Vậy là từ đây, vùng đất được Lý Thái Tổ ca ngợi là “thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước” được chọn là nơi “đặt kinh sư mãi muôn đời”. Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, triều Lý – Trần được xem là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến. Điều đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Theo tôi, triều Lý – Trần đã hội tụ được “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.
Đồng thời, giai đoạn này có đặc trưng là đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của cư dân Đại Việt. Đặc biệt là Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị bấy giờ. Nội dung tham luận tôi muốn đề cập đến vai trò của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt: từ giai cấp thống trị cho đến cư dân trong xã hội. Để từ đó có những nhận định về sự tồn tại của Phật giáo trong xã hội hiện nay.
Lịch sử Phật giáo là một bộ phận trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo từ lâu đã phá vỡ giới hạn tín ngưỡng tôn giáo. Lịch sử Phật giáo đối với lịch sử của các dân tộc phương Đông chúng ta thì mối quan hệ này càng tỏ ra mật thiết hơn. Nó chi phối sự cai trị của những vương triều trong lịch sử nhân loại, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân, lẫn nền văn hóa, nền văn học của một thời đại.
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, thời đại ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN trên vùng đất thuộc Nepan ngày nay. Đây là thời kỳ phát triển cực thịnh của đạo Bà la môn. Sự phân biệt đẳng cấp diễn ra ở Ấn Độ lúc bấy giờ vô cùng khắc nghiệt. Đạo Phật ra đời đã mở ra chân trời mới cho nhân dân Ấn Độ. Với giáo lý đề cao sự bình đẳng, hướng tới sự tự giải thoát, phủ nhận chế độ đẳng cấp đã thu hút nhiều tín đồ.
Sau đó, Phật giáo bắt đầu truyền đi nhiều nơi. Theo nghiên cứu, con đường truyền giáo của đạo Phật bắt đầu từ Ấn Độ theo hai hướng. Một hướng truyền xuống phía Nam như Sri Lanka một hướng truyền lên phía Bắc đến Kazactan ngày nay. Kết quả là chúng ta coi dòng Nam truyền là Phật giáo Tiểu thừa, dòng Bắc truyền là Phật giáo Đại thừa. Nhìn vào góc độ văn tự thì các thánh điển Nam truyền chủ yếu là chữ Pali. Thánh điển Bắc truyền chủ yếu là chữ Phạn (Sanskrit).
Hướng Nam truyền lại từ Sri Lanka truyền sang Myanma, đến Thái Lan, Campuchia, Lào… Hướng Bắc truyền từ Cazactan truyền sang vùng Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc. Phật giáo ở Tây Tạng tự lập thành một hệ thống Mật giáo, rồi tiếp tục truyền sang Mông Cổ. Phật giáo ở Tân Cương thì phát triển sang Trung Quốc. Trung Quốc vốn là một nhà nước cổ văn minh có lịch sử lâu đời và bề dày văn hóa cho nên Phật giáo mới truyền đến đã nuôi dưỡng thêm cho văn hóa Trung Quốc. Đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà trở thành một thứ Phật giáo mang hình thái Trung Quốc. Hình thái Phật giáo Trung Quốc hóa này đại để là đến thời Tùy Đường được hoàn thiện từng bước.
