Kỳ XIII: Nhà ngoại cảm trò chuyện với chúng sinh cõi Atula: “Máy bay là con chuồn chuồn, con chuồn chuồn là máy bay”…
Sau khi kỳ XII được đăng tải trên trang phattuvietnam.net, có bạn đọc đã góp ý comment chân thành với tác giả, không nên viết dài, hãy khẳng định dứt khoát là người cõi âm mà lâu nay nhà ngoại cảm trò chuyện là chúng sinh thuộc cõi nào trong Lục đạo Luân hồi?!
Tác giả đã trả lời rất rõ ràng, đa số là chúng sinh cõi Atula. Có bạn đọc góp ý nên dùng danh từ số đếm là “phần nhiều” thay cho “đa số”, tác giả nhận thấy cũng rất hữu lý.
Chúng tôi, dùng Luận (Kinh – Luật – Luận) để thử lý giải, vì đã gọi là “thử lý giải” thì bản chất đã là sự Luận. Luận theo kinh sách, luận theo trải nghiệm với các hiện tượng thực tế xảy ra, mà bản thân đã chứng kiến, tiếp xúc, thực hành.
Sở dĩ chúng tôi chưa trích kinh sách để trả lời câu hỏi, lâu nay chúng sinh mà nhà ngoại cảm trò chuyện được, họ thuộc cõi nào trong Lục đạo, vì, các luận điểm cho rằng thuộc giai đoạn Thân trung ấm, cũng chủ yếu Luận theo những dẫn chứng mang tính kinh nghiệm bản thân, nên tác giả – Giới Minh tập trung phân tích, trao đổi lại với các lập luận đó. Việc trích kinh sách chứng minh, sẽ được dẫn giải ở kỳ XIV của loạt bài viết này.
Trở lại vấn đề, một số bài viết, ý kiến comment dưới các bài viết đăng tải trên trang Phattuvietnam.net và trên mạng Internet, cho rằng, nhà ngoại cảm chỉ trò chuyện được với chúng sinh ở giai đoạn Thân trung ấm, vì dựa trên các lập luận như:
Lập luận 1: Theo các nhà ngoại cảm mô tả khi gặp các “linh hồn” – chúng sinh thì thấy cảnh người cõi âm trước khi chết ra sao, bị thương cụt tay, cụt chân như thế nào, chú bộ đội cầm súng ra sao,….vẫn còn cảnh người sao – âm vậy, nên chúng sinh như vậy thì chỉ có trong giai đoạn Thân trung ấm?!
Nhà ngoại cảm chưa bao giờ thấy Địa ngục (dẫn lời chị Phan Bích Hằng), chưa thấy các cảnh giới khác như cõi Thiên, Atula, Ngã quỷ….Nên những chúng sinh mà nhà ngoại cảm trò chuyện được chỉ có thể là đang trong giai đoạn Thân trung ấm.
Tác giả đã phân tích ở kỳ XII, hình ảnh mà nhà ngoại cảm thấy, không phải là hình ảnh hiện tại của chúng sinh đó ở cõi nào trong Lục đạo, mà là hình ảnh quá khứ, trong một giai đoạn của dòng luân hồi liên tục, bất tận của tâm thức.
Điều này không khác gì chúng ta xem lại một cuốn phim về người thân mất cách đây hàng chục năm, mà không thể biết tình trạng hiện tại của chúng sinh đó trong Lục đạo.
Với kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi sẵn sàng thảo luận với bất kỳ nhà ngoại cảm nào, nếu họ mô tả cõi âm như nêu trên, thì có thể khẳng định họ chưa phân biệt được các cõi khác và giống nhau ra sao; chưa thể biết chúng sinh đó thuộc cõi nào.
Lập luận 2: Có ý kiến cho rằng, vì nhà ngoại cảm trò chuyện được với “linh hồn” cách đây hàng chục năm, hàng trăm năm, hàng ngàn năm nên chúng sinh đó đang kéo dài tình trạng Thân trung ấm, mà chưa thể tái sinh ở các cõi khác trong lục đạo, nhưng họ vẫn là chúng sinh, nên nhà ngoại cảm vẫn có thể trò chuyện được.
