Trang chủ Đời sống Dặn dò con cháu

Dặn dò con cháu

102

Các con cháu yêu dấu !

Người xưa có câu: “Nhơn sanh tự cổ thuỳ vô tử ?” nghĩa là, đã sanh làm kiếp con người, thì trên thế gian này, tự ngàn xưa đến nay, ai mà chẳng phải chết?  Nói như thế vẫn chưa trọn hết ý-nghĩa của hai chữ thế gian, mà phải nói là, trong cõi nhân quả này, tất thảy vạn vật hữu hình, dù là hữu tình như con người, các loài cầm, thú, côn trùng cho đến loài vô tình như cỏ cây, đất đá, sông biển, núi non, nhật nguyệt, tinh tú v v….. hễ đã có hình tướng ắt có lúc, theo thời gian, phải bị tiêu vong. Sanh, già, bệnh, chết là luật tắc bất biến đối với các sinh vật hữu tình như con người, muôn thú, côn trùng. Sanh, trụ, dị, diệt là qui luật tự nhiên đối với lá hoa, thảo mộc. Thành, trụ, hoại, không là nhơn duyên tụ tán của khoáng vật vô tình. Nhứt thiết không một vật gì hiện diện trên đời này, có hình tướng mà có thể thoát khỏi nhơn duyên sanh diệt, cũng tức là không thể nào ở ngoài sự chi phối của trạng thái biến dịch một cách tự nhiên, không ngừng nghỉ, trong từng mỗi lúc và mỗi điểm nhỏ nhất của thời gian và không gian. Hãy thử nhìn vạn sự, vạn vật trước mắt và chung quanh chúng ta mà xem, có sự gì, vật gì luôn bất biến, hay trường tồn mãi mãi chăng?  Rõ ràng là không có tướng trạng nào có thể vượt ra ngoài lẽ sanh thành, biến đổi, hoại diệt. Thế mới biết, hễ đã có sanh ắt phải có tử; ai đã một lần đến ắt có một lần phải giã biệt cõi này. Cho nên, đến đi, tan hợp đều là nhơn duyên cả, là chuyện thường tình trong cõi thế gian. Mà đã biết đó là chuyện bình thường, chuyện ắt phải xảy ra một cách tự nhiên, không thể cưỡng chống được, thì một người trí sao lại phải tự khuấy động cái tâm vốn dĩ  an ổn, trong sáng, yên tịnh, để làm khởi sanh và trói buộc với những cảm xúc buồn vui, mừng giận huyễn hoặc để tự làm khổ đau chính mình, trái nghịch với cái lẽ ắt phải, tất nhiên của thiên lý, của đạo thường?

Ta may mắn được sinh ra trong một gia-tộc mà ông bà nhiều đời chịu ảnh hưởng sâu đậm Triết-giáo làm người của Khổng Mạnh, được làm con trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều có truyền thống chuộng đạo-đức, trọng nhân hiếu, mộ lễ nghĩa. Có lẽ vì ta là đứa con trai độc nhất của gia đình nên gần như được ông bà, cha mẹ, chú bác trong thân tộc đều hết lòng chăm sóc, uốn nắn, dạy dỗ và yêu thương. Và một điều hết sức may mắn cho ta, trên tất cả mọi sự may mắn mà ta có được, đó là cha mẹ ta thường an ổn, mạnh khoẻ, trường thọ và minh mẫn cho đến tận những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Ta đã cùng các Người đi bên nhau gần như trọn vẹn cuộc đời ta. Cha ta mệnh chung lúc Người 88 tuổi, ở cái tuổi mà, với những bạn đồng trang lứa, có chung cùng một hoàn cảnh với Người, thì hầu như đã ra đi từ nhiều năm về truớc. Và trong khi ta viết những lời dặn dò này để lại cho con cháu của mình, thì mẹ ta còn tại thế, Bà đang ở tuổi chín mươi mốt. Cả cha mẹ ta, trong những năm tháng cuối đời, vẫn không đánh mất cái tính hiền hoà, mẫu mực, bình dị, vui vẻ dễ mến vốn có, tinh thần các Người vẫn sáng suốt, an ổn, từ ngằn, không mịt mờ lẫn lộn như bao người cao tuổi thường tình. Ngay lúc này đây mà bà cụ vẫn không quên nhắc nhở  ta về bài học đạo lý làm người, cũng như thường hỏi han một cách tỉ mỉ việc ta dạy dỗ con cháu của mình. 

Nhờ ảnh hưởng sâu đậm truyền thống lễ giáo Á-Đông, ngay từ trong cái nôi là gia đình, mà trải dài suốt cuộc đời mình, từ lúc mới có chút ít trí khôn cho đến tuổi bạc đầu, ta đã may mắn được thừa hưởng từ các Người một di sản quí báu, luôn tăng trưởng tịnh tiến theo thời gian, và cũng chính nó là nhân tố quyết định vận mệnh và sự nghiệp của cả một đời ta. 

Gia sản quí báu mà ông cha ta trong suốt nhiều đời không lúc nào quên vun đắp, bổ sung rồi tuần tự trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, liên tục gìn giữ không để mai một, đó chính là bài học đạo đức làm người