Riêng ở Việt Nam, đạo Phật du nhập vào nước ta từ thời kỳ Bắc thuộc, nhưng chưa được truyền bá có hệ thống và sâu rộng trong cả nước. Tới thời Lý, đạo Phật mới thực sự phát triển và trở thành quốc giáo. Tại kinh thành Thăng Long, các vua Lý đã nhiều lần tổ chức độ dân làm sư và không chỉ có dân thường đi tu, mà nhà quyền quý cũng đi tu. Đạo Phật được tôn sùng và phát triển mạnh như vậy là có nguyên nhân lịch sử của nó. Đó là giai cấp thống trị muốn mượn giáo lý đạo Phật để thống nhất đất nước, tập trung chính quyền về nhà nước Trung ương. Các vua Lý muốn thông qua các nhà sư để năm lấy quần chúng nhân dân. Mặt khác, triều đình muốn chi phối được các địa phương, cần phải có những người giúp việc – quan lại – có kiến thực và hiểu biết về văn từ thư tịch, nhưng ở buổi đầu thời Lý, chưa tổ chức được việc học, việc thi, nên các nhà sư lại là những người biết chữ nhiều hơn cả. Nhiều nhà sư đã được trọng dụng tại triều đình. Các nhà sư ở rải rác khắp nơi còn giữ vai trò khá quan trọng trong việc dạy chữ cho dân.
Cần phải nói thêm, đạo Phật truyền vào Việt Nam lúc bấy giờ là Phật giáo Trung Quốc. Cho nên, tính nguyên thủy ban đầu của nó không còn nữa. Sự hòa quyện giữa giáo lý nhà Phật với văn hóa Trung Quốc quá lớn lao. Từ đó, sự tiếp nhận Phật giáo được truyền vào Đại Việt dưới một lăng kính khác. Tuy nhiên, giáo ký của nó vẫn thuần nhất về mặt: giác ngộ để tìm thấy “Niết bàn”.
Thăng Long lúc bấy giờ tiếp nhận Phật giáo từ Trung Quốc. Cũng chính vì vậy, bản chất nguyên thủy của Phật giáo đã giảm bớt, thay vào đó là sự giao thoa giữa văn hóa Trung Quốc và Phật giáo. Và chúng ta đã tiếp thu dựa trên Phật giáo Trung Quốc. Khi vào Việt nam, nó lại hòa lẫn với văn hóa bản địa rồi cho ra đời một Phật giáo hòa hợp với tín ngưỡng, taamlys cư dân Đại Việt.
Các tôn giáo, như người ta vẫn thường nhận xét, là sản phẩm của sự sợ hãi. Sự sợ hãi này, thực chất, bắt nguồn từ sự ngu dốt. Nhưng với Phật giáo thì không, Phật giáo là kết quả của cuộc truy cầu của con người về chân lý tối thượng, một khát vọng muốn biết cái gì là cao quý nhất trong cuộc đời.
Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam cổ văn học sử): “Trong thế kỷ 10, cửa chùa đã đóng một vai trò quan trọng về văn học. Cũng vì thế mà Đạo Phật ở Việt Nam từ đó càng lắm tín đồ và được chính phủ vị nể”.
Lê Quát sống vào cuối đời Trần, nhận xét: “Từ trong kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin, hễ nơi nào có nhà ở là ắt có chùa chiền… Dân chúng quá nửa nước là sư…”
Giáo sư Mạc Đường: “…Phật giáo với tư cách là quốc gia, là biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt nam thời Lý Trần, một trong những đặc trưng văn hóa văn hóa của văn hóa Việt Nam truyền thống, là một khuôn mẫu ứng xwrt của phép “đối nhân xử thế” Việt Nam và đạo đức Việt Nam cổ truyền…”
Đó là những suy nghĩ của các vị học giả danh tiếng trong lẫn ngoài nước đối với Phật giáo. Qua đó cho thấy, tầm quan trọng của Phật giáo trong đời sống của nhân dân Đại Việt lúc bấy giờ. Những triết lý gần gũi, tự nhiên về sự tự giác ngộ, tu khổ để tìm thấy cõi niết bàn trong tâm hồn. Theo Phật giáo, con người cần phải biết trông cậy vào chính mình và phải có lòng tin vào khả năng của chính mình. Triết lý Phật giáo lấy con người làm trung tâm.
