Với mỗi thiền giả, việc học hỏi phương pháp thiền tập của các bậc thiền sư đạt đạo là cách rút ngắn đoạn đường để đạt tới thành tựu.
Nếu bạn là một thiền giả giống như thiền sư nổi tiếng nhất thế kỷ 20 của Thái Lan Upasika Kee Nanayon là tự thực hành và tìm ra cách tu tập cho riêng mình không có thầy dạy thì đó là một điều tuyệt vời, nhưng nếu như có một vị thầy như Upasika Kee nanayon thì chắc hẳn chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu sớm hơn.
Cuốn sách ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT là tổng hợp nhiều bài Pháp mà thiền sư Upasika Kee Nanayon giảng từ những năm 1954 đến 1977.
Văn phong của Upasika Kee Nanayon rất giản dị, chân tình. Đôi khi chúng ta sẽ có cảm giác như đang nghe những lời nhắc nhở, dạy dỗ của một người thầy,
Thông tin về cuốn sách: Tên sách: Đơn giản và thuần khiết Tác giả: Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang) Khổ: 14,5 x 20,5 cm Số trang: 340 Giá: 43.000 đ |
người mẹ, dầu hơi nghiêm khắc, nhưng luôn tràn đầy tâm từ bi, muốn cho người nghe, người đọc phải tinh tấn thêm lên, gấp rút thêm lên trên con đường tu học của mình.
Trong cuốn sách, thiền sư chia sẻ rất cặn kẽ về cách hành thiền, từ cách quán sát nội tâm (chọn vị thế ngồi, hiện tại, vô ngã, nỗi đau, ngụy tạo của cái biết…) đến pháp môn thiền quán (cách theo dõi hơi thở).
Các vấn đề về ngã, vị kỷ, cách dừng lại quán sát, buông xả, thực hành tánh pháp và ảo tưởng, phương pháp quân bình, ứng dụng tâm xả, trống rỗng và trống trải… cũng được thiền sư chia sẻ một cách giản dị, sâu sắc.
Một phần khá thú vị trong cuốn sách đó là Chương 4: PHÁP DƯỢC – DÀNH CHO THIỀN GIẢ ĐANG LÂM BỆNH. Quý đạo hữu đang bị bệnh sẽ được thiền sư chia sẻ về cách hành thiền để chữa bệnh, lấy lại sức khỏe giúp thân tâm an lạc.
Hãy lắng tâm và đọc bài kệ dưới đây để thu nhận được kinh nghiệm và thành tựu mà thiền sư Upasika Kee Nanayon đã đạt được trong suốt cuộc đời tu tập của mình:
Không xung đột, không suy tư,
tâm tĩnh lặng,
sẽ nhìn thấy nhân quả
tan đi vào Không.
Không bám víu, buông xả:
Biết rằng đó là con đường
để giải tỏa mọi ưu tư.
Hãy trân quý mùi hương rừng
Cho đến khi đất trời tịch diệt,
Khu rừng của Công Viên Núi Hoàng gia,
vẫn mãi là khu vườn của tĩnh lặng,
nơi Pháp mầu vang dội:
Niết Bàn – nơi không còn giới hạn
là thiên nhiên trống vắng
mọi ưu phiền.
Tác giả: Upasika Kee Nanayon, còn được biết đến qua bút danh, K. Khao-suan-luang, là một vị nữ Pháp sư nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 ở Thái Lan.
Mẹ bà là một Phật tử thuần thành, đã dạy cho bà những kiến thức cơ bản về các nghi lễ Phật giáo, như là tụng niệm hằng đêm và giữ gìn giới luật từ khi bà còn rất nhỏ.
Ở tuổi vị thành niên, bà đã phải quản lý một cửa hàng nhỏ để nuôi dưỡng cha bà trong lúc tuổi già; còn lại bà dốc hết thời gian rảnh rỗi vào việc tìm hiểu Phật Pháp và hành thiền. Bà hành thiền tiến bộ đến nỗi có thể dạy cha bà hành thiền với kết quả khả quan trong năm cuối đời ông.