Bài học đạo đức làm người, cũng tức là nền tảng đạo lý cổ truyền của người Phương-Đông chúng ta. Bài học đầu tiên và cơ bản “chính tâm, tu thân, tề gia” đã ăn sâu vào tận tim óc, máu thịt của nhiều thế hệ ông cha mình, dân tộc mình, được các Người coi như là khuôn vàng thước ngọc, là chuẩn mực đạo đức, là thước đo phẩm hạnh, nhân cách không thể thiếu được của một con người. Nó được coi như kim chỉ nam để con người theo đó đi tìm hạnh phúc. Bài học ấy lấy việc tu tâm sửa thân làm căn cơ, được dạy dỗ và học tập từ lúc các thành viên trong gia đình còn trong trứng nước cho mãi đến thuở bạc đầu, không lúc nào ngưng học tập. Nhỏ có cái học của bọn con trẻ, lớn thêm một chút có cái học của bọn thanh thiếu niên, lớn hơn nữa thì có cái học dành cho người trưởng thành. Cái học làm người thì vô cùng vô tận, cho nên dẫu lớn tuổi đến đâu mà còn biết sống, biết thở, còn biết mình đang làm người thì còn phải trau dồi bài học đạo đức. Không phải lớn tuổi rồi, già rồi, con cháu không ai dám nhắc nhở đụng chạm tới mình nữa thì mình cứ tự do mặc sức buông thả thân tâm, muốn làm gì thì làm, như thế là không được. Đành rằng hàng hậu bối không dám can ngăn, nhắc nhở, nhưng nhân cách và đạo đức làm người không cho phép thân tâm mình được buông tuồng thả lỏng, vì như thế là tự đem ngọc báu chôn vào bùn nhơ, cũng là làm ô danh chính mình, làm nhục lây tới ông cha mình, là tự làm cái gương đen đúa, xấu xa cho hàng hậu bối bắt chước, chẳng khác gián tiếp làm hại nhiều đời, nhiều thế hệ con cháu của mình. Bài học đạo đức cơ bản được áp dụng từ lúc con cháu còn ấu thơ, sống với cha mẹ, ông bà và anh chị em trong gia đình, cho đến khi biết ngồi trong trường học với chúng bạn, rồi tạo lập cuộc sống riêng tư , học tập cách ăn ở trong gia đình, học đối đãi giữa người với người ngoài xã hội, biết cách cư xử hợp đạo trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, sao cho lúc nào cũng thể hiện nhân cách của một người trượng phu, quân tử. Bài học ấy luôn được ông cha ta dùng làm cái gương để tự soi rọi, xét nét lấy chính mình, tự gọt dũa thân tâm mình để ngày càng thanh cao trong sáng, cũng như để biết đường răn dạy, uốn nắn, tập tành cho những người thân yêu, máu mủ của mình, khiến ai nấy đều trở thành những con người đúng nghĩa làm người, có phẩm chất tốt đẹp, có ích cho tự thân, gia đình và xã hội.

Từ khi có chút ít trí khôn cho tới hết bậc tiểu học,  ta sớm được các cụ khai tâm vỡ lòng bằng những bài học rút ra từ những quyển sách học làm người như Ấu-học Quỳnh-lâm, Hiếu kinh, Nhị thập tứ hiếu. Đến khi vào Trung-học, chữ quốc ngữ ta đã rành, thì cha ta bắt đọc những quyển sách có tính cách trau dồi trí tuệ và đạo đức làm người như Minh-Tâm Bửu-giám, Đại-học, Luận-ngữ, Trung-dung, Mạnh tử và sau này khi đã có gia đình, ông thường khuyến khích ta đọc thêm Lão-tử Đạo-đức kinh và Trang-tử Nam-hoa kinh. Có thể nói những quyển sách nêu trên thuộc loại “gối đầu giường” của cha ta và sau này ta được thừa hưởng, nên hễ cứ nằm xuống và mò lên đầu giừơng là có đọc ngay, bất cứ cuốn nào cũng được, đều có ích cho trí tuệ, tâm hồn và phép làm người. 

Có lẽ nhờ lúc nhỏ được gia đình uốn nắn để thích nghi cho khuôn mẫu trong một trật-tự nhất định theo Triết-giáo “nhập-thế” của Khổng-Mạnh, khi ra đời lại được tiếp thu cái tư tưởng “xuất thế” để trở về lại cội nguồn theo tinh thần “phản phục” của Lão-Trang, trong đó không biết tại sao lại lảng-vảng một bóng hình của nghiệp thức nhơn quả, nên về cuối đời, khi trực diện với cái cữa giải thoát “không cữa” của nhà Phật, ta sớm nhận ngay ra cốt tuỷ cái ý “bất ly thế gian giác“cũng như biết chắc rằng không có con đường giải thoát sanh tử nào ngoài con đường phải tự “giải thoát tri kiến giải thoát“. Không tự giải thoát được sự trói buộc của tri kiến, dù là tri kiến giải thoát của bậc đã giải thoát như đức Phật và các bậc Bồ-tát giải thoát môn, thì không biết đến bao giờ mình mới có thể tự thăng hoa. Bỡi cớ sao? Vì kiến văn giác tri (thức biết) cũng chính là một cái tên gọi khác của nghiệp thức nhân quả . 

Đến bây giờ ta mới hiểu được rằng, nhờ tiếp thu hai bài học làm người trong hai tinh thần khác nhau, mới nghe qua tưởng như đối nghịch nhau là xử thế và xuất thế, nhưng thật ra hai luồng tư tưởng ấy lại không hề ngăn ngại nhau hay chống đối nhau mà luôn luôn bổ túc cho nhau tuỳ theo từng thời điểm của cuộc sống để làm cho con người thêm tốt hơn, đúng nghĩa một con người hơn, khiến cho việc ở hay đi, tức “hành” và “tàng” được dung hoà, tốt đẹp và trọn vẹn.  Cũng nhờ hai bài học “xuất và xử” của hai tư tưởng ấy đã theo ta đi vào thực tế của cuộc sống mà về cuối đời, vừa gặp lúc tròn duyên, tỉnh giấc mộng dài, ta thong thả buông tay, rơi tự do vào hố thẳm không đáy của cội nguồn nguyên uỷ. 
 
Nghĩ về công ơn của ông bà, cha mẹ mình, ta nhớ ngày xưa, vừa đọc sách ta vừa được các người dạy dỗ, uốn nắn từ những điều nhỏ nhất, chi ly nhất trong cuộc sống thường nhựt, cũng tức là đạo lý vi nhân xử thế của văn hoá lễ giáo Phương-Đông. Bên cạnh đó, những việc làm hằng ngày biểu hiện lòng hiếu thảo, tánh liêm khiết, nhân từ, khoan dung, đức độ, và lòng tự trọng cũng như nhân cách của các bậc bề trên mà từ nhỏ đến lớn ta đã được tận thị kỳ mục, thiệt giống như soi gương thấy hình, đã khiến bài học làm người mà ta đã tích góp được từ khi còn để chỏm, ngày càng tăng trưởng, cần và đủ để ta dùng làm kim chỉ nam đi tìm hạnh phúc ở cõi đời này. 


