Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian (Phần Một) (tt)

Thiền quán -Tiếng chuông vượt thời gian (Phần Một) (tt)

86

 

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ HỌC TRÒ CỦA SAYAGYI U BA KHIN 

Chú Giải Hiện Ðại Về Giáo Pháp Của Ðức Phật
— Bài của U Ko Lay, nguyên Phó Viện trưởng Ðại học Mandalay
 
Sayagyi am tường một cách sâu sắc Giáo pháp của Ðức Phật; và ông giảng giải Giáo pháp này một cách hiện đại và khoa học. Sự thấu triệt Giáo pháp của ông không chỉ là chấp nhận một cách mù quáng giáo huấn của Ðức Phật; ông ôm ấp Giáo pháp với một sự xác tín và lòng tin vững mạnh do kết quả của việc thể hiện nó qua việc thực hành của chính bản thân ông.
 
Sayagyi thụ giáo phương pháp Thiền Quán với đại thiền sư Saya Thetgyi. Khi ông đã khá thành thạo, Saya Thetgyi cảm thấy chắc chắn sau khi mình chết, học sinh U Ba Khin của mình sẽ trở thành ngọn đuốc soi đường cho biết bao người khác. Nhưng mãi tới năm 1941, sau khi Sayagyi gặp và tỏ lòng tôn kính đối với Hòa thượng Webu Sayadaw mà nhiều người coi là một bậc A-la-hán, lúc đó ông mới quyết định để giúp người ta tìm ra con đường mà Ðức Phật đã vạch ra. Trong phương pháp của mình, U Ba Khin không hề rời xa giáo huấn của Ðức Phật một li một tí, nhưng sau khi đã dày công tập luyện, nghiên cứu và thử nghiệm, ông đã triển khai những giáo huấn của riêng mình, phù hợp hơn với những đòi hỏi của thời đại mới.
 
Ông thấy có nhu cầu mở những khóa huấn luyện đặc biệt cho những người gia trưởng tại thế, hơn là chỉ dành cho các Tăng Ni hay các người ẩn dật xuất thế. Các kỉ luật dành cho người xuất gia không thể phù hợp với những người tại gia. Hiệp hội Nghiên cứu Vipassàna do Sayagyi khởi xướng vào thời ông đang làm Kế toán trưởng của Miến Ðiện, đảm nhận công việc nghiên cứu và thử nghiệm về thiền định. Các kết quả và khám phá của những nghiên cứu này được thực hiện trong một phòng đặc biệt của văn phòng Kế toán trưởng đã giúp cho Sayagyi có thể trình bày Giáo pháp của Phật cho những người tại gia một cách có hệ thống khoa học, vì thế rất hấp dẫn đối với não trạng của con người hiện đại. Hàng loạt những bài luyện tập Vipassàna thật phong phú bao gồm đầy đủ ba đòi hỏi quyết định mà Ðức Phật đã đề ra Giới,Ðịnh, và Huệ, nhưng được truyền đạt và thực hành thật vững chắc khiến cho có thể đạt được những kết quả khả quan chỉ trong một thời gian ngắn.
 
Các nhà trí thức và tổ chức nước ngoài lần đầu tiên biết đến Sayagyi năm 1952 khi ông giảng một loạt bài cho một nhóm nghiên cứu gồm những thành viên của một phái đoàn kinh tế và kĩ thuật đặc biệt của Mĩ. Ðược xuất bản thành những tập sách nhỏ, các bài giảng này đã mau chóng đến với các tòa đại sứ Miến Ðiện ở nước ngoài và các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới (xem Chương sáu: "Phật Giáo Là Gì?")
 
Sayagyi còn giảng một số bài khác nữa về cuộc đời và giáo huấn của Ðức Phật, nhưng ông không bao giờ chỉ nhắm duy nhất vào mục tiêu là giảng giải Giáo pháp. Nhiệm vụ duy nhất của ông là giúp đỡ những người lao động chân thành để họ cảm nghiệm một trạng thái thanh thản nội tâm và nhận ra chân lí của đau khổ, nhờ đạt được "bình an nội tâm" qua việc thực hành Thiền Quán. Ông đã đạt những kết quả đáng kinh ngạc qua việc trình bày mà ông khai triển để giải thích phương pháp. Cho tới hơi thở cuối cùng, Sayagyi luôn luôn là một người thầy dạy Thiền Quán hơn là một người rao giảng nó.
 