Chúng tôi cho rằng, theo quan niệm của Phật giáo có Lục đạo, và một giai đoạn trung gian gọi là Thân trung ấm. Nếu quả thật giai đoạn này kéo dài đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm sau cái chết thân xác và vật lý của con người, thì sao Phật giáo không qui thành một Cõi tương ứng để thành Thất đạo luân hồi, mà lại chỉ là Lục đạo luân hồi?
Nếu có phép quán tưởng, chúng ta sẽ tránh rơi vào “tranh luận” không cần thiết, vì thực chất Lục đạo cũng chỉ có thể là một cõi, gọi là cõi Luân hồi; các giai đoạn khác nhau của chúng sinh, do có những đặc thù riêng nên có sự phân chia cõi giới và giai đoạn Thân trung ấm để chỉ ra các trạng thái khác nhau của Tâm thức, việc phân giai đoạn và phân cõi cũng chỉ mang tính tương đối.
Ví dụ: Chúng sinh A, cách đây X năm là chúng sinh ở cõi Thiên. Hiện tại là chúng sinh cõi Nhân, cách đây Y năm là chúng sinh ở Địa ngục, cách đây Z năm là chúng sinh ở cõi Atula…dòng luân hồi cứ thế liên tục, bất tận cho đến khi thoát ra khỏi qui luật sinh – tử.
Do vậy, có bạn đọc nêu câu hỏi và đề nghị tác giả khẳng định dứt khoát xem con người sau khi chết thuộc cõi nào trong lục đạo thì chúng tôi đành chịu! Vì, khẳng định dứt khoát có nghĩa là phủ định Luân hồi, phủ định Nhân – Quả.
Trả lời câu hỏi, chúng sinh mà lâu nay nhà ngoại cảm trò chuyện thuộc cõi nào, chỉ là cách tạm hiểu, với chúng tôi đa số trong giai đoạn đang xét (nhà ngoại cảm trò chuyện), họ (đa số) là chúng sinh cõi Atula. Đa số chứ không phải tất cả, vì nếu tất cả mọi người sau cái chết vật lý và sinh học của thân xác đều trở thành chúng sinh cõi Atula thì còn đâu Lục đạo, Nhân – Quả, Luân hồi?
Cách trả lời như vậy, không loại trừ những trường hợp khác, nhà ngoại cảm đã trò chuyện với chúng sinh ở cõi Địa ngục, Ngã quỷ, Thiên…thậm chí cũng có trường hợp không thể gọi hồn được, có thể do họ đã đầu thai trở lại làm Người, hoặc bị đọa bởi đường Súc sinh, hoặc do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác.
Trở lại câu hỏi, tại sao gọi là giai đoạn Thân trung ấm mà không gọi là cõi Thân trung ấm? Chưa gọi là cõi vì dòng Tâm thức chưa có tính ổn định, mang tính tương đối, trong một giai đoạn nhất định như các trạng thái trong Lục đạo.
Ví dụ: Có cách phân loại, con người có 3 giai đoạn chính, giai đoạn tiền vận (dưới 30 tuổi), giai đoạn trung vận (30 – 50) và giai đoạn hậu vận (50 – đến già)….thì đó cũng chỉ là cách phân loại để hiểu, dựa trên những đặc tính sinh học và sự phát triển của cơ thể. Nhưng nếu có cách hiểu khác thì cả đời người cũng chỉ là một giai đoạn ngắn trong dòng luân hồi liên tục của Lục đạo.
Còn với giai đoạn Thân trung ấm, đa số trường hợp là sau 49 ngày thì tái sinh vào các cảnh giới và cõi giới khác. Vì giai đoạn trung gian này xảy ra trong một thời gian ngắn, nên có lẽ đã không được gọi là cõi, mà chỉ gọi là giai đoạn Thân trung ấm?
