Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Tác giả Minh Thạnh: Viết báo Phật có nhiều công đức, phúc...

Tác giả Minh Thạnh: Viết báo Phật có nhiều công đức, phúc báo

208

Tháng 11/2010, tác giả Minh Thạnh đã gởi đến Phattuvietnam.net 31 bài viết, trung bình hơn 1 bài/ngày, một số lượng bài viết kỷ lục, so với có tháng chỉ có vài bài viết.

Một số lượng bài đã đăng nhiều như vậy trên Phattuvietnam.net trong một tháng từ một tác giả đã thúc đẩy Phattuvietnam.net có một cuộc nói chuyện với tác giả Minh Thạnh về cao điểm cộng tác với Trang tin.

Phóng viên: Xin anh cho bạn đọc biết qua vì sao anh bất ngờ lập "kỷ lục" cộng tác bài với Phattuvietnam.net?

Tác giả Minh Thạnh: Trước hết, xin phép được thay từ “kỷ lục” bằng cụm từ “số lượng bài cộng tác cao”. Thật tình, tôi không muốn lập một kỷ lục nào đó, mà chỉ muốn mỗi ngày mỗi gia tăng số lượng bài cộng tác với Phattuvietnam.net. Nên, nếu có hoàn cảnh thuận lợi thì tôi cố gắng viết thật nhiều, đến mức cao nhất có thể.

Tháng 11 vừa rồi, việc cơ quan tạm lắng, thời gian có được nhiều, nên tôi cố gắng viết nhiều bài, để như đã hơn một lần tâm sự với bạn đọc, nhằm có thêm nhiều công đức, và cũng xem là một phương thức tu tập.

Vì khi viết bài là trong đầu chỉ nghĩ đến Đạo Pháp, không nghĩ đến việc khác, tức là ngừng các việc ác, làm các việc lành như lời Phật dạy.

Chỉ đến gần cuối tháng, thấy bài đã gần con số 30 ứng với 30 ngày, tôi có hơi… chạy theo số lượng. Vì vậy, cũng có phần băn khoăn, e rằng tăng số lượng, thì giảm chất lượng. Mong quý bạn đọc cứ thẳng thắn phê bình khi nhận thấy có hiện tượng đáng lo như trên. Bạn đọc tất nhiên khách quan hơn.

Nếu không có vấn đề, tôi sẽ thử tăng dần số lượng hơn nữa nếu hoàn cảnh cho phép.

PV: Nghĩa là anh có ý định tăng hơn nữa số lượng bài viết cộng tác. Có quá nặng nề, căng thẳng cho anh không?

MT: Tất nhiên, viết nhiều thì phải suy nghĩ nhiều, đọc nhiều, đầu tư công sức nhiều. Nhưng làm công đức tinh tấn thì bao nhiêu cho đủ. Nếu không phải bận tâm nhiều đến các vấn đề cuộc sống, sức khỏe luôn tốt, công việc cơ quan không nhiều, thì viết được nhiều hơn không phải là vấn đề.

Tôi có lẽ được phúc báo thiện nghiệp, nên có năng khiếu viết, viết dễ và nhanh. Nên một điều băn khoăn nữa là sợ viết nhiều sẽ có sai sót. Bạn đọc Phattuvietnam.net có đến số lượng khoảng 20.000 lượt/ngày. Nếu chỉ 1/10 số đó đọc bài của tôi, thì tôi đã gánh trách nhiệm nói chuyện Phật pháp mỗi ngày cho 2000 người.

Nếu có gì đó sai sót, thì quả thật tai hại. Chẳng những không có phúc báo mà còn có thể tổn phúc, thậm chí có tội.

PV: Anh có hướng gì để giải quyết lo ngại trên?

MT: Trước hết xin trông cậy vào đông đảo bạn đọc, đặc biệt là chư tôn đức, các Phật tử cao niên, trình độ Phật học uyên thâm. Nếu thấy có điều gì sơ sót thì xin báo ngay cho Ban Biên tập, để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa, loại bỏ, nhất là trong tình trạng tôi cố gắng gia tăng số lượng bài viết như hiện nay.

Tất nhiên là tôi trông cậy nhiều vào Ban Biên tập. Vừa rồi, Ban Biên tập có giúp điều chỉnh, hoàn thiện một số nội dung bài viết của tôi. Nhân đây, tôi chân thành cảm ơn và vẫn mong rằng Ban Biên tập dành thời gian biên tập kỹ hơn các bài viết của tôi, nhất là những bài viết có tính chất quan điểm.

