Chùa nằm bên bờ sông Châu Giang, song song với sông Châu là một con ngòi chạy quanh khắp xã.
Gần chùa có một đền thờ một nữ tướng thời Trưng Trắc đã có công dẹp giặc giữ nước.
Đặc biệt bên cạnh ngòi nước, không biết từ bao giờ nổi lên một cái gò rộng chừng hơn một mét, cao hơn so với mặt nước được xây gạch bao quanh, trùm rễ của cây đa già đã bao kín quanh tường chỉ chừa một khoảng trống để thắp hương các vị thần linh.
Người địa phương gọi nơi ấy là Gòi. Từ đó chùa cũng được gọi là chùa Gòi.
Qua bao thăng trầm của đất nước chùa Gòi cũng bị xuống cấp theo năm tháng, chùa mục nát, xung quanh cây cỏ mọc um tùm.
Năm 1989 Thầy Thích Đàm Huệ được Tỉnh hội Phật giáo phân về trụ trì ở chùa Gòi.
Từ ngày về chùa, thầy đã động viên các Phật tử và khách thập phương công đức để trùng tu xây dựng lại chùa
.Xây xong chùa, thầy tiếp tục tu tạo lại đền thờ nữ tướng và xây đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức Thánh Trần và các anh hùng liệt sĩ của địa phương.
Điều đó đã chứng minh lòng thành kính của các Phật tử và nhân dân địa phương tri ân với những vị thánh đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước, với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.
Suốt thời gian trụ trì tại chùa Gòi đến nay, thầy Thích Đàm Huệ đã nuôi được 47cháu ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Hoàng Liên Sơn, Thái Bình, Nam Định, có cháu ở ngay địa phương.
Các cháu đều có những hoàn cảnh đặc biệt, đáng thương. Đa số cháu bị bỏ rơi vì do người mẹ bị lầm lỡ, có cháu gia đình ở Thái Bình nhưng bị bệnh tâm thần cũng gửi nhà chùa.
Một gia đình ở ngay trong thôn, mẹ bị mất vì bệnh tim, bố cũng mất vì bị cảm để lại năm đứa con bơ vơ.
Sư thầy đã đứng lên cùng dân làng tổ chức ma chay giúp các cháu. Các cháu nhỏ thầy đưa lên chùa nuôi dạy. Đến nay trong năm người con của gia đình thì có ba người con theo đường tu hành, hai người đã lập gia đình.
Trong số bốn mươi bẩy người con thầy nuôi, có người đi theo con đường tu hành của thầy: bẩy vị Tăng và bốn vị ni, có đại đức thi đỗ ba bằng đại học.
Số người con còn lại lần lượt trở về với gia đình, có người đã đi lập nghiệp ở các tỉnh.
Hiện nay còn bốn cháu đang ở với thầy, một cháu nhỏ nhất bốn tuổi đang đi học mẫu giáo.
Tình cảm của thầy không chỉ với các cháu nhỏ, với các phật tử và bà con trong thôn xóm mà hàng năm thầy tổ chức các ngày đại lễ cầu cho quốc thái dân an, lễ cầu siêu tỏ lòng tri ân với các liệt sĩ.
Năm 2006 cơn bão XANGSANE đã xảy ra ác liệt ở miền Trung. Thầy đã kêu gọi các Phật tử quyên góp ủng hộ hai xe ô tô: gạo, mì tôm, quần áo, tiền…..mang đến xã Vĩnh Lộc- Tỉnh Thanh hoá.
Nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát, cây trốc gốc, nhà tốc mái, không có lấy một cọng rơm hay cây cỏ. Cứ nhìn cảnh tượng ấy thầy rớt nước mắt.
Mặc dù tới nơi trời đã khuya nhưng nghe tin có đoàn xe cứu trợ của Phật tử Hà Nam tới mọi người đã quây quần đến nhận từng phần quà mà nước mắt rưng rưng cảm động.
Với tấm lòng từ bi của một nhà tu hành, thầy không khỏi nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh của những trẻ thơ ốm đau, bệnh tật, mù loà, sống trong cảnh nghèo khó.
Thương các cháu là vậy nhưng với thầy đi tu từ năm 28 tuổi đến giờ đã mấy chục năm trời tu hành, thầy chẳng có gì ngoài tấm thân gầy còm trong bộ quần áo nâu sồng.
Bao đêm trăn trở suy nghĩ thầy đã quyết định sau khi mất sẽ hiến giác mạc cho Ngân hàng mắt, bệnh viện mắt Trung ương và thi thể cho trường Đại học y khoa, bộ môn giải phẫu.
Đó là niềm hạnh phúc cuối cùng của thầy Thích Đàm Huệ là mang lại hạnh phúc cho người đời, sẵn sàng chờ đến ngày ra đi để có quà tặng ánh sáng cho những mảnh đời bất hạnh đang hàng ngày, hàng giờ mong chờ được ghép giác mạc.
Khi nghe tin này gia đình thầy cũng như một số Phật tử khóc lóc can ngăn nhưng ý thầy đã quyết. Không thể ai ngăn được quyết định của sư thầy.
Nhìn dáng người nhỏ nhắn gầy gò của thầy, không ai có thể nghĩ thầy Thích Đàm Huệ lại có nghị lực và có một tấm lòng nhân ái sâu sắc luôn nghĩ đến cuộc sống tươi đẹp cho mọi người.