Sự tiếp xúc hay đụng
Trong phần này chúng ta nói đến thân căn, thân xúc và thân thức.
Những vật có thể tiếp xúc với cơ thể chia làm ba loại: cứng mềm, nóng lạnh, chuyển động, những vật này có thể ở trong hay ngoài thân thể của chúng ta; đó là xúc trần.
Mỗi khi thân tiếp xúc với vật thể, có ba yếu tố hiện diện: Cơ thể, vật xúc chạm, và sự nhận biết của thân (thân căn, thân xúc và thân thức). Vật tiếp xúc với cơ thể chúng ta chia làm ba loại: cứng mềm, nóng lạnh, chuyển động. Cứng mềm được gọi là Pathavi dhatu hay chất đất. Nóng lạnh được gọi là Tejo dhatu hay chất lửa. Chuyển động được gọi là Vayo dhatu hay chất gió. Chúng là những vật cụ thể. Chúng có thể ở ngoài hay trong cơ thể chúng ta.
Cơ thể chúng ta có thể tiếp xúc được các loại trên còn gọi là thân căn, thân căn ở khắp cơ thể chúng ta trừ tóc, lông, móng hay chỗ da dày. Khi một vật nhọn châm vào một chỗ nào đó trên cơ thể ta, nếu ta cảm thấy đau thì chỗ đó có thân căn, nếu không thấy đau thì chỗ đó không có thân căn.
Thân thức hay sự nhận biết của thân chia làm hai loại: một loại đi đôi với cảm giác ưa thích hay lạc thọ, một loại đi đôi với cảm giác khó chịu hay là khổ thọ. Khi một vật tiếp xúc với cơ thể ta thì sẽ có thân thức tương ứng phát sinh.
Vật tiếp xúc "cứng mềm, nóng lạnh, chuyển động" thì vô tri giác. Vật tiếp xúc không có nhận biết gì cả, nó là sắc hay vật chất. Thân căn cũng vô tri giác không nhận biết được gì cả, nó cũng là sắc, là vật chất. Thân thức hay sự nhận biết của thân là tâm. Như vậy, khi có một sự tiếp xúc hay đụng thì chỉ có vật chất và tâm mà thôi.
Nếu không có vật xúc chạm thì sẽ không có sự nhận biết của thân. Nếu có vật xúc chạm nhưng không có thân thì cũng không có sự nhận biết. Vậy vật xúc chạm là nhân, thân căn cũng là nhân, thân thức hay sự nhận biết của thân là quả.
Không thể nói thân thức có sẵn trong vật xúc chạm, cũng không thể nói thân thức có sẵn trong thân chúng ta. Chỉ khi vật xúc chạm tiếp xúc với thân căn, thì thân thức mới phát sinh. Khi không còn có nguyên nhân thích nghi thì thân thức cũng không còn. Khi thân thức biến mất, ta không thể nói thân thức đi đâu. chúng ta cũng không thể nói thân thức từ đâu đến?
Vào lúc có một sự tiếp xúc xảy ra, chỉ có vật tiếp xúc cùng thân căn là nhân, và thân thức là quả, ngoài ra chẳng có gì nữa cả. Vậy chỉ có nhân và quả mà thôi, đó là chân đế, là sự thật tuyệt đối.
Nếu không biết chân đế thì chúng ta có thể hiểu lầm khi có một sự xúc chạm xảy ra. Chẳng hạn, nhận biết cứng mềm, nóng lạnh, chuyển động là chức năng của thân thức. Vì không biết chức năng của thân thức nên ta tưởng lầm đó là chức năng của tôi, của anh: "tôi biết cứng", "tôi biết mềm", "tôi biết nóng", "tôi biết lạnh", v.v… Tưởng lầm thân thức là tôi, đó là tà kiến.
Hiện tượng thật sự xúc chạm thân thể ta chỉ là "cứng mềm, nóng lạnh, chuyển động" nhưng chúng ta lầm tưởng vật xúc chạm là đàn ông, đàn bà, v.v… "đàn bà đụng tôi", "đàn ông đụng tôi", "cô gái đụng tôi", "cậu trai đụng tôi"; sự lầm tưởng này là tà kiến.