Những Ðức Tính Nhân Bản Của Sayagyi U Ba Khin
— Bài của Bà Vimala Goenka, em dâu của S.N. Goenka
 
Trước kia tôi vẫn coi Sayagyi U Ba Khin là một ông già khô khan nhạt nhẽo chỉ dạy những điều thích hợp cho những người già cả ít đam mê và ít hoạt động trong những gì mà thế giới bên ngoài cống hiến. Tôi nhìn ông với lòng kính sợ, vì tôi đã từng nghe người ta nói nhiều về những cơn giận dữ của ông. Tôi đến thăm ông tại trung tâm cùng với cha mẹ và anh chị tôi, nhưng chỉ khi nào tôi phải đi thăm thôi. Thế rồi tất cả những cảm nghĩ này đã tan biến dần sau khi tôi dự một khóa thiền mười ngày dưới sự hướng dẫn của ông.
 
Tôi thấy Sayagyi là một con người rất dễ mến. Ông chẳng khác gì người cha đối với tôi. Tôi có thể thoải mái thảo luận bất cứ vấn đề nào tôi gặp, và chắc chắn không chỉ được ông lắng nghe một cách đầy thiện cảm, mà còn nhận được những lời khuyên quí báu của ông. Tất cả những cơn giận dữ của ông mà người ta kể đều chỉ là ở bề ngoài; trong thâm tâm là cả một tình yêu vô bờ bến. Chẳng khác gì một cái vỏ cứng bao bọc một chất lỏng vậy. Cái vỏ cứng là điều cần thiết — thực ra, rất quan trọng cho công việc mà ông đang làm.
 
Chính cái vỏ cứng này đã giúp ông duy trì được kỉ luật tại trung tâm. Thỉnh thoảng có những người lợi dụng bản tính hiền lành của ông để lơ là mục đích chính khiến họ đến trung tâm. Họ thường đi dạo quanh khu vực và nói chuyện phiếm với các thiền sinh khác, vì thế họ không chỉ phí phạm thời giờ của họ, mà còn quấy rầy những người khác. Bản tính cứng rắn của Sayagyi là cần thiết để dẫn họ vào con đường đúng đắn. Thậm chí lúc tức giận, ông vẫn đầy lòng thương. Ông muốn các thiền sinh của ông học được nhiều bao nhiêu mà họ có thể trong một thời gian ngắn. Ông cảm thấy những thiền sinh đó đang phung phí cơ hội mà họ chỉ có một lần duy nhất, một cơ hội mà mỗi một giây phút đều vô cùng quí báu.
 
Sayagyi rất quảng đại. Ông muốn dạy hết những gì ông biết. Ông rất giỏi thông truyền kiến thức và kinh nghiệm của mình khiến ông không cảm thấy phải cố gắng gì khi dạy một thiền sinh. Ông ban phát rất rộng rãi. Chỉ có khả năng lãnh hội của các thiền sinh mới hạn chế sự tiếp thu của họ.
 
Sayagyi cũng rất kiên nhẫn khi dạy dỗ. Nếu có ai cảm thấy khó luyện tập, ông sẽ giảng giải cặn kẽ bằng những ví dụ và minh họa. Ông thích công việc thực hành và cho rằng kinh nghiệm trong chính việc luyện tập sẽ bù đắp những nghi ngờ về lí thuyết. Chỉ thảo luận trên lí thuyết sẽ chẳng dẫn chúng ta đi tới đâu. Khía cạnh thực hành là quan trọng nhất. Ông đúng vô cùng! Không chỉ trong lãnh vực Giáo pháp, mà cả trong những công việc hằng ngày của chúng ta, việc thực hành mang lại kết quả tốt hơn là chỉ thảo luận suông thôi.
 