Tôn giáo ra đời ngay từ khi con người bắt đầu biết tổ chức xã hội. Những hình thức tôn giáo đầu tiên xuất hiện ngay từ thời nguyên thủy, gắn liền với điều kiện sống và trình độ nhận thức còn mê muội của người nguyên thủy. Từ đó cho đến nay, cùng với toàn bộ sự tồn tại và biến đổi, phát triển của xã hội loài người, các kiểu và các hình thức tôn giáo đã ra đời. Tất cả đều quy về một mối: vì hạnh phúc con người. Nhưng các tôn giáo lại có những hình thức hướng đến việc thực hiện “hạnh phúc” đó khác nhau. Nhưng với Phật giáo thì khác. Theo Francis Story – một học giả người Anh: “ Các giáo lý của nhà Phật vẫn đứng vững đến ngày nay, như thể không bị ảnh hưởng gì bởi bước tiến của thời gian và sự mở rộng tri thức, y như thuở mà lần đầu tiên chúng được nói ra. Bất kể kiến thức khao học có mở mang chân trời tinh thần của con người ra đến đâu, bên trong khung Phật pháp cũng vẫn còn chỗ để chấp nhận và đồng hóa những khám phá thêm nữa”.
Sau những biến động của lịch sử nhân loại, Phật giáo vẫn đứng vững và giáo lý của Phật giáo đã hướng con người tìm đến sự thanh thản trong tâm hồn khi mà thế giới ngày nay đang biến động với một tốc độ nhanh chưa từng có. Những “tham, sân, si” đã làm tâm hồn con người ngày càng mệt mỏi, làm xói mòn sự trong sáng trong mối quan hệ giữa con người với con người. Đâu đâu ta cũng thấy sự dối trá, ích kỷ, mưu lợi ích riêng. Từ đó, con người tim đến tôn giáo như mong muốn tìm được sự giải thoát.
Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, những phát minh, thành tựu đã đưa con người tìm đến những tri thức mới bên ngoài trái đất. Vũ trụ, thiên hà là nơi con người hướng đến trong tham vọng mong muốn tìm thấy những hành tinh xa xôi như trái đất, tìm thấy những sự sống mới ngoài trái đất.
Tuy nhiên, con nhiều thức vượt xa tầm hiểu biết của con người “những bí ẩn của tự nhiên mà con người không giải thích được”, mà cho dù con người nắm trong tay kỹ thuật hiện đại cho đến đâu cũng không thể giải thích nổi. Tôn giáo thì khác, tôn giáo dùng lý luận của riêng mình để phân tích, giải thích, khiến cho vấn đề đó trở nên hợp lý.
Vì sao Phật giáo luôn luôn tìm thấy một đồng điểm ở nơi nó truyền bá. Trước đạo Phật đến với tinh thần con người nhờ những lý luận mang tính dung hòa của nó. Đạo Phật quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thể vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân hòa đồng với bản thể vũ trụ, thì ra và thế giới hòa làm một. Muốn đạt được điều đó thì phải có trí tuệ hay Phật học gọi là Bát Nhã. Nhưng để đi đến cái đó, mỗi người phải tự khai mở tâm mình. Điểm này khiến người Việt trong cuộc sống đề cao cái tâm, lối sống tình cảm. Nó giúp con người tìm thấy lối thoát sau những khó khăn, vất vả của cuộc đời.
Phật giáo nêu lên hình ảnh “nhân nào, quả nấy”, “gieo gió, gặt bão”, “ở hiền gặp lành”… Từ đó, đánh thằng vào tâm lý của con người. Vậy là họ tin tưởng một triết lý bất di bất dịch “gieo nhân nào thì gặp quả nấy”.
