Nhân kỷ niệm ngày vía Đức Phật Dược Sư – Giáo chủ cõi Phương Đông, tối ngày 29/10/Mậu Tuất ( 6/11/2018), Hàng ngàn Phật tử đang tu học tại đạo tràng chùa Tân Hải, làng Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Đêm văn nghệ, thuyết giảng lịch sử Đức Phật Dược Sư và tụng kinh Dược Sư cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn.
Như chúng ta đã biết, Đức Phật Dược Sư là một bậc giác ngộ hoàn toàn có lòng từ bi rộng lớn đối với tất cả các chúng sinh. Bản nguyện của Ngài là điều trị cho tất cả các chúng sinh thoát khỏi bệnh tật cả về cả thể chất lẫn tinh thần, cả về bệnh ở thân và bệnh ở trong tâm mỗi chúng sinh. Ngài giúp cho chúng ta hiểu được sự hận thù, sự vô minh là nguồn gốc của mọi đau khổ trong cuộc đời. Công hạnh của Đức Phật Dược Sư là rất lớn, không thể nghĩa bàn, nhưng hiện nay hầu như rất ít chùa, hay đạo tràng tổ chức kỷ niệm ngày vía của Ngài. Trước thực trạng đó, chư tăng và Phật tử chùa Tân Hải đã long trọng tổ chức thời khóa tu học kỷ niệm ngày khánh đản của Ngài (30/9 âm lịch), đồng thời đốt nén tâm hương thành kính để kính dâng lên Ngài, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Mở đầu là các tiết mục văn nghệ ca ngợi chư Phật, chư Bồ Tát, ca Ngợi công hạnh của Đức Phật Dược Sư do các văn nghệ sỹ, ca sỹ đến từ thủ đô Hà Nội trình bày, các ca khúc đã mang lại cho Phật tử một không khí tràn đầy năng lượng, hạnh phúc, an lạc như đang được ở bên thế giới Lưu Ly Phương Đông của Đức Phật Dược Sư vậy, mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống dường như đã dần tan biến.
Hàng ngàn Phật tử tham dự vía Phật Dược Sư tại chùa Tân Hải
Ngay sau các tiết mục văn nghệ đặc sắc, Đại đức Thích Quảng Hiếu – Bản tự chùa Tân Hải, trưởng BTC đại lễ đã có một thời pháp ngắn chia sẻ cho các Phật tử hiểu về lịch sử Đức Phật Dược Sư, công hạnh của Ngài và nội dung 12 lời nguyện của Đức Phật Dược Sư. Theo đó, Đức Phật Dược Sư có tên gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người ta thường gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật. Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “ Về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Đức Phật Dược Sư có thể bạt trừ bệnh khổ của tất cả các chúng sinh, có thể chiếu soi cứu độ những chỗ tăm tối si mê. Ngài hiện đang là giáo chủ thế giới Lưu Ly ở phương Đông cùng, bên cạnh Ngài là 2 vị Đại Bồ tát: Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát làm quyến thuộc để hóa độ chúng sinh.
Bản nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử khổ đau. Vì Đức Phật Dược Sư có bản nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.
Theo giáo lý của Đức Phật Thích Ca, có bảy ứng hóa thân khác nhau của Đức Phật Dược Sư, danh hiệu của các Ngài là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như lai và Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Mỗi Đức Phật đều trụ ở phương Đông cách thế giới Ta Bà từ bốn đến mười hằng hà sa thế giới.
Sau thời pháp thoại, giúp cho các Phật tử hiểu hơn về lịch sử, cũng như 12 đại nguyện của Đức Phật Dược sư, toàn thể đại chúng đã tụng kinh Dược Sư cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Đại đức Thích Quảng Hiếu điều hành buổi lễ
Văn nghệ chào mừng
Phật tử hào hứng tham gia chương trình văn nghệ
Đại đức Thích Quảng Hiếu thuyết giảng tại buổi lễ
Phật tử trang nghiêm, thành kính tụng kinh Dược Sư
Thành Trung