Trang chủ PGVN GHPGVN Trẻ hóa lãnh đạo Giáo hội là mục tiêu hàng đầu của...

Trẻ hóa lãnh đạo Giáo hội là mục tiêu hàng đầu của GHPGVN

64

Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam luôn gắn liền và hòa quyện nhau như hình với bóng. Cũng như lòng mong muốn thống nhất đất nước của toàn dân tộc, tín đồ Phật giáo luôn có ý thức thống nhất Phật giáo từ những thập niên 50. Lúc bấy giờ các tổ chức giáo hội, hệ phái trong cả nước rất muốn cùng bắt tay nhau đưa Phật giáo thành một mối liên kết có hệ thống. Nhưng đến năm 1954 đất nước bị chia cắt bởi đế quốc xâm lược dẫn đến mọi sinh hoạt của Phật giáo bị biệt lập nên tâm nguyện thống nhất PGVN chưa được thực hiện trọn vẹn. Tuy nhiên, sự khao khát thống nhất PGVN vẫn hun đúc trong tâm khảm của chư vị tôn túc lãnh đạo các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo của hai miền Nam-Bắc. Vào thời kỳ trước giải phóng, trong những lần đi dự hội nghị Phật giáo quốc tế, Phật giáo hai miền Nam-Bắc mới có dịp gặp nhau và cùng trao đổi về vấn đề thống nhất PGVN. Cũng như trong Đại hội kỳ VI của GHPGVN Thống nhất, HT.Thích Đôn Hậu (đại diện phía Nam) có trao đổi với HT.Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội PGTNVN tại miền Bắc, về tình hình Phật giáo của hai miền Nam-Bắc, đồng thời thỉnh HT. Trí Độ vào thăm Phật giáo miền Nam. Mùa Thu năm 1979, đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm Phật giáo miền Bắc, tôi hân hạnh được tháp tùng trong phái đoàn GHPGVNTN, và đã có đề cập đến vấn đề thống nhất PGVN được quý Hòa thượng lãnh đạo các tổ chức giáo hội, hệ phái hoan hỷ tán thành.


Qua quá trình vận động thống nhất PGVN, cũng như qua ba lần hội nghị, lúc bấy giờ Ban Vận động Thống nhất PGVN đã tiến hành thăm hỏi và thu thập ý kiến của 9 hệ phái Phật giáo để kiện toàn tiến trình thống nhất Phật giáo và thành lập GHPGVN, diễn ra vào ngày 4 đến 7-11-1981. Sự kiện lịch sử này khiến cho chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong cả nước phấn khởi vui mừng vô hạn, đã đáp ứng nguyện vọng và lòng khát khao thống nhất PGVN của chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức giáo hội, hệ phái…


Trong kỳ Đại hội đại biểu GHPGVN lần I, chư tôn giáo phẩm ở miền Bắc rất hoan hỷ về việc đề cử các vị Tăng Ni trẻ ở phía Nam vào bộ máy lãnh đạo GHPGVN, trong đó GHPGVN Thống nhất đã giữ 6 ban ngành quan trọng trong HĐTS: HT.Thích Trí Thủ làm Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Trí Tịnh, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tăng sự; TT.Thích Minh Châu, Tổng Thư ký HĐTS; TT.Thích Thiện Siêu, Trưởng ban GDTN; Cư sĩ Võ Đình Cường, Trưởng ban Văn hóa và tôi được cử làm Trưởng ban Hoằng pháp… Chư tôn Hòa thượng lãnh đạo các hệ phái đứng vào hàng chứng minh. Điều này nói lên tinh thần trẻ hóa lãnh đạo của GHPGVN từ khi mới thành lập, đây cũng là một bước ngoặt tiến bộ trong bộ máy tổ chức GHPGVN.


Một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển của GHPGVN, một chặng đường còn quá ngắn so với quá trình du nhập của Phật giáo Việt Nam nhưng lại là một dấu ấn mang tính lịch sử đối với Giáo hội. Từ khi thành lập GHPGVN, trong 10 năm đầu Giáo hội tiến hành việc thống kê Tăng Ni và tự viện trong cả nước nhằm đưa vào nề nếp sinh hoạt Tăng già. Tổ chức thành lập các Ban Trị sự tỉnh, thành hội, Ban Đại diện các quận, huyện, thị… Kế tiếp, lập kế hoạch 10 năm về công tác đào tạo và giáo dục Tăng Ni, cử Tăng Ni du học tại các trường đại học Phật giáo ở các nước trên thế giới. Thành tựu đáng chú ý nhất trong công tác giáo dục Tăng Ni là đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo. Hiện nay trên cả nước có 3 trường đào tạo cử nhân Phật học, 30 trường Trung cấp Phật học và các lớp cao đẳng, sơ cấp khác. Với hơn 140 Tăng Ni có học vị tiến sĩ, gần 200 Tăng Ni sinh đang du học đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ các ngành Phật học và triết học… Về công tác hoằng pháp, trong 25 năm qua, được sự chỉ đạo của TƯGH, cũng như sự nỗ lực của toàn Ban, đã và đang đưa ngành hoằng pháp ngày càng vững mạnh. Ban Hoằng pháp liên tục mở các khóa đào tạo ngắn ngày và đào tạo chính quy cho các vị giảng sư trên khắp mọi miền đất nước. Cử giảng sư đến tham học và giảng dạy tại các nước trên thế giới, thành lập các đoàn giảng sư từ Trung ương đến địa phương nhằm tiến đến mục tiêu hoằng pháp hóa xã hội.


Về lĩnh vực đối ngoại, có thể nói hoạt động Phật giáo quốc tế của GHPGVN đang được mở rộng và có phần chủ động hơn. Gần đây nhất, GHPGVN đã đăng cai tổ chức Hội thảo Phật giáo quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Thường xuyên đón tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm hữu nghị Phật giáo Việt Nam, cũng như GHPGVN được Phật giáo quốc tế mời tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo Phật giáo quốc tế tại châu Âu và các nước Đông Nam Á. Một phần lớn thành tựu trong tiến trình hội nhập vào phát triển GHPGVN là nhờ công lao và sự học hỏi của các thế hệ Tăng Ni trẻ. Trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo quốc tế lần thứ nhất tại Hàng Châu – Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo quốc tế lần thứ VI tại Bangkok – Thái Lan, tôi được GHPGVN giao trách nhiệm lãnh đạo phái đoàn PGVN tham dự Hội nghị, đi cùng chúng tôi có các vị Tăng Ni trẻ rất am hiểu về Phật giáo quốc tế cũng như trình độ ngoại ngữ rất lưu loát, tạo một không khí khá sôi nổi, một sức sống rất trẻ trung và năng động. Tôi tin chắc rằng trong tương lai, GHPGVN nói chung sẽ và mãi có một đội ngũ kế thừa rất xứng đáng và đủ bản lĩnh để đưa Phật giáo ngày càng phát triển và vững mạnh…