Bản thân Sayagyi làm việc rất miệt mài. Ông giữ sáu hoặc bảy chức vụ điều hành rất quan trọng trong chính quyền với những trách nhiệm nặng nề và cùng lúc hướng dẫn những lớp học thiền trong những giờ rảnh rỗi. Thực ra, ông chẳng có lúc nào rảnh. Ông luôn luôn bận việc. Ông có khả năng làm việc rất nhiều ở cái tuổi mà nhiều người khác nghĩ đến sự nghỉ ngơi và một cuộc sống an nhàn. Ông tìm thấy sự bình an và yên tĩnh trong công việc của mình.
 
Dù bận trăm công nghìn việc, ông vẫn dành chút thời giờ để làm vườn. Ðó là thú tiêu khiển của ông. Ông thích trồng hoa và cây. Trung tâm của ông có một bộ mặt dễ chịu, đầy màu sắc, khắp chung quanh đầy cây cỏ xanh tươi. Vẻ đẹp và sự an bình mà Sayagyi đã tạo ra ở trung tâm luôn luôn còn lưu lại trong lòng tôi. Ông dạy một điều quí hiếm nhưng có giá trị to lớn cho cả người già lẫn trẻ. Ông là một bậc thầy vĩ đại, và một con người rất dễ mến.
 
Tính Cách Của Một Con Người
— Bài của Bác sĩ Om Prakash, nguyên là bác sĩ tư vấn của LHQ tại Myanma, giảng viên Vipassàna do S.N. Goenka đề cử
 
Ông có một nhân cách tuyệt vời: uy nghiêm, đơn sơ, cao quí và gây ấn tượng. Ông luôn mỉm một nụ cười nhẹ và để lộ dáng vẻ của một tâm hồn thanh thản, mãn nguyện. Khi ở với ông, bạn cảm thấy ông chỉ biết chăm lo cho bạn, và yêu thương bạn hơn bất cứ ai khác. Sự quan tâm, yêu thương, từ tâm của ông dành cho mọi người đều như nhau, dù là người giàu hay nghèo, sang hay hèn; bù lại, ông không đòi hỏi gì ngoài thiện ý và một bản tính chân thật.
 
U Ba Khin tỏ lòng bao dung với mọi tôn giáo. Ông không bao giờ phê bình hay nhạo báng bất cứ một niềm tin hay tín ngưỡng nào. Nhưng ông rao giảng Phật giáo theo như ông hiểu, và ông hiểu Phật giáo sâu xa hơn nhiều người. Ông không bao giờ khẳng định điều gì, không bao giờ áp đặt ý tưởng nào đối với bạn. Ông thực hành điều ông giảng dạy và để cho bạn tự ý suy nghĩ và chấp nhận quan điểm của ông, một phần hay tất cả tuỳ ý bạn.
 
Ông không hút thuốc, uống rượu hay sử dụng các chất gây nghiện. Ông uống trà và cà phê một cách điều độ; ông thích sữa, ovaltine, v.v…, nhất là vào thời kì cuối đời. Ông yêu "sự sống" một cách tột độ. Thậm chí ông không cho phép người ta giết hại muỗi trong trung tâm. Và ông cũng ngăn cấm sử dụng các thuốc diệt côn trùng tại đây.
 
Ông có óc thẩm mĩ và nghệ thuật rất cao, rất thích hoa, và đặc biệt để ý sưu tầm những giống hoa lạ. Ông có một sưu tập các giống hoa rất đẹp, mà ông trồng quanh khắp ngôi chùa. Ông biết rõ hết mọi cây ông trồng và có thể nói thao thao bất tuyệt về chúng cho những khách đến thăm trung tâm.
 
Sayagyi có óc khôi hài và rất hóm hỉnh. Ông có nhiều chuyện cười dí dỏm, và ông cười, cười rất to. Ông thường la to thế nào thì ông cũng thường cười to như vậy.
 
