Điều đáng nói đây không phải chỉ là chuyện ở Hải Phòng. Nhiều chùa ở nhiều địa phương cũng làm việc tương tự này. Chùa đất hẹp thì chôn ít mộ, nhưng giá tất nhiên cao ngất trời. Cả những ngôi chùa ở ngoại thành các thành phố lớn cũng có hiện tượng nghĩa trang hóa này.
Khâu đầu tiên trong quá trình là đặt quan tài trong chùa (có thể bán, có thể làm từ thiện) như chúng tôi đã có dịp lên tiếng trong bài viết trước đây. Người viếng ngôi chùa đầy quan tài ở xã Thanh Phú, Huyện Bến Lức, tỉnh Long An được nói đến khi đó, cho biết bây giờ nhà để quan tài vẫn ở ngay mặt tiền chùa, mở rộng cửa, như “show” số quan tài ở trong. Bây giờ đến những ngôi chùa “show” những ngôi mộ bằng hình thức mộ tháp (theo tin đăng lại trên Phattuvietnam.net thì giá sử dụng lên đến 400 triệu đồng, ngang với giá một ngôi nhà khang trang).
Hệ quả “thương mại hóa các hoạt động nhà chùa”, mất đi sự tôn nghiêm cửa Phật”, “tạo ra sự lộn xộn”… đã được các cấp lãnh đạo chính quyền và Giáo hội đề cập, các ý kiến đóng góp đã trình bày nhiều mặt của vấn đề, vì vậy, ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh chung nhất, là tử khí hóa nhà chùa.
Thật không hay nếu tách rời nhà chùa khỏi hoạt động chung sự, hộ niệm. Vấn đề cần làm như thế nào đó để trong qúa trình đó không diễn ra vấn đề “tử khí hóa”.
Đến chùa mà cứ thấy quan tài, mồ mả thì còn khách nào hứng thú để đến nữa, trừ thân nhân của người chết mỗi năm viếng mộ vài lần. Tất cả các nghĩa trang đều có không khí lạnh lẽo, chính cái không khí lạnh lẽo đó lại là nguyên nhân để những nơi đó lạnh lẽo hơn. Ấy thế mà cái không khí đó đang từng ngày, từng tháng lan tỏa trên những ngôi chùa. Điều đó trực tiếp cô lập các ngôi chùa, đưa các cơ sở Phật giáo trở nên ngày càng hoang lạnh như nghĩa trang.
Mô hình chùa – nhà đòn – nghĩa trang, nhìn từ Phân tâm học, là hết sức tai hại cho Phật giáo. Cho dù không sợ ma, nhưng tử khí toát ra từ những biểu tượng chết choc như quan tài mồ mả sẽ hình thành trong tiềm thức mọi người thái độ lo sợ, xa lánh, thậm chí có cả vấn đề vệ sinh môi trường. Dùng một bữa cơm chay trong chùa, mà ngay cạnh mâm cơm là nghĩa trang, quan quách, thì thí chủ mấy ai có thể thụ hưởng được bữa cơm chay một cách ngon lành?
Những biểu tượng chết chóc tác động lên người đi chùa mà có thể họ không hay biết. Người Phật tử có thể không muốn đến chùa nữa, có cảm giác ngao ngán xa lánh, mà không ý thức rõ là do đâu. Hàng tỷ đồng thu được từ chuyện bán đất, bán quan tài hôm nay, có bù được thiệt hại cho Phật giáo do việc tử khí hóa các ngôi chùa gây nên?
Lâu dài, ngôi chùa trở thành một thứ từ đường cho nghĩa trang, và như thế chùa chấm dứt sứ mạng hoằng pháp trở thành một cơ sở phục vụ chỉ riêng cho nghĩa địa.
Nói cách khác, tử khí sẽ làm ngôi chùa “chết” dần. Tử khí càng nhiều, tất sinh khí ngày càng ít đi. Tử khí hóa nhà chùa chính là rút máu của Phật giáo…
Như vậy, vấn đề ở chỗ tử khí hóa, chứ không phải nằm ở chỗ nhà chùa tham gia vào chung sự. Yêu cầu sống còn và phát triển Phật giáo cần tách biệt đến mức triệt tiêu tử khí ảnh hưởng đến nhà chùa từ hoạt động chung sự. Tức là cần phá vỡ mô hình “chùa – nhà đòn – nghĩa địa”.
Thật ngạc nhiên khi một trong những ý kiến đóng góp cho Hải Phòng bán đất chùa làm nghĩa trang có cho biết chùa Hoằng pháp, Hóc Môn, TPHCM, có nghĩa trang. Chúng tôi đã đến đó nhiều lần nhưng không hề có cảm nhận gì về tử khí, mà ở đó sinh khí tràn trề. Hỏi ra thì mới biết chùa có nghĩa trang thật nhưng tách biệt hoàn toàn với nhà chùa, khách đến chùa hoàn toàn không thấy mồ mả. Đây là một mô hình phá vỡ mô hình “chùa – nhà đòn – nghĩa địa”. Nghĩa địa tuy còn, mà không thấy nữa.
Làm điều này tức là phải đảo ngược quá trình đang diễn ra ở một số ngôi chùa như hiện nay, là đưa những biểu tượng tử khí như biểu tượng hoạt động của nhà chùa, được nói đến như là hoạt động từ thiện (trường hợp chùa ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Tỉnh Long An bày quan tài trước cửa chùa), hay bán đất để xây chùa (như ở Hải Phòng).
Đại đức Thích Tục Khang, Ủy viên Văn hóa Trung Ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chánh thư ký Thành hội Phật giáo Hải Phòng cho rằng: việc bán đất để xây chùa “chỉ là những lời ngụy biện” là hết sức chính xác. Đây quả là một pháp nạn, ma chướng trong cửa chùa! Chùa có nguy nga, nhưng âm khí tử khí bao quanh thì còn ai mà đến. Chùa nguy nga giữa mồ mả quan tài thì cũng chẳng để làm gì. Không khó để đoán biết số phận những ngôi chùa nguy nga đó.
Chùa vẫn có thể xây dựng nghĩa trang, nhưng phải xa chùa, ít nhất là tách biệt hoàn toàn với chùa. Cơ sở của các tôn giáo khác vẫn làm thế, “đất thánh” của họ rất rộng nhiều mồ mả, nhưng không bao giờ để tử khí vấy nhiễm lên cơ sở thờ phượng. Như vậy, sẽ được cả đôi đàng: Tôn giáo vừa giữ vai trò lo cho người chết nhưng không làm ảnh hưởng sinh khí tôn giáo.
MT