Trang chủ Bài nổi bật Vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên

Vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên

782
Ghé thăm Triều Tiên, phóng viên Tuổi Trẻ đã được tham quan hai kiến trúc cổ đặc biệt quý giá ở tầm nhân loại được gìn giữ nguyên vẹn, khiến nhiều nhà chuyên môn vô cùng ngạc nhiên và xúc động.
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 1.

Một kiến trúc cổ có từ thế kỷ X ở văn miếu Sungkyunkwan, Khai Thành – Ảnh: THÁI LỘC

Đó là hai Di sản thế giới: văn miếu Sungkyunkwan ở cố đô Khai Thành và chùa cổ Bohyeon ở tỉnh Bình An Bắc…
“Đồng chí Kim Jong Un đáng kính đã phát biểu như sau: các di tích lịch sử cần được bảo vệ, quản lý và bảo tồn nguyên trạng!”, đó là nội dung tấm biển bằng bê tông ở văn miếu Sungkyunkwan có lẽ thể hiện rõ quan điểm bảo tồn di tích của đất nước Triều Tiên.
Văn miếu Sungkyunkwan ở cố đô Khai Thành
Chúng tôi hết sức bất ngờ khi bước vào văn miếu Sungkyunkwan ở cố đô Khai Thành, cực nam của Triều Tiên. Bước qua cánh cổng cổ là khoảnh sân rất rộng rợp bóng cổ thụ, nhìn quanh là các công trình bằng gỗ, lợp ngói âm dương, có những mảng tường gạch không trát vữa mà để lộ mạch vữa bằng vôi trắng rất bắt mắt.
Trong sân, hai công trình nằm trên trục chính cùng lối kiến trúc cổng, khá nhỏ nhắn, đơn giản nhưng duyên dáng và cổ kính. Những dãy nhà dọc có lối kiến trúc tối giản nằm khiêm tốn hai bên, nép mình dưới tán cây xanh có lẽ là những tệ xá phục vụ tế lễ.
Chính điện của văn miếu nằm cuối trục chính, trên một nền đá cao, toàn bằng gỗ với phần mái có nhiều lớp cấu kiện gỗ chồng xếp lên nhau rất đặc biệt. Điều gây ngạc nhiên hơn cả khi công trình được giới thiệu xây dựng năm 992, dưới thời Koryo, “là trường đại học đầu tiên của thế giới”, đến nay còn được gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn.
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 2.

Bên trong cổng chính văn miếu Sungkyunkwan và cây ngân hạnh cổ thụ, được giới thiệu là “vật kỷ niệm nghìn năm của đất nước” – Ảnh: THÁI LỘC

Văn miếu Sungkyunkwan nằm giữa hệ thống cây xanh cổ thụ rất độc đáo, tỏa bóng mát cho cả khoản sân rộng. Đó là cây cử được trồng từ năm 1490 cao 30m, đường kính thân lên đến 8m. Và những cây ngân hạnh cổ thụ, có cây cao hơn 30m và đường kính gốc gần 7m, được công nhận “vật kỷ niệm nghìn năm của quốc gia”.
Trong một lần ghé thăm Sungkyunkwan, lãnh tụ Kim Jong Il từng khen ngợi: “Cây ngân hạnh lâu năm mà không bị sâu phá hoại, cũng vẫn tươi xanh, cần được bảo vệ với tư cách là vật kỷ niệm nghìn năm của đất nước!”. Vị lãnh tụ cũng đã chụp ảnh chung tại những cây cổ thụ này trong lần ghé thăm vào năm 1992.
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 3.

Nhóm hiện vật khảo cổ học từ nền móng văn miếu Sungkyunkwan được trưng bày – Ảnh: THÁI LỘC

Ngôi chùa cổ Bohyeon ở núi Diệu An
Nhưng kiến trúc làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là ngôi chùa cổ Bohyeon, nằm giữa rừng tùng cả nghìn năm tuổi ở núi Diệu An, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Bình An Bắc, cách thủ đô Bình Nhưỡng chừng 120km về phía bắc.
Ngôi quốc tự được xây dựng năm 1042 dưới thời Koryo này gồm một quần thể kiến trúc cổ vẹn nguyên, nhiều thể loại, từ cổng, lầu, điện, nhà chuông, tháp đá, cột bia…
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 4.

Chùa cổ Bohyeon nằm giữa một rừng tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi – Ảnh: THÁI LỘC

Điều đặc biệt thu hút chúng tôi là kiến trúc chính điện Daewong: phần mái gồm các cấu kiện vì kèo, đòn tay, rui mè lớp thì vuông, lớp để tròn xếp chồng lên nhau. Tất cả đều được tô vẽ hoa lá, mây trời… bằng màu ngũ sắc rất rực rỡ, sinh động và độc đáo.
Phần nội điện có những tượng Phật lớn, trang trí nhiều ảnh thờ, có nhà sư, có kinh kệ và nhang khói…
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 5.