Ông theo dõi rất sát các sự kiện chính trị thế giới và những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật, và là thính giả thường xuyên của các đài phát thanh và một độc giả trung thành của các tạp chí nước ngoài. Ông đặc biệt rất thích tạp chí LifeTime.
 
U Ba Khin rất ao ước được đi ra nước ngoài, đặc biệt sang Hoa Kì (một điều ông không bao giờ thực hiện được). Ông muốn giảng dạy phương pháp thiền của mình mà ông tin một cách chính đáng là con đường dễ nhất và lôgíc nhất để thực hành thiền. Ông có đủ
 phương tiện để ra nước ngoài, nhận được nhiều lời mời của các học sinh của ông ở nước ngoài, nhưng một số thủ tục giấy tờ để có giấy hộ chiếu và những điều khác đã ngăn trở ông rời đất nước. Ngoài ước muốn này ra, mọi ước muốn khác của ông trên đời này đều được mãn nguyện. Ông đã sống một đời sống sung mãn.
 
Sayagyi chấp nhận bệnh tật một cách dũng cảm và ích lợi, và ông là một bệnh nhân rất thông minh và cộng tác. Ông không bao giờ bi quan về cuộc đời; ông luôn luôn lạc quan và lúc nào cũng tràn đầy hi vọng về cuộc sống. Ông coi đau khổ và bệnh tật như là kết quả của nghiệp quá khứ và nói đó là số phận của con người khi sinh ra ở đời. Dù là căn bệnh cuối cùng đến với ông và cướp mất ông khỏi chúng ta một cách đột ngột, nhưng ông cũng coi nó nhẹ tựa lông hồng.
 
Sayagyi là một tâm hồn rất đạo đức và vĩ đại; một tâm trí và một thân thể tinh tuyền, và đáng yêu đối với mọi người.
 
Ðánh Giá Trình Ðộ Trí Thức Của U Ba Khin
— Bài của Winston L. King, Giáo sư Tôn giáo, Ðại học Vanderbilt
 
Vị sáng lập, U Ba Khin, người vừa là giám đốc của trung tâm, vừa là Thiền sư, lúc này ông là một người đàn ông đầy sức sống, chỉ ngoài sáu mươi, và bên cạnh công việc tại trung tâm — nơi ông dành tất cả thời giờ rảnh để giảng dạy các khóa thiền — ông còn giữ hai trọng trách lớn trong chính quyền.
 
Dù xét theo tiêu chuẩn nào, U Ba Khin vẫn là một con người lỗi lạc. Một con người được học hành khá ít và mồ côi từ thuở nhỏ, nhưng ông đã tự mình vươn lên tới chức Kế toán trưởng nhà nước. Ông là cha của một gia đình tám người. Trên bình diện con người, ông là sự phối hợp kì diệu giữa sự khôn ngoan thế tục và sự sâu sắc, sự thâm trầm nội tâm và tính khôi hài bên ngoài, tính hiệu quả và lòng hiền dịu, sự thoải mái và sự tự chủ hoàn toàn. Trong quan niệm Phật giáo của ông, cái linh thiêng và vũ trụ không phải hai đối cực khử trừ nhau; và được nghe ông liên kết các câu truyện kinh điển về Phật với các sự kiện đương đại và thường xuyên kèm theo các tiếng cười "hề, hề, hề," quả là một kinh nghiệm khó quên.
 
. . . Vì ông có khả năng đạt được cả sự siêu thoát và sự quan tâm duy nhất vào một điểm, nên ông tin rằng các sức mạnh trực giác và hiệu quả của ông được gia tăng khiến cho ông hoạt động trong tư cách công chức nhà nước hiệu quả hơn rất nhiều người. Không biết có phải ông là một loại thiên tài đã làm cho "hệ thống" của ông hoạt động, hay ông là một kiểu mẫu mới trong Phật giáo Miến Ðiện — một vị thầy tại gia biết kết hợp suy niệm với hành động trong một tổng hợp thành công — điều này còn chưa được sáng tỏ trong trí tôi.
 