Bài học đạo lý làm người, theo quan niệm của riêng ta, quan trọng số một, là công việc cần thiết nhất, cấp bách nhất, là bài học trước tiên và cuối cùng trong cuộc đời mình; bài học này thấm đượm nghĩa tình nồng nàn sâu nặng của cha mẹ, gia đình và thế nhân, là mớ hành trang đã theo ta đi hết kiếp người, cho đến tận cái ngày gần đất xa trời hôm nay. Đối với ta, tinh ba góp nhặt được ở bài học đạo lý làm người, là cái kết quả tốt đẹp nhất, thành công nhất mà ta đã đạt được trong đời, là cái vốn quí báu nhất, đáng nâng niu trân trọng nhất, thuộc hẵn về ta, không thể tách rời và không sợ ai lấy mất. 

Nhờ lãnh hội và thấm nhuần bài học đạo lý làm người, mà từ nhiều đời ông cha mình và ngay cả chính bản thân ta đây, đã có được cái nhơn sinh quan khác thế thường, cảm nhận được cuộc sống này mang nhiều ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn, ích lợi hơn, khiến tâm mình rộng mở hơn, dễ bắt nhịp và tuỳ thuận thế gian hơn, dễ cùng nó gắn bó chan hòa hơn, dễ làm “một” mình với cuộc đời như sữa với nước, như hương với hoa, hơn là chúng ta nghĩ về nó như một đối tượng hay đôi lúc có ý tưởng cùng nó đương đầu, đấu tranh, giành giật. Sở dĩ như thế là vì, kinh nghiệm từ những bài học làm người đã minh chứng cho ta một sự thật rằng, muốn có được một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, thì một người sanh ra trong cõi này không phải chỉ để sống cho những gì thuộc về riêng mình, mà còn phải biết sống cho người khác và vì người khác nữa. Hay có thể còn hơn thế nữa, nếu muốn nói một cách rạch ròi, sòng phẳng, tách bạch và không ngoa dối, thì mỗi một con người sinh ra là để học và tập làm người thiện lành đúng như ý nghĩa vốn dĩ ban đầu của nó, là làm lợi ích cho tất thảy muôn loài, khiến ai ai cũng được thông sáng, diệu lạc như mình, vì chính mình thật sự là một mà cũng là gồm trọn tất thảy. Tất thảy chỉ một, vạn pháp vũ trụ chính thiệt là mình, mình là vạn pháp, là vũ trụ, tất thảy cùng mình trong nhất lý chỉ một, bất khả phân ly. 

Ai học được, hiểu được, thấy được và làm được theo cái chơn lý ngàn đời bất biến ấy thì cả thế gian này sẽ thuộc về người ấy, thế gian này cũng chính là người ấy, tất thảy thông lưu làm một, chẳng thể chia lìa. Và thật tại trước mắt sẽ mang lại cho ngừơi ấy nguồn hạnh phúc đích thực, tràn trề, vô biên, bất tận, không hư mất và không gì sánh bằng.  Bằng ngược lại, nếu ai tự khởi phân biệt vì  ích kỷ, tự tách riêng mình khỏi “cái lớn” để bó rọ trong một thân tâm nhỏ nhoi, hèn mọn và vô thường này, chỉ biết sống trong một giới hạn hẹp hòi, đơn độc của bản thân mình, hay những gì được gọi là của mình, thuộc về mình, thì kẻ ấy tức khắc tự biến mình thành đối lập với cuộc đời, cũng là tự đặt mình vào địa vị tranh đấu với thế gian; kết cục kẻ ấy sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình ổn, an lạc, hạnh phúc thật sự mà đáng lý họ phải đương nhiên được thụ hưởng một cách bình đẳng, chan hoà, bao la, bất tận, hoà “một” với cả thế gian này.

Không lúc nào ta nghĩ về ông cha mình mà những bài học đầu đời và cũng là bài học cuối cùng này lại không hiện ra. Nghĩa là, mặc dù ông cha ta không còn nữa, nhưng tinh ba ẩn khuất đằng sau cái bóng dáng mênh mông của lòng nhân hậu, đạo đức, lễ nghĩa, thành tín cộng với sự an lạc, bình ổn một cách tự nhiên như nhiên, lúc nào cũng hiển hiện, bao trùm, trong trạng thái sâu lắng, diệu lạc khiến ta như được khích lệ để an tâm thực hành trọn vẹn bài học làm người mà các Cụ kỳ vọng nơi con cháu của mình. 
 


Tục ngữ ta có câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng“. Lại cũng có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài“. Và quả thật ta rất may mắn cũng như rất đỗi tự hào được sinh ra trong đời này và được làm con cháu của các Người. Nhân phẩm, đạo đức và sự nghiệp học làm người của ông cha mình chính là ngọn đèn sáng giúp ta mượn làm phương tiện để soi rọi thấy được chính mình cần phải làm  gì để được như thế nào, cũng như thấy được con đường phía trước mà mình phải vượt qua để thực hiện trọn vẹn bài học làm người, trong khoảng thời gian ngắn ngủi chưa tới trăm năm của kiếp nhân sanh.

