Do đó, lúc bấy giờ, những tác động cải đạo chỉ có thể hướng vào giới trí thức Nga có điều kiện sang công tác ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đặc điểm của thành phần này là sẵn có các yếu tố gần gũi phương Tây, chẳng hạn thành viên các đoàn biểu diễn nghệ thuật, dàn nhạc giao hưởng trong các fan của họ ở phương Tây, có những tín đồ sốt sắng lo việc cải đạo, và những fan này giữ vai trò loan báo “tin mừng” đối với các văn nghệ sĩ Liên Xô, mà một số sính nếp sống thời thượng phương Tây.
Tuy vậy, hầu như chẳng có kết quả nào đáng lưu tâm, nên một số tài liệu của Liên Xô và Nga có nói qua về hiện tượng, nhưng hầu như không nói gì đến việc có cải đạo ở các văn nghệ sĩ trí thức Xô Viết được biết nhiều ở phương Tây.
Đến năm 1991, nhà nước Liên Bang Nga thay thế chính quyền Xô Viết. Cánh cửa vào nước Nga mở toang. Nhưng các đoàn truyền giáo phương Tây quá bất ngờ trước sự việc, nên không có những việc chuẩn bị cần thiết. Cái khó là tiếng Nga, ngôn ngữ “mười năm”, như cách nói của nữ ngoại trưởng Hoa Kỳ thông thạo tiếng Nga, bà C. Rice, có nghĩa là muốn thông thạo thì phải mất mười năm để học.
Giai đoạn này, nhiều đoàn truyền giáo ra vào nước Nga, hoạt động thông qua phiên dịch, cũng không có kết quả đột phá, dù rằng tất nhiên là có tiến triển hơn trước vì hoàn cảnh thuận lợi hơn.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hoàn cảnh cụ thể của Liên Bang Nga, phía truyền giáo, cải đạo đã đưa ra công thức mới, là cố gắng sử dụng yếu tố bản địa kết hợp với truyền hình vốn có tác dụng rất lớn trong bối cảnh nước Nga.
Trước đây, truyền hình Liên Xô có những bước tiến lớn về công nghệ vệ tinh phủ sóng toàn lãnh thổ rộng lớn. Nhưng chính sự phát triển của công nghệ truyền hình vệ tinh lại hạn chế trở lại sự phát triển của truyền hình Liên Xô ở khâu kênh sóng. Tức là toàn quốc chỉ xem một kênh sóng duy nhất phát qua vệ tinh, có từ thập niên 1960, phát lệch giờ nhau cho từng vùng cụ thể, được gọi là các chương trình Orbita, tức “Quỹ đạo”, đánh số từ Orbita 1 đến Orbita 4. Kênh Orbita 1 phát theo giờ châu Âu, kênh Orbita 4 phát theo giờ vùng Viễn đông. Như vậy, toàn Liên Xô chỉ có 1 kênh truyền hình Trung Ương để xem. Truyền hình Xô Viết chuyển sang truyền hình Nga trong tình trạng như vậy.
Do đó, tác động của kênh truyền hình phát hình vệ tinh này rất quan trọng đối với không chỉ nước Nga mà là toàn Liên Xô cũ. Cho đến năm 1991, việc phát sóng được thực hiện bằng các trạm phát lại mặt đất, dày đặc trên lãnh thổ Liên Xô cũ.
Cơ hội để các lực lượng cải đạo khai thác kênh truyền hình này là quyết định của Tổng thống Nga ngày 27/12/1991 giải tán Ủy ban Phát thanh Truyền hình Toàn Liên Bang Xô Viết và thành lập Công ty quốc gia Nga Phát thanh Truyền hình Ostankino, mở đầu cho việc phi công hữu hóa hệ thống phát thanh truyền hình.
Đến ngày 30/1/1994 bước chuyển dịch này hoàn tất với kênh truyền hình toàn quốc chuyển thành một công ty cổ phần, với tên gọi ORT (viết tắt từ tiếng Nga Obshchestvennoe Rossiykoye Televidenie).