 Trích từ A Thousand Lives Away: Buddhism in Contemporary Burma, viết khoảng 1960
 
HỎI VÀ TRẢ LỜI
 
Phần lớn các câu hỏi và trả lời ở cuối mỗi chương được lấy từ một cuộc phỏng vấn độc quyền với S.N. Goenka năm 1991, vào ngày giỗ lần thứ 20 của Sayagyi. Chúng tôi cũng dựa vào những bài báo và những nguồn khác để giải thích phương pháp và những ích lợi của nó để làm sáng tỏ nhân cách và lời giảng của U Ba Khin và giá trị của Thiền Quán (Chủ biên).
 
HỎI: Ngài U Ba Khin có tự xưng mình là một Phật tử không? Làm thế nào ngài có thể nói Giáo pháp là phổ quát mà không cho nó một sắc thái phân biệt giáo phái?
 
S.N. GOENKA: U Ba Khin là Phật tử từ lúc mới sinh và cảm thấy khá tự hào và hài lòng khi nói như thế, nhưng rõ ràng trong các giáo huấn của ngài, ngài không hề có ý cải hóa người ta bỏ một tôn giáo có tổ chức này để theo một tôn giáo có tổ chức khác. Kinh nghiệm bản thân tôi là một ví dụ: ngài không bao giờ thúc ép tôi trở thành Phật tử. Cách giảng dạy của Sayagyi luôn luôn là phi giáo phái. Lời dạy của Ðức Phật mang tính phổ quát khiến cho mọi người từ những giáo phái và những cộng đồng khác nhau đều có thể theo và cảm nhận được những lợi ích của nó.
 
Theo Sayagyi, cốt tủy của Ðạo Phật là Chân lí (Dhamma), là luật tự nhiên phổ quát, và người Phật tử chân chính là người thực hành Giáo pháp, người sống theo luật tự nhiên phổ quát này. Ông thích giúp đưa người ta vào sống trong sìla (giới), samadhi (định), và paññā (huệ); chỉ cho người ta biết cách tự biến đổi mình từ chỗ đau khổ sang hạnh phúc. Nếu có ai đã trải qua cuộc biến đổi từ tội lỗi sang thanh tịnh rồi muốn trở thành Phật tử, Sayagyi rất vui lòng, nhưng đó là vì sự biến đổi đã xảy ra nơi đời sống người đó, chứ không chỉ vì người đó được đổi danh xưng của mình.
 
Ðối với những người quá phấn khích trong việc muốn cải hóa người khác về với Phật, Sayagyi thậm chí còn nói với họ: "Cách duy nhất để cải hóa người ta là chính mình phải sống trong Giáo pháp — giới, định, tuệ (sìla, samàdhi, paññā) — và giúp người ta cũng sống trong Giáo pháp như mình. Khi chính bạn không sống trong giới, định, tuệ, thì bạn tìm cách cải hóa người khác nào có nghĩa gì? Bạn có thể tự xưng mình là Phật tử, nhưng nếu bạn không thực hành giới, định, tuệ, thì đối với tôi bạn không phải là Phật tử. Còn những người thực hành giới, định, tuệ, thì cho dù họ không tự xưng là Phật tử, họ vẫn thực sự là người đi theo lời dạy của Ðức Phật, cho dù họ có tự xưng mình là gì đi nữa.
 
Một sự kiện minh chứng cho thái độ phi giáo phái này xảy ra khi một người Kitô hữu trung thành đã đến tham dự một khóa học của Sayagyi. Trong khi nghe giảng giải các nghi thức khai mào, người này hoảng hồn vì sợ mình được yêu cầu bỏ Kitô giáo để theo đạo Phật; và vì mối lo sợ vô căn cứ này, ông đã từ chối đi theo Phật pháp. "Tôi có thể tin theo Chúa Giêsu Kitô, nhưng tôi không thể tin theo Ðức Phật," ông nói thế. "Tốt lắm," Sayagyi mỉm cười đáp, "Ông cứ tiếp tục tin theo Ðức Giêsu Kitô — nhưng ông phải xác tín rằng ông đang tin theo những đức tính của Chúa Kitô, để ông có thể phát huy những đức tính ấy nơi bản thân ông." Và ông bắt đầu luyện tập theo cách thức này; khi kết thúc khóa học, ông nhận ra rằng mối lo sợ ban đầu của ông là không cần thiết, việc ông sợ phải bỏ đạo mình để theo Ðức Phật là vô căn cứ.
 