Sau khi cha mất, bà tiếp tục làm việc với suy nghĩ rằng bà sẽ để dành đủ tiền để giúp bà có thể sống quãng đời còn lại ở một nơi thanh vắng, và dốc hết tâm sức vào việc tu tập.
Vào năm 1945, khi cuộc sống xáo trộn do Thế chiến thứ II gây ra đã bắt đầu trở lại bình thường, bà giao cửa hàng lại cho người em gái, để theo cô chú dọn về vùng núi, nơi mà cả ba người bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn hướng về thiền tập, như những Ưu-bà-tắc (upasaka) và Ưu-bà-di (upasika) –những đệ tử nam, nữ tại gia của Đức Phật.
Từ một nhóm tu nhỏ, do họ tự lập nhau trong một tu viện đã bị bỏ hoang, dần dần nó đã phát triển để trở thành một trung tâm tu tập của phụ nữ, và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Cuộc sống ở nơi tịnh tu này rất khó khăn, vì thực tế là trong những năm đầu tiên, ít có được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, ngày nay dầu trung tâm đã được nhiều người biết đến, cơ ngơi đã được xây dựng khang trang, thì sự cần kiệm giống như xưa vẫn được duy trì vì những lợi ích của nó – làm giảm thiểu lòng tham, tự ái và những uế nhiễm tâm linh khác – cũng như vì sự an lạc mà nó mang đến khi làm giảm bớt bao lo âu trong tâm.
Tất cả các phụ nữ tu tập ở trung tâm đều ăn chay và không sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, trà, cà-phê và trầu cau. Hằng ngày, họ tụ họp lại để đọc kinh, hành thiền theo nhóm và trao đổi về các kinh nghiệm tu tập.
Trong những năm khi sức khỏe của Upasika Kee vẫn còn tốt, bà tổ chức những buổi họp mặt đặc biệt, qua đó các thành viên sẽ báo cáo về sự thực hành của họ, sau đó bà sẽ nói một bài pháp về những vấn đề quan trọng mà họ đã nêu lên trong báo cáo. Phần lớn các bài pháp được ghi lại trong sách này có xuất xứ từ những buổi họp mặt như thế.
Trong những năm đầu của trung tâm, các nhóm nhỏ như bạn bè, thân quyến khi có dịp sẽ thăm viếng để hỗ trợ và để được lắng nghe các bài Pháp của Upasika Kee.
Dần dần khi các bài Pháp cũng như sự tu tập của bà được đánh giá cao, được nhiều người biết đến, thì nhiều đoàn Phật tử khác đã đến viếng thăm và có nhiều phụ nữ gia nhập cộng đồng đó hơn. Mặc dầu rất nhiều các đệ tử của bà được làm tu nữ thọ tám giới, trang phục trong y trắng, chính bản thân bà vẫn duy trì địa vị của một người nữ cư sĩ thực hành giữ tám giới suốt cuộc đời.
Khi máy ghi âm xuất hiện ở Thái Lan vào giữa những năm 1950, bạn bè bắt đầu ghi âm lại những bài giảng Pháp của bà, và vào năm 1956, một số bài giảng của bà được đem in ấn tống. Đến giữa 1960, luồng văn hóa Phật giáo miễn phí từ Khao Suan Luang –gồm các bài thơ cũng như bài Pháp của bà- đã tuôn tràn như thác lũ.
Điều này càng lôi cuốn thêm nhiều người đến với trung tâm của bà và bà được đánh giá là một trong những vị giảng sư lỗi lạc nhất ở Thái Lan.
Upasika Kee là người tự học. Mặc dầu bà đã tiếp nhận được các phương thức hành thiền căn bản trong những lần thường xuyên đến viếng các tu viện khi còn trẻ, nhưng bà thực hành phần lớn là tự bản thân chứ không học chính thức với một vị thiền sư nào.
Hầu hết những lời giảng của bà trích ra từ các kinh điển như – Tam tạng kinh, các tác phẩm của các vị thầy đương thời – và từ các trải nghiệm cam go, không ngừng nghỉ của bà.
