Hoài nghi
Trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikāya), đã đưa ra một hình ảnh để minh họa hoài nghi như sau:
‘ Nếu có một bình nước bị vẩn đục, bị khuấy động và đầy bùn, cái bình này được đặt ở chỗ tôí tăm, rồi một người có thị lực bình thường, nhìn vào bình, không thể nào nhận ra và thấy đúng được khuôn mặt của mình trong nước bùn đó. Cũng vậy, khi tâm bị ám ảnh bởi hoài nghi, bị áp đảo bởi hoài nghi, người ta không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi hoài nghi đã được khởi lên ấy ; và như vậy họ cũng không thể hiểu đúng và thấy đúng sự lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác, và lợi ích của cả hai ; những pháp đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không còn nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.’
Còn trong Eka- Nipāta của Anguttara Nikāya ( Tăng Chi Kinh ), Đức Phật nói như vầy :
‘ Này các Tỳ kheo, Ta không biết một pháp nào có sức mạnh như vậy, khiến cho hoài nghi chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi nếu đã sanh, được mạnh mẽ và tăng trưởng như phi lý tác ý.
Nơi người nào không có như lý tác ý, hoài nghi chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc hoài nghi đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘ Này các Tỳ kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh như vậy, ngăn được sự sanh khởi của hoài nghi, nếu chưa sanh, hoặc hoài nghi, nếu đã sanh khiến cho được đoạn trừ, như như lý tác ý.’
‘ Nơi người nào có như lý tác ý thời hoài nghi không sanh, hoặc nếu đã sanh, nó sẽ được đoạn trừ.’
Trong sáu pháp dẫn đến sự đoạn trừ của hoài nghi, ba pháp đầu và hai pháp cuối giống với những pháp đã đưa ra trong hôn trầm và thụy miên. Riêng pháp thứ tư được giải thích như sau :
Có niềm tin vững chắc nơi Đức Phật (Buddha), Giáo Pháp (Dhamma), và Chư Tăng (Shaṇga).
Hành giả có thể trục xuất được hoài nghi nhờ sáu pháp này, như cuối cùng chỉ khi hành giả đắc tầng thánh thứ nhất (Tu-đà-hoàn Đạo) tuyệt diệt hoài nghi thì nó mới không khởi lên trong tương lai nữa mà thôi.’
Những đoạn trích từ Kinh Sa môn Quả (Sāmaññaphala Sutta) của Trường Bộ Kinh (Dīghā Nikāya ) và Chú giải
Trước hết tôi sẽ đưa ra đây một đoạn trích từ kinh Sa môn Quả (Samaññaphala Sutta), ở đây Đức Phật nói với đức vua A-xà-thế (Ajātasatu) như vầy :
‘ Sau khi đã từ bỏ tham ái đối với thế gian, vị ấy sống với tâm không tham ; gột rửa tâm hết tham ái. Sau khi đã từ bỏ hết sân hận, vị ấy sống với tâm quảng đại, cảm thông với tất cả sự an vui hạnh phúc của tất cả chúng sinh ; gột rửa hết tâm sân hận. Sau khi đã từ bỏ hôn trầm và thụy miên, vị ấy sống với tưởng ánh sáng, chánh niệm và tỉnh giác ; vị ấy gột rửa hết hôn trầm và thụy miên. Sau khi đã từ bỏ hôn trầm và hối hận, vị ấy sống thoải mái với chính mình, với một cái tâm bình lặng ; vị ấy gột rửa hết trạo cử và hối hận. Sau khi đã từ bỏ hoài nghi, vị ấy sống như người đã thoát bỏ nghi, không lưỡng lự đối với những thiện pháp ; vị ấy gột rửa tâm hết hoài nghi.’
‘ Thưa đại vương,giả sử có người đi vay nợ và dùng nó vào việc kinh doanh của mình, và công việc của anh ta thành công, nhờ thế anh ta có thể trả hết nợ cũ và tiền còn lại đủ để nuôi dưỡng vợ con. Người ấy suy xét về điều này và nhờ vậy cảm thấy hài lòng, sung sướng.’