Việc phân loại cõi, là dựa vào những đặc điểm phổ quát nhất của thần thức (với 4 cõi vô hình) và dựa trên đặc điểm về thân xác vật lý, sinh học với 2 cõi (Nhân, Súc sinh), dựa trên những đặc tính bước đệm trước khi ổn định với cách phân loại tương ứng với các cõi trong Lục đạo thì gọi là giai đoạn Thân trung ấm.
Thực tế, như chúng ta thấy trong 2 cõi có thân xác vật lý, sinh học và có sự sống theo định nghĩa của khoa học, thì con người được gọi là cõi Nhân, còn tất cả các trạng thái sống khác, đều được gọi chung là Súc sinh.
Ở cõi Nhân (con người) cũng có Người tu thành Phật, có Người trở thành Bồ Tát, A La hán, có người còn ác hơn cả ác quỷ,…nhưng so với “tổng số dân số” thì các trường hợp đặc biệt trên không phải là số đông, đa số vẫn là con người với những đặc thù có lành, có dữ, có điều thiện, và có ác nghiệp nhất định, nên được gọi chung là cõi Nhân, vì dựa trên những đặc tính phổ quát nhất, đặc thù nhất của cả Tâm thức và thân xác vật lý, sinh học.
Cách phân loại cõi là mang tính tương đối để cắt nghĩa, giải thích mang hàm nghĩa tương đối, không nên tuyệt đối hóa cách phân cõi và hiểu cách phân cõi một cách tuyệt đối.
Lập luận 3: Có ý kiến cho rằng, theo kinh sách Phật giáo với đã số trường hợp thì sau 49 ngày là linh hồn đã đầu thai nhưng vì Việt Nam có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, nên có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc “thần thức” còn quyến luyến và họ bám chấp vào đó, quyến luyến người thân, nên kéo dài tình trạng Thân trung ấm mà chưa thể tái sinh vào các cảnh giới khác?
Từng tham dự một số buổi sinh hoạt của một số đạo tràng, chúng tôi nhận thấy, có nhiều Phật tử hay hỏi các quí thầy, đặc biệt là nhân dịp gặp các quí thầy ở Tây Tạng, Nê Pan, Ấn Độ, Miến Điện…sang Việt Nam hoằng pháp.
Câu hỏi đại ý là, đức Phật dạy không thờ cúng quỷ, thần, ma vong ngoại đạo, trong khi ở Việt Nam có phong tục thờ cúng tổ tiên thì điều đó có làm cho thần thức quyến luyến, dẫn đến việc bám, chấp và khó đầu thai hay không? Việc thờ cúng như vậy, có trái lời Phật dạy hay không?
Các quí thầy có cách trả lời khác nhau, song tựu chung lại chưa có quí thầy nào phản đối việc thờ cúng đó. Chúng tôi nhận thức, việc thờ cúng ông bà, cha mẹ, gia tiên…là một truyền thống văn hóa đáng tự hào của người Việt. Lời dạy của đức Phật về việc không thờ cúng ma quỷ, thần linh ngoại đạo là ở ý nghĩa khác.
Danh, tính từ “thờ cúng” ở đây không đơn giản mang hàm nghĩa là lập bàn thờ, thờ và cúng, mà là sự tôn thờ ở trong Tâm, “ngoại đạo” ở đây không còn là ý nghĩa chúng sinh mà chúng ta thờ, cúng theo tôn giáo khác, mà “đạo” và “ngoại” ở đây là không thờ cúng thần linh, ma quỷ mà chúng ta không hướng đến chính đạo, sự giải thoát cho họ, mà lại hướng đến ý thức “ngoại đạo” trong Tâm, và bị “ngoại đạo” chi phối Tâm ta – tâm người thờ.
