Chương Ba
Lịch sử thiền quán Vipassana
"Chính là vào lúc kết thúc ba tháng nghỉ mùa mưa mà lời khuyến dụ sau đây của Ðức Phật đã được thốt ra, "Này các tì kheo, hãy tiến tới! Hãy tiến tới!" Chúng ta cũng hãy lấy lời này làm nguồn cảm hứng cho chúng ta. Chúng ta hãy thanh tẩy tâm hồn mình khỏi những phiền não, đổ đầy lòng từ bi, và như chúng ta đã giải thoát mình bằng tất cả năng lực của mình thế nào, chúng ta cũng hãy ra sức phục vụ nhân loại như thế. Nếu chúng ta được hưởng nhờ ơn ích của việc thực hành giáo pháp Dhamma, thì chúng ta không thể chỉ hài lòng với lợi ích và niềm hạnh phúc riêng của mình. Chúng ta cũng phải hành động vì lợi ích và niềm hạnh phúc của mọi người. Chúng ta hãy coi mục tiêu đời sống chúng ta là ra sức làm việc để chia sẻ Dhamma — nghĩa là chân lí — mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa." — S.N. Goenka
Thiền Quán được coi là cốt tủy lời giảng dạy của Ðức Phật. Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp thiền này đã được phác họa bằng nhiều cách trong các kinh điển (suttas), hay các bài thuyết giảng của ngài, được sưu tập lại trong kinh điển Pàli, gồm ba phần và được gọi là Tipitaka, Tam Tạng Kinh (nghĩa đen là "ba cái giỏ" hay sưu tập). Hẳn là chúng ta có phước lớn vì các tì kheo đã truyền lại cho chúng ta tất cả những bài thuyết giảng nguyên thuỷ của Ðức Phật, trước bằng miệng, rồi sau bằng chữ viết. Nhưng với thời gian, tại một vài nơi đã có những sự sửa đổi mà đôi khi hoàn toàn cắt nghĩa sai lời dạy của Phật. Chúng ta phải hết lòng biết ơn các tì kheo và thiền sư đã giữ gìn phương pháp này một cách tinh nguyên, lưu truyền nó từ thầy sang trò, cho tới chúng ta hôm nay.
Một dòng các vị thiền sư đã giữ gìn tinh nguyên việc thực hành này là dòng bắt nguồn ở Myanma trong quá khứ xa xăm với hai vị sư a-la-hán đến từ Ấn Ðộ. Các thiền sư Miến Ðiện gần đây nhất thuộc dòng thiền này là: Hòa thượng Ledi Sayadaw, Saya Thetgyi và U Ba Khin. S.N. Goenka, người gốc Ấn sinh tại Myanma, đã được Sayagyi U Ba Khin huấn luyện và đã mang truyền thống này từ Myanma trở về Ấn Ðộ trước tiên rồi đi đến những nơi khác.
Trước kia lâu lắm rồi, muốn được "hành thiền thực sự", người ta phải từ bỏ thế gian để vào sống trong bốn bức tường của một tu viện hay trong rừng. Còn người sống ở ngoài đời thì chăm lo tuân giữ giới luật, thực hành từ bi và sự sùng mộ để đạt công đức trong những kiếp sau, trong đó họ có thể bắt đầu công việc tìm sự giải thoát. Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong nhiều bài giảng của Phật, một số đông các người ngoài đời khi đã nhận được lời giảng dạy về việc thực hành này vào thời của ngài, đã đạt sự phát triển thiêng liêng rất cao độ. Từ sự kiện này chúng ta có thể suy ra rằng bản thân Ðức Phật không muốn gạt bỏ người đời ra khỏi việc thực hành giáo huấn của ngài.
Trong những thập kỉ gần đây, nhờ hoạt động của nhiều vị thiền sư tại gia rao truyền việc thực hành này, đã có sự phục hưng mối quan tâm đối với thiền Quán (Vipassāna). Ðiều này không chỉ xảy ra ở những nước có truyền thống tu viện Theravàda, như Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, v.v…, nhưng cả trên khắp thế giới. Họ đã đưa việc thực hành này vượt ra khỏi những bức tường tu viện và bằng việc nhấn mạnh đến những lợi ích của việc hành thiền trong đời sống hằng ngày, họ đã giúp phát triển một thái độ phổ biến hơn đối với nó.
