Một bệnh nhân muốn bình phục thì phải biết tự chăm sóc lấy mình, biết tìm đến một vị bác sĩ để khám bệnh, vị bác sĩ sau khi chẩn mạch và khám phá ra nguyên nhân căn bệnh sẽ biên toa để chữa chạy cho người bệnh.
Trên đây cũng là ý nghĩa của "Bốn sự thực cao quý" (Tứ diệu đế) mà Đức Phật đã thuyết giảng cho các môn đệ đầu tiên của Ngài ở vườn Lộc Uyển (Sarnath). Bốn sự thực ấy là : sự thực về khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau.
Khổ đau (tiếng Phạn : duhkha) không phải chỉ giản dị có nghĩa là những khổ đau thuộc thân xác hay tinh thần, mà khổ đau còn bao hàm cả những thể dạng bất toại nguyện và những cảm tính bất an mà tất cả chúng ta đều cảm thấy trong cuộc sống của mình.
Nói một cách vắn tắt hơn thì đấy là sự bất toại nguyện của sự hiện hữu.
Phật giáo định nghĩa như thế nào về các loại khổ đau đáng quan tâm hơn hết ? Trước nhất là khổ đau của khổ đau, bao gồm tất cả những thứ khổ đau hiển nhiên như sự sinh, bệnh tật, già nua và cái chết, kể cả những khổ đau khi phải nhận lĩnh những gì mà ta không mong muốn.
Sau đó là khổ đau của sự đổi thay, đấy là những thứ khổ đau phát sinh từ thái độ không chịu chấp nhận hiện tượng vô thường. Đó là thứ khổ đau khi ta phải xa lìa một người hay những người nào đó mà ta yêu quý, hoặc là khổ đau khi ta không đạt được những gì mà ta mong muốn. Tóm lại đấy là loại " khổ đau đang được hình thành" (có nghĩa đi kèm theo sự sống), bắt nguồn từ tình trạng bất toại nguyện về sự hiện hữu và từ thái độ bám víu của ta vào một "cái tôi" : ngay cả trong trường hợp mà mọi sự có vẻ như suông sẻ thì khổ đau vẫn cứ tiềm ẩn một cách kín đáo ở bên trong.
Thật vậy, Đức Phật đã vạch ra cho chúng ta thấy rằng nguyên nhân làm phát sinh ra khổ đau chính là sự "thèm khát", có nghĩa là sự khát khao ước mong được hiện hữu, được hưởng mọi thứ lạc thú do các giác quan mang lại, hoặc ngược lại khi mà mọi sự không còn trôi chảy nữa thì lại mong muốn loại bỏ những gì làm phát sinh ra sự trói buộc (karma) (nghiệp).
Sự "thèm khát" là hậu quả phát sinh từ sự tin tưởng vào một "cái tôi", nhưng "cái tôi" ấy trên thực tế lại chỉ là một thứ ảo giác phát sinh từ vô minh mà thôi. Dầu sao thì ta vẫn có thể làm cho khổ đau phải chấm dứt bằng cách từ bỏ mọi sự "thèm khát", có nghĩa là tháo gỡ được mọi sự chi phối của "cái tôi".
Nếu không có nguyên nhân thì cũng sẽ không có hậu quả, không có hậu quả cũng có nghĩa là không còn khổ đau : và đấy cũng chính là thể dạng của niết bàn (nirvana). Muốn đạt được niết bàn thì phải dựa vào Bát chính đạo (tiếng Phạn : Aryastangikamarga), tức là tám điểm chính yếu (hiểu biết đúng, ý định đúng, ngôn từ đúng, hành vi đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng, tập trung tâm thức đúng).
Theo kinh sách thì tám điểm chính yếu trên đây được gom chung vào ba phép tu tập giúp mang lại sự Giác ngộ.
Ba phép tu tập ấy là : giữ gìn đạo đức, tạo ra sự tĩnh tâm nhờ vào thiền định và sau hết là trí tuệ.
Hướng vào đạo đức có nghĩa là giữ cho lời nói và hành động được đúng đắn, sinh sống bằng những phương tiện ngay thẳng, không gây ra thiệt hại cho người khác.
Thiền định là cách cố gắng đúng, chú tâm đúng và tập trung tâm thức đúng để làm lắng xuống mọi dao động tâm thần, loại bỏ mọi xúc cảm hoang mang để có thể quán thấy được hiện thực một cách trong sáng trong mục đích mang lại trí tuệ.
Trí tuệ thì có nghĩa là sự cảm nhận đúng và sự suy nghĩ đúng, dùng làm chìa khóa để mở ra cánh cửa của Giác ngộ và mang lại sự Giải thoát.
Đức Phật không hề phủ nhận các thể dạng hạnh phúc tương đối, mà Ngài bảo đấy chỉ là những thứ hạnh phúc rất mong manh. Cái hạnh phúc thật sự mà Ngài mong muốn chúng ta phải nhìn thấy chính là cái hạnh phúc lâu bền của niết bàn, một thứ hạnh phúc "phi điều kiện" (có nghĩa là vượt lên trên mọi điều kiện, không lệ thuộc vào một thứ điều kiện nào cả, tức là đạt được một sự tư do đích thực).
Hoang Phong (dịch)