Tôi trở về chùa sau gần một tháng nằm viện. Trở về chùa, trở lại nơi thiết thân nhất của mình, người chợt nhẹ hẳn đi.
Giàn mướp ngoài kia đã kết đầy trái, non tơ và xanh mướt. Có đi đâu đó xa trở về, mới thấy ngôi chùa và khu vườn này đáng trân quý biết chừng nào.
Tôi vẫn phải nằm suốt ngày vì chưa thể ngồi lâu được. Quảng mang lên đặt ở bàn một tấm hình chụp chúng tôi hồi còn nhỏ. Tôi hỏi để làm gì thì chú ta bảo “dấu ấn quá khứ, coi lại cho vui!” Tôi nói “quá khứ không truy tìm” thì chú ta bảo “rứa thì đem nó đi đốt hỉ.”
Tôi không nhớ rõ tấm hình này được chụp từ khi nào, hình như lúc Quảng mới vào tu, bởi vì trông cái chỏm tóc còn rất ngắn, cười thì toe toét bày cả mấy cái răng sún. Hồi đó hình như anh Tâm đã học lớp 9. Anh Tâm lúc nào trông cũng già trước tuổi. Đây là một trong những tấm hình hiếm hoi ghi lại dấu ấn thời chúng tôi còn thơ dại. Xuề xoà như Quảng vẫn lưu tâm giữ lấy những tấm hình xưa cũ thế này! Tôi thì chẳng bao giờ muốn lưu giữ một thứ gì của tuổi thơ cả!
– Ba đứa này rồi ai sẽ về với Phật trước tiên? Tôi nhìn tấm hình, buột miệng.
Quảng đang lau bàn, dừng tay lại nhìn sang chỗ tôi nằm, ngẫm nghĩ một lát, hỏi:
– Anh có thấy khoẻ lên chút nào không?
Tôi biết câu nói của tôi khiến Quảng sợ. Quảng đã nghe những trao đổi giữa thầy tôi và bác sĩ về bệnh tình của tôi, linh cảm về một điều gì đó không lành sớm sẽ xảy ra với tôi.
Tôi có niềm tin kiên định vào Phật. Tôi biết đức Phật không phải thần linh có thể đem đến cho người ta những phước lành nào đó, nhưng tôi tin vào năng lượng từ bi của ngài, và tôi tin vào những lời dạy của ngài về sự sống và cái chết, về những gì đã là quy luật của cuộc đời này. Tôi có đủ niềm tin để không trở thành bi quan; tôi có niềm tin để sống yên ổn với mệnh sống đang rút ngắn từng ngày!
Quảng đã tốt nghiệp 12, nhưng từ bỏ ý định thi vào đại học vì do tôi bệnh. Thầy tôi sai Quảng chăm sóc tôi, và ông cũng dành nhiều thời gian ở chùa hơn, không còn đi cúng xa nhiều như trước. Từ ngày anh Tâm đi học lại, rồi tôi bệnh, thầy tôi trở nên nhiều nghĩ ngợi. Chúng tôi là đệ tử của thầy, nhưng cũng như những đứa con. Không phải lúc nào những đệ tử cùng làm vui lòng thầy, và không phải lúc nào thầy cũng đáp ứng được nguyện vọng của các đệ tử, nhưng tình cảm thầy trò vẫn là điều gì đó rất thiêng liêng.
– Anh Nguyên, có internet thật tiện lợi đó nghe. Quảng bắt đầu đề cập đến chuyện kết nối internet của chú ta.
– Tiện lợi thế nào?
– Bây giờ ở tại ngôi chùa quê này, nhưng qua internet mình biết được mọi chuyện xảy ra ở các thành thị lớn, cả những chuyện bên Tàu, bên Tây.
– Chú nói thế nào mà Thầy cho kết nối internet hay vậy?
– Thuyết phục được Thầy khó lắm. Thầy cứ bảo lãng phí, không cần thiết, mất thì giờ, ảnh hưởng không tốt đến tu học. Em nói, có internet sẽ có nhiều điều lợi ích, như ở đây mình có thể biết ở đâu sắp khai giảng lớp Trung cấp Phật học, ở đâu sắp có giới đàn, ở đâu sắp có những khoá tu học sẽ được tổ chức… Em nói nhiều điều khác nữa, Thầy làm thinh, biết là thầy đã chịu nên nhờ đứa bạn hồi trước học chung liên hệ và kết nối giúp.
– Chú có tài thuyết phục thiệt. Giỏi!
– Thầy phải chìu em thôi. Đó là em chưa nói đến chuyện bỏ chùa về nhà đó nghe. Hồi trước mỗi lần bị thầy rầy la chuyện gì, em nói sẽ không tu nữa, về nhà, là thầy không rầy nữa. Kế sách này xem ra thật tuyệt vời, hỉ?