Nhưng làm thế nào người ta có thể hành thiền mà không dấn mình vào đời sống im lặng và chiêm niệm? Và kỉ luật hành thiền đóng vai trò nào trong đời sống của một người gia trưởng?
Theo kinh điển Pàli, phương pháp hành thiền cổ điển lúc ban đầu chủ yếu được các tu sĩ thực hành đòi hỏi họ phải đạt tới một mức độ tập trung nào đó trước khi đi tới việc hiểu biết thực tại sâu xa hơn bằng việc thực hành thiền Vipassāna. Ngày nay trong các trung tâm thiền dành cho người đời — như những trung tâm do U Ba Khin sáng lập và nhiều trung tâm khác trên thế giới do môn sinh của ngài là S.N. Goenka sáng lập — người ta được dạy (qua ba ngày luyện ànàpàna, niệm hơi thở) để đạt tới một mức độ tập trung tối thiểu đủ để bắt đầu thực hành Thiền Quán. Có nhiều lí do cho thấy sẽ là thiết thực hơn đối với con người của thời đại mới này nếu học Thiền Quán mà không cần trải qua một thời kì học kĩ thuật tập trung quá dài.
Những vấn đề này được xét đến rất chi tiết và nghiêm túc bởi một trong những thiền sư quan trọng nhất của Myanma thời đại mới, Sayagyi U Ba Khin. Nét độc đáo của các lời giảng dạy của ông phát xuất từ sự kiện ông là một thiền sư tại gia ở một đất nước Phật giáo chính thống. Theo truyền thống, người tại gia không được phép giảng dạy các tu sĩ, và mọi điều giảng dạy của người đó được thích nghi đặc biệt cho phù hợp với người đời.
Những Phương Pháp Trong Lịch Sử Trước U Ba Khin
Người ta ghi nhận Hòa thượng Ledi Sayadaw là người có công trong việc khai mở sự hiểu biết về phương pháp thiền Vipassāna cho người tại gia. (Sayadaw trong tiếng Miến là một tước hiệu có nghĩa là "sư thầy đáng kính"). Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc thầy về thiền. Ông đã viết hàng trăm dispanis, thủ bản, giải thích những khía cạnh khác nhau của lời Phật dạy, trong số đó nhiều thủ bản đã dịch sang tiếng Anh. Trong một tác phẩm loại này, Những Ðòi Hỏi của sự Giác Ngộ (Bodhipakkhiya Dipani), ông viết:
Quả của sila (giới) và samadhi (định) có thể đạt được bất cứ lúc nào tùy ý. Nhưng quả của panna (tuệ) … chỉ có thể đạt được khi người ta gặp một Phật đại (Sasana = một Phật đại, thời đại có giáo huấn của Phật). Ở ngoài Phật đại, người ta không có cơ hội nào, dù chỉ là nghe nhắc đến những lời có liên quan tới panna, mặc dù có thể trải qua nhiều chu kì của thế đại "sunna" ("trống rỗng" — nghĩa là trống rỗng lời dạy của Phật). Vì vậy, những ai thời nay may mắn được sinh ra ở đời đúng vào thời Phật đại thịnh vượng, nếu họ cố gắng tích lũy những quả của magga-nana (tuệ đạo) và phala-nana (tuệ quả) nhằm mục đích bảo đảm được giải thoát khỏi những đau khổ trần tục ở kiếp sau trong một thời Phật đại tương lai, họ phải đặc biệt chuyên chú vào sự hiểu biết về paramattha (pháp chân đế), là điều người ta phải khó khăn vô cùng mới có thể hiểu được.