Các con cháu của ta chớ có hiểu lầm khi ta nói tới hai chữ sự nghiệp của tiền nhân. Sự nghiệp của các Người mà ta muốn đề cập ở đây, hoàn toàn không giống với hai chữ sự nghiệp được hiểu theo nghĩa đen của thế gian, tức cái đích danh vọng, địa vi, tiền bạc, lợi lộc mà đa phần thế nhân ham thích đạt được. Sự nghiệp mà tiền nhân ta đã nhiều đời nối tiếp dày công vun đắp trong cảnh thanh bần, đó là sự nghiệp gieo trồng căn lành và hoàn thành bài học làm người, không ngoài mục đích mưu cầu cho chính mình trong hiện tại và cho các hàng hậu bối thân thương của mình trong tương lai có được một cuộc sống bình ổn, an lạc, thuận thiên lý, hợp nhơn luân, tức không ra ngoài ý nghĩa của việc học và tập làm người đúng nghĩa con người. Ngẩng đầu nhìn lên, ta thấy ông cha mình đã rất có lý và thành công trong cuộc trần này, đó là thực hành xuất sắc bài học làm người. Sự nghiệp mà cả đời các Người theo đuổi, như ta đã được tận mắt chứng kiến, đó là không ngừng đấu tranh với chính mình, không ngoài mục đích duy nhất là chắt góp và loại bỏ để trở thành một con người như đúng ý nghĩa của nó. Cuộc chiến dài lâu trọn một đời và nhiều đời của các Người, không phải để giành giật chắt góp danh lợi hão huyền mà là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với chính bản thân mình, để tự thắng mình, cũng là loại bỏ những mầm móng xấu xa do chính cái tâm tham dục, mê muội, vị kỷ và đầy trí trá của mình, cũng là những cái nhân khổ đau trói buộc con người trong hiện tại và ở vị lai. Ông cha ta đã luôn cố gắng giành giật, chắt góp về mình cái tâm thiện lành, chơn chánh mà trời đã phú cho con người, cũng là cái bổn tánh trong sáng tự nhiên vốn dĩ “nó là” như thuở ấu thơ, bằng cách học và tập cách sống không rời lìa thiên lý, nhân luân. Ai có tự thắng được cái tâm học đòi trí trá, giỏi che dấu, tham lam, mê muội, ích kỷ của chính mình thì liền ngay đó cuộc sống tự thăng hoa, thân tâm liền cảm thấy nhẹ nhõm, an nhàn, bình ổn, diệu lạc, thiên tánh tự nhiên hiển lộ, liền tự biết thế nào là đủ, tự biết an vui với cái đủ, cái thanh nhàn bình dị, mộc mạc, vô cầu, thuận thiên lý, hợp nhơn luân mà hiếm người thật sự có được. 

Những việc làm thuận thiên lý, hợp nhân luân, như thêm chỗ vơi bớt chỗ đầy để củng cố tánh bình đẳng của đạo trời, phải người phải ta, mà ông cha mình đã thể hiện, tuy các Người không tự nói ra, nhưng tới giờ này, thì, với chút ít hiểu biết và kinh nghiệm của tự thân, ta có thể xác quyết với các hàng con cháu mình mà không sợ lầm lẫn, rằng, những bài học đạo lý làm người “chính tâm, tu thân, tề gia” chính là ngọn đèn soi lối, dẫn đường cho chúng ta trực chỉ đến bến bờ hạnh phúc đích thực, ngay trong hiện tại, ngay trong cuộc sống này. 

Ta lập lại, cái vốn quí mà ta đã được thừa hưởng từ ông cha mình, tức bài học đạo lý làm người, là nhân tố quyết định sự nghiệp của cả một đời ta. Và ta cũng muốn nhắc lại một lần nữa, để con cháu ta hiểu một cách minh bạch, không bị lệch lạc, rằng cái vốn quí ấy chẳng phải là kim ngân, châu báu hay nhà cữa, ruộng vườn mà nó là kết quả của một quá trình lao động và hành thiện tích cực, lâu dài, thể hiện nếp sống đạo đức, gương mẫu, đầy lòng nhân ái của ông bà, cha mẹ ta đó. Lại nữa, đề cập tới sự nghiệp một đời của ta, thì con cháu cũng phải hiểu rằng, đó chẳng phải là cái món hư danh huyễn lợi nào trong cuộc trần này, mà đó chỉ là sự nghiệp chăm chỉ học tập đạo đức để làm một con người đúng nghĩa con người mà thôi. 

Thế nhưng, các con cháu hãy đừng tưởng học làm người và sống cho ra con người đúng như ý nghĩa của nó, là dễ dàng đâu nhé!  Khó lắm, khó khăn lắm đấy! Bỡi vì đọc, nghe, hiểu, biết những lời của các bậc cổ nhân Thánh- Đức đã dạy, hay được ông cha răn bảo dạy dỗ, rằng phải sống như thế này hay không được sống như thế nọ thì chẳng khó, vì hễ đã có trí khôn thì ai ai cũng có thể phân biệt được điều gì tốt đẹp, thuận hợp đạo lý, điều gì xấu xa, trái với luân thường. Thế nhưng tự đem cái tâm chấp ngã vốn dĩ khôn ngoan, trí trá khó lường và cái thân ưa tham luyến vật dục ra thực hành bài học đạo đức làm người, để sống sao cho tương thích đạo lý, thuận hợp nhân luân, hầu làm một con người như ý nghĩa vốn dĩ của nó, thì khó khăn vô cùng. Nếu chẳng phải như vậy thì trước đây hơn hai ngàn rưởi năm, một bậc thầy vĩ đại của loài người, Đức Khổng-phu-tử, đã không phải thốt lên những lời than thở âu lo giùm cho thế nhân, rằng “Xử thế nan ! xử thế nan !” đó ư ? .  Bài học đạo lý làm người khó học khó hành đến nỗi khiến Phu tử phải ái ngại, thở than “xử thế khó thay ! làm người đúng nghĩa một con người, khó  thay ?”. 

Một con người toàn đức, toàn thiện, một bậc thánh nhân được gần một nửa nhân loại xưa nay tôn làm “vạn thế sư biểu – người thầy của vạn đời”, mà cũng cho rằng việc xử thế, cũng là thực hành và trải nghiệm bài học đạo lý làm người là khó khăn, huống là thân phận phàm phu, tâm lòng đen đúa, chật hẹp của chúng ta thì còn thấy phải khó đến mức nào.  Thế nhưng, nếu vì thấy khó mà trước mắt tự thân chúng ta không lo trau dồi bài học đạo đức làm người, không biết tự chỉnh sửa sao cho cái tâm trí trá trở nên ngay thẳng, không biết mài rèn uốn nắn cái thân trong ngoài sao cho thanh sạch, không biết dạy dỗ, sắp xếp sao cho gia đình mình được trật tự, hoà hợp, hạnh phúc thì thật khó ai tưởng tượng nổi nền tảng đạo đức trong tương lai của con cháu chúng ta rồi sẽ ra sao?  Thế nên, ngay trong cuộc đời này, ngay giờ phút này mỗi người chúng ta nếu không biết sống trong chừng mực, không biết xử sự thuận hợp đạo lý làm người, không là tấm gương đạo đức sáng láng để cho con cháu lấy đó mà soi rọi tu sửa thân tâm chúng thì làm sao trong tương lai chúng có thể trở thành những con người đúng nghĩa, làm sao chúng có thể có được một cuộc sống hạnh phúc thực sự như mong ước của chúng ta đối với hàng hậu bối thân thương của mình?