Tôi cũng cẩn trọng bằng cách khi gởi bài cho Phattuvietnam.net thì cũng gửi cho một vài vị Đại đức để xem, góp ý, kịp thời sửa chữa khi có vấn đề. Trước khi viết những bài mà tôi thấy cần tham khảo ý trước, tôi cũng điện thoại trình bày dàn ý, các luận điểm chính với một số vị đại đức, để có được ý kiến đóng góp.

Trong thực tế, có một số bài đã được kịp thời điều chỉnh nội dung để phù hợp hơn với tinh thần đạo Phật. Tuy nhiên, cách làm này không phải lúc nào cũng có được thuận duyên. Nếu tôi được mở rộng quan hệ nhiều hơn với quý thầy, để được chỉ giáo nhiều hơn, thì hay biết mấy.

PV: Anh có nghĩ là viết nhiều sẽ sớm cạn đề tài?

MT: Đề tài chính là cuộc sống, mà cuộc sống thì luôn luôn nảy nở, muôn hình vạn trạng, cho nên chắc chắn là đề tài không bao giờ cạn.

Riêng tôi, tôi đã lỡ nhiều đề tài chưa kịp viết ngay. Đến khi có thể viết, thì đã mất tính thời sự. Có đề tài bị quên đi, cùng với các dàn ý, vì những công việc lo toan, vì đời sống đè lên.

Một trong những quan điểm lớn của đạo Phật là “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Cứ dùng ánh sáng Phật pháp  soi vào đời sống  hàng ngày là sẽ có không biết bao nhiêu đề tài viết cho Phattuvietnam.net, cũng không bao giờ cạn.

Đề tài còn là chính những vấn đề mà các tin bài đăng trên Phattuvietnam.net có khi được nêu trực tiếp, có khi, phải nghiền ngẫm, phát hiện.

Nếu chỉ bám vào chính trang Phattuvietnam.net, thì sẽ có kho đề tài không bao giờ cạn. Bạn đọc cũng thấy rằng nhiều tin, bài đã đăng trên Phattuvietnam.net đã là những gợi ý thiết thực cho những bài viết của tôi.

Hơn nữa, cách làm truyền thông rất mở, rất thoáng, rất rộng của Phattuvietnam.net đã tạo thuận lợi rất nhiều cho tôi về mặt đề tài. Đề tài đối với Phattuvietnam.net có thể là những vấn đề nghiên cứu có tính chất hàn lâm, có thể chỉ là những ý kiến ngắn về các vấn đề thời sự, có thể là một bài giới thiệu sách, có thể là những lời chia sẻ kinh nghiệm tu tập, như cách chúng ta trao đổi đây.

Vì vậy, cộng tác với Phattuvietnam.net, tôi hoàn toàn thoải mái về đề tài.

Tôi đã thử nghiệm thành công một đề tài vô tận là giới thiệu sách, với bài “test” là giới thiệu tác phẩm Hiểu về trái tim của thầy Minh Niệm. Nhân duyên là một người quen cũ tặng tôi quyển sách đó, đề nghị tôi đọc và giới thiệu. Thế là có được bài viết và may mắn cũng có bạn đọc phản hồi là đã đọc sách, cảm thấy sách rất hay, cảm ơn tôi giới thiệu.

Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng, nếu các tác giả viết sách Phật pháp, hoặc có liên hệ đến Phật giáo, có nhu cầu đọc với tinh thần chia sẻ, bình luận, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Phattuvietnam.net thì cho tôi xin một quyển để đọc. Đó là dịp để tôi phải có thêm được một bài viết giới thiệu sách trên Phattuvietnam.net, nhằm đáp lại thịnh tình người tặng sách.

Trong mục tiêu công việc của mình, là tu tập bằng cách tạo công đức, tôi nghĩ rằng công đức mình sẽ tăng lên bội phần nếu mình giới thiệu được những tác phẩm Phật học có giá trị đến đông đảo bạn đọc, góp phần thúc đẩy việc đọc sách Phật pháp, nghĩa là cũng được có công đức trong việc bố thí pháp.

