Trang chủ PGVN Nhân vật Văn Tưởng niệm Cố Đại Lão Hoà thượng Thích Hiển Pháp

Văn Tưởng niệm Cố Đại Lão Hoà thượng Thích Hiển Pháp

652

Pháp Đã Hiển Như Vậy!

(Tưởng niệm Cố Đại Lão Hoà thượng Thích Hiển Pháp)

Những năm cuối thập niên 1980, tôi có thời gian được học với HT. Thích Hiển Tánh – Thiện An ở chùa Hạnh Nguyện, nhưng quá trình hành đạo thì được hầu cận HT. Thích Hiển Pháp nhiều hơn, rồi sau đó, được Ngài nâng đỡ, dìu dắt nhiều hơn.

HT. Hiển Tánh dạy tôi kinh Bốn Mươi Hai Chương, kinh Di Giáo và Qui Sơn Cảnh Sách bằng chữ Hán. “Chương trình đào tạo” chỉ có một thầy một trò. Có những lúc thầy dạy trò học rất chuyên sâu, cũng có những khi thầy trò chỉ ngồi chơi, kể chuyện kim cổ đông tây cả buổi rất thân thương. Có lần, Ngài nhắc đến hai huynh đệ đồng sư của Ngài là HT. Hiển Pháp và HT. Hiển Tu. Lúc ngài làm Đốc giáo Phật học đường Lục Hoà thì HT. Hiển Pháp là Trưởng Giảng sư đoàn của Sài Gòn – Gia Định và Lục tỉnh. Tôi chỉ nghe loáng thoáng và biết vậy chứ cũng chưa ấn tượng lắm, vì chưa được gặp quý Ngài.

Một lần, HT. Thiện Xuân bảo: “Con chuẩn bị đi Long Thạnh với thầy”, trong khi HT. Hiển Tánh thì đã mặc áo tràng và ngồi tại bàn đá dưới tán cây mận – đó là “lớp học”, nơi tôi mỗi ngày ngồi học. Một lát sau thì HT. Hiển Pháp đến, sau đó cùng nhau đi thăm HT. Bửu Ý. Đây là lần đầu tiên tôi được hội kiến HT. Thích Hiển Pháp. Trên xe, tôi chỉ biết ngồi nép mình, im thin thít và lắng nghe các ngài trò chuyện.

Đầu năm 1989, Trường Cơ bản Phật học (nay là Trung cấp Phật học) khai giảng tại Vĩnh Nghiêm. Tôi vội vả đến trường xin hồ sơ dự học; hồ sơ yêu cầu phải có giới thiệu của Giáo hội địa phương. Thật khó khăn, tôi trình tâm nguyện lên HT. Hiển Tánh, Ngài cười nhẹ, chỉ nói một câu: “Con qua Pháp Hải thưa Thầy Hiển Pháp giúp cho”.

Pháp Hải là một ngôi chùa nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận 6. Bước vào chùa, tôi không nhìn thấy ai, nhưng trên căn gác gỗ, nhìn thấy tôi, HT. Hiển Pháp nhẹ nhàng bước xuống và chủ động hỏi: “Thầy TC đó à”. Tôi cảm động quá, chỉ mới một lần gặp mà Ngài nhớ tên mình. Với chiếc áo trắng cổ giữa và quần nâu bình dị, trông Ngài thân thiện, gần gũi làm sao. Tôi trình đơn xin nhập học và bày tỏ tâm nguyện. Cầm đơn của tôi, không hỏi han gì về nhân thân, học vấn, Ngài chỉ thăm hỏi hoà thượng Bổn sư tôi và tình hình Phật giáo Gia Lai – Kon Tum. Được khoảng 20 phút trò chuyện, Ngài bảo mai đến chùa Xá Lợi nhận hồ sơ (lúc bấy giờ Văn phòng II Giáo hội đặt ở chùa Xá Lợi). Hôm sau tôi đến, hồ sơ được nhận từ chính tay Ngài mà không phải bất cứ một nhân viên nào khác. Giấy giới thiệu ghi “Tăng sinh thuộc diện ưu tiên, do tỉnh hội chưa được thành lập nên Trung ương Giáo hội giới thiệu đến Ban Giám hiệu trường”. Chưa hết, Ngài còn nói thêm: “Thầy cũng đã nói miệng với Thượng tọa Phó hiệu trưởng Thích Thiện Nhơn rồi, yên tâm học hành nhé”. Cầm văn bản trên tay, tôi cảm động rơi nước mắt. Nhưng, “được voi đòi tiên”, tôi bạch: “Con muốn được nội trú tại trường, xin Thượng tọa giới thiệu giúp con”. Ngài nói: “Vĩnh Nghiêm chỉ có mấy chục tăng – ni sinh Cao cấp Phật học ở miền Bắc vào nội trú, chứ không có nhận tăng sinh học Cơ bản, nhưng thầy sẽ giới thiệu, nếu được thì được”. Cầm giấy giới thiệu đến trường, được trường chấp thuận nhập học; qua Hòa thượng Vĩnh Nghiêm thì được Hoà thượng chấp thuận nhập chúng; lòng tôi trào dâng cảm xúc mừng vui cùng tột. Được nâng đỡ việc học, được gửi gắm, chăm lo chỗ tu, Ngài như một vị thầy chăm lo cho một đệ tử duy nhất; ngẫm mình sao phước báu quá, hạnh phúc quá!