Bài học đạo lý, hẵn nhiên là khó học khó hành, nhưng chẳng phải là mỗi người trong chúng ta không thể sống thuận hợp với đạo lý nhân sinh, không thể “một” với đạo trời và đạo làm người được. Chỉ có điều, dấn bước vào con đường thực hành bài học đạo đức làm người, một mặt chúng ta tự cảm thấy lẻ loi, cô độc vì thiếu hiếm bạn đường cùng chí hướng, cũng như thấy buồn chán vì nó khô khan tẻ nhạt. Mặt khác, chúng ta có cảm giác như mình đang đi nghịch lại với giòng đời hỗn độn đang ào ạt tuông chảy về phía mình, cản bước đường mình đang đi tới, nếu không muốn nói là chực chờ lôi hỏng chân mình, cuốn hút mình vào giòng xoáy mãnh liệt, tối đen, vô vọng, không bờ bến của thế giới xô bồ, ô trược, bất định và không có một tương lai rõ ràng. 

Phải nói một điều chân thật rằng, bài học đạo lý làm người rất cao xa và thực hành nó cũng là điều không phải dễ dàng. Chẳng hạn, chỉ cần đề cập tới mỗi một việc ở phần hình tướng mà người ta dễ nhận thấy nhất, là khi nào tự đấu tranh với chính bản ngã và tự thắng mình, thì bài học làm người kia cũng chỉ mới được tạm gọi là có chút ít kết quả trong đạo làm người mà thôi. Có thể có người hỏi, chế ngự và tự thắng được mình là cả một vấn đề gian khổ, lắm nỗi hy sinh, thế mà lại gọi thành công chỉ có chút ít là thế nào?  Aáy bỡi vì bài học làm người cũng có nhiều tầng nấc thứ lớp, từ thấp tới cao, từ chỗ uốn nắn cái phần hình tướng thô kệch của thân tâm đến chỗ tánh chất vi tế vô hình, tức cũng là hai bậc học Hình nhi hạ và Hình nhi thượng của đạo làm người theo triết giáo Đông-phương vậy. Nghĩa là, học và hành đạo lý từ chỗ có thể dùng giác quan, tri thức, kinh nghiệm mà nhận biết được qua hình tướng và sự cảm xúc, tới chỗ vô vi vô tướng mà tri giác không thể với tới được. Tới chỗ này, chỉ có tánh trí con người, cũng còn gọi là thiên lương, hay thiên tánh tức tánh trời mà con người thọ bẩm và được khai mở thì mới có thể cảm nhận và cũng là tự hoà nhập làm một với đạo. Cho nên nói tự thắng được mình, cũng là còn trong chỗ năng thắng sở thắng, trong chỗ đối đãi hạn hẹp, còn mới là kết quả bước đầu trong sự nghiệp học làm người. Đó là sự thật vậy. Còn về sau nữa, muốn vượt lên khỏi chính mình cũng là tự thăng hoa, thì các con cháu cần phải nương mượn tới Phật pháp. 

Tuỳ căn cơ, trí tuệ, phúc đức của mỗi người, cũng là cái quả của việc gieo trồng căn lành trong quá khứ, vun bồi đạo đức và tu hành rèn luyện trí tuệ trong hiện tại, mà trong việc học và hành bài học đạo lý làm người, có người tiến tới bực Thánh, có kẻ trở thành hiền nhân, quân tử, lại cũng có kẻ u u mê mê, chẳng rõ phương hướng, khổ sở trăm đường, không một lần trong đời cảm nhận được thế nào là hạnh phúc chân thật.

Ta đã sống vượt qua một hoa giáp, tức quá sáu mươi năm hiện diện trên cõi trần này. Tuy so với tuổi thọ của cha mẹ thì mình còn non trẻ lắm, nhưng cứ tạm chấp nhận vì vẫn được xếp vào cái khoảng thời-gian trung bình được cho là phần số của một đời người. Gọi là phần số, tức cái số phần thọ mệnh tự nhiên đã an bài sẵn cho một kiếp nhân sinh, vì dẫu ai đó có muốn kéo dài cái thân xác còn biết thở lâu thêm thì cũng chẳng được nào.

Ta đã hiện diện chốn này trên sáu mươi năm, thế mà có lúc ngoảnh đầu nhìn lại, chợt thấy thời gian như tia chớp, thế sự như ảo ảnh, như giấc mộng trưa hè, thân xác mong manh như bèo bọt, thoắt còn thoát mất chẳng khác mây nổi mây tan. 

Hôm nay dường như sức khoẻ mách bảo cho ta biết rằng, ta không còn ở lại lâu hơn với các con cháu được nữa, nhất là sau khi cái tim ta có vấn đề phải can thiệp bằng phẫu thuật nông lớn và đặt ống một số mạch máu tim bị nghẽn. Trong một chừng mực nào đó mà sức lực và trí năng ta có thể kham nổi, thì suốt trong thời gian làm người vừa qua ta cũng đã thể hiện được một số việc có ích cho tự thân và cho một số người cùng ta hữu duyên trong cuộc trần này. Ta mong con cháu mình cũng như những người thân thiết chớ ưu sầu khi thấy ta ra đi, mà phải biết rằng, đến và đi là qui luật tự nhiên như nhiên, như hết ngày thì phải tới đêm, hết sáng thì phải tới tối, như đông qua xuân lại, luân chuyển vận hành trong một trật tự nhất định và bất biến, thế thôi. Nghĩa là cuộc sống trong hiện tại chỉ là sự chuẩn bị sẵn sàng để dành cho một ngày mai khác hơn: vừa mới sanh ra cũng có nghĩa là thời gian khởi đầu chuẩn bị cho cái chết, cũng như cái chết là sự chuẩn bị, khởi đầu cho một cuộc sống trong tương lai, bỡi vì cõi này là cõi nhân quả, luân hồi kia mà. Thế nên, sự đến đi lâu mau, hay cuộc đời được cho là sướng hay khổ của mỗi người trong thế gian này tuỳ thuộc vào từng mỗi biệt nghiệp và cộng nghiệp, thiện nghiệp hay ác nghiệp mà người ấy đã đeo mang theo từ trong quá khứ cũng như đang vun đắp ngay trong hiện tại, tức nhân của cái quả trong tương lai. Sở dĩ có sanh vì các duyên tụ hợp; duyên hết rồi là lúc phải chia lìa. Đến đi là lẽ thường tình của thế gian mà. Cho nên, không thể nói sống lâu là tốt, hay ngược lại, mà lâu mau là tuỳ duyên nghiệp cũng là số phần của từng mỗi chúng sanh đối với cuộc trần huyễn mộng, như có như không, như hư như thật này mà thôi. 