‘ Lại nữa, thưa đại vương, giả sử có một người bị bệnh, ốm đau trầm trọng, đau đớn, vì thế mà người ấy không thể thưởng thức các món ăn và sức khỏe suy yếu. Sau một thời gian người ấy khỏi bệnh, thưởng thức được các món ăn và phục hồi thể lực. Người ấy suy xét về điều này và nhờ vậy cảm thấy hài lòng, sung sướng.’
‘ Lại nữa, thưa đại vương, giả sử có một người bị giam trong tù. Sau một thời gian người ấy được thả ra khỏi nhà tù, an toàn, an ổn, không có mất mát tài sản. Người ấy suy xét về điều này, và nhờ vậy người ấy cảm thấy hài lòng, sung sướng.’
‘ Lại nữa, thưa đại vương, giả sử có một người bị làm nô lệ, không được tự chủ, phải phục vụ cho những người khác, không thể đi nơi nào hắn muốn. Sau một thời gian, người ấy được phóng thích khỏi cảnh nô lệ và lấy lại quyền tự chủ của mình ; người ấy không còn phải phục vụ cho những người khác nữa mà là một con người tự do có thể đi nơi đâu hắn muốn đi. Người ấy suy xét về điều này và nhờ vậy cảm thấy hài lòng, sung sướng.’
‘ Lại nữa, thưa đại vương, giả sử một người mang theo của cải và tài sản đi ngang qua sa mạc. Ở đây, thực phẩm khan hiếm và những nguy hiểm lại rất nhiều. Sau một thời gian, người ấy vượt qua được sa mạc và về đến làng an toàn, an ổn, không có hiểm nguy. Người ấy suy xét về điều này và nhờ vậy cảm thấy hài lòng, sung sướng.’
‘ Tương tự như vậy, thưa đại vương, khi một vị Tỳ kheo thấy rằng, năm triền cái này chưa được đoạn trừ trong tự thân, người ấy xem đó như một người mang nợ, như người bệnh, như bị giam hãm trong tù, như kẻ nô lệ, và như một con đường nguy hiểm.’
‘ Nhưng khi vị ấy thấy rằng năm triền cái này đã được đoạn trừ trong tự thân, vị ấy xem đó như thoát khỏi nợ nần, như người lành mạnh, như thoát khỏi tù tội, như thoát kiếp nô lệ, và như một nơi an toàn vậy.’
‘ Khi vị ấy thấy rằng, năm triền cái đã được đoạn trừ trong tự thân, hân hoan sanh. Khi vị ấy được hân hoan, hỷ sanh. Khi tâm vị ấy tràn đầy với hỷ, thì thân trở nên khinh an ; do thân khinh an, vị ấy cảm nghiệm được lạc thọ, do lạc, tâm vị ấy trở nên định tĩnh.’
‘ Hoàn toàn ly dục, ly các bất thiện pháp, vị ấy nhập vào và an trú trong sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.’
Đến đây, tôi sẽ đưa ra cho quý vị những trích đoạn từ chú giải, giải thích những ví dụ về năm triền cái và sự đoạn trừ của chúng như đã đề cập trong các đoạn trên :
Người đi vay nợ người khác và xài tiêu xài hoang phí hết món tiền đó thì không thể bảo vệ được mình khi chủ nợ đến đòi, họ sẽ nói năng với anh ta một cách khó nghe, hoặc họ sẽ trói anh ta lại và đánh đập anh ta ; anh ta phải chịu đựng tất cả những chuyện này, và món nợ là lý do anh ta phải chịu đựng nó.
Tương tự, nếu một người khởi lên tham dục đối với người khác và lấy (người ấy ) làm đối tượng của tâm tham, thời y phải hoàn toàn chịu đựng khi người ấy nói với y một cách khó nghe, hay khi người đó trói và đánh đập y ; và lòng dục của y là lý do khiến y phải chịu đựng điều đó. Một ví dụ là trường hợp của những người phụ nữ bị đánh đập bởi những gia chủ (chồng của họ). Như vậy tham dục phải được xem như món nợ.