Những người làm công việc cải đạo ở Nga xem đây là một cơ hội. Họ thuê sóng của “Join Stock Company” này mỗi sáng chủ nhật, với một nhà truyền giáo có trình độ tiếng Nga được coi là hùng biện.
Việc tiếng nói hoạt động cải đạo đổ bộ lên kênh truyền hình vệ tinh duy nhất của Nga lúc đó, bề ngoài là một bước tiến lớn của hoạt động cải đạo ở Nga. Sáng chủ nhật, giờ vàng, khán giả truyền hình toàn Nga và nhiều nước SNG đều phải xem chương trình rao giảng mà không có sự lựa chọn nào khác.
Tất nhiên, một số đông tuyệt đối khán giả không hài lòng. Dường như, chỉ có ORT được lợi vì thu được một số tiền từ hợp đồng. Còn những người làm công việc cải đạo, thì song song với một số kết quả nhất định, đã phải nhận lấy một làn sóng dị ứng từ phía xã hội, báo chí, quan chức nhà nước và nhất là đại biểu Duma quốc gia Nga.
Nhiều người coi là nước Nga đã bị “dị giáo hóa” từ truyền hình, và những phản ứng chống lại dị giáo đã được dấy lên trước việc dùng truyền hình chơi trội như thế của những lực lượng cải đạo. Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng vào cuộc, với những tiếng nói hướng về chính quyền, đặc biệt là các đại biểu dân cử.
Một khái niệm mới được ra đời ở Nga là “an ninh tâm linh” (Spriritual security). Sức đề kháng việc cải đạo được đẩy lên mạnh mẽ ở Duma quốc gia Nga, với một đạo luật năm 1997 đề cao Chính thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, khẳng định tinh thần Hiến pháp 1993 và triển khai cụ thể.
Học thuyết về an ninh quốc gia Liên Bang Nga, vào năm 2000, cho rằng “bảo đảm an ninh quốc gia bao gồm việc chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của các tổ chức tôn giáo ngoại lai và truyền giáo” (từ Wikipedia: “ensuring national security includes countering the negative influence of foreign religious organization and missionnaries”).
Không nhớ rõ là các hoạt động cải đạo phải chia tay với Đài Truyền hình ORT từ lúc nào, nhưng trong khoảng từ năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 đã có sự đối kháng căng thẳng giữa chính quyền Nga, bao gồm Duma quốc gia đối với các giáo phái cải đạo từ phương Tây.
Ngoài sự gắn bó đương nhiên với Chính thống giáo Tổng thống Nga Boris Yeltsin đi lễ chùa Phật giáo, mặc y phục Phật tử, chắp tay trước ngực theo kiểu Phật giáo và tuyên bố “Hộ pháp”!
Báo chí Nga cùng đồng loạt lên tiếng, rằng nước Nga chia sẻ mọi giá trị của phương Tây, ngoại trừ dị giáo.
Còn các đại biểu Duma quốc gia Nga nhắc đến yếu tố lịch sử và truyền thống, trong việc cần phải thực thi “an ninh tâm linh”, trong đó sự tàn phá truyền thống từ dị giáo được nhấn mạnh.
Vấn đề được thống nhất cao độ hầu như không có tiếng nói đáng kể phản ứng lại từ người dân Nga. Hơn nữa, quan điểm bảo vệ các tôn giáo bản địa mà Phật giáo là một đều được luật hóa, ngay trong nội dung Hiến pháp, nên việc đã chắc như đinh đóng cột.
Diễn tiến quá trình đề kháng lại việc cải đạo ở Nga được ghi nhận ở trên có thể là kinh nghiệm quý cho việc đối phó với hiểm họa cải đạo thường trực tại Việt Nam, đặc biệt là việc trông cậy vào dư luận, các đại biểu dân cử, xây dựng luật pháp và sự tích cực cơ quan hành pháp, cơ quan chấp pháp.
Người Nga, nước Nga, chính phủ Nga, quốc hội Nga, bừng tỉnh sau cuộc đổ bộ lên truyền hình của những giáo phái cải đạo, chứ không “ngã ngửa”!.
MT