Trang chủ Thời đại Truyền thông Tổ chức sự kiện PG: bảng lớn, băng rôn, áp phích

Tổ chức sự kiện PG: bảng lớn, băng rôn, áp phích

133

Một phương thức hoạt động truyền thông đại chúng

Trong hoạt động truyền thông đại chúng, tranh cổ động khổ lớn, băng rôn, áp phích dán và treo…, là những phương thức đã có từ rất lâu, từ thời trung cổ.

Nhưng những phương thức trên không hề lạc hậu. Hiện nay, trên các đại lộ ở những thành phố lớn, cho đến những con đường thị trấn vùng nông thôn, chúng ta vẫn còn thấy các phương thức truyền thống này được áp dụng hết sức phổ biến, truyền thông cho nhiều mục tiêu.

Chẳng những vẫn còn được ứng dụng rộng rãi mà nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được triển khai, bổ sung các hình thức mới như hộp đèn, bảng chữ đèn led…

Bảng, băng rôn, áp ích  là một phương thức truyền thông vừa hiệu quả vừa tiết kiệm. Một tấm bảng lớn đặt nhiều tuần, nhiều tháng ở ngã tư có vài chục ngàn lượt xe gắn máy qua lại mỗi ngày có giá thành rẻ hơn rất nhiều một đoạn video quảng cáo chiếu trong 30 giây trên TV hay một trang báo in.

Từ ngày có công nghệ in Hiflex, thì chi phí còn hạ hơn nữa so với việc dùng thợ vẽ tay các tấm bảng lớn như trước đây. Giá công in Hiflex hiện nay chỉ từ khoảng 20.000đ – 25.000đ/m2 và có thể bấm nút in tới hàng ngàn tấm bảng trong thời gian ngắn. Truyền thông bảng lớn, áp phích… đạt đến mức “công nghiệp”.

Khả năng ứng dụng trong hoạt động truyền thông của Phật giáo Việt Nam

Phương tiện truyền thông bảng cở lớn, băng rôn, áp phích… đã được Phật giáo Việt Nam sử dụng nhiều trong dịp Đại lễ Vesak 2008. Tuy nhiên, trong các năm sau, phương thức truyền thông rất hiệu quả và ít tốn kém này ở một số địa phương dường như được sử dụng ít đi và đó là một điều đáng tiếc.

Trong dịp Lễ Vu lan dương lịch 2009 vừa rồi, nhiều chùa dù ở mặt tiền vòng xoay, ngả ba, ngả tư lớn, cũng chỉ treo một băng rôn nhỏ, với nội dung gần như nhau: “Vu lan thắng hội”.

Nếu phương thức truyền thông mà chúng ta đang nói đến đây được các chùa chú ý sử dụng, đặc biệt là trong tổ chức sự kiện, thì lợi ích mang lại cho hoạt động hoằng pháp sẽ lớn hơn nhiều.

Trước hết, việc tận dụng ưu thế mặt tiền chùa và cả các điểm có thể để dựng bảng hộp đèn (chữ và tranh vẽ, ảnh phóng lớn), treo băng rôn, áp phích có tác dụng nhắc nhở đến sự kiện Phật giáo sắp diễn ra mà hầu hết đều theo âm lịch nên rất dễ quên.

Sự kiện được “nhắc” để Phật tử đến chùa tham dự và tổ chức cúng lễ tại nhà có thể là từ các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, đến các ngày Vía Phật, Bồ tát như Vía Phật A Di Đà, lễ Phật thành đạo, Vía Bồ tát Quan Thế Âm, kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân…

Chắc chắn, với phương tiện truyền thông này, số người đến chùa dự lễ, cúng vía, cúng kỵ sẽ đông hơn.

Ngay cả các sự kiện đột xuất như đại hội, hội nghị hội thảo Phật giáo, triển lãm, họp mặt phát hành kinh sách, truyền thông, quảng bá sự kiện bằng băng rôn, áp phích… cũng góp phần tích cực cho thành công của sự kiện.

Một hiệu quả đáng kể là phương thức truyền thông được nói đến ở đây góp phần gia tăng không khí, màu sắc sự kiện so với thời gian thường ngày. Đây là điều rất quan trọng trong lý luận tổ chức sự kiện.

Đã là “sự kiện” thì phải khác với ngày thường. Không gian càng có “tính chất sự kiện” thì việc tổ chức càng thành công. Trong lý luận tổ chức sự kiện, mọi phương thức tác động đến các giác quan, đặc biệt là mắt và tai, đều được khai thác với sự đa dạng.

Đối với tác động thị giác, thì ngoài bảng, băng rôn, áp phích, hiện nay còn thấy cờ màu, cờ dây, cờ chuối, ánh sáng đèn, cả đến việc chiếu đèn pha, tia laser. Trong một số trường hợp, người ta không ngần ngại dung bảng lớn che hết cả kiến trúc để tạo nên không khí lễ hội, tức là làm cho khác ngày thường.

Bảng lớn, băng rôn, áp phích dạng treo… là những thứ có thể sử dụng nhiều lần, xong lễ thì cất vào kho, năm sau lại treo lên, rất tiện dụng đối với điều kiện hạn hẹp về mặt tài chính của một số không ít chùa. Cái cần có và rất quý là chỗ để treo, để căng bảng, băng rôn. Nếu có chỗ mà không khai thác thì thật uổng phí.

Đa dạng hoá nội dung các tấm bảng lớn, băng rôn… cũng là một yêu cầu trong hoạt động tổ chức sự kiện. Trong dịp Vu Lan, chẳng hạn, đã có một số chùa triển khai nhiều nội dung khác nhau trên băng rôn, ngoài nội dung chính “Vu Lan thắng hội”. Có thể kể một số ví dụ như “Đạo Phật là đạo hiếu”, “Hạnh hiếu là hạnh Phật”, “Cung kính, phụng dưỡng cha mẹ là cung kính cúng dường chư Phật”, “Vu Lan – ngày của mẹ”, “Lễ cài hoa hồng”…

Việc sử dụng bảng lớn thường được phối hợp với ánh sáng để tạo ấn tượng, hiệu quả tác động cao vào ban đêm. Cách phổ biến nhất là dung đèn pha chiếu vào bảng. Một số trường hợp còn phối hợp đèn chớp tắt và biểu tượng chuyển động, tự phát sáng để gây chú ý. Đối với Phật giáo, đèn sen chớp tắt, biểu tượng pháp luân chuyển vận xoay vòng là những phương thức có thể kết hợp với bảng chữ, bảng tranh cỡ lớn.

Trong nhiều kinh Phật, việc cúng dường ảnh tượng Phật và ánh sáng được coi là rất có công đức. Các phương thức truyền thông như kể trên đều nằm trong những phương thức cúng dường mà Phật tử đều có thể hùn phước, chứ không phải là những phương thức truyền thông hiện đại xa lạ mới du nhập.

Cầu kỳ hơn, nội dung bảng chữ ngày nay có thể được trình bày bằng tranh hoa, tranh lá, ghép các chậu hoa, chậu lá thành bảng chữ hoặc hình ảnh đơn giản. Hoa lá dùng trong trường hợp này cũng là một hình thức cúng Phật.

Điểm qua các phương thức truyền thông như trên, điều cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắm tới là làm sao để tận dụng mặt tiền chùa, nhất là các chùa ở vị trí thuận lợi như đường lớn, ngã ba, ngã tư, vòng xoay… để quảng bá cho các sự kiện Phật giáo một cách tương xứng.

MT