– Trường phái Gandhara (theo TL do Đào Từ Khải dịch) ở vùng Tây Bắc chịu ảnh hưởng thuật Hy Lạp.
– Trường phái Mathura, ở trung du sông Hằng
– Trường phái Gupta ở Trung ấn, có nhiều tháp cổ và vết tích còn đến ngày nay.
– Trường phái Amaravati ở vùng đông – nam sông Kishna. Qua những hang động Ajanta ở ấn Độ, hang Bamyan (theo TL do Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch) ở Apganixtan, hang Đông Hoàng ở Tân Cương, hang Vân Cương và Long môn ở Trung Hoa, rồi đến các bàn thờ Nara ở Nhật Bản.
ở Champa xưa Bồ Tát thường được gọi là Lokesvara (theo TL do Phan Quang Định dịch), trong một số bi ký thì viết là “Padmapani” (hoa sen vàng), vốn là vật tượng trưng của vị Bồ Tát này. Tại Trung Hoa, Bồ Tát được thể hiện là một nữ thần có tên gọi Quan In, ở Việt Nam là Quan Âm, Nhật Bản gọi là Kouan On. ở Bắc ấn Độ, Bồ Tát lại là một nam thần, được thờ phổ biến từ thế kỷ II sau công nguyên. Tại Ceylon, Java, Tây Tạng, vị Bồ Tát này mang tên Tchemezig và được xem là hiện thân cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong văn hóa Campuchia, Bồ Tát là nam thần, còn Champa thể hiện là nữ thần.
Nhiều tài liệu nghiên cứu chứng mưng rằng Phật giáo đã truyền vào Chămpa từ rất sớm, khoảng trong những thế kỷ đầu công nguyên. Cuộc khai quật khảo cổ ở Quảng Nam – Đà Nẵng của các học giả người Pháp. năm 1944 đã tìm thấy nhiều tượng Phật đồ sộ, mang phong cách Grandhara, cùng nhiều phế tích Phật giáo chìm sâu dưới lòng đất, có nhiều tượng Bồ Tát, đã minh chứng cho sự có mặt của loại tượng Phật này trong cư dân Phù Nam.
ở Champa, Bồ Tát được thờ phổ biến nhưng không có nhiều tượng lớn. Di tích Đồng Dương (Quảng Nam) là nơi tìm thấy rất nhiều tượng Lotkesvara tuyệt đẹp, thuộc thời đại Indravarman II. Tượng Lokesvara ở Chămpa thường thể hiện trong tư thế đứng, cũng có tượng thể hiện ở tư thế ngồi, nhưng rất dễ nhận ra vì trên búi tóc bó cao của Bồ Tát, người ta thường chạm hình của Phật Amitabha có hai tay, tay trái cầm hoa sen. Các tượng Bồ Tát khác thì ngoài vật cầm tay là hoa sen còn có chuỗi tràng hạt, bình nước Cam Lồ và quyển kinh Diệu pháp Liên hoa. Hai cánh tay đeo vòng chạm khắc hoa văn rất tinh tế. Các tượng thời cổ thường thể hiện Bồ Tát theo những quy chuẩn nói trên nhưng không theo một tư thế nhất định, có tượng trong tư thế thiền, có tượng đứng, tượng trong tư thế đi. Tượng Lokesvara mang nhiều hình ảnh khác nhau, thường có nhiều tay nên người châu Âu lấy làm lạ mắt vì quan niệm của họ về cái đẹp hoàn toàn khác với người châu á. Đó cũng là nét dị biệt giữa phương Đông và phương Tây.
Sự thể hiện nhiều cánh tay là biểu trưng cho quyền lực vạn năng siêu phàm của Bồ Tát. Hình tượng đó trùng với quan niệm siêu hình của các nhà thần học về quyền năng vô lượng của Bồ Tát Quan Thế Âm. Vì vậy, người tạc tượng phải tổng hợp được những cái trừu tượng trong ý nghĩa của dân gian. Tượng không phải là sự trình bày Bồ Tát dưới dạng nhân thần, mà còn là gợi ý cho thiện nam, tín nữ và qua đó có thể cảm nhận được niềm tin. Bồ Tát thể hiện cho tư tưởng “phổ độ chúng sanh”, bởi lẽ ra ngài đã thành chính quả từ lâu, nhưng vì lòng từ bi sâu sắc mà ngài tự nguyện tái sinh thành nhiều kiếp ở trần thế để phổ độ chúng sinh cho những sinh linh tội lỗi, ngài sẵn lòng bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những tai nạn, hỏa hoạn, lụt lội, dịch bệnh…
Nhiều truyền thuyết giải thích về lý do ngài có nhiều đầu, nhiều cánh tay. Có câu chuyện: một hôm ngài hạ san xuống địa ngục để hoằng pháp cho các linh hồn tội lỗi, giúp họ siêu thoát và đưa họ về miền Tây Thiên cực lạc, nhưng càng thuyết phục thì họ lại càng phạm thêm nhiều lỗi lầm khác. Do suy nghĩ quá nhiều, đầu ngài vỡ tung thành 10 mảnh. Cảnh tượng ấy làm cho Đức Phật A Di Đà, thầy của ngài trên thượng giới vô cùng xót thương nênhóa phép biến cho ngài thành nhiều đầu. Do vậy mà thượng Quan Âm có khi lại có nhiều mắt, nhiều tay. Có trường hợp trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt. Đó cũng là cách mà ngài có thể nhìn khắp nơi để cứu vớt loài người thoát bể khổ trầm luân. Còn nghìn tay là muốn nói ngài có thể đưa những cánh tay nhiệm màu đó ra để cứu vớt tất cả chúng sinh.
Nhìn chung, Lokesvara ở Chămpa chịu ảnh hưởng của trường phái Siva giáo. Nghệ nhân đã biết dung hòa và kết hợp yếu tố văn hóa bên ngoài và văn hóa bản địa để tạo nên nét độc đáo mang phong cách riêng. Hơn thế nữa, sự thờ kính Thiên Vương, sự đồng hóa một kẻ cầm quyền với thượng đế được dùng để nâng đức vua lên đến địa vị thần thành hoặc bán thần thánh. Dây là sự phối hợp tuyệt vời thích hợp với tính chất chính trị thần quyền của các vương triều Chămpa. Sự sát nhập giữa Hoàng triều và thần linh, thậm chí còn tác động lên các bức chân dung của Bồ Tát qua việc gắn thêm châu báu và vương miện vào các pho tượng này.
Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Chămpa là khuynh hướng thiên về hình thể đầy đặn và có ba chiều. Khác với ấn Độ là nơi mà đa số các công trình kiến trúc trên đá đều là phù điêu cao, các bức tượng lớn được tạc theo khuôn mẫu thống nhất ở tất cả các phía. Loại tượng này cũng có thể tìm thấy ở Campuchia vào thế kỷ VI, rồi sau đó có ảnh hưởng sang Thái Lan, Java và một số vùng khác. Các pho tượng thời kỳ sau này là những tác phẩm gây ấn tượng nhất về hình ảnh ba chiều. Ngoài ra, theo ghi chép của Trung Hoa thì vùng đất Chămpa có nhiều vàng, đó cũng là lý do tại sao ngày nay giới khảo cổ còn phát hiện được nhiều tượng vàng nằm rải rác khắp nơi ở vùng đất miền Trung Việt Nam.