Thường thì mục tiêu của các video clip hay phim tài liệu ngắn, phóng sự du lịch, văn hoá… đó là giới thiệu đôi nét về đất nước, con người Việt Nam, với các khía cạnh như địa lý tự nhiên, chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội, trong đó có tôn giáo, qua các hình ảnh cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc.
Do công việc, phải thường xuyên xem các kênh truyền hình từ khắp thế giới, chúng tôi thấy hình ảnh Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh 2 thành phố lớn, là Hà Nội và TPHCM, xuất hiện nhiều trên các kênh nước ngoài, chúng tôi rất vui mừng và chú ý.
Ở Hà Nội, những hình ảnh thường thấy là Hồ Gươm, Hồ Tây, Quảng trường Ba Đình, Cột Cờ, phố cổ, chợ Đồng Xuân…
Ở TPHCM, những hình ảnh thường thấy trình chiếu là Dinh Thống Nhất, toà nhà Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM, đại lộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng…
Đó là các khía cạnh chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội.
Còn đến khía cạnh tôn giáo, thì hình ảnh tại Hà Nội và TPHCM được giới thiệu trên các kênh truyền hình quốc tế trong dịp Đại lễ ngàn năm có một của Việt Nam đã làm chúng tôi giật mình và thấy cần phải có một bài viết.
Ở Hà Nội và TPHCM, những hình ảnh phản ánh tôn giáo là hình ảnh nhà thờ Lớn Hà nội và Vương cung Thánh đường Sài Gòn với tượng Đức Mẹ có nhiều hoa, các lễ nghi tôn nghiêm…
Ở Hà Nội thì dù sao cũng đỡ hơn, vì thỉnh thoảng còn nhìn thấy chùa Một Cột.
Còn tại TPHCM thì hầu như chỉ thấy nhà thờ Đức Bà, còn các chùa lớn thì hầu như không thấy đâu cả.
Điều đáng chú ý là hình ảnh nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thường được thể hiện ngay sát cạnh những hình ảnh Dinh Thống Nhất, một toà nhà có ý nghĩa biểu trưng về chính trị, và có lẽ cũng đúng với thực trạng địa lý, cũng như thao tác tự nhiên của phóng viên, thu hình và giới thiệu tiếp nhau những kiến trúc ở gần bên.
Hệ quả của những video clip, phim tài liệu ngắn hay phóng sự du lịch, văn hoá như trên là gì?
Qua những hình ảnh như vậy, tất yếu ai cũng đều cảm nhận là tôn giáo chủ yếu của Việt Nam là đạo Thiên Chúa, và chừng như chỉ có đạo Thiên Chúa mà thôi.
Đây là điều mà thực dân Pháp và các cha cố đi theo trên các tàu chiến Tây tính toán từ trên hàng trăm năm trước, khi phá bỏ những ngôi chùa lớn ở trung tâm Hà Nội (ví dụ chùa Báo Ân ngay bên Hồ Gươm – trái tim của Hà Nội, chùa Bảo Thiên, nay là Nhà thờ lớn), Sài Gòn để xây lên đó những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ, có tính chất biểu tượng.
Kết quả của làm văn hoá là muôn đời. Điều đó chúng ta có thể thấy ngay ở đây, qua những hình ảnh kiến trúc tôn giáo tiêu biểu cho Hà Nội và TPHCM trên các kênh truyền hình nước ngoài.
Ngay trên quảng trường Ba Đình còn có chùa Một Cột, nhưng quy mô của chùa Một Cột so với nhà thờ lớn Hà Nội là như thế nào thì chúng ta đều biết. Còn ở TPHCM, ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất là chùa Vĩnh Nghiêm cách trung tâm TPHCM có đến mấy km.
Với hình ảnh những kiến trúc biểu tượng tôn giáo ở trung tâm Hà Nội và TPHCM như thế, trong hiện trạng và trên các video clip của các đài truyền hình quốc tế, thì thế giới không nghĩ Việt Nam là một đất nước đạo Thiên Chúa mới là chuyện lạ (tất nhiên, trừ những người có kiến thức dồi dào về địa lý xã hội, nhưng chắc chắn số này không nhiều).
Nói lên điều này, tất nhiên không phải để đó, mà điều cần thiết là những người có trách nhiệm từ phía Nhà nước và đặc biệt là Phật giáo, phải làm một điều gì đó để điều chỉnh hiện tượng này, hệ quả có từ những năm mất nước hơn 100 năm trước, và kéo theo đó là mất đạo.
Điều hiển nhiên, là nếu Việt Nam là một nước với đa số người dân theo Phật giáo, thì tại những địa điểm biểu tượng, trung tâm phải có những công trình biểu tượng.
Chúng ta có hàng trăm ngôi chùa cổ ở khắp Hà Nội, tượng trưng cho hàng ngàn năm Phật giáo trên đất nước Việt Nam nhưng thực tế, những ngôi chùa như vậy không trở thành hình ảnh biểu tượng cho tôn giáo ở Việt Nam trên các kênh truyền hình nước ngoài. Mà trớ trêu thay, hình ảnh đặc trưng tôn giáo ở Việt Nam trên hầu hết các kênh truyền hình nước ngoài trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện được tạo thành từ một nhân vật Phật giáo lịch sử lại là nhà thờ lớn đạo Thiên Chúa.
Tất nhiên, điều mà Phật giáo Việt Nam muốn làm không phải là cố ý thay đổi biểu tượng tôn giáo đó, mà cần phải xây dựng cho Phật giáo Việt Nam một biểu tượng tương xứng trong quan hệ với dân tộc. Nếu không, thì hệ quả văn hoá do thực dân gây ra từ hàng trăm năm trước vẫn tồn tại và phát huy hiệu quả, đặc biệt khi có những sự kiện lớn liên quan đến Việt Nam như vừa rồi.
Cụ thể là, sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong quá trình tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức sự kiện, kính đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn trình Nhà nước về nhu cầu cần có những kiến trúc biểu tượng xứng tầm với vị trí Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc. Nói cụ thể hơn nữa, là xin đất và cất một ngôi chùa có tính chất biểu tượng tương xứng ở trung tâm thủ đô và TPHCM.
Tại Hà Nội, khôi phục chùa Báo Ân tại trung tâm Hà Nội là điều thực sự khó, nhưng tại TPHCM, tại trung tâm như khu công viên 23/9 chẳng hạn, vẫn còn những kiến trúc chưa sử dụng, do nhà đầu tư cũ xây dựng dở dang bỏ lại. Một kiến trúc biểu tượng Phật giáo Việt Nam, tất nhiên, phải ở những khu trung tâm như vậy.
Đương nhiên, cũng còn nhiều vị trí trung tâm khác có thể nghiên cứu.
Cuối cùng, xin được nhắc lại, nhà nước của một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đại phải có trách nhiệm điều chỉnh một hệ quả văn hoá mà chính quyền thực dân xâm lược đã gây ra từ hơn 100 năm trước, đối với một nước Việt Nam khi đó là một nước nô lệ, mất chủ quyền và được cố ý làm biến dạng văn hoá.
MT