Một người, sau khi đã vay nợ, dùng nó vào việc kinh doanh của mình và được thành công. Anh ta nghĩ, ‘ Món nợ này là một trở ngại chính,’ vì thế anh ta trả hết món nợ cùng với tiền lời và xé bỏ giấy hẹn trả nợ. Từ đó trở đi, không ai gửi giấy báo hay thư (nhắc anh ta về món nợ) nữa. Khi anh ta thấy người chủ nợ, anh ta có thể đứng dậy hay cứ ngồi yên trên ghế của mình, tùy thích. Tại sao vậy ? Vì anh ta không còn ràng buộc vào họ, không còn bị lệ thuộc vào họ nữa. Tương tự, một vị Tỳ kheo nghĩ, ‘ Tham dục là trở ngại chính,’ vì thế vị ấy tu tập sáu pháp và đoạn trừ dục tham triền cái. Khi vị ấy đoạn trừ được dục tham triền cái như vậy, lúc đó cũng như người thoát nợ, không còn cảm thấy sợ hãi, lo âu khi nhìn thấy chủ nợ như thế nào, vị Tỳ kheo cũng không cảm thấy dính mắc hay ràng buộc đối với bất kỳ ngoại cảnh nào như thế. Cho dù vị ấy có thấy những hình dáng đẹp tuyệt trần thì phiền não cũng không tấn công vị ấy. Do đó, Đức Thế Tôn mới nói rằng đoạn trừ dục tham cũng giống như thoát khỏi nợ nần vậy.
Người bị khổ sở với chứng bệnh đau mật, nếu có được người ta cho những món như mật ong và đường, anh ta cũng sẽ không thưởng thức được hương vị của chúng do bệnh đau mật của mình. Thậm chí anh ta nhổ những món ấy ra vì nghĩ chúng đắng. Tương tự, nếu một người với nội tâm sân hận được vị thầy có lòng từ mẫn giáo giới dù chỉ qua loa thôi, y cũng sẽ không chấp nhận lời giáo giới ấy. Thậm chí còn bác bỏ nó, nói rằng, ‘ Thầy đã áp bức tôi quá nhiều rồi !’ và bỏ đi. Cũng như người bị khổ sở vì chứng đau mật không thể thưởng thức được hương vị mật ong như thế nào, người bị khổ sở với sân hận cũng thế, không thể thưởng thức được hương vị giáo pháp của Đức Phật, đó là, lạc của bậc thiền (Jhāna)… Vì vậy, sân hận phải được xem như một chứng bệnh.
Một người khổ sở với bệnh đau mật biết chế ngự bệnh ấy bằng cách uống thuốc. Từ đó trở đi anh ta thưởng thức được hương vị của những thứ như mật ong và đường. Tương tự, một vị Tỳ kheo (Bikkhu) nghĩ, ‘ Sân hận là nguyên nhân chính của tai họa,’ vì thế,vị ấy tu tập sáu pháp và đoạn trừ được sân triền cái. Khi vị ấy đã đoạn trừ được sân hận, thì người khỏi bệnh đau mật ăn được những thứ như mật ong hay đường và thích thú với hương vị của chúng như thế nào, vì Tỳ kheo cũng vậy. Sau khi thành kính tiếp nhận những học giới như những công bố liên quan đến cách cư xử (hạnh), vị ấy học tập chúng và thích thú chúng. Do đó, Đức Thế Tôn mới nói rằng sự đoạn trừ sân hận cũng giống như được sức khỏe tốt vậy.
Vào ngày lễ hội, một người bị nhốt trong tù không thể thấy được đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của lễ hội. Nếu như hôm sau y được thả ra, và nghe người ta nói, ‘ Ồ, hôm qua có một lễ hội thật là vui ! Với những điệu múa, những bài hát như vậy ! ‘ Y không thể trả lời gì được. Lý do tại sao ? Bởi vì bản thân y không có tham dự lễ hội. Tương tự, nếu một vị Tỳ kheo bị hôn trầm và thụy miên áp đảo khi buổi thuyết Pháp (Dhamma) nói về những pháp môn khác nhau diễn ra, vị ấy không thể hiểu đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của bài Pháp.
