Chúng tôi được biết nhiều trường hợp, tuy có tiếp nhận sự giúp đỡ từ các thế lực cải đạo tín đồ Phật giáo, đã có một mối quan hệ nào đó, và đang chuyển biến theo chiều hướng cải đạo, thì đến khi đụng đến truyền thống, như việc cần phải dẹp bàn thờ tổ tiên, không được tiến hành việc giỗ chạp cúng bái…, thì lập tức việc cải đạo bị từ chối thẳng thừng.
Một đấng nào đó có lời hứa cứu rỗi, một tin mừng nào đó đến từ nơi xa lạ và có phần khó tin, những đồng đô la chia sẻ khó khăn…, nhiều người có thể chấp nhận. Nhưng khi đụng đến bàn thờ ông bà tổ tiên thì họ dứt khoát nói không!
Được biết, tại Trà Vinh, có người đã ném trả lại những đồng tiền mua đạo vào mặt người đi cải đạo, khi câu chuyện tiến tới việc dẹp bỏ bàn thờ ông bà.
Ngược lại, đối với Phật giáo Việt Nam, thì truyền thống gắn bó với dân tộc là thế mạnh căn cơ.
Giáo lý Phật giáo có thể có nhiều người không hề biết, nhưng truyền thống gắn bó với đạo Phật thì luôn luôn hiện diện ở từng con người Việt Nam, dù họ có nhận mình là Phật tử hay không?
Truyền thống đó sẽ tạo nên những kháng thể trong những người được những thế lực cải đạo nhắm đến và tích cực tác động.
Tùy theo cá nhân, gia đình, mà liều lượng kháng thể sẽ bộc lộ với những mức độ khác nhau: tránh mặt, lánh xa, khinh bỉ, xua đuổi, nặng lời, thậm chí có trường hợp ẩu đả.
Tuy nhiên, chính vì cảm nhận rõ sức mạnh truyền thống, nên một số tăng ni Phật tử đã không thấy hiểm họa của việc cải đạo.
Hậu quả trước tiên là những vùng mà mức độ hiện hữu truyền thống tín ngưỡng dân tộc chỉ ở mức độ thấp, như ở Tây Nguyên, đã trở thành miền đất vàng cho việc cải đạo.
Giới trẻ cũng là đối tượng mà sự hiện hữu của truyền thống còn giới hạn, vì vậy, những người bị cải đạo thường là người trẻ.
Do vậy, điều rút ra đầu tiên là không nên chủ quan với thế mạnh truyền thống.
Còn về phía các thế lực cải đạo, thì họ đối phó bằng cách đồng hóa truyền thống với những tập tục hủ lậu, lạc hậu, mê tín, dị đoan, không còn phù hợp với khoa học. Tất nhiên, cách đối phó này chỉ hiệu nghiệm với giới trẻ đang chịu những ảnh hưởng du nhập từ phương Tây.
Những người đi cải đạo thường được tập huấn rất kỹ về việc đối phó với vấn đề truyền thống như đã nói ở trên. Họ chuẩn bị sẵn những câu hỏi thường gặp và nội dung cần phải trả lời. Chuẩn bị rất kỹ càng, chi tiết, và được cập nhật hoàn thiện.
Cùng một câu hỏi, về việc thờ cúng tổ tiên, hương đăng nhang khói…, chúng ta sẽ nghe những câu trả lời rất giống nhau ở những người chuyên đi cải đạo, như bấm cùng một cái dĩa CD ra để nghe vậy.
Thậm chí còn đến mức quy cho truyền thống là nguyên nhân làm trì trệ đất nước. Họ ví dụ tín đồ của họ ở Âu Mỹ nhờ không có những hủ tục, những nếp nghĩ lạc hậu mà phát triển, tiến bộ, giàu có.
Như vậy, truyền thống là thành lũy ngăn chặn việc cải đạo, nhưng có những chỗ yếu có thể phá thủng như đã nói: những khu vực ảnh hưởng truyền thống dân tộc Việt Nam còn ở mức hạn chế, lứa tuổi mà dấu ấn truyền thống mới chỉ được hình thành, tâm lý chủ quan dựa vào sức mạnh truyền thống, và những thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt để tàn phá, xuyên tạc truyền thống, vô hiệu hóa truyền thống.
Đó là một thành lũy, có thể kiên cố, cũng có thể bị vỡ.
Truyền thống đã bị vỡ ở Hàn Quốc, nơi Phật giáo trở thành thiểu số, truyền thống chỉ còn giữ được ở một số địa phương làng quê heo hút.
Truyền thống được khai thác để đối phó với việc cải đạo ở Liên Bang Nga, khi các nhà lập pháp dùng truyền thống để xây dựng những điều luật để bảo vệ tôn giáo bản địa.
Truyền thống không trở thành nơi để dựa dẫm duy nhất như ở Đài Loan, khi Phật giáo phát triển theo xu thế cấp tiến, vừa bảo vệ truyền thống, vừa hiện đại hóa Phật giáo một cách tích cực, thích hợp.
Ở Việt Nam, có những vùng Phật giáo bị xóa trắng. Đó là những nơi thành lũy truyền thống bị phá sập từng mảng.
Nhưng cũng nhờ truyền thống, mà ở miền Trung chẳng hạn, hay ở nhiều vùng ở Tây Nguyên mà người miền Trung di dân đến, trở thành những làng Phật tử thuần thành, hầu như không ảnh hưởng vì việc cải đạo.
Như vậy, vấn đề “truyền thống: thành lũy ngăn chận diễn biến cải đạo” là một vấn đề lớn, phức tạp, đa dạng, cần phải nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn, để có những vận dụng thích hợp.
Chúng tôi hy vọng có thể theo đuổi đề tài này, chi tiết hóa thành một loạt bài, dưới sự hỗ trợ của đông đảo bạn đọc xác định bằng những ý kiến đóng góp, có thể mở rộng, có thể phản biện, có thể là những trải nghiệm cụ thể…
Nhưng điều có thể trước tiên là truyền thống là thế mạnh, là vốn quý của Phật giáo, tôn giáo đã có hơn 25 thế kỷ lịch sử và đã cực thịnh tại Việt Nam từ 1000 năm trước.
Vấn đề còn lại là đánh giá chính xác hơn tác dụng, khả năng của truyền thống trong việc ngăn chặn làn sóng cải đạo, tìm cách khai thác truyền thống ở mức tối ưu.
MT