Sách có thể gửi về người nhận là: Nguyễn Thanh Phong, Thư viện Chi hội Vô tuyến điện – Điện tử tại 153/1 Võ Văn Tần P6 Q3, TPHCM, nhờ chuyển, hoặc email nội dung vào địa chỉ email: [email protected]

PV: Viết nhiều bài như thế có ảnh hưởng đến cuộc sống của anh và liệu có thể duy trì lâu dài mức độ số lượng bài viết hàng tháng như hiện nay?

MT: Mối lo của tôi là ngược lại, lo những công việc thường ngày của cuộc sống ảnh hưởng lên việc viết bài, lo những chuyện đột xuất làm mất thời gian dành cho Phattuvietnam.net, lo người giúp đánh máy không kham nổi số lượng bài viết gia tăng…

Tôi mơ ước cuộc sống không còn lo toan của người xuất gia, thảnh thơi để phụng sự Đạo pháp, tha hồ viết bài về Phật pháp, mà không bị ràng buộc chi phí bởi việc  làm, gia đình với những bận bịu của cuộc sống trần tục.

Tuy nhiên, tôi cũng tạ ơn Tam bảo gia hộ tôi có được hoàn cảnh thuận lợi cho việc viết bài để phụng sự đạo pháp, với việc làm ổn định, không mất nhiều thời gian, do vậy có điều kiện viết đạt mức trung bình 1 bài/ngày.

Tôi tin vào phúc báo của việc tạo công đức  và đây là điều tôi rất muốn chia sẻ với bạn đọc. Tôi có vấn đề về sức khỏe, tất nhiên như thế không thể sống thoải mái. Nhưng trong năm 2010, sau khi và tiếp tục viết nhiều bài về Phật pháp trên Phattuvietnam.net cũng như một số web, ấn phẩm Phật giáo khác, thì sức khỏe tôi được cải thiện rất nhiều, nhờ vào những yếu tố bất ngờ, ngoài dự tính.

Tôi cố gắng không để cho những bận tâm của đời sống ảnh hưởng đến việc viết cho bạn đọc Phattuvietnam.net. Chạy theo công việc cuộc sống, có dư dả hơn, thì cuối đời cũng chẳng mang theo được, mà lại phải nặng gánh lo toan.

Trong khi, đóng cửa viết bài đề tài Phật pháp thì an lạc, hoan hỷ, nghĩ rằng mình sẽ có sức khỏe tốt hơn, công đức nhiều hơn, có thể mang theo qua nhiều đời kiếp.

Tôi cũng mừng vì mình có duyên với Phattuvietnam.net, nơi đã tạo cho tôi một mảnh đất dụng võ, một mảnh đất để trồng cây công đức. Tôi cũng cộng tác với một số ấn phẩm Phật giáo, nhưng yêu cầu đặt ra đối với tôi không cao, chỉ 1 -2 bài/tháng, đề tài giới hạn hơn. Nay Phattuvietnam.net dành cho tôi một mảnh đất rộng rãi như thế, thì đương nhiên tôi phải lo canh tác cho hết, trồng được nhiều cây công đức.

Tôi cũng luôn nghĩ đến công đức của Ban Biên tập trang Phattuvietnam.net để sách tấn mình. Có BTV của Phattuvietnam.net mỗi ngày dành trung bình 2 -3 giờ cho trang web. Tôi viết một bài trung bình chỉ từ 1g30 – 2 giờ, tức là chưa được như BTV ấy, dù là BTV đó phải làm việc giờ hành chính ở công ty, cực hơn tôi chỉ ngồi nhà viết bài theo yêu cầu cơ quan. Cho nên viết 1 bài/ngày là vẫn còn ít.

PV: Anh có gì chưa hài lòng với bài viết của mình?

MT: Nhiều bài còn có lỗi chính, thừa chữ, thiếu chữ, mất chữ, bỏ sai dấu, mất dấu…, do đánh máy, hoặc người đánh máy đọc không đúng bản viết tay.

Tôi đã khắc phục bằng cách chuyển từ việc dùng bút bi, viết nhanh, thường làm người viết cẩu thả hơn, sang dùng bút máy có ngòi, viết chậm, nắn nót như học sinh cấp 1.

Tôi cố gắng làm theo gương các thầy, viết gò chữ trên bản thảo, thay vì viết cho có bản thảo rồi vứt đi sau khi sửa lại, có bản đánh máy.