Khi buổi thuyết Pháp chấm dứt, vị ấy nghe mọi người tán dương thời Pháp, ‘ Ồ, thật là một thời Pháp tuyệt diệu ! với những lý lẽ và những ví dụ như vậy, như vậy !’ nhưng vị ấy không thể đưa ra một câu trả lời. Vì lý do gì ? Vì vị ấy bị hôn trầm và thụy miên chiến thắng và không thể thưởng thức được thời Pháp. Vì thế hôn trầm và thụy miên phải được xem như bị giam hãm trong tù vậy.
Một người bị nhốt trong tù vào một ngày lễ hội. Vào ngày lễ hội sau, y nghĩ, ‘Trước đây do dễ duôi, ta đã bị nhốt trong tù, và vì vậy ta không thưởng thức được lễ hội. Bây giờ ta sẽ thận trọng lưu ý.’ Như vậy người ấy trở nên thận trọng, vì thế mà những kẻ xấu không có cơ hội (để làm cho y bị tù). Sau khi thưởng thức lễ hội, y thốt lên những lời vui sướng, ‘ Ồ, thật là một lễ hội tuyệt vời ! Ồ, thật là một lễ hội tuyệt vời !’ Tương tự, một vị Tỳ kheo nghĩ, ‘ Hôn trầm và thụy miên là nguyên nhân chính của tai họa,’ vì thế vị ấy tu tập sáu pháp và đoạn trừ được thụy miên, thì, như người thoát khỏi tù tội, thưởng thức được đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của Pháp (Dhamma) và chứng đắc Thánh Đạo cùng với tứ tuệ phân tích. Do đó, Đức Thế Tôn mới nói rằng sự đoạn trừ hôn trầm và thụy miên cũng giống như thoát khỏi tù tội vậy.
Một người nô lệ, ngay cả khi vui chơi tại một lễ hội, cũng có thể bị chủ nhân sai bảo, ‘Này có công việc khẩn cấp cho mi làm đây. Hãy đi đến đó nhanh lên ! Nếu mi không đi, ta sẽ chặt chân,chặt tay mi, ta sẽ cắt tai, cắt mũi mi đấy !’ Như vậy y phải nhanh chóng mà đi và không được thưởng thức đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của lễ hội. Vì sao ? Vì y phải phục tùng cho những người khác vậy. Tương tự, khi một người không thiện xảo trong Luật (Vinaya) đi vào rừng sống độc cư (hành thiền), vị ấy có thể mắc phải một giới tội nhỏ nào đó, ngay cả nhận thịt không được phép (thọ dụng) là thịt được phép (thọ dụng). Thế là vị ấy phải từ bỏ sự độc cư của mình. Vì sao ? Vì vị ấy bị trạo cử và hối hận áp đảo. Như vậy trạo cử và hối hận phải được xem như tình trạng nô lệ.
Một người nô lệ, với sự giúp đỡ của một người bạn, đưa tiền cho chủ nhân của y và giải thoát y khỏi tình trạng nô lệ. Từ đó trở đi, y có thể làm những gì tùy ý muốn của y. Tương tự, vị Tỳ kheo nghĩ, ‘ Trạo cử và hối hận là nguyên nhân chính của tai họa,’ vì thế, vì ấy tu tập sáu pháp và đoạn trừ được trạo cử và hối hận. Khi vị ấy đã đoạn trừ được trạo cử và hối hận, thì, cũng như người được tự do có thể làm những gì mình muốn không ai có thể dùng vũ lực ngăn không cho họ làm điều đó, vị Tỳ kheo cũng vậy, an vui thực hành giải thoát đạo, và trạo cử và hối hận không thể dùng sức mạnh ngăn cản không cho vị ấy làm điều đó. Vì thế Đức Thế Tôn mới nói rằng sự đoạn trừ trạo cử và hối hận cũng giống như thoát khỏi tình trạng nô lệ vậy.
