về vật chất, tài chính, công sức từ rất nhiều người. Người cho gạo, người cho chao, người cho nước tương. Có người còn huy động con cái cho 100 cái khay, 100 cái muỗng, 100 chén inox… Thậm chí ông đẩy xe chuối cũng cho quầy chuối để sinh viên, người nghèo ăn tráng miệng. Cũng có nhiều người tự nguyện đến phụ quán cắt rau, củ quả để chế biến món ăn".
Ông Phạm Thanh Hiền cho biết thêm: “Mô hình này sẽ được nhân rộng ra khu phố 1 và khu phố 3 của P.2 vào năm sau. Phường sẽ mở thêm địa điểm bán cơm trắng bù giá. Tức là 1 kg gạo giá 8.000đ thì nấu được khoảng 1,8kg cơm, ngoài thị trường bán 8.000đ/kg cơm, quán chỉ bán 4.000đ/kg cơm, bán từ 8g-12g".
Bữa cơm ấm tình người
Lượng khách đến quán ngày càng đông, ngồi kín cả lối đi. Quán đã kê thêm hai bàn ra ngoài mà khách vẫn không đủ chỗ ngồi. Quán phải tận dụng luôn cả mặt bằng đối diện mới đủ chỗ ngồi cho khách. Khách đến dùng cơm phải xếp hàng mua phiếu mệnh giá 5.000đ rồi ra khu bếp nhận suất cơm của mình. Ăn xong mọi người tự thu dọn chén, đĩa đem ra phân loại ngăn nắp.
Phần lớn khách của quán là sinh viên và người nghèo – Ảnh: Văn Hải
|
Bạn Dương – sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM – cho biết: “Từ khi quán này mở, ngày nào mình và các bạn cũng ra đây ăn để tiết kiệm túi tiền sinh viên vốn eo hẹp. Một suất cơm thế này tại các quán khác ít nhất là 10.000đ".
Cô Đặng Thị Lý – sống bằng nghề bán vé số – chia sẻ: “Thu nhập của tôi chẳng là bao nên ngày nào tôi và các “đồng nghiệp” cũng đến đây ăn". Còn chú Bảy – làm nghề chạy xe thồ – thì hài hước: “Bữa nào chạy có tiền thì tui ăn mặn, chạy ế quá lại ăn chay. Ở Sài Gòn, chỉ 5.000đ mà no bụng thì rẻ quá còn gì, ăn hoài cũng được”.
( Theo TTO)