“Mẹ ơi”. Tiếng gọi vang đến với chị từ nơi xa xăm nhưng rất đỗi thân quen. Chị cố gắng mở mắt. Ánh sáng, ngập tràn một màu sáng trắng, mùi ê te, tiếng dao kéo, dụng cụ y tế khua loảng xoảng. “Bác sĩ ơi, mẹ con tỉnh lại rồi”. Người con gái reo lên mừng rỡ, rồi cô bé gục đầu xuống bên mẹ. Chị cố giơ đôi bàn tay gầy guộc sau nhiều ngày hôn mê sâu vuốt lên mái tóc con gái. Những giọt nước mắt nóng ấm của con thấm ướt vào da thịt chị. Tội nghiệp cho con quá.
Chị bị viêm gan siêu vi C từ lâu mà không hay, đến khi biết được thì bệnh đã nặng và chuyển sang ung thư gan. Còn hai tuần cuối ôn luyện môn tiếng Anh cho các học sinh chuẩn bị thi hết cấp, nhưng chị được bác sĩ khuyến cáo nên nghỉ dạy nhưng chị thương học sinh của mình. Và thế rồi chị cố ráng sức.
Một hôm trên bục giảng, chị bất tỉnh. khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu bệnh của chị đã trở nặng, chị chìm trong những cơn hôn mê sâu. Những lúc mê, lúc tỉnh, chị chẳng ân hận hay hối tiếc điều gì. điều khiến chị day dứt là không nỡ để con gái, mới học lớp 9, mồ côi mẹ. Chị chỉ muốn được thấy con gái trưởng thành, lấy được tấm chồng tử tế rồi có nhắm mắt chị cũng an lòng.
“Mẹ ơi, hôm nay bác sĩ nói mẹ có thể ăn được xúp rồi, mẹ ráng ăn đi mẹ”. Cô gái rót ra từ chiếc bình thủy một chén xúp nhỏ, mùi thơm của xúp rau các loại lan tỏa. Cô nhẹ nhàng đút cho mẹ từng muỗng, niềm vui ánh lên trên khuôn mặt gầy guộc của cô.
Khi những cơn mưa ngâu kéo dài phủ xuống đất trời, chính là lúc nhắc nhở cô hãy làm một điều gì đó để tặng mẹ nhân mùa Vu lan báo hiếu.
Tình thương của những người mẹ VN luôn sâu lắng và bình dị. Ảnh: Web Sức Khỏe
Tại quán cà phê nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 – TPHCM, là nơi mang đậm dấu ấn với nhiều hình ảnh một thời của học sinh, sinh viên Sài Gòn những năm 1960-1973, một cuộc gặp gỡ thân mật đã diễn ra. cuộc gặp gỡ thật ấm cúng khi có mặt kỳ nữ Kim Cương và đặc biệt là sự có mặt của giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê, ông đến đây thể theo lời mời chân thành của mẹ cô.
Ông đến đây vì khâm phục bản lĩnh, sự hy sinh và nghị lực mà mẹ cô đã chống chọi và vượt lên sau cơn bạo bệnh. Ông đã nói về tháng Vu lan, mùa báo hiếu; về đạo lý “uống nước nhớ nguồn, thờ cha kính mẹ”.
Đặc biệt ông nói về sự tích “bông hồng cài áo, rằng chỉ với 3 màu: màu đỏ cho những ai còn cả cha lẫn mẹ, màu hồng cho những ai đã mất mẹ và màu trắng cho những ai mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những hình ảnh đó thật đơn giản nhưng lại rất độc đáo và rất riêng của dân tộc Việt Nam …”. Ông nói thêm: “Thật hạnh phúc cho ai còn có cả cha và mẹ, để được chăm sóc… những việc làm này giúp con người tìm được lẽ sống trong cuộc đời”.
Ban tổ chức mời cô lên hát một bài tặng mẹ. Cô đã chọn bài Mẹ yêu sáng tác của nhạc sĩ Phương Uyên. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xinh xắn của cô. Phải cố gắng lắm cô mới hát hết được bài hát mà mỗi câu từ đều chứa đựng cả tâm trạng, cảnh ngộ và niềm xúc động của cô trong đó. Cô xin ban tổ chức vài phút để nói với mẹ những điều mà cô ấp ủ từ lâu: “Mẹ ơi, sau những ngày mẹ bị bạo bệnh con mới biết mẹ đã hy sinh cho con thật nhiều.
Trước đây, có những lúc con không nghe lời mẹ, cãi lại mẹ, bây giờ thì con đã biết là con sai rồi. mẹ luôn mong những điều tốt lành đến cho con, mẹ luôn hy sinh tất cả cho con mà con nào có hay… Mẹ sưởi ấm cho tâm hồn con. mẹ yêu, mẹ đừng mãi ra đi để con mồ côi. ôi mẹ yêu… Đối với con mẹ là tất cả. Mẹ ơi, con cần có mẹ biết chừng nào”…