Ngôi trường này là nơi trước đây tôi học Trung cấp Phật học, lớp học Phật đầu tiên trong cuộc đời tu học của mình. Thoáng cái đã có 5 khoá học kết thúc, và 2 khoá đang trong tiến trình đào tạo.
Hồi khoá học của chúng tôi, khoá II, trường lớp còn khá sơ sài, đời sống có nhiều chật vật. Bây giờ thì trường lớp đã được xây mới, rộng rãi khang trang hơn nhiều.
Rời trường đã mười năm, nhiều điều bây giờ cũng đã thay đổi: khu ruộng muối trước trường bây giờ đã trở thành… khu đô thị mới; đồi sao hồi trước cây còn bé xíu bây giờ đã thành một rừng cây; khuôn viên trường bây giờ cũng đã được nới rộng nhờ mua thêm đất; và (điều này thì buồn) vài bậc giáo thọ của trường đã trở thành người thiên cổ, trong đó có thầy dạy văn, một người dạy văn học rất hay và đời sống cũng rất hay.
Trường Trung cấp Phật học Bình Thuận, hồi tôi mới vào học, có tên là Trường Cơ bản Phật học. Và đúng như tên gọi này, ở đây tăng ni sinh được học những gì căn bản nhất về Phật giáo, cùng những bộ môn hỗ trợ, những kiến thức nền mà về sau này tôi thấy vô cùng thiết yếu.
Những thuật ngữ và khái niệm căn bản về Phật học, những bộ chữ Hán vỡ lòng, những câu tiếng Anh trình độ… “how are you”, và cả những kinh nghiệm tu học của quý thầy đi trước, chúng tôi đều được học ở đây.
Giờ nghĩ lại thấy cũng buồn cười. Hồi trước học ở đó, tăng sinh chúng tôi ai cũng mong cho khoá học nhanh kết thúc, mà nhiều khi chẳng biết nhanh kết thúc để làm gì. Chúng tôi đều học Phật, trường lớp chỉ là “phương tiện” để cho việc học trở nên “chính quy”, vậy thôi.
Học Phật là để áp dụng cho mình và chia sẻ với người, đâu phải sau khi tốt nghiệp khoá học là để đi xin việc làm, ấy vậy mà cũng nôn nóng mong kết thúc khoá học!
Hồi trước đôi khi còn có thái độ “kén trường” nữa. Chúng tôi thường hay so sánh, rằng trường này dạy tốt hơn trường kia, kiểu đứng núi này trông núi nọ; và cũng có vài tăng ni sinh đã chuyển trường vì suy nghĩ như vậy.
Tôi cũng đã có lần định chuyển trường, nhưng rồi lại đổi ý. Về sau tôi thấy rằng, các trường Trung cấp Phật học thực ra không khác nhau nhiều trong cách giảng dạy; và vì vậy không khác nhau nhiều trong chất lượng đào tạo.
Các trường Trung cấp Phật học hầu như đều áp dụng cách dạy từ chương và… thích gì thì dạy nấy. Không có một giáo trình chung cho tất cả các trường Trung cấp Phật học, dù các trường này đều cùng một hệ thống; và cũng không có một giáo trình chung cho những khoá học tại cùng một ngôi trường.
Tuy nhiên, những giáo lý và những kinh luật căn bản thì ở đâu cũng được giảng dạy. Và tăng ni sinh tại các trường Trung cấp Phật học, nói chung không khác nhau nhiều về “đẳng cấp” sau khi tốt nghiệp.
Những năm về sau này, các khoá học có ít học viên hơn. Khoá V vừa tốt nghiệp, chỉ vỏn vẹn được 32 vị. Hệ thống các trường Trung cấp Phật học bây giờ không còn cái “háo khí” như thời mới bắt đầu. Nhiều trường có tiếng trước đây bây giờ cũng trở nên hiu hắt, một số trường khác tuy chưa rơi vào tình trạng giải tán nhưng chỉ tồn tại dưới dạng “cầm hơi.”
Các huynh đệ học cùng khoá với tôi bây giờ phần lớn đều đã nhận chùa trụ trì; có vài huynh đệ quay về giảng dạy tại trường; và cũng có một số còn đang theo đuổi “nghiệp” học vấn.
Khoá tôi hồi tốt nghiệp có 47 vị, nhưng bây giờ còn lại được 40, bởi một số người đã quay lại… đời sống tại gia, mà gọi cho nó “chuyên môn” là đã hoàn tục. Nhưng nói chung như vậy cũng khá lắm rồi, không đến nỗi rơi vào tình trạng “hoa xoài, trứng cá.”
Chúng tôi hồi mãn khoá có quy định một ngày về nguồn vào một ngày đầu năm mới âm lịch. Mấy năm đầu, năm nào tôi cũng trở về trường vào ngày này; huynh đệ gặp nhau buồn buồn vui vui, phát biểu cảm nghĩ cảm tưởng. Mấy năm sau này, vì lý do này lý do kia, không trở về được. Nhiều khi thấy mình có lỗi với quý thầy với huynh đệ với trường xưa quá.