Sáng ngày 05.01 Kỷ Hợi (09.02.2019) tại Tổ đình Thiền Tôn, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, chư Tăng bổn tự, chư Tăng Ni đệ tử đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm ngày đức Đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên viên tịch (1979-2019) .
Dâng hương tưởng niệm và cử hành lễ có chư tôn đức Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; tỉnh Quảng Trị; chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các tỉnh thành lân cận cùng đông đảo Đạo hữu Phật tử các giới trong và ngoài tỉnh.
Trước Bảo tháp uy nghi, trong khí thiêng thiền vị , chư Tăng môn đồ đã ôn lại hành trạng cuộc đời và đạo nghiệp của Cố Đệ nhị Tăng Thống .
Theo tiểu sử, Hoà thượng Giác Nhiên tên thật là Võ Chí Thâm, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1878, tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống theo Phật giáo. Năm 18 tuổi (1896), Ngài vào chùa Từ Hiếu xin xuất gia, thờ Hoà thượng Tâm Tịnh làm Bổn sư. Năm 20 tuổi (1898), được Bổn sư xuống tóc cho thọ Sa-di giới và ban Pháp danh Trừng Thuỷ, Pháp tự Chí Thâm, Pháp hiệu là Giác Nhiên.
Tại Huế, Sau hai mươi ba năm tu học, Ngài chuyên tâm nghiên cứu tinh yếu của Kinh Luật Đại thừa, đặc biệt, Ngài đã sử dụng phần lớn thời gian trong việc Thiền định. Vì thế, đạo phong của Ngài ngày càng đượm nét Thiền sư.
Đến năm Canh Tuất (1910), Triều Duy Tân, Ngài cùng với Hoà thượng Tịnh Khiết thọ Tam đàn Cụ túc Giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An). Đại giới đàn này do ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu, ngài Tâm Truyền làm Yết ma và ngài Hoằng Phú làm Giáo thọ. Sau đó Ngài đắc Pháp, hiệu Giác Nhiên và được Bổn sư cho kệ:
覺 性 自 天 然
色 空 不 現 前
勿 礙 閒 人 事
勤 修 本 理 禪。
Phiên âm:
Giác tánh tự thiên nhiên,
Sắc không bất hiện tiền.
Vật ngại nhàn nhơn sự
Cần tu bổn lý thiền.
Nguyên Hồng dịch:
Tính giác vốn tự nhiên
Sắc không chẳng hiện tiền
Ngại chi trò thế sự
Siêng tu diệu lý thiền.
Từ đó, giới đức tinh nghiêm, pháp thân thanh tịnh là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời hoằng hoá của Ngài .
Lúc Ngài được 32 tuổi đời thì Bổn sư viên tịch. Ngài phải tìm đến chùa Thiên Hưng để cầu xin học đạo với Hoà thượng Huệ Pháp. Từ đó đạo hạnh của Ngài càng sáng lên, khắp Thiền lâm đều ngưỡng mộ về Thiền và Luật của Ngài, cũng như phương pháp tu trì của Ngài.Năm Kỷ Mùi (1919), Ngài được Bộ Lễ cử về làm Trú trì Thánh Duyên Quốc Tự, sau đó lại được “Chỉ” của vua Khải Định cử làm Tăng cang chùa này.
Năm 1932, Hoà thượng là một trong năm vị Tăng-già đã cùng với 17 Cư sĩ lập ra An Nam Phật học Hội tại Huế. Ngài cũng ở trong Hội đồng Chứng minh đại đạo sư cho Hội này. Ngài đã cùng với Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập ra Viên Âm Nguyệt San để hoằng truyền Chánh pháp.
Vào năm 1935, Ngài là một trong những vị lập trường Đại học Phật giáo tại chùa Tây Thiên, cung thỉnh Ngài Phước Huệ ở Tổ đình Thập Tháp ra làm “Giáo thọ sư” và Ngài làm giám đốc. Lớp này đào tạo được nhiều vị Cao Tăng như các ngài Thiện Hoà, Thiên Hoa từ trong Nam ra học; các ngài Trí Thủ, Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Nguyện, Mật Hiển, Thích Vĩnh Thừa ở Huế.