Đã là Phật tử chúng ta không thờ, cúng các thần linh, ma quỷ ngoại đạo, có nghĩa là không thờ cúng thần, linh, ma quỷ mà không hướng tâm, hồi hướng đến sự giải thoát, hướng đến chánh đạo (trong đạo) để hồi hướng giải thoát cho họ. Tất cả sự tối cao là hướng đến điều đó, không gì khác, trên, trong, ngoài điều đó.
Do vậy, việc việc thờ, cúng ông bà, cha mẹ, gia tiên bằng con tâm chính đạo là một đạo đức cao cả, cho dù ông, bà, cha mẹ gia tiên của ta có theo bất kỳ một tôn giáo nào khác.
Chúng ta hướng tâm đến chính đạo chứ không phải “ngoại đạo” ở trong Tâm của người thờ, chứ không phải chúng sinh được thờ, hay thần linh, ma quỷ đó theo tôn giáo khác là “ngoại đạo”, là không nên thờ, cúng, không nên hồi hướng công đức cho họ…(hồi hướng khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh đặng tròn thành Phật đạo).
Khi chúng ta thờ, cúng bất cứ chúng sinh nào với cái Tâm chính đạo (không phải cái Tâm ngoại đạo) thì dù chúng sinh đó là ông bà, cha mẹ, gia tiên, hay ma, quỷ, thần linh…đều là những vị “Phật” của tương lai.
Chúng ta hãy lấy đó là niềm tự hào về truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Quí Phật tử nào chưa tin, còn phân vân, hãy đọc kỹ bài kinh thứ 9 trong quyển Kinh 42 bài do Hòa Thượng Trí Quang dịch và chú giải, có đoạn Phật nói: «đãi cơm một trăm ngươi thường không bằng một người tốt. Đãi cơm một ngàn người tốt không bằng một người giữ năm giới. Đãi cơm một vạn người giữ năm giới không bằng một vị Tu đà hàm.
Hiến cơm ngàn vạn Tu đà hàm không bằng một vị A na hàm. Hiến cơm một ức A na hàm không bằng một vi A la hán. Hiến cơm mười ức A la hán không bằng một vị Bích chi Phật. Hiến cơm trăm ức bích chi Phật không bằng đem giáo huấn của Tam bảo mà hóa độ song thân một đời.
Hóa độ song thân ngàn ức đời không bằng hiến cơm một người học tập theo Phật, nguyện được như Phật để cứu vớt chúng sinh. Hiến cơm người như vậy thì phước sâu dày nhất. Còn phụng thờ trời đất quỉ thần thì không bằng hiếu thảo cha mẹ; cha mẹ là thần linh bậc nhất».
Lập luận 4: Có nhận định khi trích Kinh sách về cõi Atula với các miêu tả chúng sinh ở cõi Atula sinh ra từ trứng của loài Rồng, nên không có nguồn gốc từ loài người, và do đó không thể có chuyện chúng sinh ở cõi Atula là thân nhân những người nhờ nhà ngoại cảm trò chuyện được….
Lại cũng có nhận định cho rằng, đã đầu thai thành chúng sinh ở cõi giới khác thì họ đã quên hết thông tin quá khứ, làm sao mà có thể quyến luyến và biết về kiếp trước để có thể nói chuyện được với nhà ngoại cảm, nhập “linh hồn” về để trò chuyện về kiếp trước (tức khi còn sống ở cõi trần gian) với thân nhân được? Do vậy, chúng sinh đó chỉ có thể là giai đoạn Thân trung ấm?
Chúng tôi không cho rằng chúng sinh cõi Atula sinh ra từ trứng Rồng, chúng tôi xin hỏi Rồng là chúng sinh như thế nào, thuộc cõi nào trong Lục đạo? Theo các nhà khoa học, loài Rồng chưa xuất hiện trên trái đất, hình ảnh Rồng xuất hiện trong tín ngưỡng của không ít dân tộc, chỉ là một câu chuyện huyền thoại và do con người tưởng tượng ra?!