Những năm tháng ở Vĩnh Nghiêm, cứ một, hai tuần có khi vài ngày là tôi đến thăm Ngài. Một học tăng trẻ được ngồi với Thượng tọa Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội đã là một diễm phúc, vậy mà mỗi khi trò chuyện, Ngài toàn chia sẻ những Phật sự tối trọng như việc thành lập các Ban Trị sự các tỉnh; thành lập các trường Phật học; đẩy mạnh quan hệ quốc tế với tổ chức Phật giáo Châu Á Vì Hoà Bình – ABCP, Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam .. . cùng với biết bao Phật sự khác. Kèm theo những câu chuyện kể là tiếng cười với thuận sự và thoáng chút ưu tư bởi những nghịch duyên. Giờ ngẫm lại mới hiểu, đó là những “hạt giống phụng sự” mà Ngài đã ươm mầm, giúp tôi mỗi ngày nuôi lớn tâm bồ đề và trưởng dưỡng tinh thần phụng đạo. Trong những buổi hầu chuyện với Ngài, đôi khi có những bậc tôn túc hay chính khách đến thăm, tôi xin thoái thác thì luôn được ngài mở lời: “TC ngồi uống trà chơi, trong nhà cả mà”. Ngài luôn xem tôi như một đệ tử, một trợ lý thân tín của Ngài.

Khoảng năm 1992 -93, thời điểm Trung ương Giáo hội tiếp nhận cơ sở 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi nhận được thư tay của  Hoà thượng, mở ra thì thấy Ngài gửi cho tôi và Thầy Giác Dũng, nội dung: “Hai thầy hoan hỷ qua Văn phòng II vào sáng nay để tôi trao đổi một vài Phật sự”. Thầy Giác Dũng vắng mặt, tôi một mình qua, Hoà thượng bảo “Cơ sở này mới vừa tiếp nhận, Giáo hội đề nghị mấy thầy sang lưu trú, trông coi ở đây một thời gian cho đến khi Giáo hội dời Văn phòng về”. Mấy hôm sau thì chúng tôi nhận được quyết định của HT. Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự công cử chúng tôi về trông coi, quản lý tạm thiền viện Quảng Đức. Đây là thời điểm tôi về ở 294 suốt hơn sáu tháng. Mặc dù chính quyền thành phố đã giao cơ sở cho Giáo hội nhưng vẫn còn sáu hộ gia đình chưa chịu đi. Họ luôn gây khó khăn cho người trông coi và dường như muốn hủy hoại hơn là bảo quản công sản hiện hữu. Thời điểm này tôi gần như gặp Hoà thượng mỗi chiều để báo cáo công việc.

Thế rồi, sau ngày ra trường, tôi được Hòa thượng phân công làm cán bộ Văn phòng II Trung ương Giáo hội, rồi Ủy viên Ban Phật giáo quốc tế Trung ương. Đây là cơ hội để tôi được học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tôn đức, chập chững bước trên con đường hành đạo. Tôi còn nhớ, những năm cuối nhiệm kỳ 04 của Giáo hội, Văn phòng Trung ương công cử các đoàn hoằng pháp đi thăm, thuyết giảng các Trường hạ cả nước, tôi vinh dự có hai lần được phân công làm thư ký đoàn hoằng pháp Trung ương do Ngài làm trưởng đoàn, cùng sự có mặt của HT. Thiện Nhơn, HT. Thiện Trí, HT. Đạt Đạo, TT. Thiện Thống, TT. Thiện Nghĩa, TT. Phước Nguyên …  Năm 2000 đi các tỉnh Tây Nguyên và 2001 đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trên chuyến xe, những câu chuyện hùng bi được ngài kể lại như thời kỳ chấn hưng Phật giáo, thời kỳ bảo vệ Phật giáo 1963 rồi thời kỳ Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước; những câu chuyện dí dỏm cũng được ngài mang ra … chiêu đãi, cả xe nhờ vậy có được những trận cười quên cả đường xa.

Năm cuối thế kỷ 20, Bổn sư tôi viên tịch, Ngài là nguồn động viên, an ủi lớn nhất của tôi lúc bấy giờ. Vượt mấy trăm km đường bộ, ngài ngồi xe ra dự tang lễ, rồi Chung thất, rồi Tiểu tường… Mỗi lần như vậy Ngài đều có mặt rất sớm. Mỗi cuộc lễ diễn ra, với mọi người Ngài là vị chứng minh tối cao, nhưng ít ai biết Ngài còn là người chỉ đạo về cả nội dung và phương thức các buổi lễ. Trong bối cảnh tình hình Phật giáo Gia Lai gập ghềnh, quanh co như … địa hình phố núi. Nhất cử nhất động tôi đều xin ý kiến và thực hiện theo chỉ đạo của Ngài. Đạo tình của ngài đã khiến không ít người nhận định “Hòa thượng thương thầy TC quá nhỉ !”. Điều đó không sai, nhưng còn điều quan trọng hơn là, Ngài quan tâm đến tình hình Phật giáo khu vực cao nguyên – mối tương tác tổng hòa Phật giáo cả nước.