Những "pháp chân đế" được nói tới là ý thức, các yếu tố của tâm, các đặc tính của vật chất, và Níp bàn.Nghĩa là, người ta phải phát triển một sự hiểu biết về bản chất vô thường của hiện tượng tâm-thân (là cốt tủy của thiền quán Vipassāna) và kinh nghiệm về Níp bàn. Ledi Sayadaw nói tiếp rằng nếu không thể biết được quả này của Ðạo, thì ít ra người hành thiền phải đạt mức độ đầu tiên của sự hiểu biết — trực giác sâu xa vào tính mong manh và vô ngã của thân thể mình, được cấu tạo bởi các yếu tố là đất, gió, lửa, và nước. Thực vậy, đây là điều đủ để đạt được sự thu hoạch những quả của tuệ giác. Ðạo đức sẽ giúp người ta được sinh ra khi Phật Di Lặc – Matteyya – xuất hiện (Phật Matteyya là tên do truyền thống dùng để gọi Phật của thời kế tiếp). Nhưng để đạt lợi ích tối đa thì phải có sự hiện diện của những quả của tuệ giác này, được phát triển nhờ suy niệm Vipassāna. Những ai không phát triển những quả này sẽ không thể đạt giác ngộ, mặc dù họ nghe những lời do Phật tương lai đích thân thuyết giảng.
Tính chất khẩn trương này đã thúc đẩy nhiều tu sĩ, trong đó có Ledi Sayadaw, đi giảng dạy thiền Vipassāna trong hình thức đơn giản và trực tiếp nhất của nó, khiến người ta có thể thực hành với một mức độ tập trung tối thiểu và theo một cách thức có thể có ích cả cho người sống tại gia. Thực tế, Ledi Sayadaw là một trong những người đầu tiên quảng bá cốt tủy của thiền Vipassāna cho người thế tục. Mỗi khi có thời giờ và cơ hội, ông đều muốn người ta bắt đầu làm việc vì sự giải thoát tối hậu của họ, và ông khuyên mọi người không trừ ai hãy ít là bắt đầu suy niệm ở bất kì mức độ nào mà họ có thể vào lúc đó. Ngoài việc đích thân mình khích lệ người đời suy niệm, ông đã bắt đầu cắt cử những môn sinh tại gia của mình, như Saya Thetgyi, sư phụ của U Ba Khin, để họ cũng bắt đầu giảng dạy.
Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc thầy về thiền, đã nhấn mạnh lại rằng phương pháp Vipassāna có nền tảng trong bài giảng quan trọng nhất của Ðức Phật, Mahasatipatthàna Sutta. Những nghiên cứu của ông có ích trong việc làm sáng tỏ nhiều điểm tranh cãi trong thực hành, nhờ đó góp phần vào việc phát triển thiền Vipassāna không chỉ trong những nước Phật giáo mà cả ở những nơi khác trên thế giới. Không hoàn toàn loại bỏ việc tập trung chú ý, phương pháp trực tiếp của Vipassāna — chỉ quan sát những hiện tượng của tâm và thân của mình ở mức độ những cảm giác thể lí — là một sức mạnh mới, giúp làm dấy lên một việc thực hành thiền mà người thế tục có thể tham gia được. Thực vậy, người muốn thực hành phương pháp này chỉ cần có khả năng và ý muốn để chuẩn bị. Hơn nữa, phương pháp thiền Quán này có thể dễ dàng kết hợp vào những sinh hoạt của đời sống hằng ngày và vì thế rất thích hợp cho người thế tục, cũng như cho các tu sĩ, những người muốn tìm kiếm một phương pháp đơn sơ, trực tiếp nhưng có thể mang lại kết quả tức thời.
Sau Thế chiến II, sự quan tâm của người thế tục đối với việc suy niệm gia tăng mau chóng, đặc biệt ở Myanma, dẫn đến việc thành lập hàng trăm trung tâm, nhiều trung tâm do các tu sĩ điều khiển, số khác do các cư sĩ. Sự lan rộng của các trung tâm này đã thỏa mãn được ước muốn của nhiều người để suy niệm sâu hơn và lâu ngày hơn, cùng với việc làm cho phương pháp này dễ học hơn mà không cần sự chuẩn bị lâu dài và khó khăn.