– Vậy thì có gì hay ho chớ! Hành xử với thầy của mình như vậy có nên không?
– Nhưng mà chùa này có ai thương Thầy bằng em. Anh Tâm thì lầm lì, mọi việc Thầy làm bằng lòng hay không luôn cứ ngậm thinh, không bao giờ chịu lắng nghe hay chia sẽ với Thầy điều gì. Anh thì có thương Thầy thật, nhưng mà có bao giờ giúp thầy được một việc gì ra trò, phải không? Rốt cuộc em vẫn là người thương Thầy nhất thôi, gần gũi thầy, giúp thầy nhiều việc.
Tôi thích cách nói chuyện của Quảng, nó chân chất và vô tư.
– Vậy trong thực tế chú thấy kết nối internet có ích không? Tôi quay lại đề tài internet.
– Có ích chứ. Bây giờ ngồi ở đây em biết được rất nhiều điều, nhưng… có điều những thứ này chắc không giúp ích gì cho việc tu tập cả. Hôm trước em kể với Thầy một vài chuyện và Thầy nói với em như vậy… Ngay cả việc em kể về những ngôi chùa to lớn có nhiều kỷ lục vừa mới được xây dựng, Thầy nói to lớn để mà làm chi, những thông tin như vậy không ích gì cả. Thầy mình hình như bảo thủ quá, anh Nguyên hỉ?
– Thầy thấy những điều đó không cần thiết với việc tu học thì Thầy nói chúng không cần thiết. Còn mình muốn biết thêm những gì đang xảy ra xung quanh mình thì mình cứ tìm hiểu. Nói Thầy bảo thủ thì không nên. Mà ngôi chùa to lớn chú vừa nói ở đâu vậy?
Rồi Quảng huyên thuyên kể về ngôi chùa, từ chủ đầu tư, kinh phí và các hạng mục công trình. Nhưng con số, những hạng mục xây dựng được kể ra đều khiến người nghe choáng ngợp. Và Quảng kể thêm rằng có công ty sách nào đó đã “tặng không” cho ngôi chùa này cả tá kỷ lục.
– Chắc tại ngôi chùa đó tăng chúng tu học đông lắm hỉ? Tôi hỏi.
– Đâu có! Hình như là có thầy nào đó đứng tên trụ trì, nhưng tăng chúng thì không có mấy người cả.
– Ủa, vậy chớ người ta xây dựng chùa to lớn như rứa để làm chi?
– Nghe nói để làm cơ sở du lịch tâm linh và để hộ quốc an dân gì đó.
– Xây chùa để hộ quốc an dân là nghĩa thế nào?
– Em thì nghe sao nói lại vậy chứ đâu hiểu nó có nghĩa thế nào. Nó là công việc thượng tầng, là vĩ mô, mình răng biết được. Mình suốt ngày luẩn quẩn trong chùa, cả năm không biết thị xã của tỉnh đen đỏ thế nào, làm răng biết được những chuyện cao xa…. Em ước một lần Thầy cho đến đó tham quan, cho biết.
– Chú lớn rồi, muốn thì xin Thầy mà đi, có chi phải ước ao nhỉ. Cứ ra tham quan cho biết, xem người ta xây chùa bằng gạch hay bằng đồng, Phật tử đến chùa lạy Phật hay lạy Mẫu, người ở trong chùa là tăng hay tục… Mấy cái đó chắc không phải thượng tầng, vĩ mô; những điều có thể nhìn thấy và biết ngay được.
Hôm anh Tâm còn ở chùa, tôi nghe anh kể về trường đại học Nalanda gì đó ở bên Ấn Độ. Đó là một trường đại học cổ xưa và quy mô nhất của Phật giáo, được hình thành và tồn tại gần mười thế kỷ. Nó là một đại học lớn, từ vấn về cơ sở cho đến việc đào tạo giảng dạy. Một Đại học được phát triển lên từ một ngôi chùa, có thiền đường, cư xá, giảng đường đủ cho mười ngàn sinh viên và hai ngàn giáo sư nội trú. Nhưng chỉ cần vài trăm tên lính Hồi giáo thiện chiến cầm gươm, đã phút chóc san bằng và thiêu rụi đại học này. Nhưng cũng may trước đó Đại học Nalanda đã đào tạo nên nhiều bậc thầy và những vị này đã mang đạo Phật đến nhiều nơi khác nhau nên khi Phật giáo bị khủng bố tại đó nó vẫn còn sống tại những nơi khác. Nghe nói rằng khi Nalanda bị thiêu đốt, một số tăng sĩ đã mang kinh sách đến Tây Tạng; và may mắn thay Tây tạng là một xứ sở Phật giáo có liên hệ mất thiết với Nalanda, chứ Tây Tạng mà xứ sở Hồi giáo thì ôi thôi…
Tôi cảm thấy đau nhói ở ngực nên quay người vào trong vách. Những cơn đau vẫn đến bất chợt như thế này. Quảng thì không để ý đến, vẫn huyên thuyên kể, nói rằng sẽ có thêm những ngôi chùa to lớn khác sắp được xây dựng trong tương lai. Chú ta nói rằng có được những ngôi chùa đồ sộ như vậy thật thích, chứ toàn những ngôi chùa lẹt đẹt như chùa mình thì cũng buồn lắm, ai mà biết đến ai mà viếng thăm. Kể một thôi một hồi, thấy tôi làm thinh, nghĩ là tôi đã chán nghe chuyện chùa hoành tráng kỷ lục nên chú ta bắt qua chuyện khác.