HỎI: Tại sao U Ba Khin chỉ dạy một số ít người có trình độ, còn ông dạy cùng phương pháp như thế nhưng cho mọi người bất kể trình độ của họ thế nào.
 
SNG: Bởi vì Sayagyi đang giữ một chức vụ mang trách nhiệm nặng nề trong chính quyền vào một thời mà đất nước ông đầy tham nhũng và kém hiệu quả, Thủ tướng muốn ông thực hiện một số cải tổ trong guồng máy hành chánh. Ðiều này ông có thể thực hiện được qua việc giảng dạy Vipassàna. Nhưng ông còn tiếp tục làm việc trong chính quyền cho tới sáu mươi bảy tuổi, vì vậy ông không có thời giờ để mở các khóa thiền cho đại chúng. Ông chỉ có thể dạy cho một số ít người. Vì hoàn cảnh này, ông đã có lời thề là chỉ dạy cho một ít người đã có trình độ ba la mật phát triển để "Tôi có thể trao hạt giống Giáo pháp cho họ để rồi họ đem đi gieo vãi khắp thế giới."
 
HỎI: Tại sao ông gọi lời giảng của ông là một "nghệ thuật sống"? Và bằng cách nào việc suy niệm có thể trở thành một dụng cụ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?
 
SNG: Toàn thể lời dạy của Ðức Phật là một nghệ thuật sống. Nếu người ta sống theo sìla, đạo đức, thì đó là một nghệ thuật sống. Nhưng sống một nếp sống đạo đức mà trong tâm trí vẫn còn nhiều phản ứng tiêu cực thì cũng khiến người ta không được hạnh phúc. Vì vậy việc kiểm soát và thanh luyện tâm trí — samàdhi và paññā — song song với sìla, sẽ làm cho người ta có một đời sống rất an bình và hòa hợp. Khi người ta sống một đời sống tiêu cực, người ta luôn luôn có sự căng thẳng nội tâm và vì vậy chỉ gây căng thẳng cho những người sống chung quanh. Nhưng khi người ta sống một đời sống an hòa, người ta cũng tạo ra sự bình an và hòa hợp cho những người khác nữa. Ðây là lí do tại sao Sayagyi thường gọi lời dạy của Ðức Phật là một nghệ thuật sống, một cách sống, một qui luật hành xử.
 
Trong đời sống của bản thân tôi trước khi gặp Sayagyi, tôi cảm thấy sự căng thẳng nội tâm quá ghê sợ khiến tôi luôn luôn sống trong khổ sở, và làm người khác cũng khổ sở. Nhưng khi đến với Ðạo, tôi cảm thấy được vơi nhẹ đi rất nhiều. Tôi bắt đầu sống khá hơn, và vì vậy cũng làm ích hơn cho những người khác trong gia đình, cho bạn bè của tôi, và cho xã hội. Cho nên, nếu một cá nhân tràn đầy những điều tiêu cực, thì cả xã hội phải chịu khổ. Nếu một cá nhân thay đổi để trở nên tốt hơn, cả xã hội được ích lợi.
 
HỎI: Nhiều sự kiện trong cuộc đời Sayagyi chứng minh sự dấn thân của ông cho công việc trong chính quyền. Ông có thể mô tả những cảm nghĩ của Sayagyi đối với sự dấn thân xã hội và những thái độ của ông ấy đối với công việc không?
 