TÓM TẮT TIỂU SỬ NHỮNG THIỀN SƯ NGAY TRƯỚC THỜI U BA KHIN
Ledi Sayadaw (1846-1923)
Hòa thượng Ledi Sayadaw sinh năm 1846 tại làng Saing-pyin, thuộc thị trấn Dipeyin trong quận Shwebo (nay là quận Monywa) thuộc miền bắc Myanma. Ở làng cậu đi học ở trường nhà chùa do các bhikkhus (tì kheo) dạy các trẻ em đọc và viết bằng tiếng Miến cũng như dạy chúng đọc nhiều bản kinh Pàli. Năm 8 tuổi cậu bắt đầu theo học với người thầy đầu tiên của mình là sư thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, và năm 15 tuổi trở thành một samanera (tập sinh) dưới sự trông coi của vị sư thầy này. Cậu lấy pháp danh là Nana-dhaja (ngọn cờ hiểu biết). Trong tu viện, cậu học cả văn phạm Pàli và nhiều bản văn của kinh điển Pàli.
Sau này, dưới sự trông coi của Gandhama Sayadaw, chàng thanh niên Samanera Nana-dhaja đã thông thạo kinh Veda chỉ trong vòng tám tháng và tiếp tục học kinh Tam Tạng. Tới tuổi 20, ngày 20 tháng 4 năm 1866, cậu được thụ giới cao hơn để trở thành một tì kheo dưới quyền của thầy cũ của cậu, sư thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, lúc này trở thành người hướng dẫn của cậu.
Năm 1867, ngay trước kì nghỉ mùa mưa, tì kheo Nana-dhaja rời thầy của mình và vùng Monywa quê hương của mình để đến Mandalay và tiếp tục học tại đó.
Mandalay là thủ đô của Myanma vào thời đó, dưới quyền cai trị của Vua Min Don Min (cai trị từ 1853-1878), và là trung tâm văn hóa quan trọng nhất của cả nước. Ông học tại đây với nhiều Sayadaw nổi tiếng, và cũng học cả các ngành học thuật thế tục. Ông chủ yếu sống tại tu viện Maha-Jotikarama và học với Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw, một vị thầy nổi tiếng ở Myanma về việc dịch kinh Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) sang tiếng Miến.
Trong thời kì này, Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw tổ chức một cuộc thi với 20 câu hỏi cho hai ngàn sinh viên. Tì kheo Nana-dhaja là thí sinh duy nhất trả lời thỏa đáng đủ cả 20 câu hỏi. Các câu trả lời được xuất bản sau này vào năm 1880, dưới tựa đề Pàramì-Dipani (Sách học về Ba la mật). Ðây là cuốn sách đầu tiên trong số nhiều sách bằng tiếng Pàli và Miến Ðiện được Hòa thượng Ledi Sayadaw xuất bản.
Trong thời gian ông học tại Mandalay, vua Min Don Min bảo trợ cho Ðại hội kết tập kinh điển lần thứ năm, triệu tập các tì kheo từ khắp nơi về để đọc và đối chiếu kinh Tam Tạng. Ðại hội được tổ chức tại Mandalay năm 1871, và những bản văn được xác nhận đã được khắc vào 729 phiến đá cẩm thạch vẫn còn được giữ cho đến ngày nay (mỗi phiến kinh được đặt trong một ngôi chùa nhỏ) chung quanh ngôi Ðền Kuthodaw vàng ở chân núi Mandalay. Ở Ðại hội này, Tì kheo Nana-dhaja đã giúp đỡ trong công việc biên tập và dịch các bản văn Abhidhamma (Vi Diệu Pháp).
Sau tám năm làm tì kheo, và sau khi đã qua tất cả các kì thi, Hòa thượng Nana-dhaja được chứng nhận làm giảng viên Pàli tập sự tại Tu viện San-Kyaung (cũng gọi là Tu viện Maha-Jotikarama) là nơi ông đã theo học trước đây.