Hiện tượng nhận sự xúc chạm chỉ là thân căn, nhưng chúng ta lầm tưởng thân căn là tôi, là anh. Chẳng hạn, khi có ai đụng vào thân thể, tôi lầm tưởng rằng đụng vào "thân thể tôi". Khi có người nào đụng vào tay, tôi lầm tưởng rằng "tay tôi" bị đụng v.v… đó là tà kiến. Hiện tượng nhận chịu sự xúc chạm chỉ là thân căn mà không có tôi, anh, đàn ông, đàn bà… không có đầu tôi, tay tôi, móng tay tôi, móng chân tôi v.v… nhưng ta lầm tưởng thân căn là tôi, anh, đàn ông, đàn bà… đầu tôi, tay tôi, móng tay tôi, móng chân tôi v.v… Nếu lầm tưởng thân căn là tôi, đó là tà kiến.
Khi vật xúc chạm êm ái khiến ta ưa thích thì tham khởi lên, nếu vật xúc chạm đáng ghét, ta không ưa thích thì sân nổi lên.
Vào lúc có sự xúc chạm nếu không biết vật chất và tâm đúng theo thực tướng của chúng, thì đó là si mê. Vậy nếu chúng ta không hành thiền minh sát thì nhiều phiền não như tham, sân, tà kiến và si mê sẽ phát sinh.
Đôi khi, mặc dầu ta niệm đụng đụng, cứng cứng, mềm mềm, nóng nóng, lạnh lạnh, chuyển động, chuyển động v.v… nhưng nếu sự định tâm của chúng ta không vững, chúng ta có thể khởi tâm yêu thích vật tiếp xúc, thế là tham xen vào. Nhưng nếu khi tham xen vào ta niệm tham, tham, tham thì tham sẽ biến thành đề mục hành thiền và tâm chánh niệm ghi nhận trở thành trí tuệ. Như vậy, nhờ ghi nhận chánh niệm về tâm tham, ta có được trí tuệ nội quán.
Dầu niệm đụng đụng đụng nhưng nếu chánh niệm chưa mạnh thì sân có thể xen vào. Tâm sân này chính là hiện tượng bất thiện. Nếu để chúng tiếp tục phát triển ta sẽ tích lũy nhiều sân hận, nhưng nếu ta ghi nhận sân sân sân thì sân sẽ biến thành đề mục hành thiền và ghi nhận chánh niệm sẽ trở thành trí tuệ. Như vậy nhờ ghi nhận chánh niệm vào tâm sân ta có được trí tuệ.
Vật xúc chạm với thân căn có rất nhiều loại bao gồm trong các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm và những tác động của cơ thể chúng ta.
Khi chúng ta đang ghi nhận phồng xẹp chẳng hạn; mỗi khi bụng phồng lên không khí vào. Phồng lên là chuyển động, chuyển động này là phong đại hay gió. Gió là một đối tượng cụ thể của thân căn, nhận biết chuyển động này là thân thức.
Như vậy, vào lúc phồng chỉ có vật chất và tâm. Chuyển động hay vật xúc chạm là vật chất, thân căn cũng là vật chất, nhận biết chuyển động là tâm. Chúng ta chỉ lấy chuyển động làm đề mục để hành thiền bởi vì chuyển động là yếu tố nỗi bật nhất vào lúc phồng. Ta không lấy thân căn hay thân thức làm đề mục. Dù không lấy thân căn hay thân thức làm đề mục hành thiền, nhưng khi niệm phồng và theo dõi chuyển động thì cả thân căn lẫn thân thức bao gồm trong đó.
Trước khi ngồi thì ý định ngồi phát sinh, ý định ngồi là tâm, tâm này là nhân gây ra gió nâng đỡ. Nhờ gió nâng đỡ này ta có thể ngồi. Vào lúc ngồi gió nâng đỡ là vật tiếp xúc. Khả năng nhận vật xúc chạm này là thân căn. Nhận biết gió nâng đỡ là tâm. Vậy chỉ có thân và tâm hay danh và sắc vào lúc ngồi.
Trong ba yếu tố: gió nâng đỡ, thân căn và thân thức, chúng ta chỉ lấy gió nâng đỡ làm đề mục và theo dõi toàn thể tác động ngồi xuống và niệm ngồi ngồi ngồi v.v…
Trước khi đứng dậy thì ý định đứng dậy phát sinh. ý định đứng dậy là tâm. Tâm này gây ra gió nâng đỡ. Do tiến trình hoạt động của gió nâng đỡ này nên cơ thể ta từ từ đứng dậy. Rồi theo dõi tác động này ta niệm đứng dậy, đứng dậy. Vào lúc đứng dậy này, tiến trình hoạt động của gió nâng đỡ là vật tiếp xúc, là vật chất.