Khánh An khi tôi mới về, ngôi chùa trông chẳng khác một … lán trại; Ngài là bậc tôn trưởng đã đến thăm, động viên từ những ngày đầu. Tôi nhớ hôm sáng mùng hai tết năm canh thìn – 2000, trong lúc ngồi uống trà tiếp chuyện với anh Thanh Chương, phóng viên báo Giác Ngộ, thì anh Thiện Trực – tài xế của Hoà thượng – gọi điện: “Thầy TC ơi, vài phút nữa là “Bố” tới Khánh An đấy nhé”. Tôi ngạc nhiên hỏi “Có thật không anh”. “Xe đi tới Gò Vấp rồi thầy ạ” – anh Trực nói.  Khoảng 10 phút sau thì Hòa thượng có mặt, tôi cung đón ngài mà lòng ngập tràn mừng vui. Sau khi đảnh lễ khánh thọ, Ngài ban mấy lời chúc phúc rồi trao cho bao lì xì, tôi nhận trong niềm hạnh phúc vô bờ, môi nở nụ cười mà mắt sao nhoà lệ. Uống xong chun trà, Ngài chủ động nắm lấy tay tôi đi dạo vườn. Thầy trò vừa đi vừa nói chuyện. Nắng sớm, bóng Ngài trùm lấy thân tôi như che chắn những mưa nắng đời. Rồi lễ giỗ Bổn sư tôi, ngài quang lâm ban đạo từ, rồi lễ bổ nhiệm ngài đến trao quyết định.

Kể từ vào ngôi Phó Pháp chủ, có lẽ sức khỏe bì quyện, ngài ít đến Văn phòng Giáo hội và cũng ít đi đâu.

Xuân 2018, tôi về Hưng Phước đảnh lễ khánh thọ Ngài. Vẫn chiếc áo cổ giữa và quần nâu dung dị ngày nào, tôi bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh của 30 năm trước; trên căn gác gỗ ngày xưa, một cao tăng đạo phong trác thế đón vị tăng trẻ tìm đến. Giờ là một lão tăng tiều tụy ngồi an nhiên trên chiếc ghế gỗ chờ học trò nhỏ quay về. Tôi sụp lạy rồi ngước mắt lên ngắm Ngài, chỉ quì ngắm Ngài thôi! Một cái tết đặc biệt mà trò quì dưới chân Thầy thật lâu, thật lâu không nói gì. Bờ vai tôi, một cánh tay già nua, yếu ớt đặt lên, giọt nước mắt người học trò rơi xuống. . .

Chiều 15/11/2018, tôi đang ở Khánh An II – Đồng Nai, thầy Thiện Chơn gọi: “Thầy TC ơi, Cụ mình đã yếu lắm rồi, thầy về nhé!”. Hôm sau tôi về Hưng Phước, chưa vào đến cổng thì hỡi ơi, cờ phướn ngay hàng, băng rôn thẳng lối mang dòng chữ … Tang Lễ …

Trước tam quan là một màn ảnh rộng hiện rõ tôn dung ngài. Trong đầu tôi khởi lên “Pháp đã Hiển như vậy!”.

Đi thẳng lên lầu, ngôi thiền thất ấm áp hôm nào nay sao lạnh lẽo quá, Ngài nằm đó bất động. Những chiếc áo vàng, áo lam ngồi quanh ngài với tiếng niệm Phật ngân nga. Tôi sụp xuống lạy Ngài, lòng nấc lên hai tiếng “Thầy ơi!”. . .

Lễ Hạ Nguyên, Mậu tuất – 2018

THÍCH TRÍ CHƠN

Xin giới thiệu một số hình ảnh của TT. Thích Trí Trơn bên cố Đại lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp:

Chụp ảnh lưu niệm cùng Hoà thượng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc 1997

Chụp ảnh lưu niệm cùng Hoà thượng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo TP.HCM 1997

Thầy Trí Chơn làm Thư ký đoàn Hoằng Pháp Trung ương năm 2.000 do Hoà thượng Thích Hiển Pháp làm Trưởng đoàn 

Đoàn Trung ương Giáo hội chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum, năm 2.000 

Đoàn Trung ương Giáo hội hoằng pháp các tỉnh Cao nguyên năm 2.000 – Ảnh nghỉ chân tại địa phận tỉnh Đắk Nông 

Từ phải qua: HT. Giác Toàn, HT. Trí Tâm, HT. Hiển Pháp, HT. Thiện Nhơn dự giỗ cố HT. Giác Đạo tại chùa Minh Thành năm 2001.

Hòa thượng Trao Quyết định bổ nhiệm Trụ trì Tu viện Khánh An – 2001

Hòa thượng đến thăm Tu viện Khánh An mùng hai tết Canh Thìn – 2.000

Khánh tuế Hoà thượng xuân Mậu tuất – 2018 

Bút tích của Hòa thượng Thích Hiển Pháp