Ông ở lại đây trong tám năm, vừa dạy học vừa tiếp tục công việc nghiên cứu riêng của mình, cho tới năm 1882 thì trở về Monywa. Hồi đó Monywa là một trung tâm thị trấn nhỏ bên bờ phía đông con sông Chindwin, thị trấn này nổi tiếng về phương pháp giảng dạy bao gồm toàn bộ kinh Tam Tạng, chứ không chỉ dạy từng phần chọn lọc của kinh.
Trong thời gian giảng dạy Pàli cho các tì kheo và tập sinh tại Monywa, thầy có thói quen ban ngày đi ra thị trấn để giảng dạy, còn ban đêm thầy đi qua bên bờ phía tây sông Chindwin để suy niệm trong một vihara (cái am) ở sườn núi Lak-pan-taung. Tuy chúng ta không có những tài liệu chắc chắn, nhưng có lẽ đây là thời kì thầy bắt đầu hành thiền Vipassāna theo lối truyền thống Miến Ðiện: luyện ànàpàna (hít thở) và vedanà (cảm thọ).
Năm 1885 người Anh thôn tính miền thượng Myanma và bắt vị vua cuối cùng là Thibaw (cai trị từ 1878-1885) đi đày. Năm sau đó, 1886, Hòa thượng Nana-dhaja lui về ở ẩn trong rừng Ledi ở sát phía bắc Monywa. Sau một thời gian ngắn, nhiều tì kheo bắt đầu tìm đến xin thầy dạy họ. Một tu viện được dựng lên cho họ ở và lấy tên là Ledi-tawya. Cũng từ đó thầy lấy tên là Ledi, là tên gọi thầy được biết đến nhiều nhất: Ledi Sayadaw. Người ta nói sở dĩ Monywa đã trở thành thị trấn lớn như hôm nay là vì rất nhiều người bị thu hút đến tu viện của Ledi Sayadaw ở thị trấn này. Tuy thầy dạy cho nhiều học sinh thỉnh tu tại Ledi-tawya, nhưng thầy vẫn giữ thói quen sống ẩn dật tại cái am vihara của thầy bên kia sông để hành thiền.
Sau khi thầy đã sống hơn mười năm ở tu viện Ledi trong rừng, các tác phẩm nghiên cứu chính của thầy bắt đầu được xuất bản. Tác phẩm đầu tiên là Paramattha-Dipani (Sách học về Pháp chân đế), xuất bản năm 1897. Cuốn thứ hai trong thời kì này là Nirutta Dipani, sách học văn phạm Pàli. Nhờ những sách này, thầy nổi danh là một trong những tu sĩ Phật giáo uyên bác nhất tại Myanma.
Tuy Ledi Sayadaw trụ trì tại tu viện Ledi-tawya, thỉnh thoảng thầy cũng đi khắp nước Myanma để giảng dạy các khóa thiền và kinh Phật. Chính trong những chuyến du hành ngang dọc khắp Myanma mà thầy đã viết nhiều cuốn sách được xuất bản sau này. Ví dụ, thầy viết Paticca-samuppada Dipani trong hai ngày khi thầy đi thuyền từ Mandalaytới Prome. Thầy không có sách nào để tham khảo, nhưng thầy không cần vì thầy đã rất am tường kinh Tam Tạng. Trong tác phẩm Sách học về Phật giáo, có liệt kê cả thảy 26 sách thuộc loại học tập (dispanis), chú giải, tiểu luận, v.v… do thầy biên soạn, nhưng danh sách này chưa bao gồm đầy đủ các tác phẩm của thầy.