Giai cấp thống trị vì lợi ích giai cấp, muốn thống nhất tín ngưỡng, thống nhất nhân tâm nhằm phục vụ việc cai trị. Nhà Lý – Trần cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng với sự giao thoa giữa tinh thần dân tộc với giáo lý Phật giáo đã thật sự hòa hợp làm một. Các vua nhà Lý tiếp thu giáo lý đạo Phật: những tư tưởng về bác ái, tu thân, nhập thế, xuất thế. Từ đó, đưa ra những chính sách cai trị đem lại hạnh phúc và ấm no cho dân chúng. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh châm trước cho thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra nhiều khoản làm sách hình luật của một triều đại”. Đối với những người vi phạm vào các quy định của nhà nước vua Lý thường lấy lòng khoan dung mà tha thứ. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi đã tha tội làm phản động cho Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương. Luật pháp triều Lý đặc biệt chú ý tới người già, trẻ nhỏ, coi trọng công tác giáo dục, ngăn ngừa. Pháp luật triều Lý quy định những người trong độ tuổi từ 70 đến 80, trẻ nhỏ từ 10 đến 15 tuổi nếu phạm tội thì cho phép dùng tiền để chuộc tội. Điều đó, chứng tỏ lòng bác ác của vua nhà Lý, chính là sự ảnh hưởng của tư tưởng bác ái, thương yêu nhân loại của đạo Phật.
Đạo Phật là tôn giáo thịnh đạt nhất trong xã hội thời Lý – Trần, được coi như một Quốc giáo. Hầu hết các vua nhà Lý – vua Trần rất tôn sùng Phật, sai dựng chùa tháp, tô tượng đúc chuông, dịch kinh Phật, soạn sách Phật. Thời Lý – Trần, có rất nhiều vị sư tăng nổi tiếng trong cả nước, có uy tín và địa vị chính trị – xã hội. Có thể kể các nhà sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông. Đạo Phật thời Lý – Trần đã ảnh hưởng đến đường lối cai trị của Nhà nước (chính sách thân dân, khoan dung), là đối trọng tư tưởng của Nho giáo, tạo nên thế cân bằng tôn giáo.
Phật giáo đối với sự tiếp nhận của nhân dân lúc bấy giờ vẫn còn là đề tài đang nghiên cứu. Theo tôi, bất cứ tôn giáo nào cũng vậy. Kho nó được truyền bá sang một nơi nào đó, thì người dân chính người tiếp nhận đầu tiên. Tôn giáo có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống tinh thần của con người. Những đau khổ, mất mát trong cuộc sống, những gì con người không làm được thì họ tìm đến tôn giáo như một lối đi cho tinh thần của mình. Tôn giáo giang đôi tay che chở cho những tín đồ của mình và giải thích bằng những lý lẽ riêng của nó. Cư dân Đại Việt lúc bấy giờ, sông dựa vào nông nghiệp là chính. Những thiên tai, hạn hán, dịch bệnh đe dọa đến mạng sống nhỏ nhoi của họ. Vậy là Phật giáo đã đến với họ một cách tự nhiên bằng những giáo lý phù hợp với tính cách, con người Đại Việt. Từ đó, tinh thần của cư dân Đại Việt lại được khơi nguồn sống mới. Điều đó thể hiện qua nền văn học Phật giáo thời Lý – Trần. Nội dung văn học Phật giáo không chỉ hạn chế trong yêu cầu phổ biến giáo lý và truyền đạo mà còn chứa đựng những truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc như tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng khát khao hòa bình và niềm say mê thiên nhiên… Văn học Phật giáo trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần rèn luyện nhân cách bản lĩnh con người Đại Việt. Tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn học thời kỳ này, góp phần vào sự phát triển chung của văn học đương thời. Và Phật giáo đời Lý – Trần đã tìm thấy sức sống vững bền trong lòng dân tộc và đã phát hiu vai trò của mình trên nhiều mặt của đời sống xã hội.
Nhà Lý – Trần đã chủ trương một chính sách khoan dung hòa hợp và chung sống hòa bình giữa các tín ngưỡng tôn giáo như tín ngưỡng dân gian, Phật, Đạo, Nho. Đó chính là hiện tượng Tam giáo đồng nguyên. Theo Phan Huy Chú, “thời Lý – Trần, dù là chính đạo hay dị đoan đều được tôn chuộng, không phân biệt”. Đó là điều đặc trưng của thời Lý – Trần. Vì các tôn giáo hầy như không tồn tại song song với nhau được, nếu như nó không tìm được đồng điểm chung. Như Islam giáo, Thiên chúa giáo không thể hòa hợp. Và hiện nay, điều đau lòng cho cả nhân loại khi cuộc chiến sắc tộc – tôn giáo đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới.
