Mặc dù cơn lũ đã qua, nhưng những dư âm và sự mất mát của người dân miền Trung thì còn đó. Nhìn miền Trung phờ phạc, tan hoang, cái đói, cái nghèo lại thêm chồng chất, chúng tôi không khỏi thương cảm, xót xa. Không chỉ hướng tới người dân bị thiệt hại nặng nề do trận lũ tràn về, chuyến đi này của chúng tôi chở tấm chân tình thiêng liêng của những nhà hảo tâm, của đồng bào miền Bắc, với tâm bình đẳng hướng về tất cả người dân vùng lũ.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của UBMTTQ và Công an Tỉnh Hà Tĩnh, đoàn đã tìm đến tận nơi những địa chỉ nơi mà cơn lũ ập đến, gây thiệt hại về người và của cho người dân nghèo.
14 giờ chiều ngày 26 tháng 10 năm 2010, đoàn đã tới thăm người dân Xóm 5, Xã Hưng Lợi, Huyện Hưng Nguyên, Thành phố Vinh. Tại đây, đoàn đã gửi tặng 151 phần quà, mỗi phần là 1 thùng mỳ gói nhằm động viên tinh thần người dân.
Xã Hưng Lợi là một xã nằm ở địa thế trũng thuộc huyện Hưng Nguyên, một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất của đợt lũ lịch sử này ở TP Vinh. Lũ bất ngờ về, nước từ trên đê tràn xuống và dồn cả về xã. Sáu ngày liền, cả một vùng ngập tràn trong biển nước. Lũ tới cuốn trôi hết đồ đạc trong nhà, thóc mới phơi cũng bị hỏng hết, trẻ em không được tới trường. Đói và bệnh tật, người dân nhem nhuốc, khổ sở
Buổi chiều cùng ngày, kết hợp với chuyến cứu trợ, đoàn chúng tôi cũng đã đến xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thuật và người hàng xóm của anh là anh Kha để tán thán tinh thần cũng như công đức vô lượng của hai anh khi đã cứu được 6 người trong chiếc xe bị lũ cuốn trôi, đồng thời cũng gửi tặng các anh phần quà trị giá mỗi phần là 2.500.000 đồng tiền mặt.
7h sáng ngày 27 tháng 10, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường trong chuyến cứu trợ đồng bào miền Trung tại tỉnh Hà Tĩnh.
Điểm tới đầu tiên là Xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh ( bị ngập 12/12 xóm trong xã ). Được biết, cơn lũ đã càn quét làm 1 người chết, 5 người bị thương, 32 ngôi nhà bị hư hỏng, 5 ngôi nhà bị sập và nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng cũng như hoa mầu khác, toàn bộ ước tính lên tới 8 tỷ đồng. Tại đây đoàn đã gửi tặng hơn 300 phần quà, mỗi phần gồm 10 kg gạo và 200.000 đồng tiền mặt.
Tiếp đến, đoàn đã tới thăm và động viên tinh thần người dân phường Thạch Linh, và phường Hà Huy Tập TP Hà Tĩnh. Tại đây, đoàn đã gửi tặng hơn 200 phần quà cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng và thiệt hại trong đợt lũ vừa qua, mỗi phần gồm 10 kg gạo và 200.000 đồng tiền mặt.
Trong chuyến đi lần này, đáng thương nhất có lẽ phải kể đến chuyến cứu trợ của đoàn chúng tôi tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh. Toàn xã có 1448 hộ dân, trong đó có 1260 hộ bị ngập, 970 hộ bị ngập nặng, 8 hộ bị sập nhà, 5 người bị thương, ước tính thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng hơn 11 tỷ đồng. Tại đây, đoàn đã gửi tặng người dân vùng lũ hơn 500 phần quà, mỗi phần gồm 1 túi thuốc, 3 cuốn tập, 1 cây viết, 10 gói bột canh, 1 thùng mỳ tôm, 10 kg gạo và 300.000 đồng tiền mặt.
Đoàn tới nơi khoảng 2h chiều cùng ngày, trời vẫn mưa và càng lúc càng nặng hạt, người dân tập trung về Ủy ban xã để chờ đợi được phát quà.
Lũ đã qua và dường như những tổn thất, mất mát như chỉ mới đây. Nhìn những gương mặt đàn ông hốc hác, khắc khổ, những người phụ nữ mắt thâm quầng, thất thần với làn da đen sạm, còn sự thương tâm nào hơn như thế! Những lời tâm sự của người dân nơi đây chỉ nghe thôi mà thấy sao xót xa quá.
Họ kể, hai đợt lũ chỉ cách nhau có một ngày, họ không kịp trở tay, lúc đó chỉ còn nghĩ rằng “có lẽ số kiếp mình đã hết’’, bảy ngày liền ngồi trên nóc nhà chờ người đến cứu là bảy ngày không có lấy một ngụm nước sạch để uống, họ đã phải uống nước mưa, mỳ tôm được cứu tế thì phải ăn sống, quần áo không có mà thay, cứ mặc vậy.
2h sáng ngày 28 tháng 10, đoàn chúng tôi về tới Hà Nội, kết thúc chuyến đi cứu trợ lần này.
Trong tâm tưởng của mỗi chúng tôi đều cảm thấy rằng như vậy còn chưa đủ, trận lũ kinh hoàng tàn ác quá, đã làm cho mảnh đất gánh hai đầu đất nước này như oằn nặng xuống.
Lũ đi qua thờ ơ như chưa từng xảy đến, những đau thương mất mát rồi cũng sẽ dần nguôi, nhưng điều mà những người dân nơi đây đang phải đối mặt là phải dựng lại từ đầu từ đống hoang tàn, đổ nát ấy. Họ còn nhiều lắm những nỗi khó khăn, trẻ em cần được đến trường mà nạn đói, dịch bệnh sẽ còn hoành hành nhiều lắm.
Bởi thế, chúng tôi mong rằng, với tinh thần “ tương thân tương ái’’ của quý vị phật tử ở khắp mọi miền của Tổ quốc và cả ở nước ngoài, xin hãy hướng tâm thành của mình và những nguồn tài vật yểm trợ về miền Trung yêu dấu.
Trong lúc này, những gì rất đỗi nhỏ bé, bình dị cũng bỗng trở thành quý giá, thiêng liêng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ở đây, một bánh lương khô, nửa gói mì tôm, một ngụm nước sạch, một tấm chăn đơn, một chiếc áo chiếc quần sờn rách, một cuốn tập cây viết…đều trở thành báu vật, đều trở nên quý giá vô cùng.