Trước khi về lại chốn xưa, mặc dù học hành không ra gì, tri thức kém cỏi, nhưng vì trót mang trọng trách của tổ tiên, ta cũng ráng cố gắng nối chữ thành câu, ghi lại đôi lời thô thiển, nhắn nhủ vài việc thế gian mà lúc sinh thời ta chưa kịp nói với con cháu, mà đối với sự hạnh phúc, bình ổn, an lạc của bọn trẻ sau này thì lại muôn phần hệ trọng. Vì lỡ khi bất chợt sa sẩy vô thường mà chưa kịp dặn dò khúc nôi cùng con cháu, cũng là tâm ý của ông cha ta, thì ta thật có lỗi với các Người lắm lắm. 

Ta biết rất rõ rằng, mọi sự mọi vật trên thế gian đang biến dịch, đổi thay trong từng giây từng phút và không ngưng nghỉ. Cho nên, trong từng mỗi thời đại mà các thế hệ của con cháu mình đang sống, mọi sự mọi vật khi đó chưa chắc đã giống với cái thuở mà ông cha mình đã từng sống. Cho nên, có thể những đạo lý mà ta đã nói ở trên, sẽ rất khập khiễng đối với sự hiểu biết và tập quán của từng mỗi nơi mỗi lúc mà các cháu đang sống, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hoá này. Thế nhưng các con cháu phải nên hiểu và chớ quên một điều tối quan trọng là, dù ở xứ sở nào, thời đại nào, cuộc sống đó văn minh tiến bộ vật chất tới đâu đi nữa, mà hễ đã làm người, với bản chất mà trời đã phú cho, thì nhân luân, thiên lý và đạo đức làm người cũng không bao giờ sai khác. Nghĩa là nhân tâm là tánh vốn dĩ thiện lành mà trời phú cho loài người; được làm người là một điều vô cùng may mắn của tất thảy chúng sanh. Được sanh làm người, tức mượn cái tánh huyền mầu của đạo trời thị hiện ra cho có cái hình tướng bên ngoài và cái tánh trời bên trong để học đạo làm người. Cho nên, con người ta, phải khổ đau hay được hạnh phúc cũng chỉ do một thân tâm này mà ra cả. Cho nên, dù ở đâu, lúc nào, muốn được hạnh phúc, muốn được an ổn, diệu lạc tự nhiên như nhiên như cái thể bất biến mà từ đó mình đã xuất sanh, thì cả thân lẫn tâm phải biết sống trọn trong thể tánh chơn chất, thật thà, ngay thẳng, sáng suốt ấy để mà cùng với cái đạo sáng trong bất biến kia tuỳ duyên tương thích, khế hợp, để được tự tại đến đi, mà lúc nào cũng vẫn không rời lìa đạo cả. Một con người mà đã tự thấy một cách chân thật mình cùng đạo không chia lìa thì việc đến đi sống chết cũng không cần bàn tới nữa mà làm gì. Vì tự thể của mình kia, cũng là thể tánh đạo trời, không đến không đi, không còn không mất, cứ tuỳ duyên mà ẩn mà xuất, làm bất cứ gì tự lợi và lợi tha mà vẫn vô vi, vô sự, nhàn tản, an lạc. Bằng tự lìa bổn tánh  tự tại của chính mình, cũng là đánh mất chính mình, quên mất thiên lương thiên tánh, thì con người không còn là con người đúng nghĩa như cái thuở nguyên sơ của nó, thì kẻ ấy trước mắt không bao giờ tìm thấy được hạnh phúc, cũng như không thể làm cho kẻ khác hạnh phúc, và sẽ khó mà tránh được cái khổ tử sanh luân hồi đeo đẳng, vì không tự sáng suốt, lầm lẫn nhơn quả, quên mất nẻo về. 

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý muôn thuở, bất biến, nhắc nhở chúng ta luôn luôn ghi nhớ công đức của tiền nhân, là lòng biết ơn đối với Cha mẹ, Ông bà, Tổ-tiên, mà hễ đã làm người thì ai ai cũng phải biết điều này, ai ai cũng phải gắng hết sức để báo đáp. Công cha to lớn ví như trời cao, nghĩa mẹ sâu dày sánh như đất rộng. Không có đất trời thì làm sao có vạn vật sản sinh, làm sao chúng ta có thể sống được. Không có ông bà, tổ tiên, nội ngoại thì làm sao có cha mẹ mình. Không có cha mẹ sinh đẻ, nuôi nấng, dạy dỗ mình thì làm sao mình nên hình nên vóc. Phận làm con cháu không quên công ơn trời biển đó, và biết trả hiếu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên là đạo nghĩa bất di, bất dịch của kẻ làm người vậy. 

Cổ nhơn có câu “Hiếu Đức Chi Bổn Giã”, nghĩa là, trong đạo làm người, thì đức hiếu được xếp làm đầu, là cái gốc của muôn đức lành đó. Hiếu kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là cái gốc của đạo đức làm người vậy. 

Đã làm người thì ai mà chẳng phải do cha mẹ mình sinh ra. Cho nên, chẳng những làm con cháu phải biết vâng lời, hiếu kính, thuận thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ lúc các Người còn sống đã đành, mà còn phải chí thành chí hiếu, giữ lễ cung kính, tri ân đối với ông bà cha mẹ của cha mẹ mình đã khuất nữa, mà đó cũng là cái gương cho con cháu nhiều đời noi dấu.  Vì có làm được như thế thì trọn kiếp này chúng ta mới mong đáp trả được một phần trong muôn một ân đức sâu dày mà cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã hy sinh, gầy dựng cho mình. 