Tóm lại, sự có mặt của Phật giáo ở Việt Nam có một vai trò, một vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu. Chính sách an dân trị nước của các vua Lý – Trần khiến nhân dân khâm phục. Vì thế cả hai triều đại Lý – Trần đều tồn tại khá lâu. Triều Lý hơn 200 năm (1010 – 1225) và triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400). Đây cũng là thwofi kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Khi vua dân đồng lòng cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lòng khoan dung của các vua nhà Lý. Hào khí Đông A soi rọi trái tim anh dũng của nhân dân ta, giúp chúng ta có sức mạnh vũ bão chống lại bọn xâm lược hung tàn. Đức trị thay pháp trị, yêu thương dân chúng bằng trái tim Phật. Thiền sư Pháp Thuận:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô cư như điện các
Xứ xứ tức đao binh
Nếu như các vua muốn đất nước thái bình, thịnh trị thì bản thân các vua phải tự trau dồi bằng đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật, hướng lòng đên Chân – Thiện – Mỹ và đạt được chân lý ngay trong đời sống thực tại này, chứ không phải nơi một thế giới xa xăm nào khác. Đây chính là nguyên nhân làm cho triều đại Lý – Trần phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử với những chiến công vẻ vang và sự thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa. Thời Lý đã xuất hiện những Thiền sư nổi tiếng như Thiền sư Vạn Hạnh.
Hoàng Xuân Hãn: “Sau các đời vua hung hãn họ Đinh – Lê, ta thấy xuất hiện ra những người cầm quyền có lòng độ lượng khoan dung, những cận thần đức độ trung thành. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”. Xưa nay, các vương triều đều phải dùng gươm đao để tranh quyền đoạt vị, cai trị dân chúng bằng bạo lực. Nhưng triều Lý – Trần thì khác, lên ngôi vua không hề có một giọt máu rơi, quần thần trong triều đình đều nhất trí và cũng không nghe dân tình than oán. Sức mạnh nào đã tạo nên một quốc gia hưng thịnh hùng cường, có phải chăng chính đức từ, bi, hỷ, xả của nhà Phật đã thấm nhuần từ vua quan cho đến thứ dân.
Ngày nay, Phật giáo sống chan hòa cùng nhịp sống sôi động của xã hội loài người. Vẫn mong muốn hướng con người đến bến bờ hạnh phúc, để con người tìm thấy được “cực lạc”, được “niết bàn”. Tiến sĩ H.Gunaratana cũng nói: “ Phật giáo xét trên tổng thể hoàn toàn khác hẳn với các tôn giáo thần học quen thuộc đối với người phương Tây. Nó là cánh cửa trực tiếp để đi vào tâm giới mà không cần phải dựa vào thần linh hay các “vị” nào khác.
Đạo đức là nền tảng quan trọng và thiết thực trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Vì vậy mà đương thời đức Phật đã chỉ rõ: “Mùi hương của các loài hoa, hoa chiên đàn, hoa da-già-la, hoa mạc-ly không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương của người đức hạnh chân chính, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pháp sư Thánh Nghiêm – Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB KHXH, 2009
2. Nguyễn Thanh Tuấn, Phật giáo với văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua một cách nhìn tham chiếu, Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, 2010.
3. Andrew Skilton, Nguyễn Văn Sáu dịch, Đại cương lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2007.
4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, HN, 1992.
5. Hồ Phương lan, Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, NXB Lao động 2010.
6. Nguyễn Vinh Phúc, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, NXB Trẻ, 2009.