Khả năng nhận vật xúc chạm là thân căn, nhận biết gió nâng đỡ là tâm. Vậy vào lúc đứng dậy chỉ có thân và tâm thôi.
Trong ba yếu tố hiện diện trong tác động đứng dậy là thân căn, thân thức và vật xúc chạm hay chuyển động, ta chỉ lấy tiến trình chuyển động làm đề mục hành thiền, bởi vì tiến trình chuyển động nỗi bật nhất trong lúc này. Mặc dầu không lấy những hiện tượng khác làm đề mục nhưng chúng cũng bao gồm trong đó khi chúng ta ghi nhận đứng dậy, đứng dậy.
Khi ta đang đứng dậy và chú tâm chánh niệm đứng dậy, đứng dậy, đứng dậy, thì chỉ có thân và tâm.
Cơ thể đứng thẳng nhờ có gió nâng đỡ. Sự đứng dậy này chỉ là nhiệm vụ của gió nâng đỡ. Sự đứng dậy hay gió nâng đỡ này là vật xúc chạm hay vật chất. Hiện tượng nhận sự xúc chạm của gió nâng đỡ này là thân căn cũng là vật chất. Hiểu rõ sự đứng dậy hay hiểu rõ gió nâng đỡ là thân thức hay tâm. Vậy vào lúc đứng dậy chỉ có vật chất và tâm.
Nhưng giữa vật chất và tâm, ta chỉ lấy vật chất hay gió nâng đỡ làm đề mục. Khi ta niệm đứng dậy, đứng dậy ta chú tâm vào gió nâng đỡ.
Như chúng ta đã biết, xúc chạm có rất nhiều thứ, nhiều loại. Mỗi một chuyển động của cơ thể đều bao gồm chúng. Khi đi, ta ghi nhận bước trái, bước phải hay trái, phải và theo dõi chuyển động. Tuy là niệm trái phải, nhưng ta không lấy sự trái phải làm đề mục. Tâm chỉ nhận biết sự chuyển động trong khi ta niệm trái và phải.
Nhớ kỹ là khi hành thiền ta chú tâm vào chuyển động chứ không chú tâm vào trái phải hay hình dáng của chân.
Trong khi đi, trái bước, phải bước là chuyển động, là vật xúc chạm hay xúc trần. Hiện tượng nhận sự chuyển động này là thân căn. Hiểu biết chuyển động này là thân thức. Chuyển động là vật chất. Thân căn cũng là vật chất. Hiểu biết chuyển động là tâm. Như vậy, trong tác động của sự đi chỉ có vật chất và tâm. Trong ba loại đó, ta chỉ lấy chuyển động làm đề mục chính để hành thiền.
Nếu ta không ghi nhận hay niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng, đứng, đi v.v… thì nhiều phiền não sẽ phát sinh. Do đó, bất kỳ tác động nào của thân phải ghi nhận chánh niệm.
Trong khi niệm phồng, nếu ta không biết chuyển động chỉ là chuyển động, đó là vô minh. Nếu ta hiểu biết chuyển động chỉ là chuyển động ta có chánh kiến hay có sự hiểu biết đúng đắn.
Khi thở vào, bụng chúng ta phồng lên. Giữa sự phồng và bụng thì sự phồng là chuyển động, là gió, là một trong bốn yếu tố của tứ đại, là chân đế, là sự thật tuyệt đối. Còn bụng chỉ là khái niệm, chỉ là sự chế định hay giả danh. Nếu ta lầm tưởng chuyển động là bụng đó là tà kiến. Vậy điều quan trọng trong lúc hành thiền là theo dõi chuyển động mà thôi.