Bên trong chính điện Daewoong của chùa Bohyeon – Ảnh: THÁI LỘC

Ngoài các kiến trúc cổ kính được bảo tồn nguyên vẹn, điều thích thú hơn cả là những kiến trúc như được “khảm nạm” rất hài hòa trong một tổng thể cảnh quan thiên được gìn giữ và chăm sóc rất có ý thức, không có dấu hiệu bêtông hóa tràn lan như một số nước.
Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn Choe Un Mi, các công trình cổ quý này đã may mắn không bị phá hủy cho dù trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Đặc biệt sau này, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chỉ đạo bảo tồn nguyên vẹn giá trị, để trở thành bằng chứng vật chất quý giá thể hiện nền văn minh dân tộc từ cả ngàn năm trước…

Một nét đặc trưng khác biệt là các kiến trúc có đến hai lớp rui: lớp rui tròn ở dưới thuần túy để trang trí, là dấu tích của kỹ thuật xây dựng cổ đại. Và lớp rui vuông ở trên làm cơ sở tính toán module trong thiết kế kiến trúc. Rui được xếp theo hình rẽ quạt và điểm hội tụ tính từ nóc nhà. Đây là một loại kỹ thuật xây dựng rất khó, cần trình độ toán học và hình học không gian cao!

TS.KTS Lê Vĩnh An, trưởng khoa kiến trúc – mỹ thuật Trường ĐH Duy Tân – Đà Nẵng.

Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 7.
“Không thể tưởng tượng!”
Khi xem hình ảnh văn miếu Sungkyunkwan và chùa cổ Bohyeon, các nhà nghiên cứu kiến trúc đều không kìm nén được xúc động, không thể ngờ được ở Triều Tiên còn gìn giữ được những kiệt tác kiến trúc quý giá bậc nhất của thế giới.
TS.KTS Lê Vĩnh An, trưởng khoa kiến trúc mỹ thuật trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng, ngạc nhiên: “Thật bất ngờ, trước đây có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng ở Triều Tiên lại còn gìn giữ được những công trình sớm, kết hợp nhuần nhuyễn cả kỹ thuật Bắc Tống lẫn Nam Tống, và được bảo tồn nguyên vẹn đến mức như thế!”.
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 8.

Hình thức “đấu củng” và rui 2 lớp hình rẽ quạt cổ xưa, rất đặc trưng của chính điện Daewoong – Ảnh: THÁI LỘC

Sự ngạc nhiên là bởi vì, từ trước đến này, các nhà chuyên môn tin rằng thành tựu kiến trúc thời Tống, gồm kỹ thuật “đấu củng” của Bắc Tống và “đại lương” của Nam Tống – Trung Hoa, còn được lưu giữ nguyên vẹn nhất ở cố đô Nara của Nhật Bản. Ngay cả ở Trung Quốc cũng không còn công trình nào mang đặc trưng của kỹ thuật kiến trúc thời Đường Tống.
Thế nhưng, sự tồn tại những công trình cổ quý ở Triều Tiên có lẽ làm rõ hơn hiện tượng “hóa thạch vùng biên” của văn hóa, mà rõ hơn là về mặt kiến trúc. Cụ thể ở đây, theo GS.TS Nakagawa Takeshi, Viện Đại học Waseda – Nhật Bản, có thể chia thành hai vòng lan tỏa sự ảnh hưởng về mặt kiến trúc tính từ tâm điểm Trung Hoa.
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 9.

Một trụ đá mấy trăm năm tuổi trong khuôn viên nhà chùa còn được bảo tồn – Ảnh: THÁI LỘC

Vòng thứ nhất là ảnh hưởng trực tiếp, “với tính chất bảo thủ tư tưởng và cố hữu kỹ thuật”, bao gồm: cụm kiến trúc ở Na Ra – Nhật Bản, kiến trúc cổ ở phía bắc bán đảo Triều Tiên và miền Bắc Việt Nam.
Rất tiếc ở VN ngày nay những kiến trúc cung điện thời Lý-Trần không còn được gìn giữ để chứng thực điều đó. Song, kiến trúc chùa Bối Khê ở Hà Nội xây dựng năm 1338 vẫn còn những dấu ấn kỹ thuật rất đặc biệt này.
Ở vòng thứ 2, việc tiếp thu mang tính gián tiếp và thích ứng kỹ thuật nên kỹ thuật gốc bị “loãng” đi, có thể kể đến kinh đô Huế của VN, cố đô Kyoto hay Okinawa của Nhật Bản…
Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 10.

Cổng chính Jogye dẫn vào chùa Bohyeon – Ảnh: THÁI LỘC

Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 11.

Chính điện Daewoong của chùa – Ảnh: THÁI LỘC

Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 12.

Phần trần của kiến trúc chính điện có kết cấu và màu sắc rất độc đáo – Ảnh: THÁI LỘC

Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 13.

Chính điện văn miếu Sungkyunkwan ở cố đô Khai Thành – Ảnh: THÁI LỘC

Phóng viên Tuổi Trẻ vãn cảnh chùa cổ ngàn năm ở Triều Tiên - Ảnh 14.
 Theo TTO