Năm 1936, Triều đình phong cho Ngài lên chức Tăng Cang Thánh Duyên Quốc tự. Cùng năm đó, Tạp chí Viên Âm, phương tiện hoằng pháp của Phật giáo, do Ngài và Hoà thượng Giác Tiên chứng minh.
Năm 1937, do uỷ nhiệm của các vị Tôn đức Thiền gia, Ngài nhận chức Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn (Thừa Thiên). Tổ đình này, thuộc phái Lâm Tế, do Tổ Liễu Quán khai sơn vào khoảng năm thứ IV niên hiệu Vĩnh Thịnh (1708).
Năm 1956, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật học viện Hải Đức – Nha Trang (Cơ quan đào tạo Tăng tài của Phật giáo Trung phần).
Năm 1958-1962, Ngài liên tiếp đảm nhận chức Chánh Hội trưởng Tổng Trị sự Hội Phật giáo Trung Phần trong suốt 4 niên khoá. Trong thời gian này, với tuổi trên 80, Ngài vẫn chu toàn nhiệm vụ, kinh lý, nhiều lần đến các Hội Phật giáo khắp nơi ở Cao nguyên và Trung nguyên.
Năm 86 tuổi, sức yếu thân gầy, trong tay chiếc gậy trúc, Ngài không từ nan, quyết một lòng hy sinh vì Đạo, đích thân dẫn đầu cuộc biểu tình của Tăng tín đồ Phật giáo Thừa Thiên – Huế, mở đầu phong trào vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng Tôn giáo vào chiều 14 tháng 4 năm 1963 (Quý Mão). Trong công cuộc vận động và đấu tranh, Ngài đã không ngừng chung lưng đấu cật, chia sẻ đắng cay cùng với phong trào cho đến ngày thành tựu mỹ mãn.
Một công việc Hoằng pháp trọng yếu hơn nữa, Ngài đã nhiều lần làm Đàn đầu Hoà thượng truyền giới cho đồ chúng xuất gia tại gia qua các Đại Giới đàn: Giới đàn Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần, chùa Hải Đức, Nha Trang (1956); Giới đàn Vạn Hạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế (1965), Giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng (1970).
Môn đồ của Ngài không nhiều, người còn kẻ mất, đều đã góp công làm nên lịch sử Phật giáo hiện đại, và hầu hết là những cấp lãnh đạo của Giáo hội từ Trung ương đến các Miền, Tỉnh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Hoà thượng Thiện Siêu, Hoà thượng Thiện Minh, Hoà thượng Thiện Bình…
Sau khi đức đệ nhất Tăng Thống của Giáo hội thị tịch (1973), Ngài đã nhận chức vụ Đệ nhị Tăng Thống do Đại hội Phật giáo kỳ V suy tôn vào ngày 10 tháng 12 năm 1973, trong chí nguyện Thiệu Long Tam Bảo, để kế tục lãnh đạo Giáo hội. Đây là chức vụ vừa tối cao và cũng là cuối cùng của đời Ngài.
Ngài từng huấn dụ Tăng Ni: “Đạo Phật tồn tại, không chỉ ở hình thức Chùa Tháp, Lễ nghi, Kinh điển. Mặc dù Kinh điển là chỉ nam hướng dẫn ta đến đạo quả vô thượng Bồ đề. Nhưng sự tồn tại đích thực chính là ở sự thể hiện Đạo phong. Những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng-già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ Chánh pháp, để Chánh pháp mãi mãi tồn tại với thế gian và làm lợi ích chúng sanh…” (Thư gửi Tăng Ni, nhân mùa An cư PL.2520 – 1976).
Ngài đã an nhiên xả báo thân vào hồi 6 giờ 30 ngày 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi (01-02-1979), hưởng thọ 101 tuổi đời, 68 Hạ lạp. Bảo Tháp của Ngài hiện tôn trí tại khuôn viên Tổ đình Thuyền Tôn – Huế
Lê Văn Ái Tử