Kinh nghiệm viết cho thấy người viết rất khó sửa lỗi bản đánh máy, vì cứ đọc theo ý tưởng mình đã viết, thay vì đọc những dòng trên giấy.

Đã có bạn đọc góp ý về lỗi đánh máy. Tôi sẽ cố gắng chú trọng khắc phục triệt để.

Vấn đề kỹ thuật viết sao cho phù hợp với trang mạng cũng là một vấn đề mà tôi phải giải quyết.

Viết trên internet, bạn đọc xem trên màn hình vi tính, phát sáng và chớp nháy gây mỏi mắt, thì không thể viết như viết báo giấy, càng khác như viết tạp chí, viết sách.

Bạn đọc có thể thấy hình mẫu của cách viết cho truyền thông mạng qua trang web BBC, một cơ quan truyền thông lão luyện.

Đó là viết câu ngắn, bài ngắn, thường xuyên chấm xuống dòng, thường dùng câu chủ động…, để làm sao với một số chữ ít nhất, chỉ tốn thời gian đọc ngắn, thậm chí lướt qua, người đọc có thể nắm đầy đủ và chính xác nội dung mà tác giả muốn truyền tải.

Đưa cách viết như thế vào những bài viết Phật giáo thì thật là khó, vì nó trái ngược với phong cách thông dụng trong những trước tác của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay, mà tác giả phần nhiều là chư vị tôn đức, với văn phong đặc trưng ở các tác phẩm nghiên cứu đồ sộ.

Chính sự lúng túng trong việc vận dụng phong cách viết mới đã làm cho tôi tự thấy không hài lòng. Dùng phong cách viết mạng thì tôi cũng chưa thuần thục (ngay cả bài dùng cho cơ quan tôi cũng theo cách viết cũ, dù cho đăng trên mạng, vì đưa từ bản in giấy sang), và tôi cũng chùn tay khi nghĩ đến đối tượng là bạn đọc tăng ni Phật tử.

Việc không thuần thục đưa tới việc một số bài viết còn có vẻ sơ sài, vì ngắn và rời rạc một cách khiên cưỡng, không phải trong sự chuyên nghiệp, không chuyển tải được nội dung mong muốn truyền đạt.

Nhưng viết chỉ theo phong cách thường dùng từ trước đến nay trong sách vở Phật học thì cũng không ổn. Tôi nghĩ rằng, mình được đào tạo, có cơ may nghiên cứu, sớm nắm được những cái mới, thì phải cố gắng vận dụng nó, không thể chỉ biết rồi để đó, không vận dụng để thúc đẩy sự phát triển của truyền thông Phật giáo.

Nhưng vì làm chưa được nên chưa hài lòng.

Cũng về phong cách viết, thì như một số ý kiến bạn đọc đóng góp và tôi cũng tự nhận thấy đúng như vậy, rằng phong cách viết của tôi, cách dùng, từ cấu tạo câu, ngắt câu… của tôi chưa mềm mại, ngọt ngào, trầm tĩnh, khoan hòa theo tinh thần Phật giáo.

Một phong cách diễn đạt ngôn ngữ chưa đến tầm Phật giáo, trên một trang web Phật giáo, tất nhiên là một hạn chế lớn.

Tôi mong rằng bạn đọc thông cảm, vì khắc phục hạn chế này đòi hỏi nhiều thời gian. Có lẽ đến lúc tôi đạt được một kết quả tu tập nào đó, thì chắc chắn, việc chuyển biến trong phong cách diễn đạt, có được chất văn như một số vị tôn đức mà tôi ngưỡng mộ sẽ là điều chắc chắn. Việc bây giờ là chuyển đổi từng bước.

Tuy cố gắng  tìm tòi những đề tài mới, nhưng một số bài viết có nội dung trùng lắp, vẫn là hạn chế khó tránh khỏi, khi người viết không thể ra khỏi giới hạn kiến thức mình đã được đào tạo.

Tôi nghĩ là ý tưởng viết  thể loại giới thiệu sách làm giảm sự trùng lắp về nội dung. Nhân đây, cũng mong bạn đọc hỗ trợ bằng cách nêu vấn đề gợi ý cho bài viết, cụ thể là: “Đề nghị tác giả Minh Thạnh trả lời bằng bài viết câu hỏi sau đây…”.

Như thế, tôi buộc phải động não, tránh được quán tính cứ vô tình hướng về các vấn đề mà đã quá quen thuộc với mình, dễ viết, tất nhiên là trùng lắp, gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán ở bạn đọc.

