Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Giá trị về văn hóa của triết học PG thời Lý và...

Giá trị về văn hóa của triết học PG thời Lý và ý nghĩa lịch sử

194

Tư tưởng, triết lý ra đời từ mấy nghìn năm trước đó đến nay vẫn còn có ảnh hưởng sâu rộng ở các dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Phật giáo là một trào lưu triết học tôn giáo xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ VI trước công nguyên, ở miền Bắc Ấn Độ, phía Nam dãy Himalaya, vùng biên giới giữa Ấn Độ và Nêpan bây giờ.

Phật giáo được ra đời trong làn sóng phản đối sự ngự trị của đạo Bàlamôn và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội khắc nghiệt, có thể nói rằng, ngay từ lúc mới ra đời, đạo Phật với triết lý đạo đức nhân sinh sâu sắc đã trở thành một trong những ngọn cờ trong phong trào đòi tự do tư tưởng và bình đẳng xã hội Ấn Độ đương thời.

Quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam được chia làm 3 thời kỳ chính: Thời kỳ từ đầu công nguyên; Thời kỳ độc lập tự chủ (938) qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều nguyễn; Thời kỳ Pháp thuộc và sau 1954.

Ở thời kỳ đầu công nguyên: Phật giáo được xác định là du nhập vào nước ta thế kỷ II-SCN bằng đường biển và đường bộ từ Ấn Độ và Trung Quốc tại Giao Chỉ và Chăm Pa; Trước nhà Đường xuất hiện dòng thiền đầu tiên là Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi (do ngài Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi người Ấn Độ sáng lập) ở nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, với tư tưởng thiền là “Tức tâm tức phật”; Thời nhà Đường xuất hiện dòng thiền thứ hai là Vô Ngôn Thông (do ngài Vô Ngôn Thông người Trung Quốc sáng lập), Với tư tưởng “Tức tâm tức phật” và có bổ sung phần y báo đức Phật trong tâm. Điểm nổi bật của dòng thiền này là sự xuất hiện hình thức Cư sĩ-Thiền sư.

Ở thời kỳ độc lập tự chủ, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn: Nhà Đinh và Tiền Lê đã đưa Phật giáo lên thành quốc giáo với chức tăng thống và thiền sư có vai trò cố vấn cho các nhà vua; Thời nhà Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, là quốc đạo và xuất hiện dòng thiền thứ ba là Thảo Đường (do ngài Thảo Đường người Trung Quốc sáng lập).

Điểm nổi bật của dòng thiền này là vai trò của giới cư sĩ được khẳng định một cách chính thức. Giai đoạn này có sự hiện diện của cả 3 dòng thiền và Phật giáo có xu hướng nhập thế mạnh mẽ; Nhà Trần là triều đại của Phật giáo với vai trò nổi bật của Trần Nhân Tông-Người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tư tưởng của dòng thiền này là phát triển đỉnh cao quan niêm “Tức tâm tức phật”; Thời Hậu Lê Phật giáo chính thức bước vào thời kỳ suy thoái với nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là do Hồ Quý Ly ra sức phát triển Nho giáo vào cuối thế kỷ XIV và nhà Minh xâm lược Đại Việt vào đầu thế kỷ XV; Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì nước ta chia cắt thành xứ đàng trong (vua Lê-chúa Trịnh) và đàng ngoài (chúa Nguyễn).

Xứ đàng trong Phật giáo phát triển mạnh trên cơ sở một nền học lý mới nhờ vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu (được ví là Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử Phật giáo), nền học lý mới đó là dòng Tào Động, dòng Lâm Tế. Xứ đàng ngoài ảnh hưởng mạnh mẽ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Khi Gia Long lên ngôi vào đầu thế kỷ XVIII, xã hội Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng tư tưởng trầm trọng, đất nước rơi vào họa ngoại xâm, phật tử và nhân dân tự đứng dậy khởi nghĩa.

Ở thời kỳ Pháp thuộc và sau năm 1954: Thời Pháp thuộc, Thiên Chúa giáo được hậu thuẫn và Phật giáo bị khủng bố, đàn áp gắt gao vì thế Phật giáo giai đoạn này có xu hướng nhập thế và chấn hưng mạnh mẽ; Sau 1954, trên cả hai miền Nam Bắc, Phật giáo đều chưa có cơ hội để phát triển, nhưng sau 1990 nhờ chính sách tự do tôn giáo của Đảng và nhà nước, Phật giáo có điều kiện phát triển mạnh mẽ và dần lấy lại vị thế của mình.

Có thể nói rằng, trong hơn 20 thế kỷ qua, Phật giáo đã có một vai trò, vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc, nhất là Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc. Cả hai triều đại Lý–Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo.

Thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua Lý – Trần đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng.

Vì thế cả hai triều đại Lý – Trần đều tồn tại khá lâu. Triều Lý hơn 200 năm (1010 – 1225) và Triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400). Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Các vua thời đại Lý – Trần được thừa hưởng những thành qủa tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời biết phát huy những tinh hoa gạn lọc được từ bên ngoài biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc.  