Trích đoạn sách hay: Tóm tắt Pháp hành Phương pháp thực hành này rất dễ học, có ngay kết quả, thích hợp ở mọi lúc, mọi nơi và cho mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Đó là sự thực hành ngay nơi thân này – cái thân cao dài hơn một sải – do tâm làm chủ. Thân này sở hữu rất nhiều thứ, từ thô đến tế, rất đáng cho chúng ta tìm hiểu. Những ai muốn thực hành Pháp này cần tự tu tập để biết các tiến trình sau đây: Thứ nhất, phải biết rằng thân được cấu tạo bởi nhiều thành phần, các phần chính là đất, nước, gió, và lửa; các phần phụ là các dáng vẻ bên ngoài dính chặt vào các phần chính như: màu sắc, hình thức, mùi vị. Tất cả các thành phần này không bền vững, ô uế và gây phiền não. Nếu quán sát chúng một cách sâu xa hơn, ta sẽ thấy rằng thực chất của chúng không hiện hữu. Chúng chỉ là những duyên hợp và không có gì đáng để được xem là “tôi” hay “của tôi”. Khi ta nhận thức rõ ràng thân này chẳng có “cái tôi” hay “của tôi”, ta mới có thể buông bỏ những sự bám víu hoặc tham đắm vào thân như một thực thể, như cái ngã của ta, của người, hay cái này, cái kia. Thứ hai, xem xét các danh pháp (thọ, tưởng, hành và thức). Chú tâm theo dõi một sự thật là các pháp này đều có đặc tính sinh, trụ, diệt. Nói cách khác, bản chất của chúng là sinh, diệt và sinh, diệt không dừng. Khi đã nhận thức được sự thật này, ta có thể buông bỏ sự bám víu vào các danh pháp như những thực thể – như là cái ngã của ta, của người, hay thứ này, thứ kia. Thứ ba, sự tu tập ở mức độ thực hành không chỉ là học, nghe hay đọc. Chúng ta còn phải thực hành để nhận thấy rõ ràng với chính tâm thức của mình trong các bước sau đây: Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên ngoài và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào. Muốn được như thế, hãy để chánh niệm, tỉnh giác làm chủ trong khi chúng ta quán niệm về thân và tâm cho đến khi tâm trụ vững chắc trong trạng thái an tịnh hoặc trung tính. Một khi tâm có thể trụ trong trạng thái bình lặng, ta sẽ thấy các hoạt động của tâm trong trạng thái tự nhiên của chúng là sinh và diệt. Tâm sẽ trở nên trống rỗng, xả và tĩnh lặng – không ưa không ghét – và tâm sẽ nhận biết các hiện tượng tâm sinh lý khi chúng sinh, diệt một cách tự nhiên, theo nhịp độ riêng của chúng. Khi sự hiểu biết rằng tất cả mọi thứ đều không có bản ngã riêng biệt trở nên thật rõ ràng, ta sẽ nắm bắt được một điều sâu xa hơn, vượt lên trên tất cả khổ đau, phiền não, thoát khỏi các vòng luân hồi – bất tử – thoát khỏi sinh tử, bởi vì tất cả những gì được sinh ra thì tự nhiên phải già, bệnh và chết. Khi nhận thấy rõ sự thật này, tâm ta sẽ trở nên rỗng không, không còn bám víu vào bất cứ gì. Nó cũng không cho rằng bản thân nó là tâm thức hoặc thứ gì khác. Nói cách khác, tâm sẽ không bám víu vào việc tự cho mình là cái gì cả. Còn lại tất cả chỉ là trạng thái thuần khiết của Pháp. Những ai nhận thấy rõ ràng trạng thái thuần khiết của Pháp chắc chắn sẽ trở nên nhàm chán đối với những khổ đau không dừng dứt trong cuộc đời. Khi họ biết thấu đáo về chân lý cuộc đời và Pháp, họ sẽ thấy rõ ràng, ngay trong hiện tại, rằng có một cái gì đó vượt trội lên tất cả mọi khổ đau. Họ sẽ biết điều này mà không cần hỏi hay tin theo ai, vì Pháp là paccattam – điều mà bản thân mỗi người tự biết. Những người đã tự mình chứng nghiệm được chân lý này đều luôn chứng nhận điều đó. |
Liên hệ:
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà
Showroom: 119C5 Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN
Tel: 04 6 281 3638 – Fax: 04 6 2813673
Email: [email protected]