Lúc mới hành thiền, ta chưa có thể vượt qua khái niệm hay chế định hoặc giả danh, nhưng về sau chánh niệm của ta chỉ đặt trọng tâm vào chuyển động, không nhớ gì đến giả danh hay khái niệm nữa. Vào lúc đó thì ta có thể loại bỏ được tà kiến, tham lam, sân hận và si mê v.v…
Mỗi khi ghi nhận sự phồng, hãy cố gắng quán sát chỉ một mình sự chuyển động mà thôi. Khi ta thở ra, bụng xẹp xuống, ta ghi nhận hay niệm xẹp. Dầu niệm xẹp nhưng ta theo dõi chuyển động. Nếu tâm ghi nhận chỉ rơi vào bụng thì đó là tà kiến, vì bụng chỉ là giả danh. Nếu khi niệm xẹp, tâm ghi nhận chỉ rơi vào chuyển động, không nhớ gì đến bụng thì đó là chánh kiến. Vậy điều quan trọng trong lúc hành thiền ghi nhận sự xẹp là chỉ chú tâm đến chuyển động mà thôi.
Mỗi khi bạn niệm đứng đứng, nếu bạn chỉ chú ý đến hình dạng của cơ thể thì đó là hành thiền sai, là tà kiến, vì hình dạng của cơ thể chỉ là khái niệm, là giả danh. Nếu chỉ chú tâm vào thế đứng thì đó cũng là giả danh vì bạn đã chú ý vào tư thế. Tư thế là khái niệm, là giả danh.
Phải chú tâm vào gió nâng đỡ. Nếu tâm bạn ghi nhận rơi vào gió nâng đỡ đó là hành thiền đúng, là chánh kiến. Vậy mỗi khi niệm đứng, đứng bạn phải chú tâm vào gió nâng đỡ mà không để tâm hay chú ý vào tư thế hay hình dáng của thân thể.
Gió nâng đỡ là sự thật tuyệt đối, là chân đế. Tư thế và hình dáng chỉ là tục đế, khái niệm hay giả danh.
Mỗi khi đi, ta chú tâm niệm trái, phải, hoặc dỡ, đạp hay dỡ, bước, đạp; dầu là niệm trái phải hay dỡ đạp hoặc dỡ bước đạp nhưng tâm ta phải theo dõi chuyển động.
Khi niệm dỡ đạp v.v… mà chỉ nhận biết sự chuyển động không nhớ gì đến chân, hay trái hoặc phải v.v… thì ta đã hành thiền đúng, có chánh kiến, và vào lúc ấy ta có thể loại bỏ được tà kiến, tham lam, sân hận, si mê.
Bởi vì không thể nào có hai tâm khởi lên cùng một lúc, nên lúc tâm đang chánh niệm vào sự chuyển động thì các phiền não khác không thể phát sinh. Nhưng nếu trong khi niệm trái phải mà ta chỉ nhớ đến chân, nhớ đến chân trái, nhớ đến chân phải thì đó là tà kiến vì ta đã lầm tưởng chuyển động với chân. Vậy khi đi ghi nhận trái, phải, dỡ đạp hay dỡ bước đạp hãy cố gắng chú tâm chánh niệm chuyển động mà thôi.
Chúng ta chỉ chú tâm vào chuyển động, nhưng chuyển động không phải chỉ có một. Không có một vật chất nào hay một sắc nào có thể khởi sinh một mình. Mỗi vậ chất phát sinh đều có bảy yếu tố khác đi kèm. Có tám yếu tố vật chất luôn luôn đi kèm với nhau còn gọi là tám yếu tố bất khả phân ly, đó là:
1. Cứng mềm hay Pathavi dhatu, chất đất
2. Dính hút hay Apo dhatu, chất nước
3. Nóng lạnh hay Tejo dhatu, chất lửa
4. Chuyển động, nâng đỡ hay Vayo dhatu
5. Màu sắc
6. Mùi
7. Vị
8. Dưỡng tố (Chất bổ dưỡng)
2. Dính hút hay Apo dhatu, chất nước
3. Nóng lạnh hay Tejo dhatu, chất lửa
4. Chuyển động, nâng đỡ hay Vayo dhatu
5. Màu sắc
6. Mùi
7. Vị
8. Dưỡng tố (Chất bổ dưỡng)
Tám yếu tố này không thể tách rời nhau, chúng cùng khởi sinh và cùng hoại diệt.
Khi nói, ta có thể nói đây là đất, đây là gió, đây là lửa, đây là mùi, đây là vị, đây là dưỡng tố. Nhưng khi thực hành ta không thể nói đây là đất, đây là nước, đây là gió và đây là lửa, đây là mùi v.v… vì chúng cùng sanh và cùng diệt.