PV:  Anh có khả năng viết, vì sao không xúc tiến xuất bản tác phẩm của mình?

MT: Tôi cũng có ý định đó, nhưng thấy rằng không nên làm, vì sẽ tốn một thời gian cũng đáng kể, nếu muốn chuẩn bị chu đáo cho xuất bản phẩm, để góp mặt với đời.

Với thời gian phải tốn đó, tôi có thể viết được nhiều bài, đem lại ích lợi nhiều hơn cho Đạo pháp so với việc xúc tiến xuất bản những bài tâm đắc đã in.

Vì vậy, có thể tôi sẽ không bao giờ có tác phẩm riêng in giấy được xuất bản, mà sẽ chỉ có nhiều bài viết hơn trên mạng Phattuvietnam.net, vốn đã là một cơ chế xuất bản rất có hiệu quả, tác động đến đông đảo bạn đọc.

PV: Anh còn điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc?

MT: Tôi mong có được những ý kiến phản hồi của bạn đọc, dù đồng tình hay không đồng tình, có khi cả ý kiến chỉ trích, phê phán.

Có ý kiến phản hồi, dù là như thế nào, vẫn hơn không có phản hồi.

Không có phản hồi, không biết bạn đọc có đọc đến bài của mình không.

Cuối cùng, tôi thích đọc sách trong Phật giáo và cả ngoài đời. Đó là say mê riêng, vừa là phương tiện để trau giồi kiến thức nhằm nâng cao chất lượng bài viết.

Nhưng sách không phải là thứ sẵn tiền là mua được. Có những bản sách rất giá trị, nhưng chỉ ấn tống trong phạm vi hẹp, phải có duyên, có nhiều may mắn mới có được.

Vì vậy, tôi mong các chùa, các cơ sở Phật giáo, các đạo tràng, chư vị tôn đức và Phật giáo nếu có ấn tống kinh sách Phật giáo, thì kính xin một bản ấn tống (kể cả dĩa audio, video).

Tôi cũng rất vui mừng khi nhận được sách cũ đã đọc qua, vì tôi có ý định xây dựng một thư viện Phật giáo nhỏ và đưa vào hoạt động khi có cơ duyên.

Vì vậy, những bản sách dù cũ, mất bìa, mất trang, chỉ là bản photo đối với tôi vẫn rất quý và rất vui mừng khi được tặng để dùng vào việc nghiên cứu và xây dựng thư viện.

Nếu có, xin được gửi qua địa chỉ đã ghi trên. Tôi hết sức biết ơn.

Xin kính lời tán thán và tri ân đối với cơ hội mà Phattuvietnam.net dành cho tôi. Những ghi chú số lượng bài đã đăng trong mục lưu trữ bài viết của tôi, mà tôi một hôm tình cờ biết được khi nhấp vào tên “Minh Thạnh” dưới các bài viết, đã làm tôi có được sự so sánh số lượng bài viết ứng với từng tháng.

Điều đó động viên tôi phải viết tháng sau nhiều hơn tháng trước, mà kết quả đã dẫn đến cuộc trao đổi ý kiến hôm nay.

Trong số những bài đã và sẽ đăng, có một số bài đã đăng trên các ấn phẩm Phật giáo trước đây, có bổ sung, sửa chữa, không phải hoàn toàn là bài mới.

Vì thế, kết quả 1 bài/1 ngày cũng chỉ là tương đối, và nỗ lực chưa phải là trọn vẹn. Cũng mong bạn đọc Phattuvietnam.net thông cảm nếu số lượng bài viết trong một tháng nào đó giảm sút do hoàn cảnh khách quan.

Xin gởi lời cảm ơn và kính chào trân trọng đối với bạn đọc Phattuvietnam.net.

Cảm ơn Phattuvietnam.net đã dành cho tôi cơ hội chia sẻ một số suy nghĩ riêng với bạn đọc.

PV: Trân trọng tri ân những nỗ lực của anh với sự nghiệp hộ pháp và hoằng pháp. Chúc anh luôn mạnh khỏe, an lạc để cống hiến nhiều tác phẩm báo chí tới chư Tăng Ni, Phật tử và độc giả gần xa.

>>> CS. Minh Thạnh: Góp được phần ít ỏi vào hoằng pháp, hộ pháp, thì đã có công đức