Trang chủ Văn hóa Sự kiện tiền sự kiện – nhìn từ chùa Bằng rước đất...

Sự kiện tiền sự kiện – nhìn từ chùa Bằng rước đất thiêng

53

Các lễ khai mạc và các hình thức trước lễ khai mạc những hệ thống sự kiện diễn ra trong nhiều ngày, nhiều tuần được coi là sự kiện tiền sự kiện.

Thí dụ, lễ rước đuốc Thế vận hội được coi là sự kiện tiền sự kiện.

Trong Phật giáo, trước đại lễ Phật đản diễn ra vào sáng ngày rằm tháng tư âm lịch, thì đêm 14 thường có thuyết pháp, văn nghệ ngoài trời, rước xe hoa… Đó là sự kiện tiền sự kiện.

Sự kiện tiền sự kiện, với tác dụng “đề dẫn”, thường chú trọng đến tính chất quần chúng, trong đó yếu tố hội (lôi cuốn, tưng bừng, vui chơi) thường được chú trọng hơn so với yếu tố lễ, được dành nhiều hơn sự tôn nghiêm, trang trọng.

Cái khó của tổ chức sự kiện, nhiều khi, lại nằm ở việc tổ chức tiền sự kiện.

Tiền sự kiện tạo tình huống mở đường quảng bá sự kiện chính. Khi các cơ quan truyền thông đưa tin về “sự kiện tiền sự kiện” đã diễn ra tức là đang làm công việc giới thiệu loan báo về sự kiện chính sắp diễn ra, mời gọi công chúng đến tham dự sự kiện chính.

Do vậy, việc tổ chức sự kiện tiền sự kiện đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo của nhà tổ chức. Nhiều hình thức có thể nghiên cứu, lựa chọn để sử dụng.

Trong lễ lạc thành bảo tháp Báo Ân tại chùa Bằng, Hà Nội, lễ rước đất thiêng từ chùa Lý Triều Quốc Sư đến tôn trí tại tháp Báo Ân là “sự kiện tiền sự kiện” của lễ lạc thành bảo tháp được tổ chức sau đó.

Ở đây sự kiện tiền sự kiện được tổ chức thành công, có tác dụng tích cực trong việc quảng bá  sự kiện chính.

Thành công của sự kiện tiền sự kiện này trước hết là đã chọn được hình thức thích hợp. Đó là một cuộc lễ rước, một  sự kiện động, diễn tiến qua nhiều đường phố, dẫn vào nơi sẽ diễn ra sự kiện chính vào thời gian sau đó.

Nhìn từ lý luận tổ chức, qua phóng sự ảnh, chúng ta thấy được thành công của việc hình thành lễ hội đường phố. Đám rước đông, người đứng xem cung kính cũng đông. Như thế là thu hút người tham dự.

Toàn bộ lộ trình đón rước đã trở thành không gian Phật giáo, với cờ, áp phích… và nhất là Phật tử trang nghiêm chắp tay thành kính. Sự kiện đường phố như vậy là thành công về mặt không gian.

Vì là lễ rước, nên không gian chính sự kiện là những chất điểm nối tiếp trên lộ trình. Đối với người đứng hai bên đường, trên các tòa nhà, thì sự kiện chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đối với đoàn người đi theo thì sự kiện kéo dài cả buổi chiều đến tối, qua nhiều không gian.

Nhà tổ chức lễ rước đã sử dụng nhiều dạng tốc độ chuyển động khác nhau. Với phóng sự ảnh, chúng ta thấy tốc độ của một đoàn xe chạy trên đường phố và tốc độ của đoàn người đi bộ, dẫn đầu là chư tôn đức. Chú thích ảnh cho người xem biết là Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đã đi bộ trong 4km. Tức là trong 4km, sự kiện chuyển động trên đường phố diễn ra với tốc độ cực chậm. Đây là hình mẫu cho việc tổ chức sự kiện với nhiều loại tốc độ khác nhau, tùy giai đoạn cụ thể, lộ trình cụ thể.

Nếu chỉ tổ chức sự kiện chuyển động với một tốc độ, sự kiện sẽ đơn điệu, không có những điểm nhấn nhá, những chỗ cao trào và những quãng lặng, quãng chậm. Tất nhiên, tùy điều kiện cụ thể mà nhà tổ chức sẽ xác định tốc độ cho từng đoạn lộ trình, khi nào đi xe, khi nào chạy nhanh, khi nào chạy chậm, khi nào đi bộ với lọng vàng, hương án…

Thế mạnh của sự kiện chuyển động là số người tham dự sự kiện có thể bao gồm phần lớn số người trên suốt lộ trình. Qua phóng sự ảnh trên Phattuvietnam.net, chúng ta cũng thấy rõ điều đó.

Thành công của sự kiện tiền sự kiện lạc thành tháp Báo Ân còn là ở chỗ việc tổ chức khá đơn giản, tiết kiệm nhưng nhiều màu sắc, sinh động, nhất là trang nghiêm, trật tự.

Những người tham dự và những người được thông tin bằng sự kiện này sẽ náo nức chờ đợi thời điểm sự kiện chính diễn ra sau đó.

Qua việc ghi nhận thành công lễ rước đất thiêng nhập tháp Báo Ân lồng vào việc phân tích từ lý luận tổ chức sự kiện, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết, vai trò, chức năng của việc tổ chức sự kiện tiền sự kiện Phật giáo.

Những sự kiện Phật giáo từ trước đến nay được tổ chức đơn lẻ, thiết nghĩ, cần bổ sung tổ chức sự kiện tiền sự kiện, để nâng cao hơn nữa vị trí sự kiện chính, mà lễ rước đất thiêng nhập tháp Báo Ân tại Hà Nội mới đây là một hình mẫu rất chuẩn.

Tổ chức sự kiện tiền sự kiện không phải là phát kiến gì mới mẻ. Từ lâu ông bà chúng ta đã hết sức chú ý đến việc này trong việc tổ chức lễ hội. Thí dụ, việc tổ chức hát bội đêm trước lễ cúng đình chẳng hạn là một dạng sự kiện tiền sự kiện để thu hút công chúng, thông báo về sự kiện chính là lễ cúng sẽ diễn ra vào hôm sau.

Sự kiện tiền sự kiện không nhất thiết diễn ra trước sự kiện chính, mà nó có thể được tổ chức song song với sự kiện chính, khi sự kiện chính kéo dài (thí dụ lễ đốt nến cầu nguyện hòa bình tại Đại lễ Vesak 2008). Lúc này sự kiện tiền sự kiện được gọi là sự kiện vệ tinh, sự kiện bổ trợ.

MT