Trong tám yếu tố vật chất này, khi hành thiền ta chỉ theo dõi yếu tố nào mạnh nhất mà thôi. Nếu sự cứng chiếm ưu thế ta nhận biết toàn nhóm là cứng. Nếu mềm chiếm ưu thế ta nhận biết toàn nhóm là mềm. Nếu chuyển động chiếm ưu thế ta nhận biết toàn nhóm là chuyển động. Nếu nóng chiếm ưu thế ta nhận biết toàn nhóm là nóng v.v…
Bởi thế, khi chúng ta đi, mặc dầu ta niệm trái phải và lấy sự chuyển động làm đề mục, nhưng nếu một hiện tượng khác mạnh hơn như nóng chẳng hạn chiếm ưu thế thì ta chú ý đến nóng bơi vì chuyển động không phải là một, mà có bảy yếu tố kia đi kèm.
Đôi khi lúc đang đặt chân xuống ta cảm thấy nặng. Vào lúc đó yếu tố nước chiếm ưu thế. Khi ta ghi nhận nặng thì các yếu tố kia cũng nằm trong đó. Trong mỗi niệm, ta chỉ chú tâm đến một hiện tượng mà thôi đó là hiện tượng nào mạnh nhất.
Mặc dầu niệm trái phải, dỡ đạp, dỡ bước đạp, nếu sự cứng chiếm ưu thế ta phải chú tâm đến sự cứng, nếu mềm chiếm ưu thế ta phải chú ý đến sự mềm, nếu nóng hay lạnh chiếm ưu thế ta phải chú ý đến nóng hay lạnh.
Đôi khi, trong lúc đang niệm phồng ta cảm thấy nóng vào lúc đó yếu tố lửa mạnh nhất ta chú tâm đến nóng. Đôi khi, mặc dầu ta chú tâm vào chuyển động phồng nhưng yếu tố nhẹ trội hơn cả thì ta chú tâm vào nhẹ, nhưng nhớ rõ một điều là ta lấy sự chuyển động làm đề mục chính.
Khi hành thiền, ta dùng các từ: phồng, xẹp, ngồi, đi, đứng, v.v… Cùng một từ nhưng các hiện tượng diễn ra khác nhau; chẳng hạn, khi đang niệm phồng, có lúc ta cảm thấy phồng dài, có lúc chúng ta cảm thấy phồng ngắn, lúc cảm thấy nóng, lúc cảm thấy lạnh, lúc cảm thấy cứng, lúc cảm thấy mềm nhưng ta vẫn niệm phồng, xọp, phồng, xọp. Vậy điều quan trọng là chú tâm vào diễn biến xảy ra, không chú tâm đến danh từ.
Nhiều thiền sinh, trong khi trình pháp cho tôi nói rằng khi theo dõi phồng, xọp, đi, đứng, v.v… thay vì niệm phồng xọp đi đứng họ lại niệm vô thường, khổ, vô ngã. Không nên làm thế, chỉ cần ghi nhận chánh niệm những hiện tượng đang xảy ra mà không cần phải nhớ đến vô thường, khổ, hay vô ngã; vì trong khi theo dõi diễn biến các hiện tượng ta sẽ nhận thấy vô thường, khổ, và vô ngã trong ấy. Tôi sẽ giải thích thêm cho bạn về điều này.
Bây giờ chúng ta đang niệm phồng. Sự phồng là chuyển động. Sự phồng này là vật chất, là yếu tố gió. Yếu tố gió này gọi là "Sắc uẩn" hay yếu tố vật chất trong Ngũ Uẩn. Như vậy khi quán sát yếu tố chuyển động là ta đã quán sát ngũ uẩn. Ngũ uẩn có đặc tính sinh diệt. Cái gì chịu chi phối của sinh diệt cái đó là khổ. Vậy quán sát chuyển động hay gió thì ta cũng quán sát cả khổ. Thế nên khi theo dõi chuyển biến của các hiện tượng thân tâm ta sẽ thấy các đặc tính khác như vô thường, khổ vô ngã, ngũ uẩn, tứ đại v.v… Vậy chỉ cần chú tâm chánh niệm quán sát chuyển động phồng xẹp thì ta sẽ thấy các pháp khác vì tất cả đều bao gồm trong ấy.
