Tại Tổ đình Hội Phước (Nha Mân – Đồng Tháp) vào một buổi chiều mùa Đông có cuộc hội ngộ bên bút mực giữa bậc xuất trần và kẻ còn lấm đầy bụi lợi danh.
Phía sau nhà Tổ, một chiếc bàn con bày sẵn bút nghiên giấy mực. Thầy trụ trì thảo từng dòng chữ Hán thong dong tự tại như nước chảy mây trôi. Còn kẻ ấy cầm bút thể hiện chữ Việt nhưng vẫn còn nhiều lúng túng như thuyền nhỏ trước biển lớn mênh mông…
Tôi may mắn được “mục kích” vài lần khi Người viết chữ. Mỗi lần Người cầm bút điểm nhẹ vào nghiên mực rồi bàn tay uyển chuyển đưa bút “dệt” lên mặt giấy với phong thái nhẹ nhàng, thư thả và sự tập trung cao độ … Người đã truyền cho giấy mực sự sống và một hình hài mới để lãng du trong “cõi người ta” này!
Những lúc ấy, tôi muốn ngâm nga thật to trong niềm cảm phục:
“Tay hoa
thảo bút chơi đùa,
Chữ bay về đậu
giữa mùa thơ say.
Thời gian:
không tháng không ngày,
Không gian
bỗng chợt nối dài không gian.”
(thơ ĐSTT)
Tất cả như dừng lại, lắng đọng và bình yên… Đó là cõi riêng của Người – cảnh giới mà một kẻ thô thiển như tôi không làm sao bước vào để lĩnh hội được. Vì vậy, Tôi chỉ đứng yên để chiêm ngưỡng phong thái một bậc phạm hạnh ẩn mình chốn già lam cô tịch dùng bút mực làm phương tiện tải Đạo, cảnh tỉnh những kẻ như tôi.
Tôi vẫn nhớ như in lời Người nhủ bên chung trà dạo nọ: “Mình làm việc gì thì phải hiểu rõ việc mình làm. Sợ nhất là làm mà không hiểu.” Như kẻ nằm mộng mười năm bỗng choàng tỉnh, tôi giật mình trước lời khai thị thật đơn giản nhưng đã nói trúng ngay vào những khuyết điểm của mình mà tôi chưa một lần nhận ra. Tôi tự nhủ thầm: Phải rồi, viết chữ cũng vậy mà!
… Sau khi đề lạc khoản, dừng bút và đóng triện “khai sinh”, thổi hồn cho một tác phẩm thì Người thường lặng nhìn đứa con tinh thần của mình vài giây. Và lúc này câu chuyện chính mới thật sự bắt đầu…
Thượng Toạ Thích Lệ Trang – Trụ trì Tổ đình Hội Phước – Đồng Tháp
Bằng một giọng trầm ấm, Người đọc rồi chậm rãi giảng giải cho Tôi – một kẻ mù chữ Hán – hiểu nội dung, ý nghĩa của bức chữ. Chữ vuông với vài nét ngang dọc giản đơn nhưng Người có cả một câu chuyện dài cho mỗi con chữ.
Mỗi dòng, mỗi chữ qua cách kể, cách bình của Người làm câu chuyện thêm sinh động và trở nên gần gũi hơn với tôi. Người đã dắt tôi đi qua nhiều cây cầu. Có cây cầu của văn chương chữ nghĩa, có cây cầu đối nhân xử thế, có cây cầu trầm nghiêm tịch mặc của Thiền, … Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh khi nghĩ đến Người:
“Công phu đầu ngọn bút
Chảy tình tự quê hương
Là ca dao tục ngữ
Là nhân nghĩa yêu thương.”
Người chưa bao giờ nhận mình là nhà thư pháp. Tôi nghĩ có lẽ Người cũng chẳng bận tâm với danh xưng nào nữa. Viết chữ với Người là một thú vui tao nhã, một cách hiểu và tri ân “Những-người- muôn-năm-cũ” và quan trọng nhất là để tu dưỡng.
Còn tôi? Mục đích ban đầu khi Tôi theo đuổi cũng đẹp và lí tưởng lắm. Thế nhưng dần dà lại lơ đễnh nên không thể đi vào chiều sâu của bộ môn nghệ thuật này. Chữ của tôi phần nhiều chỉ có xác không hồn… Những vụng về, non kém còn rất nhiều. Đôi khi tôi cũng chẳng chịu chiêm nghiệm, nghiền ngẫm những gì mình viết. Nhìn lại, tôi lấy làm xấu hổ và sợ hãi.
Giờ đây, khi ngồi một mình bên chung trà, nhớ lại những lời Người dạy, tôi thấy mình nợ Người một ân tình tri ngộ. Nhưng Tôi cũng biết với Người không có sự “biệt nhãn” mà tất cả đều được đối xử như nhau, có khác chăng là Người tùy duyên mà hướng dẫn, chỉ dạy…
22/12/2016
Đức Sơn Thái Trọng cẩn bút