Nhà Lý mở đầu là Lý Công Uẩn vào năm 1010 và kéo dài cho đến năm 1225, kết thúc ở đời thứ chín là Lý Chiêu Hoàng. Triều đại nhà Lý tồn tại khoảng 215 năm, với khoảng thời gian ấy đã tạo ra được bề dày lịch sử của một quốc gia phong kiến độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Các triều đại Ngô, Đinh, tiền Lê do phải tiến hành những công việc như: bảo vệ đất nước, củng cố quốc gia sau thời gian Bắc thuộc hàng ngàn năm nên chưa có điều kiện để quan tâm phát triển văn hóa, tư tưởng… Đến nhà Lý đã từng bước chủ động, tích cực xây dựng và phát triển diện mạo văn hóa, tư tưởng với một quốc gia phong kiến độc lập.

Nếu như Nho giáo là công cụ của đội quân xâm lược nên không nhận được cảm tình của dân tộc ta thì Phật giáo lại khác hơn, Phật giáo được dân tộc ta tiếp nhận một cách hòa bình, tự giác trên tinh thần thân thiện, cởi mở, vì vậy Phật giáo sớm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và cả lĩnh vực chính trị từ thời Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần…

Những vấn đề về quản lý xã hội, những phạm trù đạo đức của xã hội, của cá nhân nhằm duy trì trật tự xã hội của Nho giáo đã đáp ứng nhu cầu ổn định xã hội của triều đình phong kiến.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhu cầu về sự kiến giải vấn đề sống-chết, may-rủi, họa-phúc, vấn đề tâm linh của con người… thì Nho giáo không thể đáp ứng được.

Cho nên với nội dung tư tưởng của mình Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu đó. Trước khi Nho giáo chưa được nhà Lý chủ động sử dụng thì Phật giáo đã có ưu thế trong xã hội. Nhà chùa với nước phong kiến có quan hệ khá mật thiết, nhà chùa cung cấp cho nhà vua những trí thức Phật giáo để phục vụ chính trị, đặc biệt là trong công việc bang giao với nước khác.

Các nhà sư đều được nhà vua trọng dụng, hỏi ý kiến trong việc kiến thiết, xây dựng, củng cố, phát triển đất nước, thậm chí kể cả công việc đánh giặc để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc.

Từ thế kỷ XI cho đến khoảng hết thời nhà Lý, Phật giáo ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống xã hội nước ta, trước hết là người lập nên nhà Lý là vua Lý Công Uẩn có lý lịch xuất thân từ nhà chùa và các nhà sư là những người hậu thuẫn cho sự lên ngôi của Hoàng đế Lý Công Uẩn.

Sau đó là hàng loạt các nhà vua đi tu như Lý Thánh Tông là đời thứ nhất của phái Thảo Đường, Lý Anh Tông là đời thứ ba của phái Thảo Đường, Lý Cao Tông là đời thứ năm của phái Thảo Đường, Lý Huệ Tông. Nhìn chung, tư tưởng Phật giáo thời kỳ này ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong đời sống tinh thần của xã hội mà đến cả tình hình chính trị của dân tộc.

Tư tưởng Phật giáo thời kỳ này chủ yếu là các dòng Thiền tông như dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, dòng Vô Ngôn Thông, dòng Thảo Điền. Nhìn chung tư tưởng Phật giáo vào Việt Nam mang xu hướng nhập thế, các nhà vua đi tu nhưng vẫn luôn hướng về những vấn đề hưng vong, thịnh suy của dân tộc.

Các nhà vua đi tu, một mặt tìm sự giải thoát tinh thần, mặt khác lại quan tâm đến nhân tình thế thái, mong sự giải thoát cho nhân dân khỏi sự khổ ở đời.

Tư tưởng Phật giáo thời Lý mặc dù vẫn tôn trọng những tư tưởng Phật giáo nguyên thủy của Ấn Độ, nhưng không tách biệt đời với đạo như Phật giáo Ấn Độ, mà ngược lại gắn đạo với đời. Trong tư tưởng Phật giáo ở giai đoạn này, quan niệm sự khổ không nặng nề, bi quan, yếm thế như Phật giáo nguyên thủy.

Người ta có thể tìm thấy chuyện trai gái lên chùa mượn chiếu, mượn ấm trà để tình tự với nhau như lẽ sống thường tình. Cũng trong thời kỳ này, cùng với nền giáo dục Nho học, nhà chùa cũng trở thành nhà trường, nhà sư cũng chính là nhà giáo dục, trong môi trường ấy đã tạo ra những trí thức Phật giáo và chính họ là những nhà truyền bá tư tưởng đạo Phật trong nhân dân, cung cấp những hiểu biết về đời sống tâm linh, tinh thần ở các khía cạnh Nho giáo chưa đề cập đến.

Có thể nói rằng, Phật giáo Việt Nam giai đoạn thời Lý đã đóng một vai trò khá quan trọng trong nền giáo dục thời Lý và góp phần đào tạo ra những nhà lãnh đạo song toàn, điều này chứng tỏ nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam giai đoạn thời Lý đã thể hiện chức năng đào tạo hiệu quả, sản sinh ra những nhà trí thức có khả năng gánh vác không chỉ việc đạo mà còn cả việc nước, việc dân như: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thái Tổ… và xét trên bình diện xã hội, Phật giáo còn giáo dục con người trước sau như một, trung thành với nước, với dân.