Một người đi trên con đường hoang vắng, sau khi đã nhìn thấy nguy cơ do những tay đạo tặc nhả ra giết người, trở nên lo lắng và sợ hãi, ngay cả âm thanh xào xạc của một cành cây hay của một con chim y cũng nghĩ rằng, ‘Những tay đạo tặc đã đến !’ Y đi tới một chút, dừng lại, rồi xoay lưng. Cứ như thế suốt cuộc hành trình những chỗ y dừng nhiều hơn cả những chỗ y đi. Y về đến nơi an toàn với đầy lo lắng và khó khăn, hoặc có thể y hoàn toàn không về được đến nơi nữa là khác. Tương tự, nếu hoài nghi về tám trường hợp đã khởi lên nơi một người, y sẽ tiếp tục hoài nghi, không hiểu ‘Bậc Đạo Sư có Giác Ngộ hay không ?’ và sẽ không thể nào giải quyết (nghi) và chấp nhận nó với niềm tin. Do không thể nào quyết nghi và chấp nhận với niềm tin, người ấy không đạt đến đạo và chấp nhận với niềm tin, người ấy không đạt đến đạo và quả. Như vậy, cũng như người lữ hành trên hoang lộ, hoài nghi không biết co những tay đạo tặc hay không, cứ liên tục nổi lên tình trạng lưỡng lự và do dự, thiếu niềm tin và hoảng sợ, tạo ra một chướng ngại trong việc đi đến nơi an toàn của anh ta thế nào, vị Tỳ kheo cũng vậy, do hoài nghi không biết Đạo Sư có phải là một Bậc Giác Ngộ hay không, cứ liên tục khơi dậy tình trạng lưỡng lựvà do dự, thiếu niềm tin và hoảng sợ, tạo ra một chướng ngại trong việc đi đến Thánh cảnh của mình (cảnh giới của Bậc Thánh). Như vậy, hoài nghi phải được xem như một con đường hoang vắng.
Một người khỏe mạnh, sau khi đã cầm những vật có giá trị lớn trong tay, có thể du hành qua sa mạc, võ trang đầy đủ cùng với đoàn tùy tùng của mình. Bọn đạo tắc thấy người ấy từ xa cũng sẽ bỏ chạy. Sau khi vượt qua sa mạc và đến một nơi an toàn, y sẽ vô cùng sung sướng và hồ hởi. Tương tự, vị Tỳ kheo nghĩ, ‘ Hoài nghi chính là nguyên nhân chính của tai họa,’ vì thế, vị ấy tu tập sáu pháp và đoạn trừ hoài nghi triền cái. Khi vị ấy đã đoạn trừ được hoài nghi, thì, như người đàn ông khỏe mạnh võ trang đầy đủ cùng với những tùy tùng của mình, không sợ hãi, và xem những tên đạo tặc kia không hơn cỏ rác, an toàn đi trong sa mạc và đến một nơi an toàn, vị Tỳ kheo cũng vậy, vượt qua sa mạc tà hạnh đến nơi an toàn tối thượng, tức sự bất tử hay Niết Bàn. Do đó, Đức Thế Tôn mới nói rằng sự đoạn trừ hoài nghi cũng giống như một nơi an toàn vậy.
Đoạn từ sự đoạn trừ tham cho đến cảm nghiệm lạc thọ bởi một người có sự yên tịnh nơi thân được nói là thuộc về sự tu tập chuẩn bị định, chứ không phải tu tập an chỉ định. Nhưng trong trường hợp khi mà tâm của một người có lạc trở thành định, thì cả chuẩn bị định và an chỉ định được nói tới, vì lạc là nhân gần cho định cũng như sự tu tập cận hành (định), và bởi vì an chỉ của sơ thiền v.v… được thành tựu nhờ (phương tiện) tương quan nhân và quả. Nói khác hơn, giống như lạc của giai đoạn chuẩn bị, lạc của an chỉ cũng là nhân cho an chỉ định vậy.
Theo : Vượt qua chướng ngại
Người dịch : Tỳ kheo Pháp Thông