Và mỗi con cháu chúng ta có cúc cung tận tuỵ làm được điều hiếu kính ấy, thì vong linh người quá cố sẽ mỉm cười vui sướng, hết lòng phù hộ cho chúng ta được nhiều sự lành, cũng như từng mỗi người trong chúng ta tự làm tấm gương sáng cho con cháu các đời sau noi theo mà hiếu nghĩa với mình sau này, vì đó là qui luật của nhân quả vậy. 

Ông bà, Tổ tiên, Cha mẹ ví như cái gốc, cái thân cây cổ thụ. Con cháu trải dài nhiều đời ví như cành nhánh của cây. Gốc rễ có thường được vun xới, tưới nước bón phân, chăm nom bảo vệ thì thân cây mới mạnh mẽ, cứng cáp. Thân cây có cứng cáp vững vàng thì cành nhánh mới sum sê, chắc chắn, khiến dễ đâm chồi nẩy lộc, kết trái đơm hoa, sản sinh những mầm giống tốt đẹp cho các thế hệ tương lai. 

Cứ nhìn những cây đại thụ sừng sững kia thì biết, tuy gốc rễ khuất lấp dưới đất, mắt người không thể trông thấy nhưng chẳng phải là không có gốc rễ, vì nếu không có nó, thân nhánh cành lá có còn được xanh tốt mãi chăng hay là phải bị héo úa dẫn đến chết khô?  Cũng vậy, đối với thời hiện tại mà chúng ta đang sống, thì Ông bà, Tổ-tiên đã khuất bóng, đã không còn, và con cháu nhiều đời cũng không thể trông thấy các Ngài nữa. Thế nhưng, anh linh của các Người chẳng phải là không hiện hữu, mà vẫn thường còn, u ẩn, kín nhiệm, vương vấn bên cạnh để hộ trì con cháu của mình. Thế mới biết, gốc rễ mà không được vun đắp vững vàng, chắc chắn, không được thường xuyên chăm sóc, tưới nước bón phân, thì cây kia cũng khó lòng sống nổi, huống chi nói tới chuyện cành nhánh tươi tốt sum sê, đơm hoa, kết trái được. Tổ-tiên tuy đã khuất bóng nhưng ân đức của các Ngài vẫn luôn quyện mãi trong đời sống của chúng ta. Làm con cháu của các Ngài, chúng ta không thể nào quên được ơn  đức ấy. 

Chúng ta may mắn hơn nhiều người khác là được sống đoàn tụ và quây quần bên nhau. Tuy cuộc sống vật chất trước mắt có khó khăn, nhưng tinh thần thì tràn trề ấm áp. Ngày cúng giỗ ông, bà, cha, mẹ, tổ tiên là dịp để anh chị em, bà con, nội ngoại gần xa trong thân tộc cùng họp mặt với nhau, để cùng nhau ngồi lại kể chuyện và suy tụng công đức người xưa và lễ bái trả hiếu Tổ-tiên. Những người cao niên trong tộc họ, đã từng gần gũi ông bà, hãy ngồi lại với nhau kể cho hàng hậu bối nghe biết cái hay cái đẹp của tiền nhân mà bắt chước làm theo, biết cái xấu ác mà người xưa lỡ làm để lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà tránh, mà sợ. Lại cũng phải hiểu rằng, ông cha mình thuở trước có lỡ làm điều gì xấu quấy đi nữa cũng là vì cái tình yêu thương, lo lắng cho tương lai con cháu mà phải phạm, nay con cháu cũng phải biết rộng lượng, bao dung mà tha thứ, cũng như thành tâm cầu sám hối tội lỗi cho tiền nhân, để họ được siêu độ tịnh cảnh.

Đứa cháu nào cũng từ một gốc mà ra. Chỉ cần mỗi đứa một gáo nước, một nắm đất, một chút phân lạt bón cho gốc cây thì cổ thụ kia ắc sẽ bền chắc, thân rễ có vững vàng thì cành nhánh mới tốt tươi, mới thường xuyên đâm chồi, nẩy lộc, sanh hoa, kết trái, không bị khô héo hay dứt tuyệt.

Ngày xưa thời của ông cha ta, việc hương khói, cúng kỵ ông bà, cũng như bảo trì nhà thờ họ, tu bổ phần mộ tổ tiên thì đã có ruộng đất hương hoả, có người trực tiếp chịu trách nhiệm hành xử công việc này hằng năm với tính cách truyền tử lưu tôn, mà thường là các con trai trưởng, cháu đích tôn nắm giữ. Ngày nay, vì đất hẹp người đông, nhất là những người sinh sống ở chốn thị thành đô hội, vấn đề ruộng đất hương hoả ít người còn nhắc nhở, đề cập tới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phận làm con cháu chúng ta quên mất “Hiếu đạo” đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cái hạnh lành cao tột thứ nhất trong đạo làm người.

Cho nên tuỳ khả năng từng đứa cháu, từng gia đình mỗi cháu sau này có thu nhập khác nhau, gái cũng như trai, nội cũng như ngoại mà ít nhiều tuỳ hỷ bày tỏ tấm lòng mình, đóng góp để hương khói, cúng giỗ, tu bổ chỗ thờ phụng cũng như phần mộ của ông bà tổ tiên.  Ta nói tuỳ hỷ ở đây có nghĩa là con cháu tự nguyện mà không ai bắt buộc, trong khả năng của mình, đối với vong linh ông bà đã khuất, cũng là cách tự tạo âm đức cho chính mình và con cháu mình mai sau, nên những người sống, trong anh em bà con thân tộc chớ có so bì, ganh tị nhau mà mất đoàn kết; để rồi ngày thiêng liêng trong cuộc họp mặt gia tộc thể hiện lòng tri ân và hiếu đạo của con cháu đối với ông bà tổ tiên lại hoá thành cái ngày chửi mắng nhau, thù hiềm nhau, chia rẽ nhau thì vong linh những người quá cố tất đau khổ lắm lắm.  Nếu có phải vì ông cha ta và chính bản thân ta đây ăn ở bạc đức mà tất cả cháu chắt đều nghèo khổ, cơ cực thì ngày cúng kỵ ông cha ta chỉ cần một nén nhang thơm, một bình trà ngon, một lọ hoa tươi là đủ lễ. Điều cốt yếu mà ta yêu cầu là, con con cháu cháu phải hoà thuận, đoàn kết, tương trợ nhau, lá lành đùm lá rách, diù dắt nhau, nâng đỡ nhau để cùng vượt qua những khó khăn bất chợt trong cuộc sống, để mọi đứa cháu, chắt của ta đều được chan hoà và hạnh phúc trong tình thương của gia tộc.  Con cháu của ta mà làm được như thế thì vong linh người chết thoả nguyện, hả hê vui sướng lắm rồi, vì tất cả chúng cũng đều từ một gốc là ông cha ta đây mà ra cả. 