Đến thời Lý, nền văn hóa nước ta đã có bề dày hơn 3000 năm, trong đó, sự xuất hiện của Phật giáo là khoảng 100 năm. Nền văn hóa thời Lý tuy vẫn chịu ảnh hưởng của ngàn năm Bắc thuộc nhưng cũng đã dần khẳng định tính tự tôn của nước Đại Việt mà sự đóng góp của Phật giáo là rất rõ nét, thể hiện qua những giá trị vật thể và phi vật thể, chính điều đó đã làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc.

Phật giáo thời Lý đã để lại những công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị cho dân tộc, điển hình là bốn công trình lớn là “An Nam tứ đại khí” (bốn nguyên khí trấn giữ nền độc lập của nước Nam). Trong đó: Một là: Tháp Báo Thiên, “bảo tháp Đại thắng Tự Thiên cao vài chục trượng” [1, 272] được xây dựng vào năm 1057 ở chùa Sùng Khánh.

Tháp này cao mười hai tầng, mỗi viên gạch đều khắc niên hiệu Long Thụy Thái Bình. Nhưng đến thời Hồ, ngọn tháp này đã đổ. Đến năm 1427, Lê Lợi làm cái đồn canh gác trên tháp để quan sát giặc.

Đến thời “quân xâm lược Pháp chiếm đóng Hà Nội đã bị cha cố đạo Puginier làm đơn cưỡng chiếm, lấy đất làm ngôi nhà thờ lớn Hà Nội tồn tại cho đến ngày nay. Dù thế, chùa tháp Báo Thiên từng một thời là biểu tượng của sức mạnh Đại Việt” [3, 36]. Hai là: Tượng Quỳnh Lâm được đúc bằng đồng ở chùa Quỳnh Lâm, Ba là: Chùa Phổ Minh ở Nam Định, Bốn là: Chuông Quy Điền (nghĩa là chuông không kêu, nên đặt xuống ruộng), đúc năm 1080 ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) [1, 280].

Ngoài bốn công trình trên, nhà Lý còn để lại những di tích mà hiện nay vẫn còn như Quán Trấn Vũ (1102) [1, 284], đền Hai Bà… và nhiều cung điện ở Thăng Long, những nơi này không những là địa điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục của mọi tầng lớp nhân dân mà còn thể hiện giá trị về mặt kiến trúc, mang triết lý sâu sắc mà bình dị thể hiện được tính dân tộc của Phật giáo.

Bản sắc văn hóa là nguồn gốc, là sức mạnh tinh thần vô hình tác động rất mạnh cho mọi sự phát triển, đó cũng là nét đặc thù của dân tộc.

Văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa dân tộc, chính vì vậy, việc củng cố và phát huy vài trò của Phật giáo có một ý nghĩa lớn đối với cuộc vận động “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” hiện nay.

Vì rằng, đối với tất cả người dân Việt Nam, dù có theo Phật giáo hay không đều ít nhiều hiểu tư tưởng của như triết lý nhà Phật, bởi vì đó là một phần truyền thống của cha ông, sẽ là bất khả nếu muốn nghiên cứu văn hóa Việt Nam mà không nói đến Phật giáo và ngược lại.

Hiện nay Phật giáo vẫn còn là một tác nhân tác động mạnh trong xã hội. Chúng ta dễ nhận thấy Phật giáo đã mang đến cho người Việt những ngôi chùa cổ kính, những pho tượng bề thế rải khắp xóm làng làm tăng lòng từ bi và hướng thiện của người bình dân.

Phật giáo đã đưa đến một trung tâm văn hoá làng một thời sôi động. Phật giáo cũng đã mang đến trong tâm hồn người Việt một đời sống tâm linh sâu đậm từ khi du nhập cho đến nay. Trong lịch sử, Phật giáo cũng luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc, giai đoạn thời Lý, ông cha ta đã nhận thức được tầm quan trọng của một nền văn hóa độc lập tự chủ, vì văn hóa là linh hồn của dân tộc.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển về văn hóa truyền thống và có nhiều chính sách nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị đó, tầm quan trọng của văn hóa cũng được Đảng và Nhà nước ta nhìn nhận: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” [2, 110] và đề ra chủ trương “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đây là một chủ trương kịp thời và đúng đắn, và Phật giáo với những giá trị của mình sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ này, sẽ là quá muộn nếu chúng ta không có những nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và hiện tại, cũng như không nắm vững qui luật phát triển văn hóa – xã hội ở từng thời kỳ, chính vì vậy, việc phát huy bản sắc dân tộc phải được xem là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, gia đình và của toàn xã hội.

Năm 2010, nước ta sẽ tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là hoạt động vừa hướng về nguồn cội thiêng liêng của dân tộc, nhưng đồng thời cũng là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng liên quan đến nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với việc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t.1,2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

3. Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ Lý Thánh Tông (1054) đến Trần Thánh Tông (1278), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, t.3.