SNG: Vâng, là một người gia trưởng, thì phải sống có trách nhiệm. Là một tu sĩ xuất gia thì không có trách nhiệm xã hội này, vì tất cả thời giờ được hiến cho việc suy niệm. Nhưng là một gia trưởng, một người sống ngoài đời, thì phải có trách nhiệm với xã hội. Vì là một công chức nhà nước, Sayagyi muốn thấy những người dưới quyền mình phải làm việc với sự ngay thẳng, kỉ luật, liêm khiết và hiệu quả trong công việc của họ, để có thể mang lại kết quả tốt. Sayagyi phục vụ cho xã hội bằng cách dành rất nhiều thời giờ của mình để cải thiện guồng máy hành chánh của đất nước.
 
HỎI: Suy niệm luôn luôn được coi là một sự rút lui khỏi xã hội. Vậy tại sao U Ba Khin lại nhấn mạnh khía cạnh xã hội của việc suy niệm như thế? Ðặc biệt, đối với các gia trưởng, ông có nghĩ rằng việc chúng ta dấn thân vào xã hội thay vì sống cách li xã hội có thể thực sự giúp thăng tiến việc suy niệm của chúng ta không?
 
SNG: Ðể có tâm hồn thanh tịnh và năng lực của Giáo pháp, bạn xa tránh những người khác để tập trung vào nội tâm mình. Nhưng rồi năng lực nội tâm ấy phải được sử dụng một cách ngoại hướng. Cũng giống như một người muốn nhảy xa. Người ấy phải bước lui ra đàng sau một chút để lấy đà rồi chạy tới và nhảy. Cũng vậy, bạn rút lui vào nội tâm bạn, lấy năng lực bạn cần, rồi nhảy xa vào trong xã hội để phục vụ xã hội. Hai điều này không thể tách rời nhau. Ðức Phật đã bỏ đời sống gia trưởng của Ngài trong sáu năm để đi tìm quả Phật, nhưng sau khi đắc quả, ngài đã dấn thân vào xã hội bốn mươi lăm năm, tức quãng đời còn lại của ngài, ngày và đêm. Cũng thế, bất cứ ai phát triển trong đời sống Giáo pháp đều không trốn tránh những trách nhiệm xã hội.
 
HỎI: U Ba Khin sử dụng Vipassàna để đối phó với nạn tham nhũng như thế nào?
 
SNG: Những đồng nghiệp và cấp dưới của Sayagyi dính líu vào các hành vi tham nhũng đều là do lòng tham. Khi người ta bắt đầu thực hành Thiền Quán, lòng tham bắt đầu tan biến dần. Vì vậy, những người này, sau khi bắt đầu suy niệm, đã phát triển được ý chí kiềm chế việc chiếm dụng tiền bạc của người khác một cách bất hợp pháp. Khi giảng dạy phương pháp suy niệm này cho các đồng nghiệp, U Ba Khin đi vào tận gốc rễ của vấn đề — lòng tham.
 
Không phải mọi người đều tham ô, nhưng nhiều người làm việc không hiệu quả. Vì tâm trí họ bị vẩn đục, họ không có khả năng làm những quyết định một cách mau lẹ và hiệu quả. Với Thiền Quán, loại bỏ mọi điều nhơ bẩn, tâm trí người ta trở nên trong sáng hơn, sắc bén hơn, có khả năng đi vào gốc rễ bất kì vấn đề nào và giải quyết một cách hiệu quả. Như thế tính hiệu quả của họ được gia tăng bằng cách này. Thiền Quán được sử dụng thực sự để loại trừ tham nhũng và gia tăng hiệu quả trong việc quản lí hành chánh. Một khía cạnh quan trọng của nhân cách Sayagyi từng nâng đỡ ông trong cố gắng này, đó là sự trung thành tuyệt đối của ông đối với sự thật, không nao núng trước bất kì sức ép hay cám dỗ nào.
 
HỎI: Tại sao U Ba Khin vẫn tiếp tục làm việc sau khi ông đã tới tuổi nghỉ hưu, thay vì dành thời giờ hoàn toàn cho việc giảng dạy?
 