Chúng tôi, chưa đủ kiến thức khoa học để chứng minh Rồng đã từng tồn tại trên trái đất hay chưa, hay đã bị tuyệt chủng như khủng long? Nhưng, chúng tôi khẳng định rằng, nhận định chúng sinh cõi Atula sinh ra từ trứng Rồng, mà không có nguồn gốc từ người thì “vô tình” đã phủ định Lục đạo luân hồi, chúng sinh nào cũng có thể Luân hồi liên tục trong các cõi, cảnh giới khác nhau trong Lục đạo, nếu chưa thoát khỏi Luân hồi.
Chúng tôi nhận thức những hình ảnh mang tính miêu tả trong Lục đạo chỉ là một cách miêu tả mang tính tôn giáo, mượn các hình ảnh để giải thích về trạng thái, đặc biệt là trạng thái của dòng tâm thức tương ứng, hình ảnh chỉ là cái cớ để minh họa….và để hiểu, đặc biệt là cách hiểu và tưởng tượng bằng nhãn quan của thị lực và trí lực.
Chúng tôi có cách hiểu chúng sinh ở 4 cõi Atula, Thiên, Địa ngục, Ngã quỷ không có hình dáng như chúng ta tưởng tượng, hình dáng mà chúng ta thấy trên kinh sách, sự mô tả của các nhà ngoại cảm là hình ảnh của “hư không”, do nghiệp chiêu cảm của Tâm tạo tác, không phải là hình ảnh thực, như chúng ta ghi nhận bằng nhãn thực của thị lực.
Ví dụ: Thời chúng tôi học lớp Một, do không có hình ảnh để minh họa sinh động như thời nay, nên mỗi nghi nghe tiếng máy bay ù ù…. học trò hỏi cô giáo: – Máy bay thì như thế nào?. Cô giáo đã trả lời rất hay: – Nó như con chuồn chuồn.
Máy bay như con chuồn chuồn, phát ra tiếng ù ù. Đó là ký ức mỗi khi chúng tôi nghĩ về máy bay.
Đến lúc học môn vật lý ở lớp 8, thầy giáo lại giảng giải về máy bay khác với bài giảng về con chuồn chuồn của cô giáo dạy lớp Một thưở nào!
Vậy, phải chăng có điều gì mâu thuẫn? Không, không có gì mâu thuẫn, tất cả là thống nhất trong nhận thức. Nó tùy thuộc vào mức độ nhận thức của chúng ta, chính ta mà thôi. Con chuồn chuồn và máy bay đúng là có những đặc điểm giống nhau, nhưng còn chuồn chuồn vẫn là con chuồn chuồn, máy bay vẫn là máy bay.
Thực tế nó vẫn vậy, không gì khác hơn. Nhưng để hiểu về máy bay mà chưa có hình ảnh minh họa bằng trực quan sống động, thì với học sinh lớp Một, không có gì hay hơn bằng bài giảng của cô giáo mà chúng tôi còn nhớ mãi, máy bay là con chuồn chuồn phát ra tiếng ù ù…
Lập luận 5: Nhận định cho rằng, đã đầu thai thành chúng sinh ở cõi giới khác thì họ đã quên hết thông tin quá khứ, làm sao mà có thể quyến luyến và biết về kiếp trước để có thể nói chuyện được với nhà ngoại cảm, nhập “linh hồn” về để trò chuyện về kiếp trước (tức khi còn sống ở cõi trần gian) với thân nhân được? Do vậy, nhà ngoại cảm chỉ có thể trò chuyện với chúng sinh ở giai đoạn Thân trung ấm mà thôi.
Chúng tôi không nhận định như vậy, với 6 cõi trong Lục đạo, chúng tôi tạm thời phân ra 2 dòng chúng sinh.
Dòng thứ nhất, chúng sinh có thân xác vật lý và sinh học (Nhân, Súc sinh).