Khi nói, ta có thể dùng các từ: vô thường, khổ, vô ngã, tứ đại, ngũ uẩn, v.v… nhưng khi hành thiền, xin đừng nhớ gì đến lý thuyết hay danh từ gì cả. Chỉ cần chú tâm chánh niệm ghi nhận chuyển động phồng xẹp thì mọi yếu tố đều tự động bao gồm trong ấy.
Cần phải nhớ là vào lúc có sự xúc chạm chỉ có vật chất và tâm hay thân và tâm. Nếu lầm tưởng vật chất và tâm là tôi, anh, chị v.v… đó là tà kiến. Nếu thích vật chất và tâm thì đó là tham lam. Nếu không thích vật chất và tâm thì đó là sân hận.
Nếu chánh niệm ghi nhận các hiện tượng vào lúc tiếp xúc hay đụng chạm, ta có thể loại bỏ được phiền não. Thế nên, khi xúc chạm vật gì mà cảm thấy lạnh, nóng, cứng, mềm, v.v… đều phải chánh niệm ghi nhận. Đó là cách hành thiền vào lúc có sự tiếp xúc hay đụng chạm.
16. Sự suy nghĩ
Trong phần này, chúng ta sẽ nói đến đối tượng của tâm, tâm căn và sự nhận biết của tâm.
Đối tượng của tâm là đối tượng mà tâm nghĩ đến, ta không thể thấy được đối tượng của tâm, không thể nghe được nó, không thể đụng chạm hay ngửi được nó, đối tượng của tâm chỉ có thể nhận biết được bởi tâm mà thôi.
Theo Vi Diệu Pháp có sáu loại đối tượng của tâm, đó là:
– 5 loại vật chất căn bản.
– 16 loại vật chất vi tế
– 89 loại tâm vương hay thức
– 52 tâm sở
– Khái niệm (chế định hoặc tục đế) và
– Niết Bàn.
– 16 loại vật chất vi tế
– 89 loại tâm vương hay thức
– 52 tâm sở
– Khái niệm (chế định hoặc tục đế) và
– Niết Bàn.
Trong khi hành thiền minh sát ta không thể lấy Niết Bàn làm đối tượng; thế nên, ta để Niết Bàn sang một bên.
Trong khi hành thiền vắng lặng, hay thiền chỉ, ta có thể lấy tục đế hay khái niệm làm đề mục. Nhưng khi hành thiền minh sát ta không thể lấy tục đế làm đối tượng; vì vậy, ta để tục đế sang một bên.
Trong 89 tâm vương hay thức, ta không thể lấy 4 đạo tâm và 4 quả tâm làm đối tượng. Như vậy ta cũng để 8 đạo và quả tâm sang một bên.
Để sang một bên niết bàn, tục đế, tám đạo tâm và quả tâm. Như vậy, ta chỉ còn 5 loại vật chất căn bản, 16 loại vật chất vi tế, 81 tâm vương hay thức và 52 tâm sở.
Nếu tóm lược lại, chỉ có vật chất và tâm. 5 loại vật chất căn bản, 16 loại vật chất vi tế cũng chỉ là vật chất. 81 tâm vương hay thức và 52 tâm sở cũng chỉ là tâm. Như vậy, trong khi hành thiền chúng ta chỉ cần các đối tượng vật chất và tâm.
Tâm môn ở đây có nghĩa là tâm tiềm ẩn cũng giống như thức hay tâm khởi sanh trong lúc ngủ. Đôi khi chúng ta gọi tâm môn là tâm ngủ hay tâm thùy miên. Theo thuật ngữ Vi Diệu pháp ta có thể gọi tâm ngủ này là tâm tồn sinh hay luồng tồn sinh. Thực ra, tâm môn, tâm ngủ, sinh tâm, tử tâm đều là một. Chúng cùng loại. Để dễ dàng, chúng ta gọi tâm môn này là tâm ngủ hay tâm thùy miên.
Tâm suy nghĩ có phạm vi rất rộng. Trừ nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức, tất cả những thức còn lại và tâm sở đều được gọi là tâm suy nghĩ. Như vậy tâm suy nghĩ có một phạm vi rộng rãi.
Khi một đối tượng của tâm tiếp xúc với tâm môn thì sự suy nghĩ phát sinh. Trong ba yếu tố: "đối tượng của tâm", "tâm môn" và "tâm suy nghĩ" thì đối tượng của tâm có thể là vật chất hay tâm. Tâm môn chỉ là tâm đó là tâm thùy miên. Tâm suy nghĩ cũng là tâm. Như vậy, lúc suy nghĩ chỉ có vật chất và tâm.
