Chùa Sùng Ân có 100 vị Tăng tu học, thầy hương đăng Ngọc Lâm tu ở chùa tròn 6 năm, được sư phụ thương, huynh đệ kính trọng, có tính cách cẩn thận, chu đáo, siêng năng, được xem là một khuôn mẫu của người tu. Trái với tính cách của Ngọc Lâm, sư huynh Ngọc Lam, một người có bề ngoài đơn giản, xuề xòa, bị mọi người coi là người hời hợt, giải đãi, đụng đâu ngủ đó, trong huynh đệ không mấy được tôn kính. Một mẫu người của “Tế Điên Hòa thượng”, thế nhưng khi Ngọc Lâm “gặp nạn”, Ngọc Lam là người thể hiện sự hiểu biết Phật pháp và áp dụng sâu sắc trong tu học đã hóa giải các vấn đề rắc rối của Ngọc Lâm. Chính nhờ sự hiểu biết của sư huynh, Ngọc Lâm hiểu thấu đạo lý và dẫn dắt tiểu thư Thiên Kim thoát khỏi mê cung của tình yêu và đi đến phát tâm xuất gia. Nghi án giết người được giải kết cũng nhờ vào sự thông minh sắc sảo, hiểu biết của Ngọc Lam. Ngọc Lâm nhờ đó thoát án tử, thoát ra khỏi vòng tục lụy, cắt đứt dây mê
Tính cách nhân vật được thể hiện ngày càng rõ nét xung quanh câu chuyện tình yêu của Ngọc Lâm – Thiên Kim và các giềng mối của quan hệ thầy trò, huynh đệ, xã hội. Dù là nhân vật chính hay phụ, các diễn viên mà đa số là diễn viên trẻ đã thể hiện rất thành công, lột tả được cuộc sống nơi cửa thiền. Diễn viên Chiêu Linh cho biết: “Vì có gương mặt khá phù hợp, hiền từ nên được nhiều đạo diễn chọn đóng vai Phật Thích Ca, lần này đạo diễn Nguyên Đạt chọn đóng vai Ngọc Lâm, vai nhà sư điềm tĩnh và lâm vào nhiều rắc rối của cuộc đời. Khi nhận vai, bằng cái tâm yêu nghệ thuật và đạo Phật, tôi cố gắng diễn và làm tốt vai này, đặc biệt đây là vở tuồng để gây quỹ từ thiện giúp đồng bào nghèo nạn nhân bão số 6”. Diễn khá tròn vai còn có Tâm Tâm, trong vai cô tiểu thư xinh đẹp, có một tình yêu dữ dội với Ngọc Lâm, nhưng cuối cùng ngộ đạo. Đặc biệt trong chiếc áo lam của một Ni cô, Tâm Tâm đã thể hiện được nét đẹp bộc lộ ở sự điềm tĩnh và lòng tín tâm.
Khánh Tuấn, một diễn viên chuyên đóng vai hiểm ác, ngông cuồng ở sân khấu cải lương lần này lại được giao cho một vai hoàn toàn khác. Thể hiện khá hoàn chỉnh vai một nhà sư hiền lành có vẻ bề ngoài rất vụng về, xuề xòa nhưng bên trong là một nhà sư hiểu biết Phật pháp và tu mật hạnh. Khánh Tuấn cho biết: “Ngọc Lam (vai một nhà sư), nhân vật mà tôi chưa hề đóng trước đó. Một vai diễn khá ấn tượng, tính cách cũng như bề ngoài rất khó thể hiện. Để diễn được vai này, tôi cùng với anh em trong đoàn tập rất kỹ, tìm hiểu giáo lý Phật giáo, cuộc sống sinh hoạt ở chùa, xem phim… để diễn thật tròn vai của mình”. Diễn viên Hữu Tài khi thể hiện vai trụ trì chùa Sùng Ân, dù đất diễn ít nhưng đã thể hiện tốt vai diễn. Hữu Tài cho biết: “Vai diễn là một Hòa thượng trụ trì nhân hậu, hiểu biết và mẫu mực, có trách nhiệm đem đến lời dạy bảo, lời khuyên đúng mực cho đệ tử. Tôi đã từng đóng qua khoảng 5 lần vai Hòa thượng nên lần này với nhân vật trụ trì, tôi cũng không gặp khó khăn gì”.
Thể hiện tính cách nhân vật, một nét suy tư, cử chỉ, đi đứng của một nhà sư quả là rất khó nhưng diễn viên đã tạo được ấn tượng tốt với Hội đồng Nghệ thuật tại buổi diễn phúc khảo, trừ một vài chi tiết để vở diễn tròn trĩnh hơn, bớt hợp lý hơn. Đạo diễn Nguyên Đạt khi được mời đạo diễn cho vở cải lương “Thoát vòng tục lụy” (TVTL) đã nói: “Trước hết, tôi cùng với diễn viên làm công việc là hướng về đạo Phật, đây là vở nói về đạo đức, lối sống cũng như nét đẹp của giáo lý Phật giáo trong đời sống, nên đòi hỏi diễn viên phải nghiên cứu kỹ vai diễn và đạo diễn cũng cần để ý lời thoại, ca diễn phải đúng mực, đúng với tinh thần giáo lý Phật giáo. Tôi rất chú ý đến tổng thể của vở làm sao khi đưa lên sân khấu, người xem – nhất là khán giả Phật giáo – cảm thấy gần gũi, yêu thích nhân vật, thích thú với cốt truyện đó và cảm tình với Phật giáo hơn”. Đạo diễn có nghề và bản thân là một Phật tử cộng với diễn viên rất nhiệt tình, có tìm tòi đã thể hiện được sự xuyên suốt có tính mạch lạc và hợp lý trong từng lớp diễn. Vì thế, TVTL đã lột tả được bản chất của sự giác ngộ, không thể dựa vào hình tướng bên ngoài, cử chỉ hay lời nói. Giác ngộ là tâm. TVTL đã dẫn dắt người xem đến với chân lý của sự giác ngộ, giải thoát: con đường đến với đạo có muôn cách, muôn ngàn lối nhưng dù đến bằng con đường nào đi nữa thì cứu cánh vẫn là đạt đến giải thoát và giác ngộ.
Vở cải lương TVTL được trưởng đoàn Ngọc Ẩn phóng tác, với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ: Tâm Tâm, Lê Hồng Thắm, Bích Thủy, Chiêu Linh, Khánh Tuấn, Hữu Tài, Thanh Phong, Hữu Sơn, Hoàng Quốc Thanh, Hiếu Liên… sẽ biểu diễn tại rạp Hưng Đạo (quận 1) để gây quỹ cứu trợ đồng bào nghèo bị ảnh hưởng bão ở các tỉnh miền Trung. Chương trình được sự kết hợp của Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hồng Lạc Xuân (Đoàn cải lương Thanh Nga), Báo Giác Ngô tổ chức thực hiện, chùa Như Thị Thất tài trợ. Vở TVTT được diễn tại rạp Hưng Đạo vào lúc 19g30 ngày 9 và 10-11-2006. Giá vé ủng hộ 50.000 đồng, bán tại Báo Giác Ngộ và rạp Hưng Đạo.