Dòng thứ hai, chúng sinh thọ cảm bằng tâm thức, đời sống tâm thức, có hình dáng nhưng là hình dáng do Tâm khởi tạo, tạo bởi Tâm, không phải là hình dáng vật chất như mô tả bằng các giác quan thông thường của con người. Đó là chúng sinh ở 4 cõi (Thiên, Atula, Địa ngục và Ngã quỷ).
Với chúng sinh ở dòng thứ nhất, đa số khi đã đầu thai thì quên kiếp trước, trừ một số trường hợp đặc biệt như người tu luyện, thần đồng thì có thể nhớ và biết được một phần kiếp trước hoặc kiến thức, tri thức kiếp trước hồi dư.
Vì sao chúng sinh ở dòng này quên kiếp trước? Vì tâm họ đã nương vào thân xác, và ít nhiều do Nghiệp của họ, của Thân xác, nên Tâm (ý), Thân, Khẩu đã đồng nhất thể, nương tựa và bám chấp vào nhau, do vậy họ đã quên kiếp trước; khi nào việc tu luyện đủ sự giác ngộ để tách bạch được điều này, họ sẽ biết được kiếp trước và thân nhân kiếp trước, cõi giới kiếp trước của mình.
Súc sinh do phước kém nên khó có duyên tu tập Phật pháp, con người là chúng sinh đặc biệt nhất trong Lục đạo, có duyên lành có thể đến được với Phật pháp dễ nhất, tốt nhất so với chúng sinh trong các cõi của Lục đạo. Vì, sự tương tác thuận duyên hay nghịch duyên của 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý có thể bổ sung tương hỗ, hoặc tương nghịch cho nhau trong việc tu tập Phật pháp. Được làm thân người là một cơ duyên đặc biệt, thuận duyên nhất trong việc tu tập Phật pháp so với chúng sinh ở các cõi khác trong Lục đạo, là vì vậy.
Chúng sinh ở dòng thứ hai, do đời sống của Tâm thức, không bị chi phối bởi thân xác vật lý và sinh học, tuy đang ổn định trong dòng tâm thức tương đối để được phân loại tương ứng với cõi nào trong 4 cõi vô hình, khi gặp được nhân duyên, rất dễ quay lại dòng luân hồi bất tận của Tâm thức kiếp trước của mình, vì Tâm – nhận thức của họ không bị chi phối, bám chấp mạnh liệt bởi thân xác như chúng sinh cõi Nhân, cõi Súc sinh.
Do vậy họ có thể dễ dàng nói chuyện về kiếp trước với các nhà ngoại cảm trong vai của thần thức quá khứ, họ có thể nói chuyện song hành với nhà ngoại cảm những thông tin mà họ thu nhận được trong vai một chúng sinh mới ở cõi mới, và họ có thể nhập hồn về qua cô đồng để có thể mượn tạm một thân xác trung gian để truyền lời, nối khẩu.
Chúng ta hình dung, chúng sinh cõi vô hình như phần mềm máy tính, khi nhập về thân xác (qua thân xác cô đồng, người thân…) – phần cứng, thì có những khả năng, chức năng của một chúng sinh như cõi Nhân trong giai đoạn tạm thời đó.
Điều khác nhau giữa phần mềm máy tính và chúng sinh cõi vô hình, là phần mềm máy tính không có khả năng thụ cảm, nhận biết độc lập nếu không có máy tính (phần cứng), còn chúng sinh cõi vô hình hoàn toàn thực hiện được điều đó với một hệ qui chiếu khác (khác hệ qui chiếu của cõi Nhân), chỉ những người có khả năng ngoại cảm thật sự, các nhà tu hành đắc đạo mới trò chuyện, và trao đổi với họ ở các mức độ khác nhau, tùy theo khả năng, nhân duyên.
Còn nữa…..
Kỳ 1I Kỳ 2 I Kỳ 3 I Kỳ 4 I Kỳ 5 I Kỳ 6 I Kỳ 7 I Kỳ 8 I Kỳ 9 I Kỳ 10 I Kỳ 11 I Kỳ 12 I Kỳ 13 I Kỳ 14