Trong ba yếu tố: đối tượng tâm, tâm môn và tâm suy nghĩ, thì tâm suy nghĩ chiếm ưu thế. Thế nên, khi hành thiền ta chỉ lấy tâm suy nghĩ làm đề mục hành thiền và ghi nhận suy nghĩ hay phóng tâm v.v…
Tâm suy nghĩ và tâm môn này khởi sinh tùy thuộc nơi căn vật chất. Người đông phương tin rằng tâm nằm ở tim, người tây phương tin rằng tâm nằm ở óc. Có người Tây phương hỏi tôi: "Thế thì quan niệm nào đúng, Tây phương hay Đông phương" tôi không trả lời trực tiếp mà bảo họ hãy tự suy xét trước. Tôi trình bày cho họ các sự kiện sau đây:
Có 32 thành phần trong cơ thể con người. 20 loại thuộc đất, 12 loại thuộc nước. Trong 20 loại thuộc đất có tim và óc. Tim và óc đều thuộc về yếu tố đất, vậy ta hãy tự hỏi và tự xét xem thử tâm nằm ở đâu?
Nếu óc, thuộc về đất là chỗ ở của tâm suy nghĩ, thì hãy tự xét xem tim cũng thuộc yếu tố đất có thể là chỗ ở của tâm suy nghĩ chăng.
Rồi tôi lại nói tiếp với họ. Theo tục đế thì ta có thể nói "đây là tim" và "đây là óc", nhưng theo chân đế thì chẳng có tim hay óc gì cả. óc chỉ là một tập hợp của tám yếu tố vật chất (Tám yếu tố vật chất bao gồm tứ đại: đất, nước, gió, lửa và 4 yếu tố căn bản khác là: màu sắc, mùi, vị, dưỡng tố). Óc chỉ là sự tập hợp của 8 yếu tố. Tim cũng là sự tập hợp của 8 yếu tố. Tim cũng bao gồm đất, nước, gió, lửa, màu sắc, mùi, vị và dưỡng tố.
Nếu óc là một tập hợp của 8 yếu tố vật chất có thể là chỗ ở của tâm suy nghĩ, hãy thử nghĩ xem tim cũng là tập hợp của 8 yếu tố vật chất có thể là chỗ ở của tâm suy nghĩ chăng?
Bây giờ hãy đặt câu hỏi: Khi tính toán một chuyện gì thì ta thấy tâm ở đâu? Câu trả lời là: khi tính toán một chuyện gì thì tâm ở óc. Vậy khi cảm thấy vui hay buồn thì tâm ở đâu? Khi cảm thấy vui hay buồn thì tâm ở tim. ta nói tâm ở óc khi ta tính toán suy nghĩ và tâm ở tim khi ta vui hay buồn. Vậy tâm ở óc hay tim thì chẳng có gì quan trọng. Theo chân đế thì không có óc mà cũng chẳng có tim.
Khi nói, thì ta có thể nói đây là óc đây là tim, nhưng trong khi hành thiền minh sát thì chẳng cần tim hay óc gì cả. Điều quan trọng là nhận biết hiện tượng nào có ý thức và hiện nào không có ý thức mà thôi.
Thực ra, Đức Phật cũng không nói đến chữ óc hay chữ tim để chỉ chỗ ở của tâm. Đức Phật chỉ dùng chữ Vatthu Rūpa. Vatthu Rūpa có nghĩa là căn vật chất.
Thế nên, mỗi khi một đối tượng của tâm nào tiếp xúc với tâm môn thì tâm suy nghĩ phát sinh. Tâm suy nghĩ này và tâm môn khởi sinh tùy thuộc vào căn vật chất.
Mỗi khi tâm thức phát sinh, nếu ta không quán sát và ghi nhận suy nghĩ, suy nghĩ thì ta có thể lầm tưởng rằng thức suy nghĩ này là tôi, chính tôi là kẻ suy nghĩ. Đó là tà kiến, bởi vì ta đã lầm tâm suy nghĩ là tôi.
