Trang chủ Diễn đàn Các khóa lễ ngoài trời, tại sao không?

Các khóa lễ ngoài trời, tại sao không?

123

Không biết từ bao giờ, Phật giáo Việt Nam chỉ hành lễ chỉ trong chính điện mà thôi. Những trường hợp hành lễ ngoài trời đối với Phật giáo Việt Nam chỉ là trường hợp rất đặc biệt, rất hiếm khi xảy ra, và không thay thế những khóa lễ thường nhật chỉ tổ chức trong chính điện.

Đọc lại kinh điển, thì thấy thời Đức Phật hiện tiền, đạo Phật lại có một truyền thống khác.

Đức Phật đản sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni, tức là ở ngoài trời, thành đạo dưới gốc cây bồ đề, chuyển Pháp luân trong vườn Lộc Uyển, thường xuyên thuyết pháp trong những khu vườn khác nhau và Niết Bàn cũng trong một khu vườn, dưới cây Ta la…

Những bức bích họa về lịch sử Đức Phật cũng đều miêu tả sinh hoạt đạo Phật chủ yếu là ở ngoài trời, trong rừng cây hay vườn cây.

Phải chăng ngày xưa kiến trúc không phát triển nên sinh hoạt Phật giáo chỉ chủ yếu diễn ra ở ngoài trời? Hay sinh hoạt ngoài trời là một lựa chọn của Đức Phật? Chúng tôi thiên về ý thứ 2 hơn. Dù có giảng đường nơi đức Phật thường trú đều có yếu tố ngoài trời, yếu tố vườn. Đó là Kỳ Viên, Cấp Cô Độc Viên…

Hướng về hoạt động ngoài trời, trong những khu vườn là một ý hướng thấy rõ trong kinh Phật.

Chúng tôi bắt đầu ý tưởng của mình khi thấy tại Phật học viện Huệ Nghiêm, Phú Lâm, TPHCM có một tượng đức Bổn sư lộ thiên rất đẹp, giữa một vườn cây. Tôi vẫn thầm nghĩ, tụng kinh ở đây, ngoài trời, giữa vườn hoa, dưới tượng đức Phật mỹ thuật và vô cùng trang nghiêm thì thật là hạnh phúc.

Ý tưởng của tôi được tiếp tục khi thấy tại Việt Nam Quốc Tự, Q10, TPHCM, nhiều Phật tử đã ngồi ngoài sân tụng kinh mà không vào chính điện. Trông họ thật thoải mái. Nhiều người đến chùa chỉ như dạo chơi công viên cũng ngồi xếp bằng  chắp tay nghe kinh ở ngoài sân chùa, trong một vườn hoa.

Đi viếng một số ngôi chùa ở Long Thành, Đồng Nai; Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu, chúng tôi bắt đầu thấy nhiều ngôi chính điện không cửa, trống cả 4 mặt, pháp khí, tự khí đơn sơ nhưng trang nghiêm, giữa một khu vườn. Có thể gọi đây là  những ngôi chính điện “bán lộ thiên”.

Hòa thượng Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai có mời chúng tôi dự một buổi tụng kinh ở ngôi chính điện bán lộ thiên. Cảm giác của tôi thật là dễ chịu. Chung quanh chùa cây cối nhiều, không gian đầy hương hoa. Còn gió đồng cứ lồng lộng đưa hương cây, hương hoa vào chính điện. Trong không gian mở như vậy, người tụng kinh như rơi vào một thế giới khác, thế giới tịnh độ với những vườn cây, hồ sen…

Tôi tiếp tục với ý tưởng của mình khi nhìn ngắm những chính điện bán lộ thiên như vậy. Tại sao không mở rộng không gian chính điện thành một chính điện lộ thiên, hoàn toàn ngoài trời, để tụng kinh hành lễ vào những tháng mùa khô?

Tại sao vẫn phải còn tụng kinh dưới mái nhà và trong những hàng cột, trong khi các bức tranh đều vẽ Đức Phật thuyết pháp cho tăng chúng đều ở ngoài trời?

Điều chúng tôi nói ra có thể trái với truyền thống đang được duy trì trong sinh hoạt thiền môn hiện nay: chính điện dù không có cửa vẫn là chính điện. Và không thể có chính điện ngoài trời, hoặc hai chính điện: ngoài trời cho mùa khô và trong nhà cho mùa mưa.

Tại sao không, trong khi ngày xưa, thời Đức Phật, sinh hoạt đạo Phật đều diễn ra ngoài trời, dưới những bóng cây?

Chúng tôi, không thấy một trở ngại nào lớn cho các khóa lễ lộ thiên trong vườn trước sân chùa, trở về truyền thống không gian sinh hoạt Phật giáo 2500 năm trước.

Vấn đề tôn nghiêm chăng? Khóa lễ đặc biệt của Phật giáo vẫn được tổ chức ngoài trời, như lễ Phật đản, chỉ cần ảnh tượng và bàn thờ trang nghiêm là đủ. Một khoảng sân vừa phải lót gạch giữa vườn cũng đủ đảm bảo cho việc lễ lạy.

Vấn đề chiếu sáng đọc tụng chăng? Hiện nay, chỉ cần vài ngọn đèn cực sáng là ánh sáng có đủ cho việc đọc sách trải rộng trên một không gian rộng lớn.

Để làm gì? Để chúng ta có một không gian thiên nhiên hơn, gần với truyền thống thời Đức Phật hơn, dễ chiụ hơn, mát mẻ hơn, thoải mái hơn, và đặc biệt thanh thoát hơn, vì vượt ra những bức tường, đặc biệt, bức tường thứ năm, bức tường còn lại của những chánh điện bán lộ thiên, là nóc nhà.

Có tụng kinh ngoài trời, chúng ta mới cảm nhận được không khí thi vị mà nhà thơ Phạm Thiên Thư đã miêu tả:

Anh là nhà sư buồn

Ngồi tụng kinh dưới trăng

Có khó gì đâu, tại sao tăng ni Phật tử chúng ta không thử tổ chức những khóa lễ như vậy, để cảm nhận giờ khắc ánh trăng vằng vặc trên đầu chiếu vào những dòng kinh huyền ảo, còn trên kia, tượng Đức Bổn Sư vời vợi giữa trời cao, giữa mây trắng và giữa trăng sao..