– Em tin là bệnh của anh rồi sẽ sớm qua khỏi thôi. Khi anh lành bệnh em sẽ đi học. Dù ở ngôi chùa quê hẻo lánh như thế này, nhưng có học vẫn hơn, anh Nguyên hỉ? Thầy thì bảo thành Phật thành Tổ không phải nhờ vào sự học, nhưng mà cỡ mình, nếu không học thì người còn chưa thành nói đến thành chi. Anh thấy em nói có lý không?
– Chú tìm Thầy mà hỏi. Hỏi tui thì giống như hỏi cục đất, biết chi mà trả lời có lý hay không có lý.
– Tạm thời chấp nhận nó có lý đi để còn nói chuyện tiếp chớ…. Chắc em sẽ thi vào một trường đại học nào đó, như đại học Luật chẳng hạn.
Nghe đến câu này, sự ngạc nhiên khiến tôi quên mất cơn đau, xoay người trở lại, tôi hỏi:
– Chú mới nói cái chi vậy? Định học Luật để sau này đi làm thầy cãi à? Học Phật mà Thầy còn bảo không thể thành Phật thành Tổ, không biết chú định học cái đó vì muốn trở thành ông gì, luật sư chắc?
– Mới giả dụ vậy thôi, đã đi học đâu…
Im lặng một lát, Quảng nói tiếp:
– Em thật không thích học ở Học viện Phật giáo chút nào cả. Bây giờ học ở Học viện Phật giáo cũng phải nộp học phí. Thi đỗ vào Học viện nhiều khi không tìm ra chỗ ở để mà đi học. Sư phụ mình có quen biết ai ở đó đâu mà gởi gắm. Nhớ hồi anh Tâm vào Sài Gòn học, suốt cả tháng vẫn không tìm ra được một ngôi chùa để mà trú chân. Nhiều người học tại Học viện Phật giáo nhưng phải ở nhà trọ vì không có sự trợ giúp về vấn đề lưu trú.
– Uả, không phải rằng Học viện đã có cư xá cho tăng ni sinh lưu trú à?
– Anh đúng là không biết chi hết! Anh không nhớ hồi trước anh Tâm tìm không ra chỗ ở, điện về Thầy xin trợ giúp thì Thầy bảo không tìm được chỗ ở thì về chùa à?
– Vậy sao Học viện không xây cư xá cho tăng ni sinh?
– Có thể có khó khăn về mặt tài chính.
– Vậy sao hồi nãy chú nói đến chuyện xây chùa hàng trăm tỷ.
– Anh buồn cười thiệt. Việc chi phải ra việc đó chớ. Xây chùa là xây chùa, học viện là học viện.
– Chú ni nói giống thiền “công án” quá hè (cười)! Vậy chứ Học viện và mấy ngôi chùa kỷ lục kia không cùng hệ thống, không thuộc một tổ chức à? Nếu khác tổ chức thì thôi không nói làm chi (mà ai cho phép khác tổ chức!). Còn nếu là một thì sao người ta không trích một phần trăm từ mấy ngôi chùa kỷ lục kia để xây dựng cư xá cho tăng ni sinh, để ít ra sau này những ngôi chùa to lớn đồ sộ kia còn có kẻ về quét bụi?
– Em làm sao biết được mấy chuyện đó. Mà các ngôi chùa to lớn kia không cần đến mình quét bụi đâu…
Quảng cười và tiếp:
– Có lẽ người ta nghĩ xây chùa kỷ lục thì quan trọng nhất trọng việc phát triển Phật giáo hiện nay chăng? Hay là nó có một chiến lược mang tầm vĩ mô nào đó mà mình không đủ sức để biết?
Tôi nghe Quảng hỏi mà tự nhiên bối rối. Câu hỏi này chắc phải tìm Phật để xin câu trả lời mới được. Rồi tôi nhìn lên bức ảnh Phật treo ở trên vách, và trên kia… đức Phật đã cười!