Khi tâm suy nghĩ đã hiện khởi, nếu ta không biết tâm suy nghĩ là tâm suy nghĩ, thì đó là si mê. Nếu ta thích sự suy nghĩ này thì tham lam phát sinh. Nếu ta không thích sự suy nghĩ này thì sân hận phát sinh. Vậy, vào lúc có sự suy nghĩ, nếu ta không hành thiền hay nếu ta không thể quán sát được tâm suy nghĩ này thì phiền não sẽ xen vào.
Nhưng mỗi khi tâm suy nghĩ phát sinh, nếu ta chánh niệm ghi nhận suy nghĩ, phóng tâm, hay nhớ, tưởng tượng, v.v… thì vào lúc quán sát chánh niệm ấy, tâm suy nghĩ này trở thành đề mục để ghi nhận, và tâm ghi nhận chánh niệm trở thành trí tuệ. Thế nên, dựa vào tâm suy nghĩ ta có thể đạt được trí tuệ.
Khi tâm ghi nhận chỉ đặt trên đề mục suy nghĩ một cách chánh niệm thì phiền não không xen vào được bởi vì tâm không thể ghi nhận hai đối tượng cùng một lúc, mỗi sát na tâm chỉ ghi nhận một đối tượng mà thôi. Vậy bất kỳ chuyện gì ta nghĩ đến, bất kỳ chuyện gì ta nhớ đến, bất kỳ chuyện gì ta tưởng tượng đến, ta phải niệm suy nghĩ, suy nghĩ, nhớ nhớ, tưởng tượng, tưởng tượng v.v… Đây là cách thực hành vào lúc suy nghĩ.
Đến đây chúng ta đã tìm hiểu sáu căn, sáu trần và sáu thức. Sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Sáu trần là: hình sắc, âm thanh, mùi vị và các pháp trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Sáu thức gồm: sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân và sự biết của tâm (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức).
Trong sáu căn thì nhãn căn là vật chất, nhĩ căn là vật chất, tỉ căn là vật chất, thiệt căn là vật chất, thân căn là vật chất. Chỉ có ý căn là tâm. Như vậy trong lục căn, có năm căn là vật chất và một căn là tâm. Chúng ta cũng đã biết cách chánh niệm ghi nhận tất cả những gì xảy ra ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Mọi hiện tượng xảy ra ở sáu cửa này chỉ là vật chất và tâm, mà không có tôi, ta, anh, chị gì cả.
Nếu không chánh niệm ghi nhận mỗi khi các hiện tượng vật chất và tâm diễn ra thì tham, sân, si sẽ khởi lên. Nếu đối tượng vừa ý, ta khởi tâm thích, là tham; đối tượng không vừa ý, ta khởi tâm không bằng lòng, là sân; và không biết đối tượng chỉ là đối tượng, mà cho chúng là ta, là của ta, tức là si mê, tà kiến. Nếu mỗi đối tượng vậ chất và tâm diễn ra, đều được ghi nhận với chánh niệm, thì tham, sân, si không xảy ra và trí tuệ sẽ hiện khởi.
Nhưng phần giảng giải trên đây chỉ là lý thuyết. Nghe giảng pháp, ta chỉ có thể đạt được văn huệ (Sutamaya ñāna), nghĩa là trí tuệ có được do nghe. Khi suy tư về giáo pháp đã nghe, ta chỉ có thể đạt được tư huệ (Cintamaya ñāna) trí tuệ do sự suy tư lý luận. Chỉ nghe giảng, đọc kinh sách, hay suy tư về giáo pháp, ta không thể có được tu huệ (Bhavanama ñāna), tức là trí tuệ có được do sự nỗ lực phát triển tâm, hay hành thiền. Tu huệ mới là trí tuệ giải thoát.
Khi giảng giáo pháp, các nhà sư chỉ có thể giúp ta phát triển trí tuệ nghe và trí tuệ suy tư. Muốn có trí tuệ giải thoát, ta phải tự mình thực hành bằng cách quán sát và ghi nhận mỗi hiện tượng xảy ra ở sáu cửa giác quan.
Nhà sư giảng pháp có nhiệm vụ của nhà sư, chúng ta có nhiệm vụ của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là hành thiền đúng theo phương pháp đã được nghe giảng.
Cầu mong tất cả các bạn có đầy đủ sức khỏe, an vui hạnh phúc và tiến bộ trong việc thực hành giáo pháp.
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Nguồn : Buddhamet.net
Mời bạn đọc đón xem tiếp phần 8