Ông bà đã chết nên dẫu cho mâm cao cỗ đầy dâng hiến thì họ cũng chẳng ăn uống được gì . Ngày cúng kỵ là để hàng con cháu tưởng nhớ đến gốc rễ, nghĩ tưởng biết ơn công đức của tiền nhân mà đến với tấm lòng thành kính và tri ân. Vậy nên, nếu con cháu giàu có thì đóng góp chung, cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhược bằng không dư giả thì nhớ ngày tưởng đến, kẻ nải chuối, người hộp bánh, gói trà, rồi ngồi bên nhau hàn huyên ấm lạnh trong tình thân tộc, cùng gốc rễ, bàn kế tương trợ cho những anh em bà con mình đang trong cảnh bần hàn, neo đơn cần sự giúp đỡ, hay tháo gỡ những vướng mắc, tị hiềm nhau mà trước đây chưa có dịp cởi mở. Kẻ có giúp của, người nghèo góp công, trải lòng mình ra để xoa dịu nỗi khổ của bà con thân tộc cùng huyết thống của mình, thì đó chính là điều mà tiền nhân hằng mong ước vậy. Vì tất cả đều là con cháu một gốc của ông bà, tổ tiên đây vậy.

Người xưa nói, chữ Hiếu có ba cách để con cháu tuỳ duyên thể hiện đối với ông bà, cha mẹ mình:

1) Đại Hiếu là làm cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên được thơm danh rạng rỡ vì mình.
2) Trung Hiếu là kế thừa được ý chí, sự nghiệp của ông cha, giữ gìn giềng mối đạo đức của tổ tiên, cũng như  không làm điều gì để ông cha phải vì mình mà bị nhục lây. 
3) Tiểu Hiếu là tận tình hiếu dưỡng, hầu hạ, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc tuổi xế chiều và cúc cung thành kính, phụng thờ vong linh ông bà, cha mẹ khi các người quá cố.


Hãy tuỳ sức mà con con, cháu cháu cố gắng thể hiện đạo hiếu với ông bà cha mẹ mình trong bổn phận. Hãy hết sức cẩn thận, kính sợ, nhớ lấy, chớ quên!

Đối với những bậc bề trên, dù còn hay đã khuất, nếu các con cháu biết thương yêu nhau, nhường nhịn nhau, giúp đỡ đùm bọc nhau, biết hối lỗi cũng như biết tha thứ lỗi lầm cho nhau, thì đó là phần báo hiếu to lớn nhất, cao đẹp nhất, hơn hết tất cả những gì mà các con cháu dành cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình vậy.

Tóm lại, việc cúng kiến, kỵ giỗ ông bà, cha mẹ chỉ cốt ở sự thành kính, trang nghiêm và tinh sạch. Cái cốt lõi trong những ngày này là bà con thân tộc xa gần chung một gốc có dịp gặp gỡ để biết mặt nhau, cảm thông nhau, khiến tình gia tộc ngày càng nảy nở chan hòa, tương thân, tương trợ nhau, làm gương mẫu cho những thế hệ kế tiếp. Không ai dám tự hào rằng mình suốt đời giàu có sung sướng, mà cũng có lúc gặp phải khốn khó cơ cực. Chính vì thế, việc che chở đùm bọc tương trợ nhau trong từng khả năng của các con cháu đối với những người trong thân tộc là bổn phận của mọi người chúng ta vậy. 

Những gì mà lòng của người ông, người cha muốn gởi gắm, dặn dò con cháu ở đời sau thì nhiều lắm, không có bút mực nào, không có lời nào nói lên cho hết được. Vậy nay ta tóm gọn và yêu cầu mấy việc chính yếu. 

Một người con tốt, để được hữu ích cho tự thân và gia đình cũng như là công dân tốt của xã hội, thì khi xuất lúc xử không quên vun đắp các hạnh lành. Nay ta để lại 8 chữ dùng làm thước đo đạo đức con người, và luôn ước mong con cháu dùng nó mà tu sửa thân tâm để trở thành con người đúng nghĩa trong đạo lý làm người. Tám chữ đó là:

Nhân, Hiếu, Thành, Tín
Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ

Phải biết luôn luôn trau dồi thân tâm, trí dục, đức dục lẫn thể dục, để có được một tâm hồn trong sáng, đạo đức, nhân ái trong một thân thể mạnh mẽ, cường tráng, khiến cuộc sống lúc nào cũng thấy tươi đẹp, đáng yêu, đáng sống.

Kẻ sanh trước, đi trước bao giờ cũng phải luôn là tấm gương tốt cho hàng hậu bối. Tránh xa 4 cái tệ hại nguy thân bại gia là Cờ bạc, Rựơu chè, Hút hít, Gái trai. Phải biết làm gương và giáo dục con cháu mình thành những đứa con cháu tốt của gia đình, công dân tốt của xã hội, chứ đừng đợi để cộng đồng, xã hội giáo dục chúng, thì khi ấy đã quá muộn màng rồi. 

Phải biết đùm bọc yêu thương, tương thân tương trợ trong tình gia tộc, nghĩa đồng bào từ một giòng huyết thống, một gốc rễ mà ra.

Việc giáo dục con cháu là bổn phận của tất cả mọi người lớn trong tộc họ chứ chẳng phải của riêng từng gia đình, để tất cả bọn trẻ đều trở thành những người tốt, hữu ích, làm trụ cột vững chắc cho gia đình, làm chỗ dựa cho gia tộc, làm rạng rỡ tổ tiên ngày sau.

Con cháu nên cố gắng hết sức để thực hiện ước nguyện của ông cha mình, cũng là cách để báo hiếu vậy. 

Ta viết ra những lời này trong trạng thái tinh thần rất minh mẫn.