SNG: Như chúng ta đã thấy, vì là một gia trưởng, ông phải mang nặng trách nhiệm của mình. Khi Myanma được độc lập, guồng máy hành chánh hoạt động rất kém hiệu quả và nhiều viên chức chính quyền rất kém ngay thẳng đạo đức. Gương sáng của bản thân ông là một cách minh chứng làm sao Thiền Quán có thể giúp ích cho guồng máy hành chánh. Nó có thể giúp ích cho cá nhân, nó cũng có thể giúp ích cho quần chúng, cho xã hội, chính quyền, quốc gia. Vì vậy tôi nghĩ ông đã có một quyết định rất đúng là làm hết sức mình, một mặt giảng dạy Thiền Quán, và mặt khác chứng minh bằng gương sáng thực tế của mình về những kết quả của phương pháp thiền này đối với xã hội.
HỎI: Ông có thể mô tả những sự kiện quan trọng và giàu ý nghĩa từ cuộc gặp gỡ lần đầu với U Ba Khin không?
 
SNG: Một người bạn của tôi biết tôi bị chứng đau nửa đầu mãn tính đã đề nghị tôi tham dự một khóa học thiền do U Ba Khin dạy. Khi tôi gặp thầy, tôi thấy một bầu khí hoàn toàn an bình và thầy tỏ ra rất vui khi tôi nói tôi đến để dự khóa học. Thầy gợi hứng cho tôi: "Anh là một người theo Ấn giáo và người lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo, vì vậy đừng ngại đến đây. Tôi sẽ không cải hóa anh theo một đạo nào khác đâu. Anh sẽ chỉ đón nhận một cách sống tốt hơn, và anh sẽ có một tâm hồn thanh thản."
 
Nhưng khi tôi nói tôi đến đây để bớt chứng đau nửa đầu, thì Sayagyi đã thẳng thắn nói: "Nếu vậy, tôi sẽ không nhận anh. Anh đánh giá Giáo pháp quá thấp. Giáo pháp không phải để làm chuyện này. Giáo pháp là để giải thoát anh ra khỏi sự đau khổ của các kiếp người. Vì anh bị đau khổ trong quá nhiều cái vòng trần tục này, và anh sẽ còn tiếp tục chịu đau khổ mãi nếu anh không học cách thoát ra khỏi nó. Dùng Thiền Quán để chữa trị sự đau đớn thể lí bình thường tức là hạ thấp giá trị của nó." Ðồng thời ngài âu yếm nói với tôi: "Mục đích của anh là thanh luyện tâm hồn. Vì vậy, mọi bệnh tật thuộc về thể lí và tâm lí sẽ tự nhiên được chữa khỏi như một hiệu quả phụ. Nhưng mục đích không phải là để chữa trị căn bệnh đặc biệt này. Bằng không anh sẽ chẳng được điều gì cả." Sự kiện này đã có một ảnh hưởng rất lớn trên tâm trí tôi.
 
HỎI: Qua kinh nghiệm của U Ba Khin và qua kinh nghiệm của cả hai ông bà (*) trong tư cách gia trưởng, ông bà có lời khuyên nào cho những ai đang sống trong xã hội để giúp họ sống cuộc đời họ một cách có ích nhất và sống hạnh phúc không?
(*) S.N. Goenka và vợ ông, Illaichidevi Goenka, 57 tuổi, đi theo ông khi ông giảng dạy.
 
SNG: Ðó chính là mục đích của Thiền Quán. Với những người xuất gia thì chỉ có việc tụng niệm ngày đêm cho tới khi họ đạt tới mức độ có thể giúp ích cho người khác. Nhưng người gia trưởng sống tại gia thì cũng phải suy niệm và sử dụng việc suy niệm này trong đời sống hằng ngày, để chu toàn các trách nhiệm của mình đối với những người trong gia đình của họ, cộng đồng của họ, xã hội và đất nước của họ. Bằng cách đó họ giúp ích cho người khác. Khi những người gia trưởng thực hành Thiền Quán, họ không được làm chỉ vì lợi ích riêng mình mà còn phải vì lợi ích của những người khác nữa.
 
Nguồn: Buddhanet.net    
Mời bạn đọc đón xem tiếp Chương Hai: Dẫn nhập vào thiền quán