Ledi Sayadaw thực là một tì kheo hiếm có, trổi vượt cả về pariyàtti (lí thuyết Dhamma, pháp học) lẫn patipatti (thực hành Dhamma, pháp hành). Sau này thầy cũng viết nhiều sách về Phật pháp bằng tiếng Miến. Thầy nói thầy muốn viết sao cho một người dân quê bình thường cũng có thể hiểu. Trước thời của thầy, người ta không quen viết về các đề tài Phật pháp mà người dân thường có thể hiểu. Thậm chí khi giảng dạy bằng miệng, các tì kheo cũng thường đọc lên những đoạn dài bằng tiếng Pàli rồi dịch từng chữ cả đoạn, làm cho những người bình thường khó có thể hiểu nổi. Ðó phải là sức mạnh của sự hiểu biết thực tiễn nơi Ledi Sayadaw và kết quả của lòng nhân hậu của thầy tràn ra trong ước muốn của thầy để truyền bá Phật pháp đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Nhờ quá nổi tiếng vừa là một học giả vừa là một thiền sư bậc thầy, nên thầy được chính quyền Anh của Ấn Ðộ, đang cai trị Miến Ðiện lúc đó, trao tặng danh hiệu Aggamahapandhita (Ðại học sĩ). Thầy cũng được nhận bằng Tiến sĩ văn chương của Ðại học Yangon, và các bản dịch một số bài thảo luận của thầy về các điểm trong Vi Diệu Pháp đã được xuất bản trong "Tạp Chí của Hội Pàli" tại Luân Ðôn.
Vào những năm cuối đời, mắt của Hòa thượng Ledi Sayadaw bị suy yếu, có lẽ do những năm đọc sách, nghiên cứu, viết lách, thường với ánh sáng rất kém.Năm 73 tuổi thầy bị mù hoàn toàn và những năm còn lại của cuộc đời, thầy chỉ chuyên chăm vào việc suy niệm và dạy suy niệm. Thiền sư Ledi qua đời năm 1923 hưởng thọ 77 tuổi.
Hòa thượng Ledi Sayadaw có lẽ là khuôn mặt Phật giáo xuất chúng của thời đại ông. Tất cả những ai đã tiếp xúc với Giáo pháp trong những năm gần đây đều nặng ân đối với vị tu sĩ uyên bác thánh thiện này, là người đã góp phần làm sống lại việc thực hành Vipassāna truyền thống, giúp cho cả những người xuất gia lẫn những người tại gia đều có thể dễ dàng thực hành nó. Ngoài khía cạnh quan trọng nhất này của những lời giảng dạy của ông, các tác phẩm ngắn gọn, sáng sủa, súc tích và uyên bác của ông cũng đã giúp làm sáng tỏ khía cạnh kinh nghiệm thực hành của Dhamma.
Chim con được sinh ra từ lòng mẹ trước tiên trong hình quả trứng. Nó được sinh ra lần thứ hai khi đập bể vỏ trứng. Sau cùng khi đã đủ lông đủ cánh, nó được sinh ra từ tổ của nó để có thể bay đi khắp bốn phương trời.
Ðối với các hành giả cũng thế. Trước tiên họ được sinh ra từ những suy tưởng mông lung của tâm trí, và chúng cứ đi theo họ mãi trong cái vòng luân hồi vô tận, qua việc thực hành niệm thân (kàyanupassannà) một cách thành công, hay bằng việc thực hành suy niệm thanh thản.
Thứ hai, khi họ đạt được năng lực quán sát (Vipassāna) thân, tâm, các thực tại kết hợp (rùpa (sắc), nama (danh), khandhà (uẩn), v.v…, họ được thoát khỏi mức độ ngu dốt thô thiển.
Sau cùng, khi bảy yếu tố giác ngộ (bojjhaíga) phát triển và chín mùi, họ hoàn toàn trưởng thành bằng việc đạt sự hiểu biết về đạo siêu thế (lokuttara-magga-nana) gọi là sambodhi (toàn giác). Như thế họ được sinh ra từ tình trạng vật chất thế tục (puthujjana), đạt tới tình trạng các chân lí cao thượng (ariyà) — tình trạng siêu thế: nibbàna – Níp bàn.
— Trích "Những Ðòi Hỏi của Giác Ngộ" (Bodhipakkhiya Dipani) của Hòa thượng Ledi Sayadaw.
Nguồn: Buddhanet.net
Mời bạn đọc đón xem tiếp Phần 3 (b): Lịch sử thiền Quán Vipassana:Tiểu sử Saya Thetgyi và Webu Sayadaw